Bài học Liên Xô cho cuộc thanh
trừng của Trung Quốc
Nguồn: Minxin Pei, “Soviet Lessons for Chinese Purges,” Project Syndicate, 13/08/2015.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày mùng 1 tháng 8 vừa qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức kỷ niệm 88 năm ngày thành lập. Nhưng 2,3 triệu quân nhân nước này lại chẳng mấy vui mừng. Đêm trước buổi lễ kỷ niệm, cựu lãnh đạo quân đội, Thượng tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và được bàn giao cho các công tố viên quân sự để đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, trong đó có những khoản hối lộ khổng lồ để mua quan bán tước mà ông nhận được từ những đồng chí sĩ quan quân đội của mình. Và ông Quách không phải là quan chức quân đội cuối cùng phải đối mặt với những cáo buộc như vậy.
Quách Bá Hùng là cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, phụ trách các vấn đề thường nhật của quân đội từ năm 2002 đến năm 2012. Vụ bắt giữ ông Quách tiếp nối vụ bắt giữ Thượng tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou), từng phục vụ trong Quân ủy từ năm 2007 đến năm 2012, vào tháng 6 năm ngoái.
Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu không phải là những quan chức cấp cao duy nhất ngã ngựa từ khi Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Chủ tịch nước Tập Cập Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng vào cuối năm 2012. Theo số liệu chính thức, 39 tướng (tính cả con trai ông Quách, Thiếu tướng Quách Chính Cương) đã bị bắt giữ. Và nếu những cáo buộc về việc hàng loạt các tướng tá đã hối lộ ông Quách và ông Từ để được thăng quan tiến chức là đúng người đúng tội, thì cũng hợp lý khi nhận định rằng cuộc thanh trừng các quan chức quân đội cấp cao với quy mô lớn nhất từ thời Cách mạng Văn hóa này sẽ còn tiếp tục.
Đây chính xác là thông điệp mà Tập Cận Bình gửi đến quân đội trong bài phát biểu gần đây trong chuyến thăm Quân đoàn 16, nơi Từ Tài Hậu từng là chính ủy trong những năm đầu 1990. Sau khi thề sẽ loại bỏ ảnh hưởng của ông Từ về “tư tưởng, chính trị, và cả trong tổ chức và tác phong,” ông Tập nhấn mạnh rằng việc bất tuân sự lãnh đạo của Đảng sẽ không được dung thứ. Ông Tập tuyên bố rằng quân đội phải “kiên quyết tuân thủ mệnh lệnh Ủy ban Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương.”
Bất cứ ai dõi theo Tập Cận Bình trong hai năm rưỡi qua đều có thể nhận ra mục tiêu của ông trong việc củng cố sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách tăng cường quyền lực cá nhân, tăng cường đàn áp trong nước, và theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán. Để đạt được mục tiêu này, ông Tập cần bảo đảm lòng trung thành vững chắc của quân đội – và điều này đòi hỏi phải thanh trừng những quan chức bất tín hoặc tham nhũng.
Trên cấp độ cá nhân, lòng trung thành của quân đội là quan trọng để bù đắp cho sự thiếu vắng nền tảng quyền lực thể chế của ông Tập. Ngược lại, khi Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản sau vụ đàn áp Thiên An Môn 1989, ông Giang có thể trông cậy vào các quan chức có năng lực và trung thành tại Thượng Hải để vận hành bộ máy hành chính; sau đó ông mở rộng cơ sở hỗ trợ của mình bằng cách thu nạp thêm các phe phái trong những năm 1990. Còn Hồ Cẩm Đào, người kế nhiệm Giang Trạch Dân, thì được Đoàn Thanh niên Cộng sản, nơi hoạt động của mọi tầng lớp học sinh, sinh viên Trung Quốc, tung hô.
Trong khi Tập Cận Bình tiến hành xây dựng một nền tảng quyền lực mạnh mẽ bằng cách dần dần bổ nhiệm những người ủng hộ ông vào các vị trí chủ chốt, ông cũng cần quân đội bảo vệ quyền lực chính trị của mình trong giai đoạn chuyển tiếp. Và cách hữu hiệu nhất để đảm bảo lòng trung thành của quân đội là thay thế các vị trí chóp bu – hầu hết đều là những người được các vị chủ tịch tiền nhiệm đề bạt – bằng những người ủng hộ mình.
Có vẻ Tập Cận Bình hiểu rất rõ bài học từ sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev năm 1964. Khrushchev bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do KGB khởi xướng với sự giúp sức của quân đội. Nếu Hồng Quân tuyệt đối trung thành với Khrushchev thì những âm mưu này đã chẳng thể thành công.
Nhưng những kế hoạch của Tập Cận Bình còn vượt xa hơn cả thẩm quyền của cá nhân ông – và những bài học từ Liên Xô cũng vậy. Một thời gian ngắn sau khi tiếp nhận quyền lực, ông Tập đã than thở với các quan chức tỉnh Quảng Đông rằng khi Liên Xô sụp đổ, giới tinh hoa cũng mất hết ý chí đấu tranh. Khi mà sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng bị thách thức, Tập Cận Bình sẽ không phạm phải sai lầm đó.
Để tránh dẫm lên vết xe đổ của Liên Xô, ông Tập cùng những người đồng chí đã áp đặt lại việc kiểm soát hệ tư tưởng và hạn chế các quyền tự do của công dân. Dù Đảng cho tới lúc này mới chỉ sử dụng lực lượng cảnh sát và đội ngũ kiểm duyệt Internet (và giờ định cài cảnh sát ngầm vào các công ty Internet), nhưng về dài hạn thì thật không thể tưởng tượng nổi sự trường tồn của Đảng nếu thiếu một lực lượng quân đội trung thành, đặc biệt là nếu những cuộc biểu tình kiểu Thiên An Môn năm 1989 lại nổ ra.
Trụ cột cuối cùng trong chiến lược của Tập Cận Bình nhằm củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản là thay thế chính sách đối ngoại thận trọng của Đặng Tiểu Bình bằng đường lối đối ngoại cứng rắn. Giả sử Trung Quốc phải chống đỡ chiến thuật gây hấn trên Biển Đông hoặc Eo biển Đài Loan bằng vũ lực thì quân đội Trung Quốc không thể nào được đặt dưới sự lãnh đạo của những tướng lĩnh dễ bị mua chuộc và bất trung.
Nếu những nỗ lực triệt tận gốc tham nhũng trong quân đội của Tập Cận Bình có thể hoàn thành ba mục tiêu trên, người ta có thể miễn cưỡng thừa nhận rằng đó là một bước đi chính trị khôn ngoan. Nhưng để đảm bảo Trung Quốc có được vị thế mạnh nhất có thể thì ông Tập phải học thêm một bài học nữa từ người Liên Xô: Các cuộc thanh trừng dễ quá đà. Stalin đã tiêu diệt mất hàng quân đoàn sĩ quan của Hồng Quân ít lâu trước khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô. Tập Cận Bình sẽ không đủ sức để mắc phải sai lầm đó.
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là Giáo sư ngành Quản trị Chính quyền tại Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the US.
Hình: Tướng Quách Bá Hùng, người đang bị điều tra. Nguồn: Reuters.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Soviet Lessons for Chinese Purges
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét