Nguyễn Đình
Cống
Vừa qua Câu lạc
bộ đọc sách báo của chúng tôi mời được một diễn giả nói chuyện về tình hình
thời sự. Ông MĐ là Tổng biên tập một tờ báo lớn, đại biểu HĐND thành phố, ứng
cử và được bầu tại phường chúng tôi. Việc ông dành thời gian gần 2 giờ để nói
chuyện, đối với CLB là một vinh dự ít có. Ông nói về một số vấn đề thời sự
trong nước và thế giới, trong đó điều làm tôi quan tâm nhất là quan hệ của Việt
Nam với Trung Quốc. Theo ông MĐ, tuy rằng có một vài sự kiện ở Biển Đông, nhưng
quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đang rất tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm Trung
Quốc của TT Phúc. Ông cho rằng đường lối hòa bình mềm dẻo và tôn trọng luật
pháp quốc tế của Đảng ta là sáng suốt, phù hợp với tình hình quốc tế và truyền
thống dân tộc. Ông viện dẫn các sự kiện lịch sử các đời vua của Việt Nam vẫn
thần phục và triều cống hoàng đế Tàu, mà sự kiện đáng chú ý là Quang Trung, sau
khi đánh tan 20 vạn quân Thanh phải sang Bắc Kinh xin thần phục vua Khang Hy
(!) nhà Thanh, cho đó là tấm gương cần noi theo.
Đã lâu tôi không
được nghe các buổi nói chuyện của các cán bộ tuyên giáo. Trước đây, mỗi lần
được nghe như thế tôi chỉ tiếp thu một chiều, làm tôi phấn khởi, được biết thêm
nhiều chuyện, được sáng mắt sáng lòng. Nay thì khác, tôi nghe để biết quan điểm
của diễn giả và xem “sự ngụy biện” đến đâu.
Kết
thúc trong tiếng vỗ tay hoan hô, ông MĐ tỏ ra thỏa mãn, nán lại gặp gỡ và trao
đổi thêm với một vài người. Tôi cũng ở lại một chốc, được ông chào và hỏi: “Bác
thấy tôi trình bày thế nào”. Tôi trả lời: “Anh nói hay, cung cấp được một số
thông tin có giá trị, đa số bà con tham dự xem ra là thỏa mãn, riêng tôi thấy
có vài chỗ anh chỉ mới đề cập đến một phần của sự thật bên ngoài, bỏ mất phần
khác quan trọng hơn, riêng các lập luận, có hình thức chặt chẽ nhưng để ý ra
thì thấy khoảng một phần ba là sai vì phạm vào lỗi ngụy biện, đặc biệt phần nói
về quan hệ Việt Trung, về vua Quang Trung”. Đó là một nhận xét có tính phản
biện mà diễn giả không mong đợi. Tôi chờ một câu trả lời đại khái như: “Xin cám
ơn bác, xin bác chỉ cho biết những chỗ mà bác cho là phần quan trọng hơn, là
sai vì ngụy biện”. Nhưng không! Ông ta phản ứng bằng cách chống chế. Tôi biết
không thể tiếp tục trao đổi nên xin rút lui để ông đàm đạo với những người khác
đang chờ đợi những ý kiến quý báu của ông.
Về quan hệ với
Trung Quốc, xin vạch ra một số ngụy biện mà tuyên huấn của Đảng vẫn dùng để lừa
nhân dân, mà tiếc thay, một số người vẫn vui vẻ nghe theo (như tôi trước đây).
1. Nước ta bị thế kẹt là ở sát Trung Quốc, bị nó khống chế
nhiều bề
Giáp với Trung
Quốc không phải chỉ có Việt Nam mà còn 13 nước khác như Mông Cổ, Bhutan, Nepal,
Tajikistan, Kazakstan, Nga, Myanmar, Ấn Độ v.v. Trừ Nga và Ấn Độ, các nước khác
đều bé, thế mà họ có chịu khuất phục Trung Quốc như Việt Nam đâu. Đặc biệt như
Bhutan, có biên giới khá dài với Trung Quốc mà không có quan hệ ngoại giao. Sự
chịu khuất phục do nguyên nhân địa lý chỉ là một phần rất rất nhỏ. Nguyên nhân
chính là do đường lối lãnh đạo. Nếu đổ cho nguyên nhân địa lý thì giải thích
thế nào về các nước như Bhutan, Nepal, Takjilistan... đều bé, Trung Quốc tuy có
phá phách ít nhiều nhưng cơ bản không làm họ khuất phục. Ta giáp với Trung Quốc
từ khi lập quốc đến giờ mà các đời vua phong kiến trước đây có chịu lép vế một
bề như dưới thời CS hay không.
2. Nước ta và Trung Quốc cùng ý thức hệ cộng sản, cùng
chung lý tưởng XHCN
Đây là lập luận
ngụy biện xảo trá. Việc cùng ý thức hệ có phải là tiền định, là trời bắt phải
thế đâu. Đó là do con người lựa chọn. Từng đảng viên cộng sản khi vào Đảng thì
có thề trung thành với Đảng nhưng dân tộc này có bao giờ thề lệ thuộc vào Trung
Quốc đâu. Ừ, mà cùng ý thức hệ tốt đẹp thì cũng tạm được, nhưng ý thức hệ đó đã
lạc hậu, đã thối rữa mất rồi thì đeo bám làm gì. Trước đây chúng ta theo Liên
Xô vì ý thức hệ, thế mà Liên Xô sụp đổ rồi, trong lúc Trung Quốc cố dựa vào ý
thức hệ để thôn tính Việt Nam thì vin vào nó mà làm gì ngoài sự lừa bịp những
người nhẹ dạ cả tin. Mà hỏi xem, ngoài một số rất ít còn dựa vào ý thức hệ để
trục lợi thì đại đa số dân Việt Nam có còn tin gì vào nó nữa đâu. Hơn nữa ĐCS
Trung Quốc chỉ giữ lại cái tên và tổ chức chứ ý thức hệ CS cũng đã bị vứt bỏ từ
lâu, chúng nó chỉ dùng để lừa bịp những người khờ dại trong và ngoài nước. Cũng
vì ý thức hệ mà lãnh đạo ĐCS Việt Nam đã ký kết mật ước Thành Đô. Nhiều dư luận
yêu cầu công khai minh bạch cho toàn dân biết nội dung, thế mà đến nay lãnh đạo
ĐCS vẫn giấu kín.
3. Truyền thống tổ tiên vẫn thần phục Tàu
Đây là lối ngụy
biện dùng một phần sự thật để che dấu bản chất. Tổ tiên chúng ta bên ngoài tỏ
ra thần phục Tàu chứ chưa bao giờ chịu khuất phục (trừ bọn Ích Tắc, Chiêu
Thống…). Như Nguyễn Trãi đã viết: “Như Đại Việt ta, vốn xưng nền văn hiến đã
lâu. Núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải mấy triều
Đinh, Lê, Lý, Trần dựng nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một
phương…”. Xét trong lịch sử, trừ thời nhà Hồ bị nhà Minh cướp nước (Gần đây vì
họ Hồ chính sách nặng phiền, khiến trong nước lòng người oán giận. Quân Minh
cuồng bạo thừa dịp hại dân. Đảng nịnh mưu gian rắp tâm bán nước….Tát cạn nước
Đông Hải khôn rửa sạch tanh hôi. Chẻ hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác…),
thì chưa thấy có triều đại nào chịu khuất phục Trung Quốc về mọi mặt một cách
nhục nhã như bây giờ. Ngay như Quang Trung, ông cho người đóng thế mình sang
bái phục Càn Long (không phải Khang Hy) chỉ là cái mẹo sau khi đã đánh tan 20
vạn quân của Tôn Sĩ Nghị. Đánh thắng rồi mới cầu hòa chứ không phải cúi đầu xin
chỉ thị về mọi việc lúc chưa xẩy ra.
Việc nhất nhất
thần phục Tàu Cộng đã được cài sẵn vào gène, vào máu của CS Việt Nam từ khi mới
thành lập. Chẳng thế mà Trần Huy Liệu (người thay mặt Hồ Chí Minh vào Huế nhận
sự thoái vị của Bảo Đại), vào khoảng năm 1949 có nói một câu nhận xét không tốt
về Tàu (coi chừng kẻ thù truyền kiếp của dân tộc) thì bị thất sủng ngay. Năm
1954, Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Genève đã khóc vì bị Chu Ân Lai ép
buộc chia cắt đất nước đến vĩ tuyến 17. Năm 1958, được tin Trung Quốc muốn độc
chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng ký Công hàm công
nhận ngay (ngoài ông Đồng ra hình như không có ai ủng hộ Trung Quốc nữa). Năm
1974 Hà Nội giữ hoàn toàn im lặng để cho Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa do VNCH
quản lý. Năm 1988 Lê Đức Anh (Bộ trưởng Quốc phòng) ra lệnh cho các chiến sĩ
đảo Gạc Ma không được chống cự lính Trung Cộng, để toàn bộ 64 chiến sĩ bị sát hại,
xác bị quăng xuống biển. Năm 1991 Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười sang
Thành Đô (Trung Quốc không cho đến Bắc Kinh) cầu xin sự che chở và ký mật ước,
cố xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng hắn không cho gặp. Năm 2000 Lê Khả Phiêu ký cho
Tàu một số đất ở Thác Bản Giốc và Hữu Nghị Quan. Những chuyện như vậy liệu có
bao giờ xẩy ra trong lịch sử của tổ tiên. Thế mà ĐCS cứ đưa tổ tiên ra làm bình
phong để che đậy.
4. Luận điệu gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp Quốc tế
Cứ mỗi lần Trung
Quốc có hành động ngang ngược ở biển Đông thì phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt
Nam lại tuyên bố: “Phản đối, đòi tôn trọng chủ quyền, chủ trương giải quyết
tranh chấp bằng hòa bình, thương lượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không liên
kết với nước khác để chống nước thứ ba…”. Nghe quá hóa nhàm. Có những việc lớn,
quan trọng mà sao chỉ có đại diện Bộ Ngoại giao, hoặc quá lắm là một cá nhân
cấp cao nào đó phát biểu một cách dè dặt, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ
tịch nước lặng im. Và dân quá bức xúc biểu tình phản đối thì bị đàn áp. Ừ thì
tôn trọng hòa bình, ta không chủ động gây chiến, nhưng ai cấm những phát biểu
mạnh mẽ phản đối của Chính phủ, sao lại cấm dân biểu tình, sao không dám kiện
ra Tòa án quốc tế như Philippine. Luận điệu “mềm dẻo, hòa bình, tránh xung đột”
chẳng qua để che giấu một tâm trạng hèn yếu, không dám tin vào dân, chỉ muốn
thần phục để vinh thân phì gia.
5. Luận điểm: Về kinh tế ta phụ thuộc vào Tàu quá nhiều,
nếu ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền mà bị Tàu nổi giận cắt
đứt mọi giao dịch thương mại thì ta lâm vào khủng hoảng lớn
Tôi gọi đây là
luận điểm chứ không phải luận điệu vì xét ra có phần đúng. Nhưng có phải vì
giao lưu hàng hóa mà để cho Tàu vào chiếm cứ các vị trí xung yếu của đất nước,
để người Tàu tràn ngập các vùng quan trọng, để họ phá nát môi trường. Những
nước như Mỹ, Đức, Nhật, Úc… họ có làm như thế đối với các nước khác đâu. Việc
để kinh tế, thương mại, xây dựng của Việt Nam quá lệ thuuộc vào Tàu, để cho Tàu
thực hiện các dự án lớn làm hủy hoại môi trường là tội của những người lãnh đạo
tham và ngu. Bây giờ đã lỡ ra rồi thì không phải cứ cố trượt dài trên con đường
sai lầm mà phải tìm cách khắc phục. Tuy vậy việc ngừng giao lưu kinh tế với Tàu
khi chúng ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bào vệ chủ quyền cũng chỉ mới là suy
đoán. Việc giao lưu là có lợi cho cả hai bên. Việc giao lưu với Tàu nếu bị giảm
sút, trước mắt kinh tế Việt sẽ gặp khó khăn, đời sống của đân bị ảnh hưởng.
Nhưng thử hỏi dân xem họ có vui lòng chấp nhận khó khăn trong thời gian ngắn để
loại bỏ mọi xấu xa do Tàu mang đến. Tôi nghĩ rằng được giải thích đa số dân sẽ
vui lòng. Hơn nữa dân ta có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”. Trước đây vì nhầm
lẫn mà ta ưu tiên thị trường Trung Quốc, nhưng nếu vì bảo vệ chủ quyền mà nó bị
co lại thì các nhà doanh nghiệp Việt có đủ trí khôn để mở ra các nước khác, chứ
làm sao chịu bó tay.
6. Nhận định
Tôi cho rằng
những ngụy biện trên đây chỉ nhằm để duy trì chế độ độc tài Đảng trị theo đường
lối CS, đem nước ta phụ thuộc vào Tàu Cộng. Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này
trước hết phải thoát ra khỏi ý thức hệ CS, phải cải cách thể chế theo con đường
dân chủ chân chính. Một ngày mà ĐCS Việt Nam còn kiên trì đường lối hiện hành
thì dân Việt còn chịu cảnh lầm than và đất nước dần dần bị thôn tính.
Để kết thúc xin
kể câu chuyện: Ngày xưa bên Tàu, nước Triệu (Thời U Mục Vương), nhờ có Lý Mục
và Tư Mã Thượng là những người tài giỏi, yêu nước mà ngăn chặn được sự xâm lược
của nước Tần. Thế nhưng vua Triệu tin dùng tên quan đứng đầu triều đình là
Quách Khai, một kẻ tham lam. Gián điệp nước Tần đem biếu Quách khai một số lớn
vàng bạc với yêu cầu vu cáo Lý Mục và Tư Mã thượng là bọn phản bội, chống lại
nhà vua, để họ bị loại bỏ. Quách Khai nhận vàng bạc, thực hiện âm mưu, xui dục
vua giết chết Lý Mục, đuổi được Tư Mã Thưọng. Kết quả quân Tần xâm chiếm nước
Triệu một cách dễ dàng. Sau vụ này vua Tần nói: Ta chỉ bỏ ra ít vàng bạc mua
được Quách Khai, dùng Khai để chiếm được Triệu, quá rẻ. Quách Khai hý hửng cho
rằng đã lập công với Tần nhưng bị Tần đuổi đi, không dùng kẻ phản phúc. Quách
Khai về quê, chở theo mấy xe vàng bạc. Giữa đường bị những người nghĩa khí giết
hết cả nhà, lấy hết của cải.
Bình luận - Việc
này đáng cho nhiều người Việt suy ngẫm. Nhưng những kẻ rắp tâm bán nước nghĩ
rằng họ khôn hơn Quách Khai vì đã tuồn nhiều của cải và cho con cháu ra nước
ngoài. Không đâu, chúng mày khôn, sẽ có người khôn hơn và trên hết, chúng mày
đã gây ra nghiệp chướng, thế nào cũng chịu nghiệp báo. Hãy luôn nhớ rằng của
cải do sức lao động và tài năng làm ra mới bền chặt, còn của phi nghĩa do gian
lận, tham nhũng, tước đoạt thì chỉ làm giàu tạm thời, không đời chúng mày thì
đời con, đời cháu cũng tiêu thành mây khói và chưa biết còn những thảm họa nào
nữa.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét