Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

KHẢO CỔ HỌC: CHIẾC THẠP ĐỒNG ĐÔNG SƠN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TRIỆU ĐÀ

Chiếc thạp đồng Đông Sơn có liên quan đến Triệu Đà


(Tamnhin.net) - Chúng tôi đã theo đuổi chiếc thạp đẹp này từ gần chục năm nay. Người sưu tầm được chúng là một nhà sưu tầm Việt kiều Pháp. Hiện tại chiếc thạp thuộc về Bảo tàng Barbier-Mueller (Geneva - Thuỵ Sĩ).



Tôi được mời sang thăm Bảo tàng năm 2001 và hân hạnh được ông Jean-Paul Barbier-Mueller, một nhà nhân học đồng thời là chủ nhân Bảo tàng trực tiếp giới thiệu sưu tập thạp đồng quý giá của ông. Xin mở ngoặc để giới thiệu, chính ông cũng là người đã sưu tầm chiếc trống Đông Sơn vào loại lớn nhất (đường kính mặt 158 cm) tại Indonesia và khi Bảo tàng Nhân học ở Quai Branly (Paris) thành lập, ông đã tặng nó cho Bảo tàng này, và hiện nó được trưng bầy ở vị trí trang trọng nhất mở đầu cho phần trưng bày về Đông Nam Á. 

Chiếc thạp tôi muốn nói tới mang ký hiệu BMM-2505-29, cao 42cm, nặng 11,500 kg (không kể phần nắp đã mất), thuộc loại thạp có vành gờ miệng đậy nắp đồng. Thạp có đôi quai hình chữ U ngược trang trí bện thừng và hoa văn nổi hình chữ S rất tinh tế. Ở giữa mỗi quai hình chữ U ngược là một quai vành khuyên bốn ngấn. Cụm quai này tạo bởi khuôn rời nên đã làm hỏng phần băng hoa văn phức hợp gồm hai băng chấm rải, hai băng răng cưa bọc lấy đồ án chính là băng hình chữ S nằm biến thể thành dạng ô trám.

 
Thạp đồng Đông Sơn mang ký hiệu BMM-2505-29

Chính giữa thân thạp là băng gồm 4 hình thuyền chiến với kiểu tạo hoa văn in chìm rất giống thạp Hợp Minh (Yên Bái) và mộ Việt Vương (Văn Đế Triệu Muội) ở Quảng Châu. Đây là những thuyền chiến chở chiến binh mang rìu chiến kiểu gót hài, có lầu với người đứng bắn cung nỏ ở trên và đồ đồng lớn bên dưới, có trống trụ ở giữa thuyền, nơi thường trói một tù binh quay mặt ngược với chiến binh. Điều đáng nói nhất là sự thể hiện rất rõ nét hình tượng tù binh bị trói gập cánh khuỷu và chiến binh Đông Sơn tay cầm đầu lâu cũng như đầu lâu treo trước mũi thuyền – cái mà một số nhà nghiên cứu đã từng lầm tưởng là mái chèo mũi thuyền trên một số trống đồng. Gần sát đáy là băng phức hợp được tạo bởi năm băng gồm hai chấm rải, hai vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa bọc lấy băng rộng trơn không có hình. 

Giá trị nhất của chiếc thạp còn là một dòng gồm 22 chữ Hán chạy song song ở phần trống gần sát gờ miệng. Chính đây là cơ sở để chúng tôi nêu giả thuyết về chủ nhân chiếc thạp có thể là Triệu Đà, người sáng lập triều đình Nam Việt vào cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Những dòng chữ này đã được tôi dịch và giới thiệu trên tạp chí Khảo cổ học (số 5-2007), khi đó chữ thứ hai trong số 22 chữ này vẫn còn để trống. Gần đây, trong khi tiếp tục theo đuổi giải nghĩa chữ này, tôi đã nhận thấy tự dạng chữ này khá gần với chữ „Xoang“, và hai chữ đầu chỉ địa danh của 22 chữ trên miệng thạp có thể đọc là „Long Xoang“. 

          Toàn bộ 22 chữ trên thạp BMM2505-29 có thể phục hồi như sau: 

龍 xoang  重 六 (衡)  名 曰 果  第 未 五 十 二  容 一 廿 一 斗 七 升 半 升

(Phiên âm Hán Việt : Long Xoang trọng lục hoành danh viết quả đề vị ngũ thập nhị dung nhất trấp nhất đấu thất thăng bán thăng. Dịch nghĩa : Thạp Long Xuyên, nặng sáu hoành, tên gọi là “Quả”, là đồ vật thứ 52,  chứa được 21 đấu bảy thăng rưỡi)

 

Chi tiết một số minh văn khắc trên vành miệng thạp “Long Xoang” 

Dưới đây, tôi trình bày một số cơ sở làm chỗ dựa cho việc dự đoán mối quan hệ giữa chiếc thạp này với Triệu Đà. 

Thứ nhất là sự gần gũi giữa chiếc thạp này với chiếc thạp trong mộ Việt vương Văn đế Triệu Muội ở Quảng Châu. Triệu Muội là con của Thái tử Thủy (Trọng Thủy), tức là cháu ruột của Triệu Đà, lên ngôi khi Triệu Đà mất năm 138 tr.Cn. Triệu Muội mất vào năm 122 tr.Cn. Vì lý do nào đó, hai tai quai hình chữ U lộn ngược của thạp Triệu Muội bị cắt cụt một nửa đều nhau. Về kích thước, trang trí và cấu trúc có thể thấy hai thạp này như hai anh em sinh đôi (chiều cao chỉ chênh nhau 1 cm). Sự giống nhau ở cả những chi tiết cấu trúc các vành hoa văn và nhất là ở nội dung và kiểu thể hiện băng thuyền người ở giữa thân thạp. So sánh chi tiết hai thạp đã cho phép nghĩ rằng chúng được làm ra từ hai khuôn đúc khác nhau nhưng cùng một lúc trong cùng một xưởng bởi cùng một người thợ cả.

Thứ hai, chữ Long Xoang trên thạp BMM-2505-29 có thể là cách ghi âm bằng chữ Hán tên huyện Long Xuyên, nơi Triệu Đà làm huyện lệnh  trước khi thay Nhâm Ngao làm Hiệu Uý quản Nam Hải rồi lập nước Nam Việt. Nhiều khả năng chiếc thạp này (cũng như thạp Triệu Muội) được đúc trong những năm khi Triệu Đà mới cùng quân Tần xuống cai quản vùng huyện Long Xuyên của quận Nam Hải (trong khoảng từ năm 214 trước Công nguyên, khi nhà Tần bình xong Dương Việt đến năm 209 trước Công nguyên, khi Triệu Đà rời Long Xuyên về Phiên Ngung thay Nhâm Ngao). Khoảng thời gian này Triệu Đà là người Hoa Hạ vừa mới xuống vùng Bách Việt nên mới có dòng chữ :“Danh Viết Quả“ ( 名 曰 果 ). – Tên (thạp) gọi là Quả nhằm ghi tiếng địa phương dùng để gọi chiếc thạp.Chiếc thạp trong mộ Triệu Muội có thể là do Triệu Đà ban tặng.

Đơn vị đo lường thạch, thăng, đấu ... trên thạp BMM 2505-29 hoàn toàn giống đơn vị đo lường Nam Việt thể hiện trên minh văn đồ đồng khai quật trong các mộ đương thời. 

Chủ nhân chiếc thạp BMM 2505-29 phải là người rất giàu có. Chiếc thạp này có dòng ghi số hiệu :“Đệ vị ngũ thập nhị“( 第 未 五 十 二 ), tức là đồ vật đứng thứ 52. Cách ghi này tương tự cách thống kê đồ vật tuỳ táng trong mộ một huyện lệnh người Hán khác đương thời ở Quý Huyện – La Bạc Loan và mộ Nam Việt Văn Đế Triệu Muội.

Triệu Đà và quan lại người Hán ở nước Nam Việt chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn hoá Việt. Bản thân ông lấy vợ người Việt (hiện có đền thờ phu nhân người Việt của Triệu Vũ Đế ở Đồng Xâm, Kiến Xương, Thái Bình). Các con, cháu, chắt của ông cũng đa phần lấy vợ người Việt. Trống đồng, thạp đồng là những báu vật Đông Sơn được chôn theo trong mộ vua quan nước Nam Việt.

 
Hoa văn thuyền chiến trang trí trên thạp “Long Xoang”

Có một vấn đề thú vị đặt ra là nơi phát hiện chiếc thạp này. Theo thông tin từ những người sưu tầm, thạp này đào được ở vùng Thanh Hóa. Không có lý gì mộ táng Triệu Đà lại ở Thanh Hóa. Theo sử cũ thì khi chết Triệu Đà được chôn ở Phiên Ngung (Quảng Châu hiện nay). Nhờ sự chỉ dẫn của những người sưu tầm, tháng 11 năm 2010, tôi đã đến tận nơi đã khai quật được chiếc thạp này, đó là vùng Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây đã từng phát hiện được khá nhiều thạp đồng, trong đó có chiếc thạp lớn, trang trí đẹp, tương tự như chiếc thạp của Triệu Đà, hiện đang bày tại Bảo tàng Thanh Hóa. Xuân Lập nổi tiếng là vùng đất lưu giữ rất nhiều đồ đồng Đông Sơn quý giá. Theo chúng tôi, đây là một căn cứ của các thủ lĩnh Âu Lạc trên đường rút khỏi lưu vực sông Hồng do sức ép của quân Nam Việt. 

Nhưng tại sao thạp Triệu Đà lại lọt vào tay các thủ lĩnh Âu Lạc.  Quan hệ giữa Triệu Đà và nước Âu Lạc đã được sử gia Tư Mã Thiên, người được sinh ra gần như cùng thời với đoạn cuối của nước Nam Việt, ghi chép trong cuốn Sử Ký nổi tiếng của ông. Trong đó, đoạn nói về việc Triệu Đà thu phục Âu Lạc có câu : Triệu Đà dùng của cải áp phục Tây Âu Lạc. Như vậy, rất có thể để mở rộng đế chế Nam Việt nhằm đối phó với Lữ Hậu nhà Tây Hán, Triệu Đà đã phải đem một số tài sản, của cải để thu phục các thủ lĩnh Âu Lạc. Chiếc thạp “Long Xoang” nói trên có thể là một trong số đồ vật quý giá đã được Triệu Đà sử dụng cho mục đích đó. Sự kiện này phải diễn ra trước năm 179 trước Công nguyên là thời điểm được coi như Triệu Đà đã sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Sau này, khi phải rút khỏi thành Cổ Loa, chiếc thạp này  đã theo chân các thủ lĩnh Âu Lạc chạy về phía Nam và nằm lại ở đất Xuân Lập.    

 Lan Việt
Nguồn: Tầm Nhìn.net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét