Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải tán đảng CSVN để độc tài cá nhân
Posted by adminbasam on 11/10/2015
TS Luật Cù Huy Hà Vũ
11-10-2015
Từ hai năm trở lại đây, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sẽ diễn ra vào đầu năm sau, 2016, từ trong nước đã lan tin này: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một khi nắm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giải tán Đảng. Vì vậy, những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ cũng như Mỹ và các nước dân chủ phương Tây khác hãy ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Phải nói rằng tin này là có cơ sở.
Sau khi Liên Xô và chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu sụp đổ một cách ngoạn mục cách đây một phần tư thế kỷ thì ai cũng biết rằng sự cáo chung của các nước cộng sản còn lại gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào ở bán cầu Đông và Cuba ở bán cầu Tây chỉ còn là vấn đề thời gian. Do đó, để tránh né trừng phạt nghiêm khắc của nhân dân thì những kẻ có tài sản kếch xù gom trên xương máu của người dân và quốc gia trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại diện hẳn đã phải tính “đoái công chuộc tội” bằng cách đứng ra giải tán đảng cộng sản độc tài.
Vả lại, một trong trong những đặc tính nổi trội của dân tộc Việt Nam là “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” đồng nhất với tha thứ cho những kẻ thủ ác biết sám hối kịp thời. Mặt khác, những kẻ này cũng hy vọng rằng với sức mạnh của khối tài sản kếch xù của mình sẽ còn tiếp tục cầm quyền ở Việt Nam hậu cộng sản.
Bên cạnh đó, việc một đảng cộng sản độc tài bị kết liễu bởi chính người đứng đầu đảng đó đã có tiền lệ với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov.
Có thể nói có một bộ phận những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ hoan hỉ trước tin này vì nếu nó thành hiện thực thì chẳng những Việt Nam có cơ hội có được chế độ dân chủ – đa đảng mà còn có cơ hội “thoát Trung” để bảo vệ hiệu quả lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền kinh tế trước cuộc xâm lăng ồ ạt đa phương diện được phát động từ Trung quốc. Thực vậy, quan hệ ý thức hệ với Trung Quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang là nguyên nhân biến Việt Nam dần thành thuộc địa của láng giềng bành trướng phương Bắc này.
Về phần mình, Mỹ và các nước dân chủ phương Tây khác hẳn cũng bị kịch bản “Nguyễn Tấn Dũng giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam để dân chủ hóa chế độ” quyến rũ bởi lẽ với các nước này loại bỏ càng sớm càng tốt chế độ cộng sản tự phong sứ mệnh “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” dù ở nơi đâu luôn là mục tiêu đầu bảng.
Việc con gái Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Phượng lấy công dân Mỹ Henri Nguyen, tức Nguyễn Bảo Hoàng, con của một cựu quan chức Việt Nam Cộng Hòa, càng làm cho Mỹ tin rằng Nguyễn Tấn Dũng thực sự muốn trở cờ, đập tan Đảng Cộng sản Việt Nam vốn là “bên thắng cuộc” trong chiến tranh Việt Nam. Vì thế, việc chính quyền của Tổng thống Obama mới rồi đã quyết định cho Việt Nam gia nhập TPP trong khi đàn áp nhân quyền ở đây không hề giảm chỉ có thể là đòn bẩy cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giành vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tai Đại hội 12 sắp diễn ra của đảng này.
Chả thế mà Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, số ra ngày 25/1 năm nay, đưa ra nhận định: “Washington đã nhận ra tiềm năng của ông Dũng như một đại diện hiệu quả. Đại hội đảng lần thứ 12 có thể là cơ hội duy nhất cho ông Dũng lên nắm quyền lực tối cao. Mỹ có ý định ca ngợi thành công tại bàn đàm phán TPP là một trong những thành tựu lớn của ông Dũng”.
Mọi dấu hiệu cho thấy lộ trình “chính biến” của Nguyễn Tấn Dũng là như sau.
Trước hết, giành chức Tổng Bí thư Đảng.
Trước hết, giành chức Tổng Bí thư Đảng.
Tiếp đó, giành luôn chức Chủ tịch Nước đồng nhất với Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang để chính danh vị trí nguyên thủ quốc gia và nhất là chính danh điều động quân đội. Thực vậy, trong các chế độ cộng sản Tổng Bí thư đảng cộng sản là người có quyền lực chính trị lớn nhất, tức nguyên thủ quốc gia nhưng không chính danh nên khi muốn điều động quân đội lại phải thông qua Chủ tịch Nước. Ngược lại, Chủ tịch Nước không thể điều động quân đội nếu không được phép của Tổng Bí thư đảng với tư cách Bí thư Quân ủy trung ương.
Cuối cùng, giải tán Đảng và tự cử làm Tổng thống thông qua một Quốc hội đã hoàn toàn bị tê liệt.
Nghĩa là tương tự những gì mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov đã làm.
Lẽ dĩ nhiên để thực hiện trót lọt lộ trình này, Nguyễn Tấn Dũng phải nắm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, hay nói một cách cụ thể hơn, phải được đa số ủy viên Trung ương Đảng khóa này ủng hộ. Việc Nguyễn Tấn Dũng lật ngược thế cờ, thoát án kỷ luật của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng bằng lá phiếu của Hội nghị Trung ương 6 họp tháng 10/2012 để rồi giành được số phiếu tín nhiệm cao nhất trong số các ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 10 họp tháng 1/2015, đó chưa kể “kình địch” của Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng Ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã không được Hội nghị Trung ương 7 họp tháng 5/2015 bầu vào Bộ Chính trị cho dù được đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cử, cho thấy khả năng Nguyễn Tấn Dũng lũng đoạn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 là hoàn toàn hiện thực.
Còn vì sao đa số ủy viên Trung ương Đảng hiện nay cũng như đa số ứng viên cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã và sẽ ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng thì là vì phần lớn trong số họ là thành viên chính phủ, quan chức đầu tỉnh, tướng lĩnh công an, quân đội được Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp bổ nhiệm, thăng cấp cũng như chia chác ngân sách Nhà nước để đút túi cá nhân. Bài “Bàn về “thị trường Sao và Vạch” đăng trên báo Người Cao Tuổi số ra ngày 1/4/2014 đã cho thấy mua quan bán chức trong lực lượng vũ trang Việt Nam đã trở thành quốc nạn như thế nào. Trên thực tế, từ khi nắm chức Thủ tướng vào năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phong tướng cho hàng trăm người, lập kỷ lục về số lượng tướng được phong trong chưa đầy một thập kỷ, một kỷ lục cho đến tan cả đất trời không chắc bị phá! Mà lực lượng được coi là “rường cột quốc gia” còn bị thị trường hóa đến như thế thì nói gì đến các cơ quan Nhà nước khác! Cũng cần nói thêm rằng ngay cả các ủy viên Trung ương là bí thư thành ủy, tỉnh ủy tưởng chừng ít chịu chi phối của Nguyễn Tấn Dũng thì phần lớn trong số họ ngay trước đó đã là cấp trưởng, cấp phó chính quyền địa phương.
Ngoài ra, với tư cách tham quan – “con sâu” theo diễn đạt của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang – gắn liền với hàng loạt tệ nạn phái sinh khác, các ủy viên Trung ương Đảng này chắc chắn đã hoặc sẽ bị Nguyễn Tấn Dũng khống chế không mấy khó khăn bằng Bộ Công an và Tổng cục tình báo quốc phòng (Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng) là “công cụ ruột” của Dũng.
Tóm lại, trong thể chế cộng sản nơi mà pháp luật đồng nhất với kiểm soát quyền lực được bày ra chỉ để lừa bịp thiên hạ thì kẻ nào nắm giữ các nguồn lực quốc gia, kẻ đó nắm sinh mạng của quan chức thối nát theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Để nói Nguyễn Tấn Dũng có thể nói là chắc xuất Tổng Bí thư tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặc dầu vậy, người viết bài này khẳng định rằng tất cả những ai, từ những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ cho đến Mỹ và các nước dân chủ phương Tây, nếu tin vào kịch bản “Nguyễn Tấn Dũng giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam để dân chủ hóa chế độ” thì đúng là đang tự biến mình thành thực khách của “quả lừa thế kỷ”!
Thực vậy, mục tiêu giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Tấn Dũng không nhằm thiết lập thể chế dân chủ – đa đảng với một Nhà nước “tam quyền phân lập” thực sự “của Dân, do Dân, vì Dân” mà là nhằm thiết lập chế độ độc tài cá nhân trộn lẫn gia đình trị để tối đa hóa cướp đoạt tài sản của nhân dân và của quốc gia.
Chỉ cần so sánh những gì Nguyễn Tấn Dũng nói và những gì Nguyễn Tấn Dũng làm cũng đã đủ cho thấy không cách gì Việt Nam có dân chủ với con người này.
Trong Thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đã không tiếc lời tụng ca dân chủ, pháp quyền. Nào là “Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”, nào là “Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”, nào là “Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp ‘song sinh’ trong một thể chế chính trị hiện đại”, nào là “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch” vv…vv
Rồi ngày 15.10.2014 tại Viện Körber ở Berlin, Đức, Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục lớn tiếng: “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này.” Thế nhưng chỉ sau đó có 2 tháng, ngày 21/12/2014, Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho ngành Công an “nắm chắc tình hình, không để xảy ra hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước”!
Trên thực tế, chỉ tính từ Thông điệp “dân chủ” 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nay đã có hàng loạt blogger và bất đồng chính kiến bị bắt giam và khởi tố theo các điều 79 (Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền), 88 (Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và 258 (Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước…) Bộ Luật Hình sự, những điều luật đã bị cả thế giới dân chủ lên án là những điều luật mơ hồ dùng để đàn áp bất đồng chính kiến. Đó là Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh và trợ thủ Nguyễn Thị Minh Thúy (Điều 88), Người Lót gach – Hồng Lê Thọ, Bọ Lập – Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già – Nguyễn Đình Ngọc (Điều 258), nguyên tổng biên tập Người cao tuổi Kim Quốc Hoa (Điều 258), Trần Anh Kim (Điều 79). Bên cạnh đó, các vụ chính quyền dùng công an mặc thường phục và côn đồ để đánh đập dã man những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ cũng như những “dân oan”, nạn nhân của các vụ chính quyền cướp đất, gia tăng chóng mặt!
Đó là nói về “dân chủ” của Nguyễn Tấn Dũng trong lĩnh vực chính trị. Còn “dân chủ” của Nguyễn Tấn Dũng trong lĩnh vực kinh tế thì sao?
Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản đã thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước khi đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Thủ tướng khoảng hai chục Tập đoàn,Tổng Công ty lớn nhất vốn trực thuộc các Bộ. Tất nhiên việc thâu tóm này là để Nguyễn Tấn Dũng tối đa hóa và đơn giản hóa tham nhũng ngân sách Nhà nước. Thực vậy, Nguyễn Tấn Dũng vừa là đại diện Nhà nước cấp vốn cho các “đại doanh nghiệp Nhà nước” này vừa là người trực tiếp quản lý chúng thì việc biến của công thành của tư là chuyện không phải bàn bởi làm sao có chuyện tay này kiểm soát được tay kia! Thế nên mới có chuyện Vinashin, Vinalines – chỉ hai trong số các “quả đấm thép” của Thủ tướng cũng đã làm thất thoát số tiền hơn 6,5 tỷ USD …
Bản thân người viết bài này trong bài “30-4-1975: Giai nhân và quái vật” gửi từ trong nhà tù ra và được Bauxite Việt Nam đăng ngày 30/4/2013 dưới tên Sơn Văn (đối chữ từ Hà Vũ, do Bauxite Việt Nam đặt) đã vạch rõ bản chất làm nghèo đất nước này: “Nhà nước vừa là người quản lý đồng nhất với giám sát, kiểm soát tài sản quốc gia vừa là người sử dụng tài sản ấy, tức là làm cái chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” theo cách nói dân gian. Nói cách khác, nhà nước không phải chịu bất cứ sự giám sát, kiểm soát nào trong việc sử dụng tài sản quốc gia và chính lỗ hổng thể chế này đã tạo ra tham nhũng – tham nhũng thể chế!”
Vấn đề cuối cùng là nếu như giải tán Đảng cộng sản Việt Nam là cốt lõi của cương lĩnh không công khai cho tranh cử Tổng Bí thư Đảng của Nguyễn Tấn Dũng thì liệu một sự đoạn tuyệt ý thức hệ cộng sản như vậy có giúp Việt Nam “thoát Trung”?
Giáo Sư Carl Thayer, trong bài “Yếu tố Trung Quốc của Việt Nam” (Vietnam’s China factor), đăng trên APPS Policy Forum tháng trước, cho rằng một trong những yếu tố giúp Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 12 là “ông Dũng đã thẳng thắn bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm ngoái và nêu lên khả năng sẽ thực hiện các hành động pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc”.
Thế như chúng ta đã thấy, hơn một năm trôi qua nhưng tuyệt nhiên không có đơn của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kiện Trung Quốc ra trước Tòa án của Liên Hiệp Quốc như Philippines đã làm trong khi ngày càng rầm rộ các hoạt động bồi đắp và xây cất công trình quân sự của Trung Quốc trên các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà nước này đã đánh chiếm. Nhưvậy, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia rõ là đã bị Nguyễn Tấn Dũng hy sinh cho quan hệ vụ lợi của bản thân với Trung Quốc như đã từng thể hiện qua vụ Bauxite Tây Nguyên…
Kết luận lại, Nguyễn Tấn Dũng có giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng chỉ thay thế chế độ độc tài tập thể của đảng này bằng chế độ độc tài cá nhân trộn lẫn gia đình trị của bản thân Nguyễn Tấn Dũng. Do đó, dân chủ hóa Việt Nam gắn với “thoát Trung” chỉ có thể đạt được bằng một cuộc cách mạng bất bạo động của toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước với sự ủng hộ mạnh mẽ của lương tri dân chủ toàn thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét