Khởi tố bị can, bắt giam ông chủ Công ty Cổ phần sân gôn Ngôi sao Chí Linh
Published on July 18, 2015 · No Comments
Ngày 17/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Tạ Bá Long và ông Đoàn Văn An.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank)” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Sau khi thực hiện quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, C46 cũng tiến hành lệnh khám xét đối với 2 bị can nói trên.
Ông Tạ Bá Long – nguyên Chủ tịch GP.Bank (sinh ngày 20/4/1955 tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Hộ khẩu thường trú: Số 11, ngõ 455, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Chỗ ở hiện nay: Số nhà 62C Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội
Ông Đoàn Văn An – nguyên Phó Chủ tịch GP.Bank (sinh ngày 10/12/1958 tại Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Hộ khẩu thường trú: Số 27 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chỗ ở hiện nay: Số nhà 158 Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Quá trình công tác của ông Đoàn Văn An tóm tắt sơ lược như sau: Từ năm 1982 đến năm 1985, làm việc tại Tổng Cục An ninh – Bộ Công an.
Từ năm 1985 đến năm 1988, học tại Trường Đại học An ninh.
Từ năm 1989 đến năm 1991 công tác tại Công ty đá quý Việt Nam. Từ năm 1991 đến năm 1998, làm việc tại Viện khoa Học Việt Nam.
Từ năm 1998 đến năm 2002 làm Phó Tổng giám đốc tại Công ty TNHH Thung Lũng Vua.
Từ năm 2002 đến năm 2004 là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần sân gôn Ngôi sao Chí Linh.
Từ năm 2004 đến năm 2010 là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh.
Trước đó, vào tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành một số quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với một số chức danh Hội đồng quản trị và chỉ định người đại diện của GPBank.
Cụ thể, căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng và xét thực trạng quản trị, điều hành của GPBank, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Tạ Bá Long đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh thành viên Hội đồng quản trị.
Đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Đoàn Văn An đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh thành viên Hội đồng quản trị.
GP.Bank kém hiệu quả, không thể nâng vốn điều lệ theo quy định
Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2012, qua thanh tra đã phát hiện GP.Bank bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.
Trong hơn 3 năm liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GP.Bank tìm kiếm đối tác, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi để trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận phù hợp với quy định của pháp luật và đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015 theo Quyết định 254/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, GP.Bank không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi trong khi ngân hàng tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ.
Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của nhân dân, Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt GP.Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu GP.Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ.
Căn cứ kết quả kiểm toán và định giá độc lập, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu GP.Bank tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ, đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định.
Tuy nhiên qua 3 lần tổ chức Đại hội cổ đông bất thường của GP.Bank không thành công và cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ đảm bảo giá trị thực của vốn không thấp hơn vốn pháp định theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là 3.000 tỷ đồng.
Căn cứ quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Quyết định 48/2013/TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã quyết định mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại GP.Bank với giá 0 đồng/cổ phần; đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu và chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, biện pháp này là nhằm đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các Tổ chức tín dụng, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tham gia quản trị, điều hành GP Bank, đồng thời sắp xếp lại Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát của GP.Bank; quyết định bổ nhiệm nhân sự HĐTV, Ban Kiểm soát, Ban điều hành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại GP.Bank sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật
THEO GIÁO DỤC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét