Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Thứ Sáu, 23/12/2011-10:36 AM) Kiểm lâm phá rừng Pù Huống


Ngày 20-9-2007, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, rộng 50.075 ha, nằm trên địa bàn các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông tỉnh Nghệ An. Có 665 loài thực vật bậc cao, trong đó có 43 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt ở đây có nhiều gỗ pơ-mu, chò chỉ, táu mật, dổi. Ban Quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được thành lập ngày 25-10-2002, nhưng rừng ở đây đang bị tàn phá nghiêm trọng...

“Cháy nhà ra mặt chuột”...
Vào lúc gần 4 giờ sáng ngày 7-12-2011, chiếc xe ô-tô biển số 37V-3851 do Vương Đình Hạnh điều khiển chở trên 7 mét khối gỗ trai, loại gỗ quý, nghiêm cấm khai thác, chạy từ xã Chiêng My, huyện Tương Dương về thị trấn Quỳ Hợp, do trời mưa to, đường trơn đến dốc Pù Huột, bản Tông, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông bị lật, gỗ đè chết bảy người tại chỗ, ba người chết trên đường đi cấp cứu, bốn người bị thương nặng. Nhận được tin vụ tai nạn xảy ra, UBND xã Bình Chuẩn huy động công an và dân ra bốc gỗ. Mãi tới 9 giờ 30 phút mới đưa được hết tử thi ra khỏi đống gỗ. Người bị thương đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Hợp, Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc. Nạn nhân phần lớn người dân tộc Thái ở xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp tranh thủ lúc nông nhàn đi bốc gỗ thu nhập thêm. Sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, quần chúng nhân dân cung cấp cho báo chí trên xe có hai cán bộ kiểm lâm. Một loạt phương tiện thông tin đại chúng đưa tin số gỗ lậu này có bàn tay của kiểm lâm. Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc, ra quyết định khởi tố vụ án. Chiều ngày 9-12, tài xế Vương Văn Hạnh bị bắt về tội gây tai nạn nghiêm trọng. Chiều 11-12, công an triệu tập ông Đào Công Thắng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm trung tâm Pù Huống và ông Phan Sĩ Tuấn, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Nga My. Ngay hôm đó, công an lấy lời khai ông Đào Công Thắng tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, thành phố Vinh. Ông Thắng khai: - Tối ngày 6-12-2011, ông Trịnh Thanh Long, Phó Giám đốc Ban quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Huống giao cho ông cùng ông Nguyễn Kim Hùng, kiểm lâm viên đi áp tải gỗ lậu từ Xiêng My về thị trấn Quỳ Hợp. Đêm 7-12, sau khi bốc gỗ xong, ông Đào Công Thắng và Nguyễn Kim Hùng ngồi trong ca-bin cùng lái xe. Dẫn đường là chiếc xe con chở ông Phan Sĩ Tuấn cùng hai cán bộ kiểm lâm khác. Khi vụ tai nạn xảy ra, chiếc xe con quay lại chở ông Thắng , ông Hùng đi cấp cứu, để lại toàn bộ người bị nạn.
Xe chở gỗ lậu bị lật vào lúc gần 4 giờ sáng ngày 7-12.
Trưa ngày 13-12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra bắt khẩn cấp ông Trịnh Thanh Long tại trụ sở làm việc ở thị trấn huyện Quỳ Hợp. Người dân xã Bình Chuẩn bức xúc nói với chúng tôi: - Lật xe chết đến 10 nhân mạng thật đau xót. Nhưng cũng nhờ vụ lật xe này mới lộ rõ những "con chuột" kiểm lâm gặm nhấm rừng Pù Huống bấy lâu nay.
Thủ phạm phá rừng Pù Huống
Nhiều người ở xã Xiêng My đi rừng làm gỗ khẳng định số gỗ lậu trên xe là của ông Trịnh Thanh Long. Ông Long đã nhiều lần đặt họ làm gỗ. Khổ nhất ông đặt gỗ cho các sếp dưới tỉnh, gỗ chọn cầu kì lắm. Dân ở đây đặt tên con đường Quốc lộ 48C là “đường chở gỗ lậu”. Nhờ có người quen chúng tôi đi một vòng đến nhiều gia đình thuộc vùng bảo tồn thiên nhiên Pù Huống,
thấy gỗ ở trong dân đang còn khá nhiều. Có nhà gỗ xẻ thành phản bán có giá hơn. Có tấm phản rộng trên 70 cm. Chúng tôi đóng vai đi mua gỗ thâm nhập vào một số tốp lâm tặc. Qua lời của lâm tặc chúng tôi được biết Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống bị tàn phá từ lâu, nhưng cao điểm là từ đầu năm 2011 đến nay. Đặc biệt, sáu tháng cuối năm rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Gỗ được lâm tặc tập kết trong rừng, trong nhà dân, đêm đến bốc lên xe đưa về xuôi. Địa điểm tập kết gỗ lậu là thị trấn Quỳ Hợp, thị trấn Con Cuông. Có quan chức hợp thức hóa gỗ lậu bằng cách làm nhà sàn cho về xuôi ngang nhiên. Hầu hết các vụ chặt phá rừng lớn đều có bàn tay của kiểm lâm. Nếu họ không trực tiếp nhúng tay vào, thì cũng bật đèn xanh cho lâm tặc. Kiểm lâm làm căng thì khó mà thoát vì rừng ở đây hiểm trở, đường đi độc đạo, kiểm lâm chốt chặn ở các điểm yết hầu. Chở gỗ qua được các điểm chốt kiểm lâm khó lắm. Khi rừng bị phá, kiểm lâm báo cáo cấp trên lực lượng mỏng, lấp liếm việc làm sai trái của họ. Các vụ lâm tặc bị bắt là do "làm luật" chưa đúng độ, hay làm không theo ý định của họ, bắt để dằn mặt.
Những tên lâm tặc có máu mặt đều nói với chúng tôi tay Long ghê gớm lắm. Ông ta ở kiểm lâu năm có kinh nghiệm. Nói là phó nhưng mọi việc trong Ban quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống qua ông Long là xong. Còn ông Dương Ngọc Hùng cương vị là Giám đốc có điều hành được ông Long đâu. Các phi vụ gỗ lậu lớn ở đây đều có bàn tay ông Trịnh Thanh Long. Quan chức trên về kiểm tra cũng nhiều, nhưng ít có đoàn vào xem rừng, mà họ chỉ nghe Ban quản lí báo cáo, rồi phản ánh một số việc, thế là thầy trò đưa nhau đi quán nhậu thú rừng. Điều rất lạ trong khi Nhà nước đang nghiêm cấm bắt thú vật hoang dã, quan chức lên đây đều vào nhậu các quán thú rừng.
Từ Tương Dương chúng tôi đến Con Cuông, sang Quỳ Hợp nhân dân đều phản ánh nhờ sự tiếp tay của kiểm lâm rừng đang bị tàn phá ghê gớm. Một số người dân ở huyện Con Cuông bày tỏ: - Chúng tôi không tin độ che phủ của rừng như tỉnh báo cáo trong các kì họp. Trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, không những gỗ bị chặt mà cả khoáng sản cũng bị khai thác nghiêm trọng. Đặc biệt là khai thác vàng. Vấn đề bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã gióng lên hồi chuông báo động.
Phải “thay máu” kiểm lâm
Nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống lần này thấy ông Chủ tịch tỉnh Hồ Đức Phớc, ông Phó Chủ tịch Đinh Viết Hồng đều hứa kiên quyết xử lí, nên họ rất phấn khởi. Đa số người dân ở đây đều cho rằng muốn lập lại trật tự kỉ cương ở Khu bảo tồn này và giữ được rừng miền Tây Nghệ An thì biện pháp đầu tiên là "thay máu" kiểm lâm. Kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, có đường dây kiểm lâm cùng lâm tặc phá rừng dân phát hiện đã lâu nhưng tỉnh không xử lí gây bức xúc trong nhân dân. Trước mắt, thay ban Giám đốc Ban Quản lí Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ông Giám đốc không điều hành được cấp dưới. Việc thứ hai phải xử lí nghiêm những cán bộ, không những ở tỉnh và cả Hà Nội mỗi khi bản thân, con cháu làm nhà về lấy gỗ quý nơi đây. Vấn đề thứ ba, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng. Dân ở đây nhiều gia đình sống nhờ rừng. Nay không được vào rừng khai thác nữa tỉnh phải giúp họ ổn định đời sống. Phải tuyên truyền để mọi người dân thấy rõ giá trị của rừng, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn. Phát động nhân dân tố giác những đường dây kiểm lâm cùng lâm tặc phá rừng. Khi phát hiện được thì kiên quyết xử lí. Đừng như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, hoặc vụ cấp giấy phép xây dựng sai ở thành phố Vinh, gây chết người, chỉ khởi tố cán bộ "râu ria", còn cán bộ chủ trì thì bỏ qua, gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân
Hải Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét