Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

SỰ SỤP ĐỔ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI CỦA LIÊN BANG NGA

Bùi Quang Vơm



dân Nga, hay Putine đã không nhận ra, con đường đang đi và buộc phải đi đang dẫn Nga tới sụp đổ lần thứ Hai…



Cùng với sự khủng hoảng tạm thời có tính quy luật của Toàn cầu hoá, sự sống lại của chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa dân tộc đã đưa Donald Trump lên ngôi hoàng đế Hợp chủng quốc Hoa kỳ, đã tạo ra Brexit tách Anh ra khỏi một cộng đồng tiên tiến nhất của nhân loại, gợi ý cho Tập Cận Bình kích động sự thèm khát của dân tộc Đại Hán dựng lại một Đế chế Trung Hoa bằng giấc mơ “Con đường Tơ lụa” của 1300 năm trước, giúp Putine lại một lần nữa trúng cử Tổng thống Liên bang Nga với cùng một loại tư tưởng kích thích sự nuối tiếc niềm vinh quang đã mất trong lòng người Nga.

Nhưng dân Nga, hay Putine đã không nhận ra, con đường đang đi và buộc phải đi đang dẫn Nga tới sụp đổ lần thứ Hai.

Trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo chí ngày hôm trước cuộc bầu cử: “Tổng thống có sự tiếc nuối nào?” ông Putine đã trả lời không một giây đắn đo”: “Sự tan rã của Liên Xô”. Đây là tư tưởng xuyên suốt của Putine, là nguồn gốc sức mạnh của Putine cho đến nay, nhưng cũng là sai lầm lớn nhất của Putine sẽ dẫn Putine tới thất bại và Liên bang Nga tới sụp đổ.

Thế giới ngày nay không còn là thế giới sau Đại chiến II. Châu Âu tan tành đã trở thành một cộng đồng biểu tượng của nền văn minh nhân loại, đang càng ngày càng khẳng định một vị trí đầy tiềm năng của xu thế. Nhật đã là một nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu. Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới với một kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững cao nhất thế giới, sẽ vượt qua Trung Quốc và thậm chí qua Mỹ trong một thời gian không dài. Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đói thời Mao Trạch Đông, đã trở thành cường quốc thứ hai, đối đầu trực diện với Mỹ tranh giành ngôi vị đứng đầu. Mỹ dù không còn độc quyền vai trò cảnh sát trật tự thế giới, vẫn là quốc gia đứng đầu ở một khoảng cách đủ lớn để bất cứ một quốc gia nào cũng sẽ sụp đổ nếu theo đuổi một chính sách ganh đua. Nga không còn vị thế đứng đầu một nửa thế giới để tranh hùng với nửa bên kia do Mỹ đứng đầu.

Tư tưởng nuối tiếc quá khứ và cay cú sự tan rã của một siêu cường hàng đầu thế giới đã đẩy Putine tới việc sáp nhập bán đảo Krym trái luật, gây ra khủng hoảng với Ukraina, dẫn tới khủng hoảng với châu Âu và toàn bộ thế giới, cô lập Nga và đẩy Nga vào cuộc khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị.

Đáng lẽ phải tìm cách xoa dịu khủng hoảng, trước hết với Ukraina và sau đó với châu Âu, tất nhiên với một cái giá nào đó đủ tương xứng, thì Putine lại chọn giải pháp cố tình đe doạ sự tồn tại của chế độ thân phương tây của Kiev bằng cách ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga phía đông Ukraina gây bạo loạn vũ trang, khiến Liên minh châu Âu vào cuộc và vị thế cô lập của Nga càng trầm trọng.
Một lần nữa, tư duy siêu cường lại dẫn Putine tới một sai lầm khác. Để phá vòng vây của thế giới tại khu vực Ukraina, Putine quyết định tạo ra một khủng hoảng khác: đối đầu với Mỹ và thế giới bảo vệ chế độ Bashar-al-Assad.

Quả thực, sau khi Nga trực tiếp can thiệp vào Sysie, sự ồn ào quá mức tại Ukraina chìm xuống. Nga dễ thở hơn tại khu vực này. Nhưng việc mở ra mặt trận thứ hai này, từ đối đầu với Kiev, và chủ yếu với dư luận, Putine đã buộc phải đối đầu vũ trang với toàn bộ phương Tây, với Mỹ, với châu Âu, với Thổ và Liên minh Arập. Cùng với nó là dư luận quốc tế vẫn không hề có lợi cho Nga.

Nga đang sa lầy, và có nguy cơ mất cả hai. Nếu Mỹ và các đồng minh, trong đó có châu Âu quyết định mở cùng lúc hai mặt trận, nghĩa là cùng với việc cung cấp vũ khí và tài chính cho Kiep mở mặt trận tiêu diệt ly khai phía Đông, sẽ tăng cường quy mô chiến dịch tiêu diệt chính quyền Syrie bị coi là khủng bố sử dụng vũ khí hoá học, thì Nga buộc phải đối đầu cuộc chiến với toàn thế giới, và kết quả thất bại là không tránh khỏi.

Bashar-al-Assad sẽ bị loại bỏ, ly khai thân Nga phía đông Ukraina sẽ bị tiêu diệt, Kiép sẽ mượn đà lấn lướt để giành lại Krym. Toàn bộ những chiến tích giúp Putine đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư biến mất. Mọi chuyện trở lại từ đầu, giống như bà lão tham lam quay trở về với cái máng lợn trong câu chuyện “ông lão đánh cá và con cá vàng”.

Nhưng dù tất cả biến mất, Putine và Nga không thể quay lại vị thế trước khi có cuộc sáp nhập Krym được nữa. Nước Nga đã bị quá cô lập. Thế giới và đặc biệt châu Âu đã chịu một vết thương quá nặng, không dễ dàng nhanh chóng liền miệng. Nước Nga phải bị trừng phạt. Trong một giai đoạn triết lý lợi ích quốc gia trên hết, thì Nga có ra sao, người dân Nga sẽ như thế nào không làm cho ai động lòng nữa.

Con đường cần phải đi của Nga là dân chủ hoá thật sự theo hình mẫu của Liên minh châu Âu, là hoà nhập vào thế giới, là thị trường hoá thật sự nền kinh tế, giải phóng năng lực sáng tạo của người Nga và thu hút đầu tư từ tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị. Một quốc gia mênh mông, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ vào loại đứng đầu nhân loại, tạo ra được một tốc độ tăng trưởng ngang Trung Quốc hay Ấn độ, không phải là việc khó, nếu thay trừng phạt và bao vây bằng đầu tư và hợp tác. Nga có tất cả những gì Nhật có, cộng với một tài nguyên gấp Nhật hàng trăm lần, nhưng Nhật là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, khi Nga đứng thứ mười, sau Ấn Độ. Cái duy nhất Nhật có mà Nga không có đó là nền dân chủ đích thực, chảy xuôi chiều, chứ không phải ngược chiều, với dòng chảy chung của nhân loại.

Nga phải thay đổi tư duy siêu cường theo kiểu Putine đang dẫn dắt dân tộc Nga hiện nay. Nhưng người Nga đã không nhận ra điều đó, và Putine vẫn trúng cử tổng thống với 76,66%. Putine biết điều đó, nhưng ông ta không thể dứt gánh giữa chừng để vinh quang sụp xuống như một lâu đài bằng cát. Ông đã công bố chuẩn bị cho một người kế tiếp có tuổi đời ở khoảng 40, nghĩa là không thuộc thế hệ Xô Viết, để có cái nuối tiếc ảo tưởng như ông và chắc chắn hiểu và gần thế giới văn minh hơn ông.

Nhưng ông Putine vẫn lầm. Nếu ông còn đứng đấy, ông còn không thể không chấp nhận phải cùng lúc đối phó với hai cuộc chiến, ở cả Syrie và Ukraina, và nước Nga sẽ sụp đổ trước khi ông có thể thực hiện ý đồ thay đổi của ông.
Nếu đúng là người ta muốn tiêu diệt một nước Nga ảo tưởng, và trước hết là tiêu diệt sự hợm hĩnh vinh quang của con người Putine, thì chiến tranh sẽ được tổ chức trên cả hai mặt trận. Để thay đổi nước Nga thì đây không phải là giải pháp tốn kém.

20/03/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN.

Ngựa xút dây cương - Trump unleashed



Đoàn Hưng Quốc

Tổng thống Donald Trump bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ như cọp xổng chuồng: hẹn gặp Kim Jong-un; áp thuế nhôm và thép 25%; sa thải Ngoại trưởng Tillerson thay vào nhân vật thân cận Mike Pompeo; cho Cố vấn Kinh tế Gary Cohn nghỉ việc và nâng vai trò của Cố vấn Thương mại Pete Navarro; nâng cao quan hệ Mỹ-Đài Loan; trừng phạt hàng nhập cảng từ Trung Quốc 60 tỷ USD; thay thế Cố vấn An ninh McMaster với diều hâu John Bolton. Tất cả các cú nghẹt thở này đều nhằm vào hai điểm: Nước Mỹ trên hết (America First) và tấn công Bắc Kinh.

Báo chí Mỹ dù bênh hay chống đều cùng một quan điểm: sau năm đầu “học nghề” mà Trump tưởng chừng bị phe “người lớn”[1] kềm chế bỏ qua những hứa hẹn hung hăng lúc tranh cử để theo đuổi chính sách ngoại giao và mậu dịch truyền thống, nay Trump như ngựa chứng xút dây cương và đủ tự tin để vây quanh mình một nội các đồng quan điểm nhằm đẩy mạnh các biện pháp vô cùng táo bạo. Đám “người lớn” thuộc cánh toàn cầu hóa đang bị thay thế nhanh chóng bởi phe “Nước Mỹ trên hết”.

Chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của Trump khiến đảo lộn ba nền tảng của chính sách trong suốt 30 năm: (1) thương mại Mỹ-Trung quá quan trọng không thể bị gián đoạn; (2) Hoa Kỳ cần Bắc Kinh giải quyết các vấn đề gay go như Iran và Bắc Hàn nên càng không thể tranh chấp về thương mại; (3) Mỹ cần thu phục các đồng minh chiến lược nên phải tránh tranh chấp về thương mại.

Nói cách khác, đây là lập trường “Dĩ hòa vi quý” vì xảy ra tranh chấp thì Hoa Kỳ sẽ bị thiệt hại nặng. Trái ngược lại, quan điểm của Trump là không sợ gây sự để coi AI sẽ bị thiệt hại NHIỀU HƠN.

Trump nhận lời mời gặp mặt Kim Jong-un có thể hiểu như tối hậu thư nhắn gởi Bình Nhưỡng và Bắc Kinh rằng đây là thiện chí và cơ hội cuối cùng, nếu Tập Cận Bình còn chần chờ thì chiến tranh xảy ra Trung Quốc cũng mang vạ lây.
Nhiều quốc gia phản đối việc áp thuế 25% lên nhôm-thép chỉ thiệt hại cho các nước bạn vì nhập cảng từ Hoa Lục sang Mỹ chiếm có 3%. Tuy nhiên nhôm thép mua từ Việt Nam, Nam Hàn và Mexico là do Trung Quốc chuyển qua cửa hậu để bán vào Hoa Kỳ[2][3][4][5]. Nay Trump “tạm tha” không áp thuế lên Âu Châu - Nam Hàn và Mexico nhưng đủ để cảnh cáo các đồng minh của Mỹ đừng giúp Tàu chơi xấu Hoa Kỳ.

Trump phạt 60 tỷ USD lên hàng nhập từ Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến chiến tranh mậu dịch - nhưng đồng thời cũng có đồn đoán là Tập Cận Bình đang tìm một giải pháp ve vãn cho Hoa Kỳ “thắng lớn” (big win, như ký kết thỏa ước khổng lồ mua khí đốt để cân bằng cán cân mậu dịch) nhằm xoa dịu Trump. Nói cách khác, họ Tập mềm nắn rắn buông.

Khác với các vị tổng thống tiền nhiệm tách rời an ninh và mậu dịch thì nay Trump gộp cả hai vào quyền lợi của nước Mỹ. Cho nên những quốc gia cần Mỹ che chở về an ninh nên tìm cách giúp Hoa Kỳ có lợi lộc về kinh tế, còn các nước muốn buôn bán với Mỹ thì đừng hòng bắt chẹt về an ninh.

Duy chỉ một điều với những ai hăng hái ủng hộ Trump chống Tàu: nếu chiến tranh mậu dịch có xảy ra thì giá chứng khoáng tụt, giá nhà giảm, con cháu có thể mất việc làm. Khi đụng đến nồi cơm của chính gia đình thì cố gắng kiên cường mà đừng đổi ý!
Đ.H.Q.
__________

Chú thích

[1] Trục người lớn gồm các ông Cohn-Mattis-McMaster-Tillerson. Ba ông Cohn-McMaster-Tillerson đều rời Tòa Bạch Ốc chỉ còn Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis là vững.
[2] Nhôm thép từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và Nam Hàn: Trump tariff on Steel would hit China - CNN Money 02/19/2018
[3] Nhôm thép từ Trung Quốc chuyển qua Mexico: Chinese Aluminum Giant is tied to a $2 Billion Mystery Mexican Stockpile - Fortune 09/09/2016
[4] Nhôm của Trung Quốc chở từ Mexico sang Việt Nam: Giant Aluminum Stock Pile Was Shipped from Mexico to Việt Nam - The Wall Street Journal, 12/01/2016
[5] Mỹ áp thuế lên thép Trung Quốc nhưng nhập cảng qua ngã Việt Nam: US hits ViệtNam with massive dutie over Chinese steel - CNN Money, 12/06/2017
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét