Phạm Trần
Quốc hội Cộng sản Việt Nam đã có kế hoạch thảo luận Dự luật về Hội trong phiên
họp kỳ 2 khóa 14, tháng 10-2016, nhưng ích cho dân thì ít mà lợi cho nhà nước
thì nhiều, kể cả khả năng ngăn chặn việc thành lập Công đoàn độc lập của công
nhân.
Dự thảo có 8 Chương, 37 Điều “quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà
nước về hội”.
Ngay trong mục 2 của Điều 1 đã quy định rằng: “Luật này không áp dụng với
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh
Việt Nam; tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng”.
Ngoài các tổ chức tôn giáo, tín
ngưỡng thuộc lĩnh vực tâm linh, các Tổ chức khác đều là của đảng thành lập từ
lâu. Chúng được hưởng các quyền lợi vật chất và hoạt động bằng ngân sách nhà
nước. Nhân sự điều hành và nhiều đoàn viên là những cán bộ, công nhân viên và
đảng viên ăn lương của dân để phục vụ đảng cầm quyền.
“Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” là thành phần con ông
cháu cha hay thuộc dòng tộc “có công với cách mạng” hoặc được chọn từ hàng ngũ
“con cháu các gia đình liệt sỹ”. Đoàn viên là những đảng viên kế thừa cho đảng
trong tương lai. Họ được đảng nâng đỡ từ việc học đến việc làm và hưởng nhiều
đặc quyền đặc lợi của nhà nước vượt xa con dân thường.
Nhưng các Tổ chức này lại không chịu bất cứ hình thức chế tài nào của luật lập
Hội là một quyết định bất công và kỳ thị rõ ràng đối với các tổ chức và hội của
dân.
Bởi lẽ khoản 1 của Điều 2 Dự thảo viết rằng: “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có
tôn chỉ, mục đích phù hợp quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích
lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội
viên, của cộng đồng; góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Như vậy, các Hội của dân rõ ràng có
mục đích hoạt động nhân đạo, phục vụ công ích cho xã hội và người dân hơn các
Tổ chức của đảng và nhà nước ghi trong Điều 2 của Dự thảo luật. Ai ở Việt Nam
cũng biết các tổ chức do đảng lập ra chỉ để thi hành công tác cho đảng và bảo
vệ quyền lợi cho nhau. Nhân dân nếu có, như Công đoàn Việt Nam và Hội
Nông dân Việt Nam, trong thực chất, chỉ làm lợi cho nhà nước về mặt
tuyên truyền hơn là đem phúc lợi vật chất và tinh thần cho hội viên và người
dân trong xã hội.
Bàn tay nhà nước
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy chỗ nào trong 37 Điều của Dự thảo cũng
có bàn tay của nhà nước.
Chẳng hạn như Khoản 4 của Điều 4 viết: “Nhà nước có chính sách, chế độ đối
với cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, phân công sang làm việc tại
hội”.
Tại sao nhà nước phải đặt cán bộ
vào các “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ,
mục đích phù hợp quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận…”?
Nếu không để kiểm soát thì vào đó làm gì?
Cơ quan nhà nước còn “nắm đầu” luôn cả người đứng đầu Hội như quy định trong
khoản 4, Điều 21: “Người đứng đầu hội là người đại diện theo pháp luật của
hội, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của hội. Người đứng đầu
hội do ban lãnh đạo bầu trong số các ủy viên ban lãnh đạo theo quy định của
pháp luật và điều lệ hội. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công
nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội”.
Việc “công nhận” và “bãi nhiệm” sẽ được “Chính phủ quy định chi tiết thủ tục
công nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội” (khoản 5)
Đến chuyện gọi là “quản lý Nhà nước về Hội” thì các điểm ghi trong Điều 31 đã
vạch trần mọi mánh lới của đảng trong công tác kiểm soát Hội.
Luật cho phép nhà nước được:
1. Ban hành và tổ chức thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hội.
2. Cấp đăng ký thành lập,
chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều
lệ và chức danh người đứng đầu hội.
3. Hướng dẫn nghiệp vụ cho
cán bộ, công chức làm công tác quản lý hội.
4. Tuyên truyền phổ biến
pháp luật về hội.
5. Thanh tra, kiểm tra việc
chấp hành pháp luật về hội; kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội đối với các hội.
6. Quản lý việc ký kết,
thực hiện thỏa thuận quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế của hội, triển khai
các hoạt động đối ngoại, tiếp nhận viện trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài
theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý tài sản, tài
chính do Nhà nước cấp, khoán, hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ được giao và do tổ
chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ theo quy định của pháp luật.
8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo,
xử lý vi phạm pháp luật về hội.
9. Tổng hợp báo cáo tình hình tổ
chức, hoạt động và quản lý hội.
1. “Chính phủ thống nhất quản lý
nhà nước về hội trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Nội vụ chịu trách
nhiệm trước Chính phủ thực hiện và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong
việc thực hiện quản lý nhà nước về hội theo sự phân công của Chính phủ.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm ban hành cơ chế,
chính sách để hội tham gia thực hiện chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư
vấn và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực
quản lý của mình.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cấp đăng ký thành
lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận
điều lệ và chức danh người đứng đầu hội đối với hội hoạt động trong phạm vi địa
phương mình; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình.
5. Ủy ban nhân dân cấp
huyện trong trường hợp được ủy quyền có trách nhiệm cấp đăng ký thành lập,
chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều
lệ và chức danh người đứng đầu hội đối với hội hoạt động trong phạm vi địa
phương mình; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình”.
Khi bị nhà nước kiểm soát như thế thì Hội phải làm gì theo đòi hỏi của Luật?
Điều 25 giải thích hết “Nghĩa vụ của hội”
phải tuân hành trong những điểm chính dưới đây:
1. Chấp hành các quy định của
pháp luật và tổ chức, hoạt động theo điều lệ hội được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền công nhận.
2. Hội hoạt động thuộc lĩnh vực
nào phải chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh
vực đó.
3. Khi thay đổi chức vụ lãnh đạo
hội, thay đổi trụ sở, hội phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
tại Điều 14 Luật này và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà
hội hoạt động.
4. Báo cáo việc thành lập pháp
nhân thuộc hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này
và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động.
5. Chậm nhất vào ngày 01
tháng 12 hàng năm, hội phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội với cơ
quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này (*) và
cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động.
6. Chấp hành sự hướng dẫn,
kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ
pháp luật và điều lệ hội.
Khoản 9 của Điều 25 còn cho phép Nhà nước kiểm soát chi tiêu của Hội: “Việc
sử dụng kinh phí của hội phải chấp hành quy định của pháp luật và điều lệ hội. Hàng
năm, hội phải báo cáo quyết toán tài chính theo quy định của Nhà nước gửi cơ
quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14
Luật này về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước
ngoài”.
(*) Điều 14 của Dự thảo ghi trong khoản 5 trên đây ấn định “Thẩm quyền cấp
giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể,
đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội” được phân chia như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp
nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận chức danh người đứng
đầu hội đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau
đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cấp giấy đăng ký thành lập, chia,
tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công [nhận] chức
danh người đứng đầu hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn
cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh ủy quyền để Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) cấp giấy đăng ký thành
lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận
chức danh người đứng đầu hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã.
Đối với các Tổ chức hội ở cấp Quốc gia đã có từ lâu thì “Thẩm quyền phê duyệt
điều lệ hội” thuộc về Thủ tướng.
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ Liên hiệp Các hội khoa học và
kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp Các hội
văn học nghệ thuật Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nhà
văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã
Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
Các hội không nằm trong khỏan (a) thì việc chấp thuận điều lệ thuộc quyền cấp
dưới Thủ tướng : “b) Đối với các hội không thuộc trường hợp quy định
tại Điểm a Khoản này thì cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập hội quy định
tại Khoản 1 Điều này phê duyệt điều lệ hội”.
Như vậy, từ khi thành lập đến tổ
chức nhận sự, thay đổi nhân sự của hội, ngân sách hoạt động và điều lệ của hội
đều phải qua tay kiểm soát của nhà nước các cấp từ trung ương xuống cơ sở.
Với những ràng buộc bị trói như thế thì hội có còn là của dân nữa không, hay đã
bị nhà nước hoá từ đầu đến chân ?
Nhưng chưa hết. Nhà nước còn kiểm soát cả những việc làm thuộc nội
bộ của hội như ghi trong Điều 20 quy định về việc tổ chức và bầu cử.
Dự luật viết: “Chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước khi tổ chức đại hội, ban
lãnh đạo hội thông báo bằng văn bản về việc tổ chức đại hội cho cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này. Hội tổ chức đại hội sau khi
có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14
Luật này” (mục 6).
Mục 7 viết: “Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc đại hội,
ban lãnh đạo hội gửi báo cáo kết quả đại hội, đề nghị đổi tên, công nhận điều
lệ sửa đổi, bổ sung (nếu có) và chức danh người đứng đầu hội đến cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật này”.
Mục 8 ghi: “Trong thời hạn 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ báo cáo kết quả đại hội, đề nghị đổi tên, công nhận điều lệ sửa đổi, bổ sung
và chức danh người đứng đầu hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều
14 Luật này công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội; trường hợp không
công nhận, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Mục 9: “Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục báo cáo tổ chức
đại hội, báo cáo kết quả đại hội và việc đổi tên, phê duyệt điều lệ sửa đổi, bổ
sung của hội”.
NGĂN CẤM VÀ TRÙNG LẮP
Cũng giống như mọi Luật liên quan đến hoạt động và quyền lợi của công dân, dự
luật về Hội cũng có những điều ngăn cấm mơ hồ và tùy tiện để nhà nước có thể
lợi dụng.
1. “Cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái
quy định của pháp luật.
2. Thành lập, hoạt động trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức xã hội, xâm phạm
quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương
hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết
dân tộc, quyền con người, quyền công dân”.
Trong khỏan 2, Dự thảo không giải thích thế nào là “xâm phạm quyền và lợi
ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân”. Cũng
như thế nào là “gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an
toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân”.
Cả hai vế cấm mơ hồ này đều là cửa
ngõ rộng mở để nhà nước xử lý tùy tiện và tự do xâm hại các tổ chức Hội. Trong
nhiều năm qua nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã nổi tiếng đàn áp người dân
bằng cách gán cho dân đã vi phạm “an ninh quốc gia” và “an toàn xã hội”. Họ còn
lấy cớ bảo vệ “khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân”để
đàn áp dã man các cuộc biểu tình tự phát của người dân chống xâm lược Trung
Quốc ở Biển Đông và chống bất công xã hội.
Đảng và nhà nước CSVN cũng đã nhân danh bảo vệ “an ninh quốc gia” và “an toàn
xã hội” để ra tay đàn áp những cuộc tập hợp của dân ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều
nơi trong nước muốn tưởng nhớ và ghi ơn 74 chiến sỹ quân đội Việt Nam Cộng hòa
đã hy sinh trong cuộc chiến chống Tàu bảo vệ quần đào Hoàng Sa tháng 1-1974;
tưởng niệm 45,000 quân nhân và đồng bào đã bỏ mình trong cuộc chiến biên giới
chống Tàu năm 1979; và nhớ ơn 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân đã bỏ mình tại cuộc
chiến chống quân Tàu ở Trường Sa năm 1988.
Ngoài những điều gây khó khăn và kiểm soát Hội, dự Luật cũng nghiêm cấm sự
“trùng hợp hoạt động” như ghi trong khoản 3 của Điều 9 về Hội.
Họ buộc: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh
vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó
trong cùng phạm vi hoạt động”.
Sự cấm đoán này là chính đáng để tránh dẫm chân lên nhau, nếu không có chuyện
Công đoàn độc lập có thể được thành hình ở Việt Nam khi Hiệp định Đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership) có hiệu lực.
Hiện nay nhà nước CSVN có Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (hay còn được gọi là
Công đoàn Việt Nam) mang danh nghĩa là nghiệp đoàn lao động lớn nhất của tập
thể công nhân nhưng cũng quy định “là thành viên của hệ thống chính trị do
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có quan hệ hợp tác với Nhà nước và phối hợp
với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác”.
Trên nguyên tắc, tổ chức này có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Nhưng
trong thực tế cán bộ của Công đoàn đã ăn lương của chủ nhân và rất ít khi dám
đứng ra bênh vực quyền lợi cho công nhân. Nhiều vụ biểu tình đình công tự phát
của công nhân đã xẩy ra khắp nơi trong nước đòi quyền lợi và chống chủ nhân bóc
lột, sau khi cán bộ Công đoàn đã bỏ công nhân theo chủ để có bổng lộc.
Do đó, nếu có Công đoàn độc lập hoạt động song song với Tổng Liên đòan Lao động
Việt Nam của nhà nước thì sẽ có xung đột về nhiệm vụ và quyền lợi.
Vì vậy, khi Điều 9 của dự luật ngăn cấm hoạt động gọi là “trùng lắp” với “hội
đã được thành lập hợp pháp trước đó” như Tổng Liên đoàn Lao
động Việt Nam thì hy vọng ra đời của Công đoàn lao động độc lập càng bị thu hẹp
lại, hay sẽ không xẩy ra.
Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam vẫn chưa có kế họach phê chuẩn TPP trong kỳ họp
thứ 2, dự trù khai mạc ngày 20-10-2016 nên chưa biết tương lai của Công đoàn
độc lập sẽ ra sao.
Theo Công ước 87 của Tổ chức Lao động
Quốc tế (International Labour Organization) quy định về “Quyền tự do hiệp
hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức” thì “Người lao động và người sử
dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin
phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa
chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính
tổ chức đó” (Điều 2).
Hay: (1) “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có
quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức
việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình” (2).
“Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế
quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó”.
Quan trọng hơn, Điều 4 khẳng định: “Các tổ chức của người lao động và của
người sử dụng lao động không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải
giải tán hoặc đình chỉ”.
Nhằm tạo sức mạnh cho quyền của người Lao động, Công ước 87 viết trong Điều 5:
“Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp
thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên
đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của
người lao động và người sử dụng lao động”.
Để bảo đảm sự minh bạch và công bằng giữa người lao động, người sử dụng lao
động và nhà nước, Điều 8 nói rõ: “(1) Trong khi thi hành những quyền mà
Công ước này đã thừa nhận cho mình, người lao động, người sử dụng lao động và
các tổ chức tương ứng của họ, cũng như mọi người và mọi tập thể có tổ chức khác,
đều phải tôn trọng pháp luật trong nước”.
Tuy nhiên trách nhiệm phải tuân thủ Công ước 87 cũng buộc nhà nước Việt Nam
phải thi hành khoản 2 của Điều 8 viết rằng: “(2) Pháp luật quốc gia
không được có những quy định mang tính chất xâm hại, cũng như không được áp
dụng với mục đích xâm hại tới những đảm bảo đã được quy định trong Công ước này”.
Như vậy những điều quan trọng được trích ra từ Dự Luật về Hội có ghi trong bài
này cho thấy nhà nước Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc về “Quyền tự do
hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức” của Công ước 87 do Tổ chức Lao
động Quốc tế (International Labour Organization) ban hành.
Ngoài những chướng ngại vật cản đường công nhân lập hội, Dự luật còn cho phép
cơ quan nhà nước xía mũi vào việc “công nhận ban vận động” lập Hội trước khi
thành hình Hội.
Khoản 1, Điều 10 viết: “Công dân, tổ chức Việt Nam có nhu cầu thành lập hội
phải dự kiến danh sách những người tham gia ban vận động thành lập hội, đề nghị
cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội”.
Như vậy là không trừ khâu nào trong tiến trình lập Hội mà không có bàn tay lem
luốc của nhà nước. Vấn đề bây giờ là liệu khi đem ra thảo luận vào tháng 10,
các Đại biểu Quốc hội có ý thức được rằng quyền lập hội của dân, ngoài việc thi
hành Luật của quốc gia còn phải tuân thủ Luật pháp Quốc tế nữa.
Trường hợp của Tổ chức Công đoàn độc lập là một tỷ dụ. Được thành lập hay không
sẽ là một thách đố cho Quốc hội khi hai chữ “trùng lắp” được đem ra thảo luận
-/-
P.T.
(22-09-2016)
LM P. Phan Văn Lợi gửi BVN
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:37
Nhãn: Đảng CSVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét