Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

NGUYỄN KHẮC MAI: HỘI NGHỊ TW 12

Nguyễn Khắc Mai: Hội Nghị TƯ XII – Phe Dân Tộc Đứng Ở Đâu?!

Posted by adminbasam on 08/10/2015
Nguyễn Khắc Mai
7-10-2015
Chương trình nghị sự của Hội nghị XII gồm (i). Tình hình kinh tế 2015 và kế hoạch 2016 (ii). Nhân sự khóa XII. (iii). Bầu cử QH khóa 14. (iv). Vấn đề khác.
Bên trong họp hành thế nào, chưa biết. Chỉ biết bên ngoài, xã hội lại rộ lên những lời đồn đoán. Hai phe (phe đảng và phe chính phủ) chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Người ta cũng bảo đó là phe thân Trung quốc và phe nghiêng về Phương tây. Người ta chỉ chú ý đến vấn đề gót Achille của ai bị hở nhiều ít. Nghe nói bên tám lạng bên nửa cân. Cuộc phanh khui chuyện “kinh thế” ở Bộ Quốc phòng chẳng hạn, khó nói chỉ một bên dính bùn! (Ở VN từ rất lâu dân gian gọi kinh tế là làm ăn kinh thế). Cũng có người cho rằng từ khi ông Trọng đi Mỹ rồi đi Nhật, những người giữ lòng cô trung với thiên triều đã bị việt vị.

Qua bốn vấn đề của chương trình nghị sự, người ta thấy BCH, ít ra là Bộ chính trị đã coi chuyện lấy ý kiến cho dự thảo báo cáo của ĐH12 coi như đã xong. Vấn đề đường lối không có gì phải bàn. Giờ đây chỉ còn là ai sẽ ngồi vào ghế lãnh đạo đất nước mà thôi. Bàn về bầu cử Quốc hội cũng chỉ là như vậy, nhằm hợp pháp hóa những quyết định nhân sự mà đại hội đã biểu quyết.
Các Đại hội cấp tỉnh thành, chỉ còn hai thành phố lớn là Hà nội và Sài gòn, hầu hết đã tiến hành thắng lợi. Những ý kiến của đám cựu trào (cán bộ, đảng viên cao niên từng vào ra sinh tử), những ý kiến của nhân sĩ trí thức độc lập (không phải của đám bình hoa cây cảnh trong mặt trận và những học viện…) những ý kiến tuy rụt rè, nhưng cũng hiểu được sự ám chỉ của những cán bộ cao cấp phát biểu gần xa đâu đó… dường như lại rơi tỏm ao bèo!
Thế thì sao? Chả nhẽ lại tội nghiệp cho Phe Dân Tộc?
Trong Hội nghị 12, phe dân tộc đứng ở chỗ nào. Rồi tiến tới ĐH XII, phe dân tộc có len vào đó được hay không? Chả nhẽ lại tội nghiệp cho Dân cho Nước!
Chả nhẽ không có ai trong số cả ngàn đảng viên được cử đi ĐH, là đại biểu chính thức của ĐH, mà điều lệ gọi là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, sẽ tiếp tục là bù nhìn rơm không hơn không kém. Đây là những nghịch lý cộng sản đã từng được nêu ra trong phong trào XHCN từ cuối tk 18. Ăng ghen từng nói: Hãy chấm dứt một tình hình tế nhị, cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi những quan chức của mình là “đầy tớ” để bảo ban, phê bình, lại quay ra coi họ như những kẻ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm. Quả thật đây là lời nhận xét kiểu trong chăn mới biết có rận, nó đúng y chang cho Liên xô, Trung quốc, Cu ba, Triều tiên, Việt Nam và tất tật những nước theo chủ nghĩa cộng sản khác, trước khi sụp đổ.
Thật ra cũng có người có ý kiến, nhưng các đảng cộng sản từ lâu đã hình thành nên một thứ ý thức khẳng định rằng mọi chuyện đã có trung ương lo nghĩ. Phàm là trung ương thì chỉ có “chân lý”. Ngay Hồ Chí Minh cũng nhiễm cái ý thức ấy, ông đã từng cho rằng ai sai thì sai chứ đồng chí Staline, đồng chí Mao Trạch Đông thì không bao giờ sai. Ông cũng tin tưởng rằng mình luôn luôn đúng, nên một lần nói chuyện trong một lớp cải tạo trí thức Hà nội năm 1955, đã nói: “Quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý”. Hồ Chí Minh ám chỉ rằng chân lý là ở ta, ở đảng, nên quý vị có quyền tự do tư tưởng nghĩa là tự do phục tùng chân lý Hồ Chí Minh, chân lý cộng sản, đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội của đảng. Ông cũng không ngờ rằng câu ấy còn có nghĩa phản đề, nghĩa là tự do phục tùng chân lý thì cũng có nghĩa ngược là tự do không phục tùng ngụy lý. Tuy nhiên, chế độ tập trung dân chủ, với những quy tắc, quy định của TƯ, sẵn sàng chà đạp lên nguyên tắc hay nguyên lý, kể cả Điều lệ, cả Hiến pháp. Đại hội XII với Quy chế 224 của BCH TƯ đã vô hiệu hóa quyền của Đại hội mà điều lệ cho là Cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng.
Vì thế trong đảng không hề có những phương án khác, những tư duy khác để lựa chọn và bàn bạc đúng sai.
Thật kỳ lạ, trong đảng có ngót bốn triệu đảng viên, ít ra cũng có cả triệu người có bằng đại học, số người có tri thức cũng nhiều, cớ sao không dám thấy những sự thật sờ sờ ra đó. Ở nhiều nước văn minh, phát triển, người dân có đời sống vật chất và tinh thần phong phú, có nhân cách văn hóa cao đẹp, họ đâu có cần phải “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, độc đảng toàn trị để dẫn đến tham nhũng và cậy quyền không thể chữa.
Hơn nừa “chủ nghĩa cộng sản” và “chế độ xã hội chủ nghĩa” đã phá sản, lại đã bị quốc tế kết tội. Xin hãy đọc trích đoạn Nghị quyết 1484 của Hội Đồng Nghị viện Châu Âu:”…Nhũng chế độ độc tài toàn trị cộng sản gồm khối Liên xô, Đông Âu trong thế kỹ 20, và một số chế độ cộng sản hiện vẫn còn nắm quyền ở 4 nước trên thế giới, đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền. Những vi phạm này tuy khác nhau về cấp độ văn hóa và ranh giới quốc gia, cũng như từng giai đoạn lịch sử, nhưng đều có chung những cuộc giết người tập thể, ám sát, thủ tiêu cá nhân không cần xét xử, biến đất nước thành trại tập trung với sự đày đọa con người về thể xác cũng như tinh thần, tra tấn, nô lệ hóa, lao động khổ sai, tù đày khủng bố tập thể, ngược đãi, ám sát vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí, tự do chính trị, độc tôn, độc quyền, độc đảng… Các chế độ độc tài toàn trị còn lại trên thế giới vẫn tiếp tục gây tội ác, không thể dùng quan điểm, quyền lợi quốc gia để biện hộ, lấp liếm sự lên án của cộng đồng nhân loại với các tội ác của các chế độ toàn trị này. Quốc hội chung Châu Âu cực lực lên án tất cả mọi vi phạm quyền con người trong các chế độ cộng sản, coi nó như tội ác chống nhân loại”.
Một chế độ xã hội bị thế giới văn minh “coi như tội ác chống nhân loại” thì hay ho nỗi gì mà kiên trì, kiên định theo đuổi. Nếu những người có ý thức biết phản đối cái sai, cái xấu, không đi theo đi theo vết xe đã đổLiên xô, Đông Âu, phản đối “tội ác chống nhân loại”mà bị cho là phản động, suy đồi chính trị, thoái hóa đạo đức thì thử hỏi trên đời này, dân tộc này còn đạo lý, nhân nghĩa nữa không.
Một sự thật sờ sờ ra đó. Chính đường lối và cả những chủ trương sai và xấu của đảng cộng sản về cả đối nội và đối ngoại đã khiến đất nước ta ngày một lạc hậu xa so với các nước trong khu vực, vốn trước đây cùng một trình độ như Việt Nam. Hệ thống chính trị hư hỏng cũ kỹ kéo dài, tham nhũng tràn lan, xã hội suy đồi trông thấy, văn hóa giáo dục khủng hoảng, nhân cách biến dạng thoái hóa rất đau lòng. Nhưng ban lãnh đạo của đảng đánh tráo khái niệm, ngụy biện, tô vẽ thành tích vẫn theo điều mà dân đã ngao ngán: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa nhờ có thiên tài đảng ta”.
Nếu biết quay về phe Dân tộc, nhất định gỡ bỏ được ngay cái “ốp che mắt ngựa”, tính sáng của tâm ý thật thà phụng sự Dân Nước, sẽ ngay lập tức trở lại. Con người sẽ có minh triết để có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách, như Ngô Thì Nhậm từng chiêm nghiệm nói rằng “Có minh triết sẽ giữ được thân mệnh, không vướng vào gai, vấp vào đá”. Cái thân mệnh của dân tộc này giữ được cùng không, cái thân mệnh của đảng này có giữ được cùng không, tùy thuộc vào cái minh triết hôm nay của hai phe trong đảng. Tôi may mắn nhiều lần được trò chuyện với những cán bộ cao cấp từ 5 Xuân đến Trần Xuân Bách, từ Trần Độ đến Lê Quang Đạo, từ Trần Quang Huy đên Võ Trần Chí v.v… họ đều nói với tôi: “một khi ta dân tộc, ta có cái đúng, khi ta giai cấp ta đều sai”. Có người còn bảo tôi, mình tán thành với cậu, nhưng chúng ta thiểu số”. Nhưng một thiểu số đúng bao giờ cũng hơn hẳn đa số sai! Bây giờ thì không chỉ là thiểu số. Nói về thân mệnh, nên biết điều này. Nếu ta kiên trì Mác Lê nin, kiên trì chủ nghĩa xã hội phản động và phá sản, tức là kiên định cái thân mệnh lạc hậu của mình, ta sẽ không thể chuyển kiếp làm người tử tế, đàng hoàng, ta sẽ tiếp tục bị người đời nguyền rủa, vì đã tiếp tục làm những kẻ tiếm quyền để cầu vinh, là lũ “làm quan phát tài”, chứ không hề là người ích nước, lợi dân.
Nói về Dân tộc, ta nên thấy sự thật này. Suốt cả ngàn năm, từ Ngô, Đinh, Lê ở TK 10 mở lại nền độc lập cho đến Nguyễn ở TK 20, nước ta chủ yếu vẫn là độc nguyên chính trị, tôn thờ Khổng giáo lấy mô hình Trung hoa để tham chiếu. Vì thế từ TK 17 dẫu bắt đầu tiếp xúc với Tây phương vẫn không mở ra được đa nguyên văn hóa và chính trị. Cả ngàn năm, lịch sử Việt Nam có vận động nhưng không có phát triển.
Tình hình ấy đã lập lại ngót trăm năm qua với đường lối Mác Lê tiến lên CNXH, áp dụng mô hình Xô viết và tư tưởng Mao trạch Đông khiến cho chính trị thì độc tài, toàn trị, kinh tế chủ yếu mang màu sắc phong kiến lấy thu tô là chính, đất đai nằm trong tay “vua tập thể” (không khác gì chế độ phong kiến), phương thức kinh tế cơ bản vẫn là “đổi chác, cống nạp”, lúc nào bí, khủng hoảng thì “tước đoạt”.Vì thế không lấy làm lạ, công cuộc đổi mới vừa qua chủ yếu chỉ là du nhập kỹ thuật, không hề là sự đổi mới đồng bộ vừa cải cách chính trị, cải cách kinh tế, cải cách xã hội. Dẫu có du nhập kỹ thuật mới, bản chất chế độ chính trị, xã hội Việt Nam vẫn là phong kiến lạc hậu suy đồi. Ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố đổi mới thể chế không được làm thay dổi bản chất chế độ! Như thế ta biết ông ấy muốn duy trì cái gì. Một chế độ XHCN phong kiến như Mác dự báo.
Dân tộc Việt Nam đang đứng trươc một thời kỳ lịch sử mới:
– Bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền đất liền và Biển đảo trước chủ nghĩa bá quyền đại Hán của Trung hoa.
Cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, nhanh chóng nâng cao nội lực trong xu thế tin học, toàn cầu hóa, tốc độ nhanh với những yêu cầu nhân quyền, dân chủ hóa, phát triển bền vững. Chỉ có thể nâng cao nội lực toàn diện mới có đủ sức mạnh văn hóa trí tuệ, con người đặng đối phó với những thách thức mới.
Liên quan trực tiếp đến cải cách toàn diện là vấn đề phải xử lý tốt và đúng việc hòa giải, Đoàn tụ dân tộc. Xóa bỏ đường lối và những chính sách chia rẻ dân tộc, coi trọng tính thừa kế pháp lý với những hình thức nhà nước từng tồn tại ở Việt Nam, đối xử có đạo lý và thành tâm làm cho bộ phận người Việt ở nước ngoài thật sự là Dân Tộc.
Trong xu thế toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu hợp tác (có nhiều mối hợp tác chiến lược) phải chủ động kiến tạo một thế cân bằng động để chủ động xử lý đúng và tốt cái Tam giác quan hệ: Việt-Mỹ, Việt-Trung và Mỹ -Trung. Để ứng xử có lợi cho Việt Nam trong thế quan hệ tam giác đó vẫn chỉ là cải cách toàn diện, nâng cao nội lực của Dân tộc.
Nếu Phe Dân tộc thắng trong Hội nghị TƯ 12, rồi thắng trong Đại hội XII thì đó là thắng lời đích thực của Dân của Nước.
Hãy gia nhập Phe Dân tộc. Hãy làm cho Phe Dân tộc mạnh mẽ và thành công.
Hà Nội ngày thứ hai của Hội Nghị TƯ 12.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét