Cứ 3 uỷ viên TƯ đảng, có 1 tiến sĩ!
Posted by adminbasam on 30/01/2016
29-1-2016
Hôm qua, tôi có đếm số thành viên trong Bộ chính trị (BCT) và chỉ ra rằng 3/4 là đến từ miền Bắc, và hơn phân nửa có bằng tiến sĩ. Hôm nay, một bạn đọc gửi một dữ liệu trong excel cho tôi gồm danh sách 180 uỷ viên trung ương đảng, và hỏi tôi “Chú thử phân tích xem có cho ra câu chuyện gì hay không?” Để đáp lại thịnh tình và sự tin tưởng của bạn đọc, tôi lại đếm và tìm ra câu chuyện để chia sẻ cùng các bạn.
Ban chấp hành (BCH) đảng có 180 uỷ viên chính thức. Thông tin mà bạn đọc thu thập cho từng uỷ viên là tên, năm sinh, vùng, và học vị. Vùng bao gồm Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung bộ, và Nam bộ. Học vị có 3 bậc chính: cử nhân (BS), thạc sĩ (MS), và tiến sĩ (PhD). Với dữ liệu như thế này thì thú thật cũng khó làm cho ra câu chuyện, nhưng tôi cũng cố gắng đặt vài câu hỏi hết sức căn bản:
• Có sự khác biệt về sự phân bố uỷ viên BCH theo vùng;
• Tuổi tác của các uỷ viên BCH
• Trình độ học vấn của BCH ra sao;
• Uỷ viên vùng nào có tỉ lệ với bằng tiến sĩ cao nhất.
• Tuổi tác của các uỷ viên BCH
• Trình độ học vấn của BCH ra sao;
• Uỷ viên vùng nào có tỉ lệ với bằng tiến sĩ cao nhất.
Cũng như phân bố trong Bộ chính trị, phần đông uỷ viên BCH Khoá XII cũng là người miền Bắc (Biểu đồ 1). Trong số 180 người, 81 (45%) là từ miền Bắc. Con số uỷ viên miền Bắc cao gần gấp 2 lần con số ủy viên miền Nam (42 người, hay 23%). Miền Nam Trung Bộ có 29 người, tương đương với số uỷ viên Bắc Trung Bộ (28 người).
Biểu đồ phân bố số uỷ viên trung ương đảng (n=180) theo vùng miền. Số uỷ viên miền Bắc chiếm 45% tổng số. Chú thích: South = Nam; North = Bắc; Central = Nam Trung Bộ; N Central = Bắc Trung Bộ.
Về độ tuổi, Biểu đồ 2 cho thấy khá lệch về phía trái. Nhưng điều này dễ hiểu vì qui định của đảng về độ tuổi để tham gia BCH. Nhưng có một giá trị “ngoại vi” (trên tuổi 70), và người đó chẳng ai khác hơn là ông Nguyễn Phú Trọng. Tính chung, tuổi trung bình là 54, với tuổi trẻ nhất là 39 (Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Thanh Nghị). 75% thành viên có tuổi dưới 57.
Biểu đồ về phân bố độ tuổi. Người cao tuổi nhất là 72 tuổi, và chẳng ai khác hơn đó là Nguyễn Phú Trọng.
Biểu đổ 3 cho thấy ngoại trừ vài giá trị có vẻ như “ngoại vi”, không có sự khác biệt về tuổi tác giữa các vùng. Tuổi trung bình (median) của 3 vùng Bắc, Trung, và Nam đều là 55; chỉ có vùng Bắc Trung bộ có tuổi trung bình là 56. Tuy nhiên, sự khác biệt này có lẽ chỉ là “ngẫu nhiên”, (vì không có ý nghĩa thống kê).
Biểu đồ mô tả phân bố độ tuổi của uỷ viên TƯ đảng theo vùng. Mỗi violin có một cái hộp, và đường giữa cái hộp là thể hiện số trung vị, còn đường dưới và trên số trung vị là bách phân vị 25% và 75%. Chú thích: South = Nam; North = Bắc; Central = Nam Trung Bộ; N Central = Bắc Trung Bộ.
Về trình độ học vấn, một điều kinh ngạc là khá nhiều uỷ viên có học vị tiến sĩ! Thật vậy, 61 người (34%) có bằng tiến sĩ, và con số này cao hơn con số uỷ viên có bằng thạc sĩ (49 người, 27%) hay số có bằng cử nhân (50, 28%). Có 20 người không rõ bằng cấp là gì, và phần lớn những người này là trong quân đội.
Biểu đồ về phân bố trình độ học vấn của 180 uỷ viên TƯ đảng khoá 12. Chú thích: NA = không rõ bằng cấp; BS = cử nhân; MS = cao học / thạc sĩ; PhD = tiến sĩ. Có 61 người (34%) có bằng tiến sĩ.
Tuy nhiên, trình độ học vấn có vẻ khác biệt giữa các vùng. Nếu lấy tỉ lệ uỷ viên có bằng tiến sĩ, thì miền Trung là vùng có học cao nhất. Thật vậy, 46% (hay 13/28) uỷ viên miền Bắc Trung Bộ, và 41% (12/29) uỷ viên miền Nam Trung bộ có bằng tiến sĩ. Tỉ lệ uỷ viên BCH miền Bắc là 33% (27/81). Miền Nam có học vấn thấp nhất, với 21% (9/42) người có bằng tiến sĩ (Biểu đồ 4).
Biểu đồ mô tả tỉ lệ uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ theo vùng. Chú thích: South = Nam; North = Bắc; Central = Nam Trung Bộ; N Central = Bắc Trung Bộ.
Thấy gì qua những con số trên? Phải nói rằng phân bố về trình độ học vấn ở BCH rất quái đản. Thông thường, chúng ta biết rằng phân bố trình độ học vấn theo hình tháp: số tiến sĩ là ít nhất, số thạc sĩ cao hơn tiến sĩ, và số cử nhân cao hơn thạc sĩ (1). Nhưng trong 180 người uỷ viên BCH thì nó ngược lại: số người có bằng tiến sĩ cao hơn số người có bằng cử nhân và thạc sĩ! Đó là một hiện tượng kì quái, rất hiếm thấy ở các xã hội tiên tiến và có nền giáo dục đàng hoàng.
Con số hơn 1/3 uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ có thể, tuỳ theo cá nhân, hiểu nhiều cách khác nhau, nhưng tôi nghĩ nó phản ảnh một sự thành công bước đầu trong chủ trương “tiến sĩ hoá” guồng máy đảng và chính quyền. Chúng ta còn nhớ một vị quan chức Hà Nội tuyên bố rằng đến năm 2012 sẽ có 50% công chức khối chính quyền Hà Nội có bằng tiến sĩ, và đến năm 2020, 100% những người quản lí sẽ có bằng tiến sĩ. Ông này còn tuyên bố rằng phải có bằng tiến sĩ mới “đột phá tư duy”. Do đó, tôi nghĩ con số 1/3 uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ chính là một “thành tựu” của chủ trương này.
Con số trên cũng có thể nói lên rằng văn bằng tiến sĩ chỉ là tấm giấy thông hành đế thăng quan tiến chức. Thật vậy, có thời (và cho đến nay), VN có qui định làm quan chức cỡ nào thì cần phải có bằng tiến sĩ. Tôi đoán là trong đảng cũng thế, cái bằng tiến sĩ là một “leverage” để đương sự có một thế cạnh tranh tốt hơn đồng môn. Giữa hai người có cùng các phẩm chất khác, thì người có bằng tiến sĩ thường được đánh giá cao hơn người không có bằng tiến sĩ. Có lẽ chính vì thế mà sự hiện diện của các tiến sĩ trong uỷ viên trung ương đảng cao đến bất thường như thế.
Tóm lại, các uỷ viên miền Bắc chiếm ưu thế trong BCH đảng CSVN Khoá XII, với tỉ trọng cao gần gấp 2 lần so với con số uỷ viên miền Nam. Một điều đáng kinh ngạc là một phần ba uỷ viên BCH có bằng tiến sĩ, nhưng tỉ lệ này cao nhất ở các uỷ viên miền Trung. Con số tiến sĩ trong TƯ đảng cũng nói lên một sự khủng hoảng và mất định hướng về học vị tiến sĩ ở Việt Nam.
====
(1) Có bạn hỏi phân bố về trình độ học vấn sau đại học bên Úc ra sao, và đây là số liệu tôi có. Ở Úc, khoảng 21% dân số trưởng thành có bằng cấp dưới cử nhân (cao đẳng, nghề), 17% dân số có bằng cử nhân, 4.6% có bằng sau đại học, và trong số sau đại học chỉ có 5% là có bằng tiến sĩ. Cũng ở Úc, trong số bộ trưởng, 2/3 có bằng cử nhân và 17% có bằng cao học, không có bộ trưởng nào có bằng tiến sĩ.
Còn ở Mĩ, trong số 22 người cấp bộ trưởng hay tương đương, 16 người có bằng cử nhân, 4 người có bằng masters – cao học, và chỉ 2 người có bằng tiến sĩ.
Tôi không có con số về nguồn gốc tiến sĩ của mấy vị trong trung ương đảng.
PS: Xin chân thành cám ơn VHB đã gửi dữ liệu cho tôi. Tôi hiểu để có dữ liệu này, em ấy phải bỏ ra hàng giờ để sưu tầm. Tôi phải “clean” vài chỗ để có thể phân tích thành một câu chuyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét