Biển Đông: Sách lược cầm chân Trung Quốc
của Việt Nam
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
(phải) và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 13/09/2016. REUTERS/Lintao Zhang |
Từ ngày 10 đến 15/09/2016, thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công du Trung Quốc trong một bối cảnh được cho
là không mấy thuận lợi cho Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Trong tình hình đó, Việt Nam đã cố gắng giải tỏa áp lực từ phía Trung Quốc, đặc
biệt trong lãnh vực kinh tế, đồng thời tìm cách bảo vệ chủ quyền của mình tại
khu vực Biển Đông đang bị Bắc Kinh tranh chấp dữ dội.
Khi đón tiếp thủ tướng Việt Nam,
Trung Quốc đã tỏ thái độ rất hòa hoãn, và giới quan sát đặc biệt chú ý đến lời khuyến
dụ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân cuộc tiếp xúc với thủ tướng Việt
Nam hôm 13/09, kêu gọi Hà Nội giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song
phương vì lẽ « lợi ích chung giữa hai nước lớn hơn rất nhiều so với những bất
đồng ».
Trước đó, trong cuộc họp với đồng
nhiệm Việt Nam, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng cho rằng hai nước nên
nghiêm túc thực hiện những gì đã được đồng thuận ở cấp cao, « quản lý và kiểm
soát các tranh chấp, xúc tiến hợp tác hàng hải » để « cùng duy trì ổn định trên
biển ».
Hòa hoãn trong lời lẽ, hung
hăng trong hành động
Tất cả những lời lẽ trên đây đều
rất hòa dịu, không thấy nói gì đến thực tế trên Biển Đông là bất chấp phán
quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016, phủ nhận hoàn toàn
các cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò, Trung Quốc vẫn áp đặt các yêu sách thái
quá của họ, ra sức thị uy bằng những cuộc tập trận trên không và trên biển,
tiếp tục thúc đẩy tiến trình quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại
khu vực Trường Sa, trong đó có nhiều đảo đã dùng võ lực chiếm lấy từ tay Việt
Nam.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt
Ngữ RFI, về thông điệp mà Trung Quốc muốn gởi tới Việt Nam nhân dịp trải thảm
đỏ đón tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về
Biển Đông tại Đại Học Maine (Hoa Kỳ) nêu bật dụng tâm chiêu dụ và hù dọa của
Bắc Kinh :
Ngô Vĩnh Long : Thông điệp của Trung Quốc đối với hồ sơ Biển Đông
là Việt Nam không nên thừa thắng xông lên. Nếu chịu nhịn nhục thì Trung Quốc sẽ
không những tiếp tục hợp tác trong các lãnh vực kinh tế và thương mại, mà còn
tăng viện trợ (…)
Còn không thì Trung Quốc sẽ
tiếp tục làm áp lực Việt Nam từ nhiều phía, như từ Campuchia, Lào, Nga, v.v.,
cũng như từ ngay các cơ sở của Trung Quốc tại Việt Nam.
"Để cho Trung Quốc không
có cớ leo thang"
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long,
Việt Nam không rơi vào bẫy của Trung Quốc, vẫn đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao
để tìm hậu thuẫn từ các nước khác nhưng tiếp tục tránh không cho Trung Quốc có
cớ để leo thang.
Ngô Vĩnh Long : Trên lãnh vực đối ngoại, Việt Nam đã có những cố gắng
như nâng cấp quan hệ với Ấn Độ, vận động Singapore để qua đó làm áp lực các
nước khác trong ASEAN, và tăng cường hợp tác với Pháp để kéo các nước khác ở Âu
Châu ngày càng tham gia vào hồ sơ Biển Đông và an ninh khu vực Đông Nam Á.
Trong thời điểm hiện tại thì
Việt Nam chỉ muốn hoạt động cầm chừng để phòng hờ và để cho Trung Quốc không có
cớ leo thang. Ngoài việc để cho Trung Quốc có thời gian điều chỉnh chính sách
bắt nạt của mình đối với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng muốn mua thời
gian để giải quyết các vấn đề nội bộ đang càng ngày càng căng thẳng và khó khăn.
Thái đô rất ngoại giao của Việt
Nam đối với Trung Quốc có thể nói là nhằm hóa giải ba nhân tố được cho là có
thể bất lợi cho Việt Nam trong việc tranh thủ dư luân quốc tế chống lại các yêu
sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông.
3 bất lợi: ASEAN bất lực,
Philippines đổi hướng, Mỹ phân tâm ?
Giới phân tích thường nhắc đến ba
yếu tố, mà gần đây nhất là việc Bắc Kinh đã dùng các thủ đoạn hậu trường và đã
thành công trong việc khóa miệng ASEAN, không cho nhắc đến phán quyết quốc tế
về Biển Đông, cho dù đó là một sự kiện tối quan trọng cho an ninh khu vực.
Nhân tố thứ hai là việc Tân tổng
thống Philippines, nước đứng mũi chịu sào trong vụ kiện Trung Quốc ra trước
quốc tế lại bất ngờ bắn đi những tín hiệu hòa dịu về phía Bắc Kinh, trong lúc
lại có một số thái độ cứng rắn hơn đối với Mỹ, nước đã hết sức hậu thuẫn cho
Manila trong việc chống đỡ sức ép đến từ Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông trong
thời gian trước đây.
Nhân tố thứ ba là sự kiện nước
Mỹ, vào thời điểm này, cũng đã có vẻ tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh, một
động thái rất dễ hiểu khi ta biết rằng Hoa Kỳ đang trong thời kỳ tranh cử tổng
thống, và chính quyền mãn nhiệm thường tránh có những động thái có khả năng gây
trở ngại cho chính quyền kế nhiệm.
Tuy nhiên, đối với giáo sư Ngô
Vĩnh Long, không nên xem các nhân tố đó là hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam.
Ngô Vĩnh Long : Tôi thì lạc quan hơn. Trước hết tôi không nghĩ
Philippines càng ngày càng ngã về Trung Quốc. Tổng thống Duterte có thể ăn nói
rất lỗ mãng và hàm hồ, nhưng ông ta cũng nói rõ rằng Philippines sẽ đàm phán
với Trung Quốc để làm tốt quan hệ song phương, nhưng dựa trên phán quyết của
Toà Án Trọng Tài Thường Trực.
Tôi nghĩ rằng Philippines sẽ
không thể để cho Trung Quốc chiếm toàn bộ khu vực Scarborough, rộng khoảng 150
dặm vuông, vì như thế sẽ ngăn chặn tất cả lưu thông từ phía nam qua eo biển
Malacca lên đến Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật qua giữa đất liền của Philippines và
Scarborough (…)
Thái độ dường như hững hờ của
Duterte trong hiện tại cũng như sự bất lực của ASEAN như là một hiệp hội nói
chung, lại càng làm tăng giá trị của Việt Nam, một phần là vì Việt Nam có bờ
biển và khu đặc quyền kinh tế dài nhất trong khu vực Biển Đông cho nên ảnh
hưởng của sự đe doạ an ninh ở Biển Đông là lớn nhất đối với Việt Nam.
Về phía Mỹ, thái độ có vẻ bất
quan tâm trong hiện tại thật ra có hai điều tích cực. Trước hết là để cho Trung
Quốc có thời gian hạ hoả, sau đó, nếu Trung Quốc vẫn không thượng tôn luật pháp
quốc tế và tiếp tục đe doạ an ninh ở Biển Đông thì sau bầu cử ở Mỹ, chính quyền
mới sẽ có cớ mà chứng minh cho dân chúng họ, cũng như đối với dư luận của thế
giới, rằng vai trò của Mỹ trong vấn đề bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh trên
biển là tối quan trọng.
Nhìn chung, giáo sư Ngô Vĩnh Long
cho rằng trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh các nỗ
lực vận động quốc tế và khu vực góp sức cùng Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh
tại Biển Đông và nhất là phát huy việc tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển,
điều mà Trung Quốc đang chứng tỏ là họ coi thường.
Toàn bộ bài phỏng vấn
RFI : Thủ tướng
Việt Nam vừa công du Trung Quốc trong năm ngày, và đã tiếp xúc với hầu hết các
lãnh đạo Trung Quốc. Hai bên cũng đã ra một thông cáo chung về quan hệ song
phương. Giáo sư nhận xét sao về quan hệ Việt Trung vào lúc này? Đâu là những
điểm mới đáng chú ý?
Ngô Vĩnh Long: Vào thời điểm này, Trung Quốc và Việt Nam muốn chú
trọng vào quan hệ kinh tế và thương mại để giảm bớt căng thẳng trên các lãnh
vực chính trị, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm về an ninh đối với Việt Nam
trên đất liền cũng như ở Biển Đông.
Do đó, ta thấy trong 9 văn
kiện và bản ghi nhớ về hợp tác mà hai bên đã ký, có 4 hiệp định quan trọng về
kinh tế và thương mại. Đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam là hai hiệp định
sau đây:
Hiệp định gia hạn bổ sung quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2017–2021 và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
RFI : Trên vấn đề
Biển Đông, giới quan sát đã rất chú ý đến hai lập luận rất xưa cũ của Trung
Quốc đã được ông Tập Cận Bình nhắc lại với ông Nguyễn Xuân Phúc tại Bắc Kinh :
« Việt Nam phải chú ý đến đại cục » và « tranh chấp phải được giải quyết qua
phương thức song phương ». Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông có nhiều diễn biến
quan trọng, nhất là sau phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye được cho là có
ảnh hưởng đến tranh chấp Trường Sa, Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo
giáo sư, thông điệp mà Trung Quốc nhắn gửi tới Việt Nam là gì?
Ngô Vĩnh Long : Thông điệp của Trung Quốc đối với hồ sơ Biển Đông
là Việt Nam không nên thừa thắng xông lên. Nếu chịu nhịn nhục thì Trung Quốc sẽ
không những tiếp tục hợp tác trong các lãnh vực kinh tế và thương mại, mà còn
tăng viện trợ.
Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu đô là cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Bản ghi nhớ về
việc trao tặng thiết bị, trị giá 20 triệu nhân dân tệ, để hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu là hai chứng minh cụ thể.
Còn không thì Trung Quốc sẽ
tiếp tục làm áp lực Việt Nam từ nhiều phía, như từ Campuchia, Lào, Nga, v.v., cũng
như từ ngay các cơ sở của Trung Quốc tại Việt Nam.
RFI : Chính quyền Việt Nam cho đến nay đã biết rất rõ
các ngón đòn gây sức ép của Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, theo giáo sư,
Việt Nam đã có phản ứng cụ thể ra sao? Có thỏa đáng hay chưa?
Ngô Vĩnh Long : Đúng là Việt Nam biết rất rõ, cho nên phản ứng của Việt
Nam cũng phải như thế nào để Trung Quốc khỏi phản ứng mạnh trở lại.
Trên lãnh vực đối ngoại thì
Việt Nam đã có những cố gắng như nâng cấp quan hệ với Ấn Độ, vận động Singapore
để qua đó làm áp lực các nước khác trong ASEAN, và tăng cường hợp tác với Pháp
để kéo các nước khác ở Âu Châu ngày càng tham gia vào hồ sơ Biển Đông và an
ninh khu vực Đông Nam Á.
Trong thời điểm hiện tại thì
Việt Nam chỉ muốn hoạt động cầm chừng để phòng hờ và để cho Trung Quốc không có
cớ leo thang. Ngoài việc để cho Trung Quốc có thời gian điều chỉnh chính sách
bắt nạt của mình đối với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng muốn mua thời
gian để giải quyết các vấn đề nội bộ đang ngày càng căng thẳng và khó khăn.
RFI : Theo nhiều nhà phân tích, trong hồ sơ Biển Đông,
bối cảnh chung hiện nay như đang có những diễn biến không mấy thuận lợi cho
Việt Nam như thái độ ngày càng ngả về Trung Quốc của Philippines, tình trạng
bất lực của ASEAN, thái độ bớt quan tâm của Mỹ do tình hình bầu cử. Nhận định
của giáo sư ra sao?
Ngô Vĩnh Long : Tôi thì lạc quan hơn. Trước hết tôi không nghĩ
Philippines càng ngày càng ngã về Trung Quốc. Tổng thống Duterte có thể ăn nói
rất lỗ mãng và hàm hồ, nhưng ông ta cũng nói rõ rằng Philippines sẽ đàm phán
với Trung Quốc để làm tốt quan hệ song phương, nhưng dựa trên phán quyết của
Toà Án Trọng Tài Thường Trực.
Tôi nghĩ rằng Philippines sẽ
không thể để cho Trung Quốc chiếm toàn bộ khu vực Scarborough, rộng khoảng 150
dặm vuông, vì như thế sẽ ngăn chặn tất cả lưu thông từ phía nam qua eo biển
Malacca lên đến Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật qua giữa đất liền của Philippines và
Scarborough.
Nên nhớ rằng từ khi Trung Quốc
đe doạ an ninh ở Biển Đông qua việc thiết lập căn cứ quân sự ở Hoàng Sa, thì
khoảng 60% dầu khí sau khi qua Eo Biển Malacca đã chuyển hướng qua phía đông để
đi dọc Philippines lên hướng bắc. Đó là một trong những lý do chính Trung Quốc
đã đánh chiếm Scarborough.
Tuy nhiên, thái độ dường như
hững hờ của Duterte trong hiện tại cũng như sự bất lực của ASEAN như là một
hiệp hội nói chung, lại càng làm tăng giá trị của Việt Nam, một phần là vì Việt
Nam có bờ biển và khu đặc quyền kinh tế dài nhất trong khu vực Biển Đông cho
nên ảnh hưởng của sự đe doạ an ninh ở Biển Đông là lớn nhất đối với Việt Nam.
Về phía Mỹ thì thái độ có vẻ
bớt quan tâm trong hiện tại thật ra có hai điều tích cực. Trước hết là để cho
Trung Quốc có thời gian hạ hoả, sau đó, nếu Trung Quốc vẫn không thượng tôn
luật pháp quốc tế và tiếp tục đe doạ an ninh ở Biển Đông thì sau bầu cử ở Mỹ,
chính quyền mới sẽ có cớ mà chứng minh cho dân chúng họ, cũng như đối với dư
luận của thế giới, rằng vai trò của Mỹ trong vấn đề bảo vệ luật pháp quốc tế và
an ninh trên biển là tối quan trọng.
RFI : Trong tình hình hiện nay, Việt Nam có thể làm
những gì ?
Ngô Vĩnh Long : Theo tôi, trong tình hình hiện nay, Việt Nam nên
tiếp tục nhắc nhở thế giới về vai trò của Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ an
ninh ở Biển Đông và luật pháp quốc tế trên biển, để vận động sự ủng hộ của dư
luận thế giới nói chung.
Đối với các nước ven biển – và
điều này rất quan trọng - Việt Nam nên tăng cường hợp tác và trao đổi, kể cả
đối với Philippines. Ông Duterte có thể ăn nói lung tung, nhưng các chính trị
gia khác và các chuyên gia của nước này vẫn phải lo bảo vệ an ninh và lợi ích
của Philippines về lâu về dài.
Và trong vấn đề này, các nước
ven Biển Đông - trong đó có Philippines, Malaysia… - có thể sẽ cùng nhau làm áp
lực trên ASEAN, cũng như vận động thế giới. Cho nên Việt Nam phải tiếp tục trao
đổi với các nước ven biển trong khu vực.
Trọng Nghĩa/(RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét