Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NGUYỄN TẤN DŨNG ANH LÀ AI

 NGUYỄN TẤN DŨNG, ANH LÀ AI?

Posted by adminbasam on 22/01/2016
Đôi lời: Một bài viết hay, dài 13 trang, bàn về những nguy cơ mà đất nước đang đối mặt, cũng như tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, phần nói về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có những nhận định không chính xác lắm, chẳng hạn như đoạn này: “Về việc con gái anh là một trong những lãnh đạo của một ngân hàng, người ta cũng gán cho anh tham nhũng, nhưng có ai biết cô ấy đầu tư bao nhiêu tiền và nguồn gốc tiền đó từ đâu, trong khi gia đình bên chồng cô ấy đang ở Mỹ và không phải là nghèo“.

Ở Mỹ có thể không nghèo nếu so với mức sống trung bình ở Việt Nam, nhưng một gia đình sống ở Mỹ để tích lũy được số tài sản trị giá vài chục triệu Mỹ kim (như số tài sản mà cô Nguyễn Thanh Phượng có được) là rất hiếm. Lương trung bình hiện nay ở Mỹ khoảng 55.000Mỹ kim/ năm. Với mức lương đó, người Mỹ phải đóng thuế và chi tiêu cho bao nhiêu là thứ trong gia đình suốt cả năm, số tiền còn lại để dành hàng năm không được bao nhiêu. Trừ khi có cơ sở làm ăn lớn, nếu không, chỉ với mức lương trung bình, cho dù có giỏi đầu tư số tiền tích lũy, suốt cả đời của một người, có được 1 triệu Mỹ kim là quá giỏi, nói chi tới hàng chục triệu Mỹ kim.
___
Bác sĩ Lê Trọng Kim
21-1-2016
A- ANH LÀ AI?
Tôi chưa biết nhiều về anh, nhưng tôi đọc người ta viết nhiều về anh.Người khen anh cũng nhiều, nhưng người châm chích đời tư, người kết tội anh…, người muốn triệt hạ anh cũng không ít, vì thế nên đôi lần tôi đã xâu chuỗi những gì người ta đã nói về anh và tôi tự hỏi tôi, hỏi anh, anh là ai?
1)-Về Trình Độ Học Vấn Lớp 3 Của Anh
Người ta nói anh chỉ mới học hết lớp 3 trường làng ngày xưa thôi, nhưng điều đó đối với tôi không mấy quan trọng, cái khôn, cái khéo của con người đâu phải chỉ học ở trường? Ở trường học thường dạy ta rất ít và chỉ dạy cho ta những gì đã có, có khi rất cũ kỹ, trường cũng không dạy ta cách nhìn đời, cách quan sát sự vật và giải quyết sự việc ngoài đời một cách tốt nhất, vì thế nên với những người siêng năng và có chí lớn thì sau khi rời ghế nhà trường họ luôn tích cực tìm tòi học hỏi ở mọi thứ, mọi nơi mà họ có thể học được; anh là thế nên giờ đây anh mới làm đến thủ tướng chính phủ?
Có những kẻ dù có bằng cử nhân, tiến sĩ… nhưng họ lại học về những thứ triết lý viễn vông hay những cách lý luận vòng vo, quanh quẩn, ngụy biện… và khi học xong rồi, họ cứ nhai đi nhai lại những điều họ học, mà không hề có thêm chút gì mới mẽ và cho dù thời thế đã thay đổi nhanh, thay đổi nhiều. Sự hiểu biết của con người ngày nay khác rất xa với ngày họ học và lại càng khác rất xa với ngày mà mớ kiến thức của họ mới có trên đời, nhưng họ vẫn ù lì chỉ với những hiểu biết quá xưa cũ và lạc hậu của họ, những kẻ đó so với anh những gì anh đã nhìn thấy, đã hấp thụ thêm thì những hiểu biết của anh và của họ là khác xa lắm. Hơn nữa con người ta khi nhìn thấy những gì không còn phù hợp với thời đại thì nên dứt bỏ nó đi, để đi theo sự tiến hóa. Về điểm này tôi thấy ở anh như một người cải cách, đổi mới và đổi mới triệt để.
Tôi rất tâm đắc với lời anh phát biểu tại Diễn dàn kinh tế Đông Á ở Philippines “… không chấp nhận đánh đổi chủ quyền để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông và sự lệ thuộc nào đó…”. Đúng thế, không ai có quyền đem đất đai của ông cha, tổ tiên ta để lại, dâng cho bất cứ một kẻ ngoại bang nào để đánh đổi bất cứ thứ gì, tổ quốc là thiêng liêng đã ngấm biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ… Kẻ nào lãnh đạo đất nước mà yếu hèn không dám đương đầu với giặc ngoại bang, lại đem tiền đồ của dân tộc để đánh đổi thứ hòa bình nhục nhã và tạm bợ, kẻ đó chỉ rấp tâm được sống yên ổn trên nhung lụa, không cần biết đến sự tồn vong của dân tộc và tổ quốc.
Ông cha chúng ta từ xưa luôn ngẩng cao đầu với kẻ thù phương bắc, cho dù nước của chúng lớn hơn ta, quân của chúng đông hơn ta, nhưng cũng đã bao lần quân dân ta đã đánh cho chúng tan tác để giữ yên và toàn vẹn bờ cõi của nước nhà. Thế mà có kẻ đớn hèn mang danh là Tổng bí thư của đảng mà lại phát biểu: “… giả sử có đánh nhau ở biển đông thì liệu có ngồi đây họp đảng được không…”. Hèn hạ đến thế, thế thì chỉ vì muốn được yên ổn để họp đảng nên dù Trung Quốc có chiếm biển đông thì cũng kệ nó, không nên đánh làm gì, để có thời gian mà ngồi họp đảng, bởi vì theo cách nghĩ buôn dân, bán nước của chúng thì “còn đảng là còn chúng”, còn dân với nước có mất cũng mặc tình. Chính vì thế nên kẻ thù xâm chiếm biển đảo của ta, giết hại cướp bóc, đâm chìm tàu, phá nát tàu… của ngư dân ta hàng ngày, nhưng chẳng bao giờ kẻ lãnh đạo đảng này dám lên tiếng bênh vực đồng bào ta, ngư dân ta một tiếng để cho dân chúng còn thấy ông ta là còn xứng với vai trò lãnh đạo đảng. Khác với anh, anh đã dõng dạt tố cáo kẻ xâm lược trước nhân dân và các diễn đàn quốc tế với chất giọng hùng hồn lối cuốn và về nghệ thuật diễn đạt và chất giọng phát âm nhiều người cũng thấy ở anh hơn ông Tổng bí thư tiến sĩ kia rất nhiều.
Ông ta thường tự xưng là nhà lý luận hàng đầu, là tiến sĩ… tôi cứ tưởng là ông ta thông thái lắm, nhưng không ngờ khi ông ta sang thăm Cu-Ba, một nước đã muốn từ bỏ đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa và đang mở cửa, bắt tay với Mỹ, thế mà ông ta lại nhắm mắt thuyết giảng về chủ nghĩa xã hội, ngớ ngẩn thật, khiến cho báo chí nước này như không hề đề cập gì đến chuyến thăm của ông ta và khiến cho đảng cầm quyền ở Brazil cấm cửa không cho ông đến để tuyên truyền cái chủ nghĩa lỗi thời, thối rữa đó! Nhưng dường như ông cũng dày mắt lắm, không biết quê với người dân Việt nam, nên khi về nước ông vẫn ngông nghênh tự đắc với người dân trong nước. Phải, người dân bị mất cái quyền đánh đổ ông xuống, nên dù ngu, dù hèn… ông cũng tự đắc ra mặt.
Một sự ngờ nghệch khác là mới đây khi được phó tổng thống Mỹ chiêu đãi, nước chủ nhà người ta văn minh hơn ông nên tiếp khách, người ta cố tìm cái gì hay trong nên văn hóa của Việt Nam để mà ca tụng cho đúng phép lịch sự, ông TBT của ta đã không biết đến các danh nhân văn hóa xứ người, thì cũng tạm châm chước đi, nhưng khi phó Tổng thống Mỹ đọc hai câu thơ trong truyện Kiều:
“Trời còn để một hôm nay
Tan sương đầu ngỏ vén mây giữa trời”
Truyện Kiều là một kiệt tác văn học của chúng ta mà cả thể giới đều biết và ca tụng, thế nhưng ông TBT hay khoe văn chương, triết lý đầy mình và bộ sậu cán bộ đảng đi theo ông cũng đông và có thời gian để lựa chọn lời văn hoa đáp lễ, thế nhưng ngài tiến sĩ của ta dù đọc lại hai câu thơ kế tiếp hai câu trên cũng trong truyện Kiều:
“Hoa tàn mà lại thêm hương
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”
là cũng đủ nghĩa để đáp lại, thế mà ông TBT đã câm như hến. Không biết ông có hiểu truyện Kiều là gì không, Nguyễn Du là ai không, hay ông chỉ biết có Kark Mark và Lenin … thôi?
2)- Tư Tưởng Cải Cách Triệt Để Của Anh
Tôi dám khẳng định với chính tôi, là tư tưởng của anh đã ngã về phương tây, điều đó theo tôi chẳng những không có gì hại cho nước, mà nó còn là một hướng đi rất đúng đắn. Ta phải ngã về một hay nhiều thế lực nào đó, mà họ đủ mạnh và sẵn sàng trợ giúp cho ta để chống lại kẻ láng giềng to lớn, nhưng luôn bắt nạt và cướp của nhà ta. Chúng ta không thể nào cứ mãi van lạy kẻ cướp buông tha cho ta, khi mà có kẻ cướp nào chịu buông tha cho nạn nhân của chúng, càng van xin, thấy ta yếu hèn thì chúng lại càng thẳng tay để cướp của ta. Ngã hẳn về phương tây thì con đường phát triển của đất nước cũng rộng mở hơn, ta không còn lệ thuộc vào Trung Quốc, một nền kinh tế không phải tiên tiến về khoa học, kỹ thuật…, sự bùng phát của nền kinh tế đó rồi cũng sẽ lụi tàn, bởi nó đã được thổi phồng lên là chính và bên trong nó cũng đầy rẫy những bất công, nghèo đói, tham nhũng, bóc lột…, đàn áp tự do và nhân quyền và một môi trường sống đã đầy ô nhiễm. Ngã về phương tây, đi theo phương tây, tôi cũng hy vọng rằng quá trình dân chủ hóa nước ta sẽ được đẩy nhanh hơn, xã hội Việt Nam rồi sẽ được cải thiện dần để cho người dân Việt Nam thật sự được hưởng các quyền tự do cơ bản của con người, mà lâu nay họ đã quá nhiều chịu đựng, quá nhiều khao khát, mơ ước… còn đảng và nhà nước thì cứ cố ra sức bóp nghẹt.
Tôi cũng hy vọng rằng với tinh thần cấp tiến, với tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn và cương quyết của anh, một ngày không xa anh sẽ chấp nhận chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng cho dân tộc Việt Nam và sẽ DÁM cho đảng của anh công khai tranh cử một cách bình đẳng với các đảng khác trong nước, chứ không như một ông cựu chủ tịch nước nào đó đã phát biểu hèn hạ là “đa đảng là chết “. Ai chết? Vì sao lại chết? Thế thì duy trì cái xấu xa, không chịu thay đổi toàn diện để kéo ghì lại tiến trình phát triển của dân tộc là tốt sao? Có nghĩa gì, có danh dự gì cho một đảng khi cứ mãi độc chiếm quyền lãnh đạo bằng cách dùng bạo lực khống chế dân chúng, chứ không dám tranh cử công bằng và bình đẳng theo thể chế đa đảng để cho nhân dân được có cái quyền tự do lựa chọn?
Cái suy nghĩ về tình hữu nghị Việt- Trung ở trong anh nó không là gì cả, khi anh đã nhìn thấy quá rõ một Trung Quốc tham tàn và hung hăng trong suốt quá trình quan hệ giữa hai đảng cộng sản và hai nhà nước. Ai đã gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam? Ai đã xua quân đánh vào miền bắc Việt Nam, chúng giết cả phụ nữ và trẻ em, chúng bắt hết cả gia súc và phá hoại, san bằng không chừa lại thứ gì ở những nơi mà chúng tạm chiếm chỉ mới được có 5-7 ngày! Ai là kẻ côn đồ dám chửi, dám đem dân tộc và tổ quốc của chúng ta ra nhục mạ trước thế giới.” Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam một bài học…”?
Ai đã đánh chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của ta? Cái tình nghĩa cộng sản và cái tinh thần quốc tế vô sản nó là như thế, khi bọn bá quyền Bắc Kinh không lôi kéo Việt Nam vào liên minh quân sự với chúng để cùng chống lại Liên Xô với chúng, thì chúng hành xử như thế. Sao ta có thể đi theo một nước mà chúng sử dụng bọn khmer đỏ chẳng hơn gì một vật tế thần cho chúng, chúng chỉ luôn muốn lợi dụng nước khác để phục vụ quyền lợi và tham vọng bá quyền điên cuồng của chúng?
Còn vì sao tôi dám khẳng định tự tưởng của anh đã ngã về phương Tây, thì điều đó như quá rõ ràng rồi? Vào thời điểm anh cho các con anh đi du học ở Mỹ, tôi cho là không có một quan chức cấp cao nào như anh lại dám làm việc đó. Anh rất dũng cảm, cương quyết… để chọn một hướng đi.
Tôi cũng tin rằng khi anh chọn thông gia là một trung úy của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là trong anh không còn hận thù dân tộc, tinh thần hòa giải dân tộc đã được anh thực hiện một cách rất thiết thực hơn là bao người cứ nói râm ran, mà rồi chẳng đi đến đâu cả.Tôi tin là anh sẽ không gọi ông thông gia của anh và tất cả những người cựu binh, cựu quan chức của chế độ miền nam là ngụy nữa (mà thật sự là họ có là ngụy gì đâu?) Một tư tưởng đoàn kết dân tộc thật sự và rất thiết thực trên con đường đưa dân tộc tiến lên giai đoạn phát triển mới và chống lại kẻ thù phương bắc, tư tưởng này ở trong anh là rất thực, rất đáng để cho nhân dân và tổ quốc sẽ nhìn anh như một người đang tìm ra hướng đi mới cho dân tộc mà đã 40 năm qua vẫn mãi còn trong vùng tăm tối.
3)-VẤN ĐỀ THAM NHŨNG, ĐIỀU HÀNH KINH TÊ KÉM PHÁT TRIỂN VÀ NỢ QUỐC GIA GIA TĂNG.
a)- Vấn Đề Tham Nhũng:
– Theo như những người ghét anh thì họ nói rằng anh là trùm tham những, là đầu mối của những vụ tham nhũng… Nhưng nếu đúng thế thì anh hẳn là đã có rất nhiều tài sản, thế nhưng trong bản kê khai giải trình của anh đã gửi cho ông TBT và Bộ chính trị, tôi thấy tài sản của anh cũng có nhiều nhỏ vì so với nhiều cán bộ khác. Nếu anh ghi không trung thực trong bản giải trình mà xem như là một bản kiểm điểm mà ông Nguyễn Phú Trọng bắt anh phải làm, thì chắc ông TBT Nguyễn Phú Trong và các người cùng phe phái với ông ấy đã có cách truy tầm, không thể không được, vì chính ông TBT là Trưởng ban phòng chống tham nhũng của đảng mà, chẳng lẽ Nguyễn Phú Trọng có đầy đủ các ban bệ và quân lính mà lại không tìm ra tài sản bất chính giấu giếm của cán bộ, nếu thế thì ông TBT cũng bất tài lắm và sự vu cáo này là qua tay ông TBT, cũng chính ông cho điều tra? Thành ra cái vụ vu cho anh là trùm tham nhũng có thể là một sự a dua với nhau mà nói thôi, khi người ta thấy có lắm vụ tham nhũng trong bộ máy công quyền thì cứ đổ cho ông thủ tướng là cũng tham nhũng và là tham nhũng chúa, cái kiểu như người ta thấy con của ông B ăn trộm thì lại cứ nói chắc như đinh đóng cột là ông B cũng là trộm, một hình thức gán tội quy chụp người khác mà không cần chứng cứ gì cả.
Về việc con gái anh là một trong những lãnh đạo của một ngân hàng, người ta cũng gán cho anh tham nhũng, nhưng có ai biết cô ấy đầu tư bao nhiêu tiền và nguồn gốc tiền đó từ đâu, trong khi gia đình bên chồng cô ấy đang ở Mỹ và không phải là nghèo? Hơn nữa theo truyền thống của người Việt Nam thì khi cha mẹ có của cải thường người ta hay chia cho con trai nhiều hơn, thế nhưng không có ai nói hai người con trai của anh đã có bao nhiêu của cải.
– Còn trong vụ án của trùm lừa đảo Dương Thanh Cường, người ta cũng đồn với nhau là người em của vợ anh có lợi dụng ảnh hưởng của anh, nhưng trong xã hội thì ai làm gì người đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và xét về vụ án này thì mấu chốt phạm tội là quan hệ giữa cái ngân hàng cho vay và người đi vay, còn người bán đất là em của anh thì đứng ngoài quan hệ này. Việc cho mượn tài khoản ngân hàng để giao dịch trong các thương vụ là điều vẫn thường xảy ra. Sự việc sẽ không ai có lý do để nói gì đến anh là nếu người em của ông lấy lại đất không bán nữa và trả tiền lại cho người mua, nhưng thử hỏi ai có thể làm được việc đó dù là anh em, khi đã có cuộc sống riêng tư thì ai có thể can thiệp sâu vào chuyện làm ăn của người khác đến thế, khi mà việc làm của họ cũng không có gì là sai luật định, việc mua bán đó đã hoàn thành?
– Ta cũng chưa chắc gì những cán bộ chuyên về công tác đảng lại là người tốt, người trong sạch, có khi chỉ vì họ chưa được tham gia quản lý, điều hành các ngành kinh tế nên họ chưa có dịp tham nhũng đấy thôi, chứ khi có điều kiện thì chắc gì họ sẽ còn trong sạch? Nhưng có khi họ làm việc ở các cơ quan quyền lực của đảng, họ cũng từng bán chức, bán quyền… nhưng họ tham nhũng chức quyền thì kín hơn, vì ít va chạm đến quyền lợi của người dân nên ít bị tố cáo, vả lại cùng trong phe đảng thì kẻ bán chức, người mua chức thường là kín miệng. Tôi đã nghe ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu “… ta chống tham nhũng cũng sợ ném chuột vỡ bình…”, với cái tư tưởng đó thì còn chống gì được nữa chứ? Thế cho chính ông Trọng không cương quyết chống tham nhũng, nên tham những chẳng những không ngăn chặn được mà ngày như càng nhiều thêm.
– Còn nữa, trong cái cơ chế độc đảng, độc tài, không có đối lập, không có tự do ngôn luận đúng nghĩa,…trong cái cơ chế không có công khai, minh bạch này thì ông thủ tướng có chống tham nhũng đến đâu, cũng không phải là dễ làm cho sạch tham nhũng được và trong cái cơ chế tập thể lãnh đạo mà mọi chức vụ trong nhà nước đều do Bộ chính trị và Ban tổ chức đảng tham gia quyết định thì dù ông Thủ tưởng có muốn chọn cán bộ tốt theo ý của ông hay ông muốn sa thải cán bộ xấu cũng không phải là dễ, vì ông không có quyền tự quyết định, cái cơ chế của chế độ này nó là như thế cho nên không thể đổ hết tội tham nhũng lên ông thủ tướng. Còn một điều nữa là bất cứ đảng viên nào nếu thể hiện đạo đức kém thì cũng đều có trách nhiệm của đảng, các cơ quan bộ phận chuyên trách của đảng đã không giáo dục, kiểm tra tốt các đảng viên, những người chuyên trách về phía đảng phải chịu trách nhiệm này mới phải, chứ không thể chỉ biết đổ hết trách nhiệm cho hệ thống chính quyền.
b)-Về Điều Hành Kinh Tế Yếu Kém
– Một chính phủ do đảng cộng sản lãnh đạo, vị thủ tướng thường không có toàn quyền quyết định tất cả, thậm chí nhiều khi thủ tướng không có thực quyền, các dự án kinh tế, các kế hoạch, sự bổ nhiệm nhân sự, thay đổi hay sa thải nhân sự bao giờ cũng có sự can thiệp từ nhiều người, có khi họ thỏa thuận chia nhau các chức vụ trong chính phủ, mỗi bộ trưởng lại có người trong bộ chính trị đỡ đầu. Thậm chí có khi kẻ không có năng lực gì cũng giữ ghế bộ trường và tự tung, tự tác, không có gì bắt họ phải tuân phục thủ tướng, làm không được việc cũng không sợ mất ghế, như thế thì có mong gì có được một chính phủ mạnh toàn tâm toàn ý nghe theo ông thủ tường? Nhưng trách nhiệm thì người ta chỉ nhắm vào ông thủ tướng thôi. Tôi tin cái cơ chế này là cái mà anh căm ghét nhất và muốn cải tổ nó trước nhất, nếu như anh có toàn quyền quyết định?
– Nhiệm kỳ đầu của anh là thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tài chính trên phạm vi thế giới cho nên tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng chậm lại là điều có thể chấp nhận được, ngoài ra sự phát triển của một nền kinh tế thường là có chu kỳ, sau vài năm hay chục năm tăng trưởng nóng thì thường sẽ chậm lại, dĩ nhiên trong đó cũng có sự cản trở của một cơ chế không thật sự là kinh tế thị trường lại vận hành trong một bối cảnh kinh tế thị trường của thế giới. Những năm cuối của nhiệm kỳ hai của anh nền kinh tế đang lấy lại đà phát triển tạo nền tảng cho những năm kế tiếp, nhưng điều tối quan trọng theo nhiều chuyên gia kinh tế là nền kinh tế Việt Nam cần phải cải tổ sâu và rộng hơn nữa, cải cách triệt để cho nó mang hầu như đầy đủ ý nghĩa của một nền kinh tế thị trường, không có định hướng xã hội chủ nghĩa gì cả. Tôi tin là nếu còn trên cương vị lãnh đạo anh sẽ có hướng thay đồi toàn diện như thế.
c)- Vấn Đề Nợ Quốc Gia Gia Tăng.
Trong những nằm gần đây việc phát triển cơ sở hạ tầng là đáng kể. Nhưng không một quốc gia nào trên thế giới này ngoài những nước do đảng cộng sản lãnh đạo, ngân sách nhà nước phải trả lương cho một số người hầu như gấp 3 lần hệ thống quan chức cần có.
Không một đảng chính trị nào trên thế giời này ngoài đảng cộng sản, lại tự do chi xài tiền ngân sách, tiền thuế của nhân dân, phải trả lương cho cán bộ của toàn hệ thống thống đảng, tiền xây dựng các cơ sở hoành tráng của các đảng bộ bề thế khang trang không thua gì các cơ quan bên hệ thống chính quyền, lại thêm hệ thống nhà khách, nhà nghỉ, những bảo tàng, những tượng đài của đảng… tiền ngân sách, tiền thuê cũng chi đài thọ cho cho cán bộ đảng học tập, đi du lịch, đi nghỉ mát… thâm chí là đi du lịch cả nước ngoài và những khoản chi phí hội họp là không sao tính hết. Cán bộ đảng về hưu cũng do quỹ lương nhà nước chu cấp.
Các hệ thống của các tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên, mặt trận tổ quốc… cũng đều như thế cả, một số tổ chức có làm kinh tế đoàn thể, nhưng nguồn vốn cũng do ngân sách nhà nước chu cấp cho. Các hội văn học nghệ thuật, hội nhà báo, hội nông dân… những tổ chức này gần như thừa thải, vì chỉ làm theo lệnh của đảng, chứ ít khi vì quyền lợi của hội và quyền lợi của hội viên.
Thử hỏi, còn gì để đầu tư cho phát triển, còn gì mà không làm nghèo đất nước, đời sống nhân dân lao động sao mà cải thiện nhiều cho được? Trong khi nhân viên các ngành rất cần thiết cho xã hội như Y tế, giáo dục, nhân viên hành chánh… thì đồng lương quá eo hẹp, hoặc biên chế chưa đủ thì sao không ảnh hưởng đến nhiệt tình và hiệu quả trong các công việc chuyên môn phục vụ nhân dân, ta hãy đến các trường học, các trạm y tế ở nông thôn, miền núi mà xem, nhân viên ở đó phải kiêm nhiệm rất nhiều chương trình y tế quốc gia, họ phải làm bù đầu, mà đồng lương thì không nhiều nhỏ gì, trong khi có biết bao nhiêu cán bộ chuyên trách về đảng chỉ làm những công việc không liên quan gì đến lợi ích cho dân và rất nhiều người vào cơ quan chỉ để ngồi chơi hưởng lương? Nhà nước mỗi ngày mang nợ càng nhiều, chất lương trong các dịch vụ công… và một phần tệ tham nhũng cũng từ đó.Và các chế độ cộng sản ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ cũng vì thế. Đảng cộng sản Việt Nam, trung Quốc, Triều Tiên…thẳng tay đàn áp những phản ứng bất mãn của người dân, một chế độ công an trị, chứ không phải pháp trị nên còn kéo dài đến hôm nay, nhưng đó là cách cai trị của những người độc tài không giống như một chính quyền người Việt Nam cai trị người Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng 10 năm trên cương vị lãnh đạo chính phủ, anh rất thấm, rất đau với điều này và khi anh có ý muốn ngã theo phương Tây, thì tôi tin anh đã có sẵn một kế hoạch cải tổ thật sâu rộng, cải tổ triệt để cái cơ chế quá nặng nề và quá lỗi thời do chế độ xã hội chủ nghĩa dựng lên từ rất lâu, đã cản trở quá nhiều tiến trình phát triển của đất nước?
  1. B) NHÂN DÂN ĐANG RẤT CẦN MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ
1)- MÂU THUẪN TRONG ĐẢNG
Từ lâu nhân dân đã biết có mâu thuẫn trong đảng. Một số những người lãnh đạo đảng muốn duy trì mãi chủ nghĩa Mac-Lê nin và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xả hội với một nền kinh tế tập thể do nhà nước chỉ huy sau một lần cải tổ thì biến tướng của nó là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Một số lãnh đạo khác lại muốn đi theo con đường của các nước phương tây xây dựng một nền kinh tế thị trường ngày càng giống như các nền kinh tế dự do của các nước phát triển, không lệ thuốc vào các cơ chế kinh tế nhà nước như lâu nay, một nền kinh tế tự do cạnh tranh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Khác với nền kinh tế có bàn tay can thiệp của nhà nước với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với nhiều đặc quyền, nhiều ưu đãi… tạo ra một cơ chế xin cho, cạnh tranh không lành mạnh làm trì trệ, kéo giảm đà phát triển kinh tế của đất nước.
Nhiều người cũng nhìn thấy chủ nghĩa Mac-Lê nin đã lỗi thời, chỉ là một mớ lý luận, cứng nhắc cách nay hàng trăm năm, mà xã hội loài người và kinh tế thế giới thì không ngừng phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Chủ nghĩa xã hội là thứ viễn vông, chỉ là mô hình mờ ảo do tưởng tượng, không thực tế, không có thực… đất nước đã trải qua mấy chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội mà có gì là khác biệt đâu, chỉ thấy ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực…vì cái chủ nghĩa đó chỉ là viện ảnh mơ hồ, giống như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vô tình tiết lộ là, đến cuối thế kỷ này cũng chưa chắc gì chúng ta đi đến cái chủ nghĩa xã hội đó, thế thì chúng ta sao lại cứ đi, đi mãi trên con đường mà đích đến vẫn mãi không biết là đâu? Vậy thì, tại sao chúng ta lại không đi theo con đường của các nước tư bản, là thứ mà ta đang nhìn thấy sự phồn vinh và tiến bộ ngay trước mắt.
Những người bảo thủ họ lại sợ rằng đi theo chủ nghĩa tư bản thì đến một lúc nào đó đảng cộng sản sẽ tự chuyển hóa thành đảng khác hay mất đảng, thế thì vì sự tồn tại của đảng có đường lối lỗi thời mà họ lại quyết không cho đất nước phát triển, không cho dân tộc này được hưởng ấm no và hạnh phúc, sau biết bao những đau thương đổ nát, sau biết bao hy sinh của dân tộc cho đảng? Vả lại một đảng mà biết tự chuyển hóa, tự biết thay đổi để phục vụ nhân dân và đất nước tốt hơn thì sẽ hơn rất nhiều một đảng cứ khư khư không chịu thay đổi để rồi đến một ngày nhân dân căm phẫn đến tột cùng sẽ vùng lên đạp đổ cái đảng ấy như các đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, lúc đó người dân sẽ chán ghét đến tận cùng, thì đảng còn mong gì còn chỗ đứng trong lòng dân?
Sự mâu thuẫn giữa hai phái này như ngày càng tăng và đến mức như không dung hòa được nữa và người ta chỉ còn tìm phương cách để loại trừ lẫn nhau.Vai trò của ông Tổng bí thư là phải giữ đoàn kết trong đảng, phải nghe theo số đông, thế nhưng ông TBT Trọng đã gây mất đoàn kết, cố tạo ra hai phái, và dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ ông thủ tướng, sự kình chống này ngày càng như đấu tranh một mất một còn. Đấy là điều mà ai cũng thấy rõ trong Hội nghị trung ương 6, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm cách, tìm lý do và vận động trong bộ chính trị để loại bỏ ông thủ tướng Nguyễn tấn Dũng và ông như đã chắc thắng, nhưng không ngờ khi đưa ra hội nghị trung ương 6 bỏ phiếu quyết định thì tình thế đã lật ngược lại, khiến ông Tổng bí thư phải khóc nức nở ngay trong hội nghị.
Người ta cũng thắc mắc không biết ông khóc vì thương hại cho ai, cho cái gì hay đó là giọt ước mắt uất ức, hận thù ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà ông phải cố nuốt, để rồi ông lại tìm cách phục thù. Và đúng thế, sau Hội nghi trung ương 6, ông Nguyễn Phú Trọng liền tập họp phe phái của ông, ông dựa vào cái chức tổng bí thư của ông mà o ép bộ chính trị ra nhiều thông tư, nhiều quyết định của đảng có lợi cho ông, trong những thông tư và quyết định đó có thứ còn đi ngược lại điều lệ của đảng. Ông đã vận dụng tất cả những gì ông có thể làm được để đánh đổ ông Dũng là đối thủ như không đội trời chung với ông, chứ ông đâu có nguôi thù mà chấp nhận vui vẻ kết quả tín nhiệm của tập thể trong hội nghị trung ương 6? Và quá trình chuẩn bị của ông dường như ông tin là đủ để trong Đại hội đảng lần thứ 12 này ông sẽ đánh cho ông thủ tướng tiêu luôn.
Thế thì anh phải làm sao đây để chiến thắng để nắm lấy quyền lực và thực thi những gì tốt đẹp mà anh đã nung nấu để đem lại lợi ích cho dân cho nước nhiều nhất có thể được.
Đấy cái phẩm chất và cái đoàn kết trong đảng mà ông Trọng thường rêu rao và đảng thường rêu rao là nó như thế?
2) ĐẢNG TRONG MẮT VÀ TRONG LÒNG NHÂN DÂN
– Ngày nay với đà phát triển rất nhanh của mạng internet, việc xem thông tin, kiếm tìm thông tin rất nhanh và không thiếu thông tin nào cả. Đảng không thể giấu giếm thông tin như trước được nữa và ngay cả những thông tin trong quá quá khứ mà đảng đã cố giấu, cố bưng bít… người ta cũng sẽ tìm ra. Nhân dân sẽ biết rất rõ những gì đảng đã làm vì lợi ích của nhân dân và cũng biết rất rõ những gì đảng làm chỉ vì lợi ích của đảng, thậm chí những gì đảng làm mà đã có hại đến nhân dân.Vì thế nên đảng đừng nghĩ là nhân dân thiếu hiểu biết mà qua mặt hay lừa dối nhân dân nữa.
Từ ngày giành được độc lập đến giờ đâu phải nhân dân chỉ có hạnh phúc tuyệt vời như đảng nói, người dân cũng cảm thấy buồn cười khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng nói “thời đại Hồ Chí Minh là thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam”, trời ông ấy không so sánh với các nước trên thế giới ngày nay, mà lại so sánh với nước Việt Nam hàng mấy trăm năm trước, mà mấy trăm năm trước ông ta đâu có tham gia sống đâu mà ông ta so sánh, hay là ông ta và gia đình ông ta nhờ ở cương vị có quyền lực cao nhất cho nên ông ta mới cảm thấy huy hoàng đến thế? Cũng có thể do ông ta chẳng hiểu lịch sử những thời thịnh trị ở các triều đại Lý, Trần hay thời thịnh trị dưới thời vua Lê Thánh Tôn, một sự phát biểu khoác lát của một người mang danh lãnh đạo mà không biết ngượng mồm. Còn nữa, có một bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nào đó mở mồm “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư bản chủ nghĩa”. Trời, tôi cứ tưởng là bà ta nói sẽ gấp đôi, gấp 3 lần, nhưng không ngờ là gấp đến ngàn lần, nhưng bà ta có biết chút gì về nền dân chủ ở các nước tư bản dù nó có cánh nay hàng trăm năm!
Nhân dân luôn rất công bằng và đánh giá chính xác những gì đảng đã làm được cho dân, nhưng cũng biết những gì mà đảng đã bưng bít, dối trá, nên khi biết được nhiều sự thật thì họ cũng tự hỏi :
– Vì sao lại có những cuộc đấu tố rùng rợn trong thời kỳ cải cách nông nghiệp ở miền bắc với biết bao nhiêu nỗi khổ đau, oan ức…, với nhiều người phải mất hết tài sản và cả mạng sống của họ…? Vì sao nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo lại căm thù giới trí thức đến thế, trong khí giới trí thức ở thời đại nào, ở đất nước nào cũng được xem là nguồn lực chính để phát triển quốc gia. Đa số trí thức là hiền tài. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, hiền tài thường có lòng tự trọng, họ chỉ mong đem tài năng để phụng sự quốc gia và không ham tranh luận, tranh giành bất cứ thứ gì với những kẻ tiểu nhân, vì thế cho nên trong một xã hội mà tà khí được coi trọng và nẩy nở nhiều quá, nguyên khí thì ít, lại bị chế độ hắt hủi cho nên tà khi từ từ triệt tiêu hết nguyên khí. Nhân dân sẽ lấy làm lạ và tự hỏi vì sao trong những thành phần mà đảng cộng sản muốn đánh đổ, thì trí thức lại là thành phần đứng hàng đầu như trong lời hiệu triệu đám côn đồ lưu manh trong cải cách ruộng đất ở miền bắc “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Thật đau lòng cho giới trí thức và không sao hiểu hiểu nỗi cái mục đích mà đảng đã làm? Có lẽ vì cái tư tưởng xem thường trí thức ngay từ lúc đầu là như thế cho nên mãi đến ngày hôm nay đảng cũng không có chính sách đãi ngộ, sử dụng và tôn trọng trí thức… cho đúng nghĩa. Lương chính thức của cử nhân, tiến sĩ, giáo sư… có khi không bằng lương của anh nhân viên một số ngành, không bằng lương tài xế của một số cơ quan, không ai ngờ rằng lương của giáo viên trước đây chỉ đứng thứ 14 trong 16 ngạch lương .
– Nhân dân cũng tự hỏi, vì sao lại có cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền nam bắc Việt nam, khi mà cả hai đều là một bộ phận của hai khối cộng sản và tư bản đang đối đầu với nhau, thế rồi chúng ta lại lao vào đánh nhau vì lợi ích và xúi giục của chúng, vì tranh giành quyền lãnh đạo cả nước, để rồi nhân dân ta phải trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử của dân tộc và cũng khốc liệt nhất trong các cuộc chiến tranh trên thế thế giới. Trong cuộc chiến này tổng số bom đạn đã ném xuống nước ta bằng gần gấp 3 lần tổng số bom đạn mà các phe đã ném trong thế chiến thứ 2, thật là kinh khủng và tang tốc biết bao nhiêu?
– Vì sao lại có cuộc chiến biên giới tây nam và cuộc chiến biên giới phía bắc khi mà nhân dân cả nước vừa trải qua một cuộc chiến nam bắc rất khốc liệt, giờ lại phải chịu cảnh chiến tranh chết chốc và tàn phá này. Bọn giặc Potpot đã tàn sát rất nhiều thường dân Việt Nam và bọn bành trướng bắc Kinh cũng thế, chúng giết cả phụ nữ và trẻ em, chúng phá tất cả mọi công trình ở những nơi chúng chiếm đóng và không từ thứ gì, chúng bắt tất cả gia súc của chúng ta. Vì sao trong cùng một phe xã hội chủ nghĩa, cùng trong một ý thức hệ công sản, cùng do đảng cộng sản cai trị nắm quyền mà lại xảy ra như thế? Thế thì cái thế giới cộng sản này có gì là tốt đẹp, cái chế độ cộng sản, cái tinh thần quốc tế vô sản có gì là quý?
– Nhân dân cũng sẽ thắc mắc vì sao nhà nước phải đánh tư sản, mà tư sản dân tộc thì chỉ là thành phần trung lưu cả thôi, tại sao phải cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh để rồi bây giờ lại khuyếch trương người ta làm ăn? Cả một thời sôi động, mất mát và đau thương cho biết bao nhiêu người, tại sao phải đưa người ở thành phố đi các vùng kinh tế mới với điều kiện ở nơi đó không thể nào sống được, để rồi họ lại quay về thành phố và trở thành những người vô gia cư…? Vì sao ngày nay mức chênh lệch nghèo giàu lại gia tăng rất nhiều đến thế, đa số nhân dân lao động và những người làm việc chân chính thì có khi không đủ sống, nhưng một bộ phận khác là không ít lại trở thành siêu giàu sang? Tại sao và tại sao, cò nhiều tại sao nữa. Khiến cho trong lòng người dân có phần ngán ngẫm.
Và tại sao đời sống đạo đức xã hội ngày nay lại suy đồi như thế, người ta chỉ thích sử dụng bạo lực với nhau, trộm cướp hầu như khắp nơi, tham nhũng cũng lan tràn không sao ngăn được… Phải chăng đảng cộng sản Việt Nam đã đến lúc cần phải thay đổi tận gốc rễ, chứ không phải là chỉ đổi mới, cải sửa một phần như năm 1986. Lần đó, thời ông Trường Chinh chỉ cải sửa một phần là lúc đảng cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản Đông Âu vẫn còn, ta cũng có thể tin rằng nếu ông còn sống đến hôm nay biết đâu ông cũng sẽ cải tổ tận gốc và thay đổi toàn diện, dù ông là nhà lý luận cao nhất của đảng về chủ nghĩa Mac-Lê nin, nhưng ông đã thức tỉnh, đã nhìn ra và gấp rút đổi mới, không như những người bảo thủ trong đảng hôm nay, khi mà tình hình càng hiện rõ hơn, nhưng họ vẫn cố duy trì cái tư tưởng bảo thủ lỗi thời của họ.
Để đưa dân tộc tiến lên, để làm cho lòng dân tin tưởng hơn thì đảng phải thay đổi toàn diện, nếu như không muốn bị nhân dân chôn vùi như các đảng cộng sản Liên Xô và Đông Âu?
3)- NHÂN DÂN VIỆT NAM KHÔNG SỢ TRUNG QUỐC.
Từ ngày Ngô Quyền giành được độc lập cho nước đến nay nhân dân Việt nam đã không hề sợ kẻ thù phương bắc bao giờ và ông cha ta đã nhiều lần chiến thắng giặc rất oanh liệt, giữ yên bờ cõi. Thời Tiền Lê, biết quân Tống đang kéo sang xâm lăng nước ta, vua Lê Đại Hành đã đem quân lên biên giới nghênh chiến với địch, thời nhà Lý biết quân Tống tập trung sắp sang đánh nước ta Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đã đem quân sang đánh và chiếm nhiều châu quân của nhà nhà Tống, đã phá hủy một phần tiềm lực quân đội của chúng. Đến đời nhà Trần quân ta cũng đã 3 lần chiến thắng đạo quân thiện chiến nhất thế giời thời đó và dông hơn quân ta gấp nhiều lần. Bình Định Vương Lê Lợi trong trận đánh quân tiếp viện nhà Minh sang giải vây cho thành Đông Quan là Hà Nội bây giờ, ông chỉ dùng những toán phục binh 3-5 ngàn người để bao vây và tiêu diệt một đạo quân đông đến 150.000 người do tướng Liễu Thăng chỉ huy và tên tướng này cũng đã bị quân ta giết ngay tại trận địa…Và gần đây trong chiến tranh biên giới phía bắc với bọn bành trướng bắc kinh, một trung đội bộ đội của ta đã cầm chân và đánh thiệt hại nặng cả một trung đoàn quân địch. Nhân dân Việt Nam, người lính Việt nam rất giàu lòng quả cảm vì tổ quốc, vì dân tộc, vì thế nên không có lý do gì để chúng ta phải nhún nhường, quỳ gối van xin bọn xâm lược phương bắc.
Ngày nay trong một thế giới văn minh, không một thế lực nào có thể xâm chiếm nước khác mà không bị thế giới lên án và không một quốc gia nhỏ yếu nào mà không biết liên kết với một nước hùng mạnh để bảo vệ mình. Nước Việt Nam lại ở vào một vị trí địa chính trị rất thuận lợi, để cho ta có thể liên minh với nhiều nước, cái thế của nước ta chẳng yếu chút nào. Cho dù Trung Quốc có xua cả mấy triệu quân sang đánh với ta trên bộ thì chúng cũng chỉ hốt xương đem về, bởi địa thế rừng núi của ta, nhân dân ta khắp nơi mà chúng phải đương đầu, cho dù chúng có chiếm cả Trường Sa của của ta, thì chúng cũng không dễ gì mà sử dụng biển Đông một cách thoải mái, những tên lửa mà chúng ta đặt dọc theo bờ biền và trên các đảo ven bờ sẵn sàng khống chế không cho tàu buôn của chúng dễ dàng qua lại. Và nếu nói đến đường cùng, nếu bị chúng ức hiếp quá đáng, chúng ta có thể liên minh với Mỹ cho phép Mỹ đặt tên lửa có mang đầu đạn hạt nhân và lá chắn phòng thủ tên lửa… trên nước ta sát biên giới của chúng, thì xem chúng có còn ngạo mạn với ta nữa không? Một đảo quốc Đài Loan chỉ nhỏ như một tỉnh của chúng, nhưng đã 65 năm rồi, chúng không dám liếm… nói chi là thu hồi sáp nhập vào chúng, là nhờ đảo quốc này có hiệp định liên minh phòng thủ với Mỹ. Lẽ ra chúng ta có thể ngẩng cao đầu bắt chúng phải trả Hoàng Sa lại cho chúng ta, nếu không chúng ta sẽ liên minh với Mỹ và đóng cửa biên giới phía bắc lại, vì buôn bán với chúng ta, chúng có lợi hơn chúng ta rất nhiều.
Một số người lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt nam vì sao phải hèn hạ không dám lên tiếng với kẻ thù xâm lược, có lẽ là họ sợ mất đảng, chứ không sợ chết dân, mất nước. Chính vì thế nên năm 1990 những nhà lãnh đạo tối cao của đảng ta có thể đã sang van xin kẻ thù bảo kê cho sự tồn tại của đảng cộng sản Việt nam, khi nghe các đảng cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Chúng ta không biết mật ước Thành Đô chứa đựng những gì khi mà đảng không công khai, nhưng đó có thể là những lời đề nghị của phía Việt Nam với đảng cộng sản Trung Quốc là khi Việt Nam có biến, nhân dân có nổi lên chống đảng thì họ sẽ nhờ đảng cộng sản Trung Quốc đem binh lính sang bắn vào người biểu tình Việt nam, như thời kỳ ở Châu Âu khi có biến ở Tiệp Khắc và Hung Ga Ry thì binh lính Liên Xô sang bắn giết người dân ở các nước này theo lời mời của các đảng cộng sản ở đó, một hành động rất dã nam với dân chúng, một sự giữ chính quyền thối nát đã bị dân chúng oán ghét của các đảng cộng sản, nhưng rồi chúng cũng bị sụp đổ và nhân dân phỉ nhổ, chà đạp.
Một hành động mới đây của phe bảo thủ Nguyễn Phú Trọng là, khi vừa họp xong hội nghị trung ương 13 thì ông ta đã phái ngay Nguyễn Sinh Hùng sang báo cáo và chắc cũng nhờ Tập Cận Bình khi cần đi đem lính Trung Quốc sang bắn giết nhân dân Việt Nam, nếu có biểu tình chống đảng, chuyến đi gấp gáp của ông này khiến người dân Việt nam khó thể nghĩ khác được.Một sự bán nước và xem thường nhân dân lắm và chúng cũng phá hoại cái giá trị của đảng trong mắt người dân.
Để cứu nước nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn và vươn lên ngang tầm với các nước trong khu vực và các nước Châu Á, để cứu nước chống lại kẻ thù xâm lược đang xâm chiếm dần nước ta, chống lại sự lệ thuộc vào chúng, để cứu đảng còn chút uy tín, niềm tin trong lòng nhân dân Việt nam, ai sẽ là người anh hùng đứng ra cải tổ, thay đổi tận gốc đảng cộng sản việt nam? Có thay đổi tận gốc, thay đổi cái chủ nghĩa lỗi thời, thay đổi cái mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội không bao giờ có, thay đổi cái đường hướng xây dựng kinh tế chẳng giống ai làm trì trệ bước tiến, bước phát triển kinh tế đất nước, để cứu lấy quyền lợi của đảng, của đảng viên công sản. Ai sẽ là người anh hùng thời đại của dân tộc để xoay đổi thời thế. Cứu lấy đảng để đảng không mất hẳn trong lòng dân, cứu nước đang lâm nguy, cứu dân ra khỏi xiềng xích và nghèo nàn, chậm tiến? Ai làm được điều đó, chỉ khi có một anh hùng, một nhân vật lịch sử của thời đại.
4) AI SẼ LÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ
– Ai có thể đưa đảng ra khỏi vũng lầy giáo điều, từ bỏ chủ nghĩa Mac-Lê-nin vì nó không là gì cả, chỉ là mớ kiến thức và lý luận lỗi thời. Ai sẽ thay đổi mục tiêu của đảng, không xây dựng chủ nghĩa xã hội chi nữa, bởi nó là thứ mô hình không có thật, chỉ là những hình ảnh mơ hồ viễn vông, một trăm năm nữa cũng chưa chắc đã có, chỉ có trong lời nói của những người đang đứng chỉ cho nhân dân lao khổ cứ đi tới, còn họ thì đang sống vương giả, sang giàu. Ai sẽ từ bỏ đi theo con đường xây dựng nền kinh tế có định hướng xã hôi chủ nghĩa để hướng nền kinh tế hoàn toàn theo mô hình kinh tế thị trường như các nước tư bản phương tây để nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, từng bước thật sự tiến lên một nước công nghiệp hiện đại để tiến gần và đuổi kịp các nước tiến tiến.
– Ai sẽ xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và bình đẳng, một xã hội pháp trị, chứ không phải đảng trị hay công an trị, bất cần đến pháp luật với biết bao những áp bức, những nỗi oan khiên mà nhân dân đã chịu đựng lâu nay? Ai sẽ đem lại cho người dân thật sự có những quyền tự do căn bản của con người, ai sẽ làm cho nhà nước phải tôn trọng nhân quyền, bảo đảm cho người dân được hưởng những quyền chính đáng như trong những lời vàng ngọc được đọc lên trong tuyên ngôn độc lập năm 1945? Ai sẽ thực thi hiến pháp như hiến pháp đa nguyên, đa đảng, hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa do một quốc hội với các đại biểu được ra từ nhiều đảng phái chính trị và tự do cạnh tranh bình đẳng, ai sẽ tôn trọng quyền tự quyết về chính trị và hoàn toàn tôn trọng lá phiếu của người dân để họ được tự do chọn người lãnh đạo cho mình.
– Chỉ khi có một nhân vật lịch sử vĩ đại xuất hiện, người này phải có cái nhìn sâu rộng, có hiểu biết sâu xa, có tinh thần phóng khoáng, cởi mở, bình đẳng, biết rộng lương, thương yêu, biết tôn trọng lẽ phải, có tinh thần nhân đạo, bao dung… không ỉ vào quyền lực, không ỉ thế của kẻ mạnh… Biết từ bỏ những gì cũ kỹ không hợp thời, biết đổi mới, biết thay đổi cái xấu để được tốt hơn và thay đổi triệt để… Người này cũng phải có mưu lược, dũng cảm, cương quyết và hành động dứt khoát, không nhân nhượng, có lòng thương dân và yêu nước vô hạn.
– Việc cải tổ thay đổi một đảng đã kiên trì đi theo một con đường lạc hậu đã quá lâu với nhiều thành viên rất bảo thủ, cố ra sức bảo vệ cái lạc hậu chỉ vì quyền lợi riêng tư của họ, họ sẽ chống lại đổi mới triệt để đến cùng, nhưng thật ra việc thay đổi sớm sẽ không làm mất quyền lợi của họ và quyền lợi của đảng, chẳng những thế mà còn làm tăng thêm uy tín của đảng và niềm tin của nhân dân vào đảng.
– Sự chuyển đổi triệt để nhưng trong hòa bình sẽ giúp giữ lại được những gì tốt đẹp của đảng cộng sản trong lòng nhân dân, khi đảng tự chuyển đổi triệt để, hợp với ý dân. Sau này đất nước khi có đi theo chiều hướng đa đảng theo nếp văn minh của thời đại, của nhân loại, nhân dân sẽ còn biết đến đảng đã thức thời, đã tự chuyển biến trong hòa bình hợp với lòng dân, chắc họ sẽ không quên cái ơn này, tuy đã muộn và họ cũng sẽ không lạnh lùng quên lãng như các đảng cộng sản ở Đông Âu, chỉ khi dân chúng phẫn nộ đến tột cùng thì đảng mới chịu từ bỏ quyền lực, lúc đó đảng sẽ trở thành thứ mà dân chúng nên dứt bỏ đi.
Dân tộc Việt nam vốn có lòng khoan dung, độ lượng, những vị anh hùng, những triều đại có công với nước, dân tộc ta vẫn luôn nhớ ơn lâu dài. Vua Lê Lợi có công lớn giành lại nền độc lập tự chủ, đánh đuổi giặc Minh, nên sau này triều đình con cháu nhà hậu Lê yếu hèn để mất ngôi báu về tay ho Mạc, nhân dân vẫn nhớ ơn xưa nên tụ nghĩa dưới cờ của Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm để đánh họ Mạc, khôi phục lại nhà hậu Lê. Các vị Chúa đầu đời nhà Nguyễn có công lớn mở mang bờ cõi về phương nam, cho nước có hình dáng như ngày nay, nên khi các Chúa Nguyễn đời sau bạc nhược bị nhà Tây Sơn đánh đuổi giết hại, nhưng dân chúng miền nam vẫn luôn nhớ ơn khai quốc của các chúa Nguyễn, thế là họ vẫn tôn phù và đi theo Nguyễn Ánh, cuối cùng Nguyễn Ánh đã đánh bại nhà Tây Sơn khôi phục lại cơ đồ nhà Nguyễn. Nhân dân và lịch sử sẽ luôn công bằng với những ai có công với dân, với nước.
Những cái lợi này chắc hẳn nhiều đảng viên kỳ cựu và đảng viên đương chức đã thức tỉnh và nhìn thấy. Thành ra việc chuyển hóa trong hòa bình là có lợi cho dân, cho nước và có lợi cho chính đảng cộng sản Việt nam.
– Nhân vật lịch sử để làm thay đổi thời thế, thay đổi cả một thế lực bảo thủ đương quyền, thì người đó phải có quyền lực, không có quyền lực thì không làm được gì cả. Có biết bao nhiêu nhân sĩ trí thức cũng nhìn thấy sự trì trệ lạc hâu, biết bao nhiêu đảng viên kỳ cựu, những người đã từng có công lớn với đảng cũng thức tỉnh, cũng lên tiếng góp ý đúng đắn với đảng bằng tất cả nhiệt tâm nhưng chỉ như hạt cát trên sa mạc thôi. Vì vậy phải có quyền lực, thậm chí là quyền lực phải lớn nhất thì mới làm cuộc thay đổi sâu rộng và triệt để được, cũng như ông Trường Chinh đã làm hồi năm 1986, lúc ông trở lại làm Tổng bí thư đảng. Muốn có quyền lực thì một là thuyết phục người khác nghe theo mình, nhưng với những người bảo thủ để giữ lấy quyền lợi riêng tư thì đễ gì họ chịu nghe theo lẽ phải, đâu dễ gì họ chịu buông lợi ích cá nhân để phụng sự lợi ích chung.Vì thế nên nhân vật lịch sử cần phải biết cách đoạt quyền lực để thực thi chức trách. Trên con đường để đoạt được quyền lực ấy nếu họ có làm điều gì trái với ý của đám đông, nhưng khi có được quyền lực trong tay thì họ chỉ toàn tâm, toàn ý lo cho dân, cho nước đạt được những ý nguyện như mong muốn, thì nhân dân cũng dễ dàng bỏ qua cho họ tất cả những gì không hay trước đó, nếu có và vẫn kính trọng suy tôn họ như một người anh hùng cứu thế.
  1. C) ANH LÀ AI, LÀ AI ??
– Anh là ai, nếu như anh đang gần chạm đến đỉnh cao nhất của quyền lực thì anh lại định rút lui, rút lui là từ bỏ cơ hội nắm lấy quyền lực cao nhất để thực hiện ý nguyện của mình, một ý nguyện sẽ đem đến cho nhân dân một đời sống tự do, hạnh phúc, cho nước được toàn vẹn và trường tồn.
– Anh là ai, nếu như anh từ bỏ cơ hội, những kẻ thù của anh sẽ đắc thắng, vì đã triệt hạ được anh, người dân sẽ nhìn anh dưới ánh mắt nghi ngờ anh là một trùm tham nhũng, như lời những kẻ thù của anh đã vu khống anh, sau 10 năm tại chức đã thu vén xương máu của nhân dân và giờ đây rút lui để sống an nhàn, hưởng lạc?
– Anh là ai, nếu như anh không từ bỏ, anh đương đầu với họ và chiến thắng họ, chiến thắng cái thế lực bảo thủ vẫn muốn bảo vệ cái chủ nghĩa lỗi thời luôn chà đạp lên nhân dân, cái chủ nghĩa từ lâu đã kéo lùi bước tiến của dân tộc và xem sự tồn vong của tổ quốc không bằng sự tồn tại của đảng cộng sản. Nếu anh đương đầu với chúng, tôi tin là anh sẽ đoạt được quyền, sẽ đánh bại chúng, vì anh rất mưu lược, trong cuộc đời anh, anh cũng đã từng nhiều lần chiến thắng và tôi cũng tin là anh sẽ thực hiện được ước vọng của anh với dân với nước. Nếu niềm tin của tôi về anh và của nhiều người như tôi nếu bị mất đi, thì chúng tôi không còn biết đặt niềm tin vào ai nữa cả, sẽ không có ai và sẽ lâu lắm nhân dân mới thấy có một nhân vật mà mình có thể tin là sẽ làm thay đổi thời thế.
Tôi và có lẽ rất nhiều người đang mong chờ và hy vọng ở anh.
Sài gòn 21/1/2016
Bác sĩ: Lê Trọng Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét