Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

CẢM NGHĨ VỀ LOẠT BÀI CỦA TS TỪ HUY

Cảm nghĩ về loạt bài của TS Nguyễn Thị Từ Huy – Lòng Tin (phần 2)

Posted by adminbasam on 23/09/2016
Thạch Đạt Lang
23-9-2016
Ảnh minh họa. Nguồn: chamngoncuocsong.com
Ảnh minh họa. Nguồn: chamngoncuocsong.com
Trong bài viết trước, nhận định về loạt bài của TS Nguyễn Thị Từ Huy, tôi đã tách phần Lòng Tin ra, hôm nay xin được trở lại phần này.
Ngay trong phần II đăng trên ABS ngày 02.09.216, phần nói về Lòng Tin, tác giả Từ Huy đã nhận định như sau:
Trích: “Chúng ta đã nói nhiều đến việc người dân Việt Nam đánh mất lòng tin vào lãnh đạo. Đó là một thực tế dễ nhận thấy. Nhưng còn một thực tế khác, quan trọng hơn và mang tính quyết định hơn nhiều trong sự thất bại của việc giải quyết các khủng hoảng xã hội ở Việt Nam, thực tế đó là: người Việt đánh mất lòng tin đối với nhau”.
Đoạn trích dẫn trên đây, tôi không nghĩ là TS Từ Huy có ý bênh vực cho chế độ CS, nhưng có lẽ do chủ quan nên đã nhận định không đúng với thực tế. Thất bại trong việc giải quyết các
khủng hoảng xã hội không phải lỗi ở người dân mà ở cơ chế điều hành của chế độ CS. Thể chế cai trị độc tài được lãnh đạo bởi các đầu óc ít học, ngu dốt, kém hiểu biết, ngoan cố cùng với tệ trạng tham nhũng, hối lộ phổ biến từ thượng tầng kiến trúc, đến hạ tầng cơ sở là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tụt hậu của đất nước ngày hôm nay. Để giải quyết được khủng hoảng đó thì điều đầu tiên là dẹp bỏ ngay chế độ độc tài, đảng trị hiện hành.
Không biết miền Bắc như thế nào nhưng với nhận xét của người viết, đa số người dân miền Nam chưa bao giờ tin tưởng vào các lãnh đạo chế độ CS, kể cả ông Hồ Chí Minh. Vì sợ hãi bị trả thù, vì an ninh bản thân, cuộc sống của gia đình, họ không nói ra, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bằng lòng hay tin tưởng vào các lãnh đạo của chế độ CS. Bằng chứng là ngay sau ngày 30.04.75 đã xuất hiện những câu hát chế nhạo ông Minh:
“Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời bác nay đã làm chúng cháu kinh hoàng…
Hành trang bác chẳng có gì, một đôi dép lốp đã lì máu dân”.
Hoặc đoản văn toàn vần T như:
“Tháng tám, tiết trung thu, trời trong, trăng tròn… thầy Tất Thành trốn theo tàu Tây, tọa trong thùng than, từ từ trở thành thủy thủ. Trên tàu, thầy Tất Thành thường thiết tha tâm tình từ thuyền trưởng tới thủy thủ. Thuyền trưởng, thủy thủ tàu Tây thấy thế tưởng thầy thật thà, thương tình tiếp tế thầy tiền tệ, thuốc thang, từ tiền tây tới tiền ta, từ thuốc tây tới thuốc ta, thuốc tàu…Tiếp tới, thuyền trưởng tàu Tây thông tin tổng thống Tây. Tàu tới Tây, tổng thống Tây tiếp thầy thật trọng thể, tặng thấy tiền, thuốc… Thầy Tất Thành thừa thế, tiến tới tóm thâu thị trường thuốc tây, thuốc ta, thuốc tàu. Tổng trưởng thuế thấy thế, tức tối tóm thầy, tống tù tám tháng, tội trốn thuế. Theo tin tức trong tù, tình trạng thầy Tất Thành trong tám tháng tù thật thê thảm…Truyện thầy Tất Thành tóm tắt thế thôi.”
Một chuyện khác nữa là khi Sàigòn bị đổi tên thành TP Hồ Chí Minh, một số con đường cũng mang tên khác. Người Sàigòn đã sáng tác ngay hai câu: “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý/ Đồng Khởi vùng lên xóa Tự Do” khi đường Công Lý bị đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Tự Do mang tên Đồng Khởi.
Trích: “Chín mươi triệu người mà phải chịu bó tay là bởi vì người Việt đánh mất lòng tin lẫn nhau. Người Việt không thể tin nhau, chính điều này làm cho cộng đồng người Việt suy yếu.
Hầu như tất cả đều lập luận rằng chưa có nhân vật nào đủ tầm để tập hợp mọi người.”
Chín mươi triệu người phải bó tay không phải vì mất lòng tin với nhau mà vì chế độ CS đã thuần hóa được họ. Xã hội do con người thành lập nhưng con người cũng chính là sản phẩm của xã hội. 71 năm ở miến Bắc, 41 năm ở miền Nam, người dân không còn được tham gia bàn cãi, tranh luận, biểu quyết những quyết định, chính sách của chính phủ trong tất cả mọi vấn đề từ kinh tế, giáo dục, y tế đến quốc phòng, ngoại giao…
Hầu hết người dân hoặc đã trở nên vô cảm, thờ ơ với tất cả những biến động của xã hội, của đất nước, hoặc chỉ nhẩy múa như những con rối theo sự giật dây, điều khiển của chế độ. Đa số người dân hành động theo sự hướng dẫn, lèo lái của chính quyền mà mọi chính sách, chủ trương, quyết định nằm trong tay các ủy viên bộ chính trị và trung ương đảng CSVN. Tuy nhiên, từ khi có internet, smartphone, facebook… sự tuyên truyền dối trá, nham hiểm, bạo lực chuyên chế của cộng sản, … dần dần hé lộ, ngày càng rõ ràng hơn, nhưng người dân vì thụ động, hèn nhát đã quen, trở thành tập quán, hầu hết hoặc im lặng chịu đựng, hoặc a dua theo chế độ để thủ lợi, số này không phải là ít.
Người Việt không thể tin nhau nữa vì mạng lưới công an đầy đặc, len lõi vào từng khu phố, con đường, từng gia đình, trường học cũng như nơi làm việc. Mọi người đề phòng, theo dõi, báo cáo lẫn nhau. Tuy nhiên tác hại của chuyện này ở miền Nam vẫn không nặng nề như miền Bắc, có thể do thời gian chưa quá dài, cũng có thể do đặc tính người miền Nam, xuề xòa, thẳng thắn, không thâm hiểm.
Trích: “Để có một cuộc đối thoại với chính quyền trong tương lai, phải bắt đầu bằng việc mở ra không chỉ một mà nhiều cuộc đối thoại giữa các nhóm, các tổ chức, đảng phái nhỏ lẻ hiện nay của người Việt. Một liên minh, nếu muốn được hình thành thì các nhóm phân tán hiện nay cần có nhu cầu đối thoại và cần mở ra được các cuộc đối thoại. Để có thể đối thoại được với chính quyền, người Việt cần có khả năng đối thoại với nhau và cần nhanh chóng đi tới tiến hành đối thoại với nhau”.
Việc mất lòng tin giữa người Viêt với nhau không phải là một chuyện quan trọng, cho dù có đúng như vậy đi nữa, việc khôi phục lại lòng tin với nhau sẽ dễ dàng thực hiện khi chế độ cộng sản sụp đổ. Với chế độ cai trị tam quyền phân lập rõ ràng cùng với nền báo chí tự do, đồng thời xã hội có một nền giáo dục nhân bản, văn minh, không kích động hận thù, gây phân hóa trong các tầng lớp dân chúng, việc xây dựng lại lòng tin sẽ không gặp khó khăn.
Lấy một dẫn chứng cụ thể: Vấn đề thực phẩm nhiễm độc hóa chất, cà phê sản xuất bằng bắp rang tẩm hương liệu, tôm, cá, thịt heo… được bơm, chích tạp chất, thuốc tăng trọng… sẽ được chặn đứng nếu cán bộ sở vệ sinh an toàn thực phẩm không nhận hối lộ, không cấp giấy phép sản xuất thực phẩm bừa bãi, không đóng dấu chứng thực an toàn khi chưa kiểm soát, phân tích mẫu kiểm nghiệm, cảnh sát kinh tế không nhận đút lót để nhắm mắt làm ngơ cho các cở sở sản xuất mặc tình thao túng biến chế thành phẩm mất vệ sinh… Bên cạnh việc giáo dục, cần kèm theo biện pháp xử phạt hành chánh thật nặng để ngăn chận tái phạm và làm sạch xã hội.
Khi đó, lòng tin không còn là một khái niệm nữa mà trở thành một thực thể được luật pháp bảo vệ, trở thành những văn bản pháp luật, những hợp đồng được ký kết với những điều khoản cần phải được tôn trọng, thực thi. Ngay cả ở những nước văn minh, tiến bộ, dân chủ, tự do như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đời sống vật chất cao, văn minh, đầy đủ tiện nghi, lòng tin cũng phải được quy định thành hợp đồng, điều khoản rõ ràng trên giấy trắng, mực đen. Mọi sự vi phạm, hủy hoại, làm hao mòn niềm tin đều chịu những hậu quả không tốt đẹp cùng những thiệt hại khó lường trước. Tuy nhiên để thực hiện được chuyện này, chế độ cần phải trả cho cán bộ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh sát kinh tế, công nhân, viên chức chính quyền một mức lương mà họ có thể nuôi sống bản thân, gia đình.
Sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao ở hải ngoại, không bị chế độ cộng sản kềm kẹp, chi phối, người Việt vẫn không thể tin tưởng, ngồi lại được với nhau? Thật ra, đã có một thời gian vào thập niên 80, cộng đồng NVHN rất đoàn kết sau lưng một người và một tổ chức nhưng sau đó chính các nhân vật lãnh đạo tổ chức này đã hủy hoại, phá nát niềm tin của đồng bào vì những việc làm bất minh, những tuyên truyền dối trá, cũng như hành vi sử dụng bạo lực giống hệt CS. Tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khách quan, quan trọng khác, cần phải có một bài phân tích rõ ràng hơn về vấn đề này.
So sánh Việt Nam với Miến Điện cũng sẽ rất bất cập vì hoàn cảnh lịch sử khác nhau, sự hình thành chế độ độc tài quân phiệt của Miến Điện khác biệt hoàn toàn với chế độ cộng sản VN. Và điều quan trọng hơn hết là chế độ của tướng Than Shwe không bán nước như CSVN.
Lập luận cho rằng chưa có ai đủ tầm để tập hợp mọi người cũng không đúng. Theo tôi, những người như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài… với sở học, kiến thức, kinh nghiệm đấu tranh, lòng yêu nước nồng nàn, họ có đủ khả năng, bản lãnh tập hợp mọi người. Tuy nhiên vì tù tội, họ không có môi trường để hoạt động, thi thố khả năng. Chế độ CS cũng nhận ra tầm quan trọng của những người này nên kết án tù họ thật nặng nề với những tội danh rất mơ hồ.
Cá nhân tôi tin rằng, nếu bây giờ CSVN trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức, cho phép ông lập đảng phái hoạt động công khai, ông sẽ nhanh chóng kết hợp được nhiều mảng xã hội dân sự thành một tổ chức thống nhất có đầy đủ sức mạnh, nội lực đối đầu với đảng CSVN trong một cuộc bầu cử tự do.
Trích: “Toàn bộ cộng đồng suy yếu không phải vì người Việt kém hay dốt. Về cơ bản, phẩm chất trí tuệ của người Việt cũng bình đẳng như các dân tộc khác. Toàn bộ cộng đồng suy yếu vì người Việt không kết hợp được với nhau. Và không kết hợp được với nhau vì nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân này đã được mổ xẻ, tuy vậy cần được phân tích nhiều hơn nữa, thấu đáo hơn nữa, để mọi người ý thức về chúng một cách sâu sắc hơn nữa. Một trong những nguyên nhân là bởi vì chưa chịu tin nhau.
Làm thế nào để có thể tin nhau và tập hợp lại với nhau? Vấn đề không chỉ là cần phải vượt qua ranh giới Bắc/Nam, đảng viên/ không đảng viên, hải ngoại/trong nước, già/trẻ, cờ vàng/cờ đỏ…”
Khi đã được tự do ngồi lại với nhau thì vấn đề tin nhau, dù đến đâu đi chăng nữa thì lòng tin vẫn phải trở thành văn bản, nội quy, cương lĩnh hoạch định đường lối sinh hoạt. Chế độ cộng sản không bao giờ chấp nhận một tổ chức, một tập hợp, đoàn thể nào nằm ngoài phạm vi kiểm soát, lèo lái của họ. Do đó họ luôn tìm mọi cách ngăn chận, phá hoại, cấm đoán, triệt tiêu tất cả các cố gắng kết hợp của người dân thành một tổ chức, đoàn thể hoạt động công khai chống lại họ. Một văn bản, nội quy hoạt động của tổ chức rơi vào tay chế độ CS sẽ là một bản án tù nặng nề cho những người lãnh đạo.
Điển hình như khu công nghiệp Bình Dương, với hàng trăm ngàn công nhân là nơi dễ đàng nhất để thành lập một lực lượng tranh đấu cho quyền lợi người công nhân cũng không thể thành lập được công đoàn độc lập vì chế độ CS tìm cách tiêu diệt từ trong trứng nước, vừa bằng luật pháp, vừa bằng đe dọa, khủng bố, trấn áp, phá hoại…trong khi công nhân không hiểu biết quyền lợi của mình, cũng không ý thức được sức mạnh của sự đoàn kết. Đỗ Thị Minh Hạnh trong khi giảng giải cho công nhân biết những quyền lợi của họ, bị công an giả dạng côn đồ đánh đập, chửi bới, vu khống, nhưng những công nhân đứng quanh không ra tay can thiệp, ngăn chận vụ hành hung đó.
Khi các tổ chức, mạng xã hội dân sự, đoàn thể chỉ vừa mới 5-10 người rủ nhau đi ăn sinh nhật, đám cưới chứ chưa bàn tính chuyện gì, đã có ngay 5-7 chục đến hàng trăm công an, dân phòng theo dõi thì xin lỗi, ngụm trà, ngụm cà phê uống cũng không trôi, nói chi đến bàn chuyện tập hợp, gác bỏ khác biệt, thành kiến, nguồn gốc Bắc-Nam, vàng-đỏ…
Để kết luận, theo sự nhận định của tôi, sự mất lòng tin giữa người Việt Nam với nhau không phải là nguyên nhân để không thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng xã hội vô phương cứu chữa của đất nước hiện nay. Nguyên nhân chính là sự thờ ơ, vô cảm của người dân với hiện tình đất nước, sau 71 năm cai trị chế độ cộng sản VN đã làm cho người dân xem đất nước này không còn là của họ nữa, họ không còn được phép tham gia vào những quyết định, các đường lối, chính sách giáo dục, phát triển, xây dựng, bảo vệ đất nước.., cộng với sự dốt nát, bất tài, tham quyền cố vị của các lãnh đạo, đảng viên đảng CSVN, vì sự tồn vong của đảng, sẵn sàng dâng tổ quốc cho kẻ thù để được làm giàu, vinh hoa phú quý, ăn trên, ngồi trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét