Bức xúc trước một hiện tượng phổ biến là
việc tự bổ nhiệm – hoặc “được tổ chức cơ cấu” – cho vợ, chồng, con, em, họ
hàng, chú bác... đứng chung vào guồng máy của người chấp chính, đang tràn lan
trong xã hội quan chức, nhiều nhân vật có tiếng như bà Phạm Chi Lan, Trung
tướng Nguyễn Quốc Thước..., và các báo chí lề phải đã lên tiếng khá sôi nổi
trong vài ngày qua. Về phía mạng xã hội dân sự, LS Lê Văn Luân ba lần phát
biểu trên Facebook. Lần đầu ông liệt kê những sự việc nổi cộm để mọi người
lưu ý. Lần tiếp theo ông lặp lại sự liệt kê nhưng không chỉ mặt vạch tên cụ
thể mà ẩn dưới một câu chuyện hài hước tượng trưng, theo kiểu “cười ra nước
mắt”. Và lần thứ ba ông đưa ra một vài chiêm nghiệm lịch sử cũng như dự đoán
về hậu quả sẽ xảy đến như một tai họa khó lường. Trong khi đó GS Trần Đình
Sử, người bạn quen biết nhiều trong giới văn, lâu nay vẫn được tiếng là khá
cẩn trọng lời ăn tiếng nói, lần này cũng mạnh mẽ phát ngôn, không dài dòng mà
cô đúc, gần như một bản tổng kết chắc nịch gút lại những phân tích của Luật
sư họ Lê: “Với việc cha dành [giành] suất lãnh đạo cho con, chồng bổ nhiệm
vợ, vợ tìm chức cho người tình, mua quan bán tước công khai và dấm dúi, ăn
hối lộ công nhiên, tìm mị [mọi] cách vơ vét tiền của dân dưới vô vàn danh
nghĩa, chế độ ta đạt đến sự thối nát nhất trong các chế độ đã có và hiện
có... Thật khủng khiếp” (Xin xem ở đây).
Chúng tôi không muốn nói thêm điều gì vì
biết không thể nào nói hay hơn những lời tâm huyết của hai vị Luật sư và Giáo
sư. Duy có điều, trong bài viết thứ ba của LS Lê Văn Luân (xem hai bài chọn
trích ở dưới), ngay mấy câu mở đầu, không hiểu sao cách diễn đạt của ông có
hơi khó hiểu: “Các quan thì cố tỏ ra bất ngờ cả trong ngôn từ và biểu cảm
trên khuôn mặt, một tâm trạng buồn với không vui khi người thân, người nhà
thi nhau làm lãnh đạo, nhưng họ đâu biết, với dân tộc thì đó lại là hạnh phúc”.
Sự trái ngược giữa thực chất kém liêm sỉ của đám quan chức dùng đủ cách bổ
nhiệm hàng loạt thân thích mà không biết ngượng, nhưng bên ngoài lại cố tỏ bộ
liêm chính, coi đó là chuyện không có gì tư túi, và khi bị báo chí lên tiếng
thì làm ra vẻ nhẫn nhịn, rằng đó là do cơ cấu chứ mình cũng chẳng vui thích
việc có nhiều con cháu trong nhà làm quan... (1), thì xét về tâm lý ai ai
cũng có thể hiểu. Tuy nhiên, nếu nói rằng cái việc kết bè kết cánh gia tộc
kiểu đó của giới cầm quyền lại là “hạnh phúc của dân tộc” hẳn chắc ít ai đã
dám đồng tình. Bí hiểm thay câu nói ngắn gọn gói ghém “ý tại ngôn ngoại” của
một người thầy cãi từng nổi danh vì đứng về phía dân mà bị hành hung.
Cân nhắc mãi, chúng tôi đồ chừng cách
hiểu dưới đây mới là phù hợp với khái niệm “hạnh phúc dân tộc” mà LS Lê Văn
Luân định gửi gắm trong bài viết. Xin mạn phép giải trình cùng tác giả và bạn
đọc.
Theo triết lý phương Đông, phúc và họa bao
giờ cũng là những phạm trù đắp đổi. Như thuyết “tái ông thất mã” của nhà nho:
“Đắc mã an tri vi phúc; thất mã an tri vi họa” – được ngựa chưa chắc
đã là phúc, mất ngựa chưa chắc đã là họa; cái kẻ bỗng dưng bắt được một con
ngựa đi lạc vào vườn nhà, tưởng phúc đang kéo đến nhà mình, thì hôm sau con
trai anh ta trèo lên lưng con ngựa mới, quất roi phi thử và bị ngã gãy tay,
phúc đâu chưa thấy họa đã lù lù trước mắt. Biện chứng pháp của Lão Tử còn
diễn đạt mối quan hệphúc - họa một cách khái quát hơn: “Phúc
hề họa chi sở y; họa hề phúc chi sở bặc” – Phúc là chỗ dựa của họa; họa
là chỗ náu nấp của phúc. Phúc vàhọa đã được bậc
đại triết gia nhìn nhận trên bình diện một quy luật vận động, chuyển hóa tất
yếu giữa hai mặt đối lập, chung cho cả tự nhiên và xã hội, chứ không còn là
những hiện tượng ngẫu nhiên với cả hai tiềm năng khả thể và không khả thể,
cũng không thu hẹp ở trò may rủi trong số phận một cá nhân. Tất nhiên, đã nói
đến quy luật thì sự tích tụ điều kiện cho quy luật diễn ra, và môi trường để
quy luật phát tác, lại rất cần được quan tâm đầy đủ.
Về ông Bí thư tỉnh ủy Hà Giang có đến 8
“gia thần” cùng làm quan trong một tỉnh là nhân vật “cộm cán”, sẽ có những
bài riêng đề cập. Trong phạm vi bài này, hãy lấy chuyện bà Chủ tịch UBND tỉnh
Yên Bái bổ nhiệm em trai làm ví dụ. Phải đặt câu chuyện của bà ta trong bối
cảnh đất nước vào thời điểm trước mắt mới hiểu được họa - phúc tác
động trong đó như thế nào. Tính đến nay, cả dân tộc Việt Nam đang đứng trước
thảm họa tụt dốc về mọi mặt: kinh tế, xã hội, giáo dục, đạo đức, an ninh, quốc
phòng... Tất cả, không trừ một phương diện nào, đều đã chạm gần tới đáy. Hẳn
chẳng một người Việt nào ở thời điểm này mà lại không sống trong tâm trạng
phấp phỏng bất an, kể cả kẻ cầm quyền ngồi trên tột đỉnh; nói như lời một cựu
đại biểu Quốc hội: Giờ thì chẳng còn mấy ai được “an toàn”. Đó là một thực tế
khó lòng chối cãi. Thế nhưng, ở một tỉnh như Yên Bái, nơi vừa diễn ra cuộc
thanh toán đẫm máu làm ba đảng viên có quyền chức vào loại cao nhất tỉnh
thiệt mạng, khiến dân chúng trong ngoài tỉnh đến nay vẫn chưa hết rùng mình,
thì một vị có quyền chức cao nhất còn sống là bà Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Phạm Thị Thanh Trà, lại nhân cơ hội này chớp lấy thời cơ, bổ nhiệm ngay em
trai ruột của mình làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ mấy ngày
trước khi chính mình được cất nhắc lên làm Bí thư tỉnh ủy thay người vừa bị
bắn chết (2).
Việc đó nói lên điều gì? Bà Chủ tịch Yên
Bái nghĩ thế nào về đại thảm họa của “đảng ta”, trong phạm vi cái tỉnh mà bà
ta quản lý? Có lẽ bà ta chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, ngoài ra không có một
lo lắng băn khoăn nào nữa. Vì sao dám nói vậy? Là bởi, nếu biết giữ uy tín,
thanh danh cho đảng, hẳn ngay sau sự cố ba nhân mạng của Yên Bái, bà Thanh
Trà đã dừng phắt việc lên chức cho người này người khác lại để lo củng cố nội
bộ, chờ cấp trên bổ nhiệm xong nhân sự hao hụt rồi có làm gì hẵng hay. Làm
như thế, dù có đắc mã Bí thư tỉnh ủy, bà vẫn sẽ là người tuân
thủ đúng quy trình, không một ai có chút hồ nghi. Nhưng... tiếc thay, bà
ta lại làm khác. Biết chắc ông Bí thư tỉnh ủy chết đi là một cơ hội
trời cho, nếu không chủ động “xuất chiêu” sẽ thiệt, nên bà ta vội vã thực
thi luôn một “cú” gần như là “cú đúp”, để trong thời gian ngắn kỷ lục, hạnh
phúc của nhà bà trở thành “hạnh phúc kép” – cả chị và em cùng lên ngôi.
Nói theo ngôn ngữ đảng thì cũng vẫn là
“đúng quy trình” cả thôi, yêu cầu tổ chức không cho phép một ai nói khác.
Song “đúng quy trình” mà lại “phi tự nhiên” vì có thêm một “cái hích” nào
trong đó, từ tay bà hay tay ai đó, dân tình chẳng ai biết được. Bởi thế, vốn
dĩ bà Chủ tịch được nhận món “quả ngọt” đã không bình thường – từ chính hệ
quả bất ngờ của mâu thuẫn nội bộ đảng ở vào thời khắc nổ bùng – bà ta còn
nhanh nhảu góp thêm một vụ việc sờ sờ khiêu khích lòng ganh tị, lòng tham,
mặc cho dư luận của đảng viên và quần chúng trong tỉnh cũng như trong cả nước
có sôi lên cũng không cần biết. Đó chẳng phải là một sự bổ sung vào
hình ảnh tuột dốc của cái đảng do bà phụng sự, bôi lem thêm vào bộ mặt không
còn gì công minh chính trực của đội ngũ quan chức đảng là gì?
Với những ai còn lương tri và tỉnh táo,
chắc chắn sau sự việc của bà Chủ tịch Yên Bái cũng như nhiều vụ việc tương tự
và vô số vụ việc loại khác, một câu hỏi hệ trọng sẽ được đặt lên bàn: Đảng
Cộng sản Việt Nam đã thoái hóa tới mức nào mà từ việc này dắt dây sang việc
kia, việc nào đảng viên cũng công nhiên đạp lên danh dự của đảng, không còn
chút ngại ngùng dè dặt, hơn nữa cũng chẳng có cấp trên nào đủ bản lĩnh đứng
ra ngăn chặn hoặc xử lý? Câu trả lời đích đáng nhất chính là câu tổng kết của
GS Trần Đình Sử ở phần trên đã dẫn.
Tóm lại, tình trạng công khai dẫn dắt bầu
đoàn thê tử vào làm chân rết trong các phe phái quan chức cộng sản đang diễn
ra dồn dập, có vẻ cuống quýt nữa, dường như là thêm một dấu hiệu trong không
biết bao nhiêu dấu hiệu ken dày trên trang sử, cho thấy ĐCSVN hiện đã ở vào
“khúc cua” rất hiểm nghèo. Cỗ xe đảng sẽ lao đến cực hạn trong thời gian
ngắn, để đi tới một bước ngoặt chuyển hóa không sao tránh
nổi, trong đó quy luật “họa hề phúc chi sở bặc” – họa chính là chỗ náu nấp
của phúc – tự nó phát huy tác dụng.
Không nói cũng rõ, trước sau gì thì hưởng
phúc chính là dân tộc Việt Nam.
Bauxite Việt Nam
|