25/03/2018
Cuộc truy tìm lươn lẹo
Không khó thấy rằng cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Nguyễn Phú Trọng đã và đang khổ công tìm kiếm con đường riêng cho Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu bỏ qua ý đồ cá nhân và một tham vọng vĩ nhân, muốn làm nên lịch sử không chỉ với dân tộc mà của cả thế giới, thì mục tiêu trực tiếp mà hai nhân vật này tìm kiếm chỉ là một thủ đoạn duy trì quyền cầm quyền của Đảng Cộng sản.
Quyền cầm quyền được lý giải bằng tính chính danh được thừa nhận công khai và toàn thể, cùng với sự hợp thức của thể chế hay mô thức của chế độ chính trị, mô hình độc đảng cầm quyền.
Nói một cách ngắn gọn, cả ông Tập lẫn ông Trọng đều đang tìm mọi cách để chứng minh rằng, Đảng Cộng sản trong mỗi nước này đều có chính nghĩa và xứng đáng ở vị trí cầm quyền, và thể thức cầm quyền của Đảng Cộng sản theo mô hình độc đảng lãnh đạo là mô hình không có gì khác và trái với các thể thức cầm quyền khác trên thế giới.
Đảng Cộng sản, cũng như mọi đảng chính trị khác đều không thể trực tiếp cầm quyền, nghĩa là Đảng không thể tự lập ra Chính phủ, tự cho mình quyền cai trị, quyền quản lý, và nhất là quyền thu thuế để, trước hết, đảm bảo duy trì sự tồn tại của bộ máy cai trị, bộ máy Chính phủ. Tất cả những quyền đó nếu không được thừa nhận bởi mọi thành phần trong xã hội, bao gồm mọi công đồng dân tộc khác nhau, mọi cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, mọi xu hướng tư tưởng và đảng phái chính trị khác nhau, mọi tổ chức dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội thuộc mọi tầng lớp khác nhau v.v.. thì quyền lực đó không thể được gọi là quyền lực hoàn toàn, và vì vậy nó không có hiệu lự thực thi hoàn toàn. Trong một nhà nước độc đảng, luật pháp quốc gia trùng khớp với điều luật nội bộ của Đảng chỉ có thể có hiệu lực với những thành phần và các tổ chức của Đảng, với số lượng đảng viên thông thường chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp trong dân số quốc gia. Nó ít nhiều bị vô hiệu bởi toàn phần còn lại, thường chiếm tới 90% cơ cấu xã hội.
Quyền lực không được thừa nhận dẫn tới hiệu lực và hiệu quả của Chính sách. Đây chính là nguyên nhân gây nên sự phân rã của xã hội, một nguy cơ tiềm ẩn của ổn định, đe doạ vị trí cai trị của Đảng Cộng sản.
Các Đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay trên thế giới đều nhận thức được điều đó. Vì vậy những Đảng Cộng sản này, một mặt, tìm mọi cách ẩn mình, che giấu tính cách không đại diện của mình trong tư cách thực thi quyền lực, một mặt khác, tìm mọi cách hợp thức hoá vị trí cầm quyền của mình, bằng cách chuyển từ uy lực trong Đảng sang uy lực của chính quyền, về mặt thực tiễn, đó là sự chuyển hoá từ uy lực của Chủ tịch Đảng sang uy lực của Chủ tịch nước, chuyển sự thừa nhận uy quyền của một bộ phận đảng viên sang sự thừa nhận của toàn thể rộng rãi mọi thành phần xã hội.
Đó là bản chất của việc thay đổi hiến pháp mà Tập Cận Bình vừa thực hiện sau Đại hội 19 và Quốc hội 13 ở Trung Quốc, bản chất của chủ trương nhất thể hoá hai hệ thống Đảng và Nhà nước mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt thành nhiệm vụ tại Hội nghị TƯ 6/XII và đang âm thầm thực hiện ở Việt Nam.
Cuộc truy tìm rất công phu này, chắc chắn mất rất nhiều công sức nghiền ngẫm cả về mặt lý luận, tổ chức thực tiễn lẫn vận dụng mọi thủ đoạn chính trị, cho thấy mâu thuẫn không còn khả năng che đậy về tính chính danh quyền độc tôn cầm quyền của Đảng Cộng sản ở các quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay.
Ở những quốc gia này có một đặc điểm chung là Đảng Cộng sản nắm giữ tuyệt đối hai công cụ bạo lực công là quân đội và cảnh sát. Quân đội chống đảo chính và răn đe sự phân rã, cát cứ của phe cánh. Cảnh sát trấn áp mọi xu thế khác biệt của mọi thành phần xã hội.
Chỉ cần có hai đảng chính trị độc lập, có quyền cạnh tranh công khai và bình đẳng với nhau, lập tức quân đội và cảnh sát trở thành lực lượng phi chính trị, không thể là của riêng ai và không có nghĩa vụ bênh vực hay bảo vị bất cứ đảng phái nào. Cho nên chỉ cần đo mức độ phi chính trị của quân đội và cảnh sát, có thể đo lường tính chất và mức độ dân chủ hoá của bất cứ chế độ chính trị nào.
Trong cuộc truy tìm này, rõ ràng Tập Cận Bình đã đi trước ông Nguyễn Phú Trọng, vì từ nay, sau khi đồng nhất Điều lệ Đảng với Hiến pháp, khi không bị giới hạn bởi nhiệm kỳ cho chức vụ Tổng Bí thư Đảng, ông Tập Cận Bình là ứng viên đương nhiên cho vị trí Chủ tịch nước, trong khi ở Việt Nam, ông Trọng trong vai Tổng Bí thư Đảng không thể tự “phân công” mình làm Chủ tịch nước. Lý do là ở Việt Nam, quy tắc từ lâu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã trở thành một thứ nguyên lý tiên đề không bàn cãi. “Đảng lãnh đạo Chính phủ, không làm thay Chính phủ” đã buộc ông Tổng Bí thư phải đứng ngoài, mặc dù đứng trên Chính phủ, đứng trên Nhà nước.
Nhưng nguyên thủ quốc gia là ai? Hiến pháp không thể quy định thủ lĩnh một Đảng chính trị là nguyên thủ quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, vị nguyên thủ quốc gia này, tức là Chủ tịch nước, là một người do Bộ Chính trị phân công, thường chỉ là nhân vật có uy lực thứ ba hay thứ tư trong thứ tự thang bậc của Đảng, thậm chí là chỗ để giải quyết uy tín nôị bộ cho một uỷ viên quan trọng nhưng thất sủng, giống như một nơi “ngồi chơi” trước khi bị nghỉ hẳn.
Một nhân vật như vậy có thể mặc nhiên đại diện chủ quyền quốc gia trong đối ngoại?
Ông Tổng Bí thư Đảng trong thể chế đảng độc quyền, thực chất là người cao nhất trong thang bậc quyền lực, là nguyên thủ quốc gia theo nghĩa người quyết định cuối cùng. Nhưng hệ thống này không tương đồng với thể chế phổ cập trên thế giới, đặc biệt với thế giới dân chủ tự do đa đảng.
Trong nghi lễ ngoại giao với thế giới, ông Trọng không phải là nguyên thủ quốc gia, vì ông chỉ được đảng viên trong Đảng của ông bầu làm Tổng Bí thư, không biết gì về việc ông có được toàn bộ cử tri cả nước bỏ phiếu cho ông không, vì vậy, ông không dại diện, dù trên danh nghĩa, cho quyền lợi quốc gia.
Ở các quốc gia đa nguyên chính trị, ứng viên tranh cử tổng thống thông thường phải qua cuộc bầu chọn trong nội bộ đảng. Người thắng cử trong cuộc bầu chọn này đương nhiên là người cao nhất trong đảng. Khi trúng cử tổng thống, họ cùng lúc là Chủ tịch đảng của họ và tổng thống của toàn dân.
Nhưng khi phải đón tiếp ông Trọng trong một cuộc thăm viếng ngoại giao, ông Tổng thống này không thể nhân danh Chủ tịch đảng của ông để tiếp một ông Tổng Bí thư một đảng khác, nhưng lại cũng không thể lấy tư cách tổng thống một quốc gia để tiếp Tổng Bí thư của một đảng chính trị. Đó là sự khập khiễng trong nghi thức, làm đau đầu hệ thống quyền lực tại Việt Nam, làm lộ ra cái bản chất không chính danh của Đảng Cộng sản.
Nhất thể hoá đang dọn đường cho việc tạo ra một ứng viên đương nhiên của Tổng Bí thư đảng cho chức vụ Chủ tịch nước. Tập Cận Bình đã dọn đường trước cho nhiệm kỳ sau năm 2023, nhưng ở Việt Nam, ông Trọng có thể được Bộ Chính trị giới thiệu ra ứng cử Chủ tịch vào ngay lúc này.
Vấn đề là phải làm thế nào để ông Chủ tịch hiện nay, đột nhiên không thể đảm nhiệm được vị trí Chủ tịch nước nữa, vì lý do “sức khoẻ” chẳng hạn. Ông Quang dính đến rất nhiều bê bối trong suốt thời gian 5 năm Thứ trưởng, 5 năm Bộ trưởng Bộ Công an dưới triều đại tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng. Quốc Hội phải tổ chức Hội nghị bất thường để bầu.
Nếu không có một sự cố bất khả kháng như vậy xảy ra, thì phải đợi tới Quốc hội 15 để bỏ phiếu cho Tổng Bí thư trúng cử Chủ tịch nước.
Trong khi chỉ cần làm những gì thế giới làm, trả tự do về cho tự do, hai ông Tập và Trọng phải cất công tìm cách che chắn chuyện khuất tất. Quả thực là một cuộc truy tìm không dễ dàng và có vẻ đầy mưu ma chước quỷ.
Có thể nhất thể hoá dễ dàng mà không phải thủ đoạn quá lắt léo. Đó là bầu Chủ tịch nước trước bằng bầu cử tự do và phổ thông đầu phiếu. Người trúng cử Chủ tịch nước tự động là Tổng Bí thư Đảng không cần qua Đại hội Đảng, vì “Đảng từ nhân dân mà ra và Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích dủa dân tộc”.
Cầu trời để ông Nguyễn Phú Trọng đủ sức khoẻ ở tuổi 74 để không quá thiếu minh mẫn, khi dấn thân cho một nhiệm kỳ 5 năm nữa.
22/03/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét