Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

BÀI HỌC NÀO CHO PHẢN RÍ

Bài Đặc biệt: BÀI HỌC NÀO CHO PHAN RÍ ?


BÀI HỌC NÀO CHO PHAN RÍ ?
Nguyễn Ngọc Dương
12 - 6 - 2018


Hôm qua, 11/6/2018, nhiều tỉnh, thành phố đã nổ ra những cuộc biểu tình của nhân dân phản đối Luật đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật an ninh mạng. Có thể nói chưa bao giờ những cuộc biểu tình ôn hòa lại mãnh liệt như thế. Những nơi như Hà Nội, Sài Gòn…không thấy xảy ra đụng độ. Tôi còn nghe thấy tiếng hô to: “Hoan hô anh em cảnh sát đã tạo điều kiện cho bà con biểu tình”. Tất nhiên, ở những điểm nhỏ lẻ vẫn có thể có “va chạm” này nọ không tránh khỏi.

Nhưng riêng Bình Thuận, cụ thể là thị trấn Phan Rí Cửa thì đúng là to chuyện chưa từng thấy. Nhìn những hình ảnh được tung lên mạng chiều qua, tôi đã bật khóc, bởi tôi cũng có con, có cháu làm cảnh sát để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Buồn quá. Nhục quá. Đau quá! Bao nhiêu tiền thuế của dân đóng góp để nuôi các cháu, mua quân trang, quân dụng cho các cháu làm nhiệm vụ BẢO VỆ NHÂN DÂN thì giờ đây, hàng loạt xe công vụ bị thiêu rụi bằng bom xăng, hơn 100 cảnh sát cơ động bị nhốt trong trụ sở Đội PCCC. Và lực lượng “bảo vệ nhân dân” này đã “sợ dân”, phải trút bỏ quân trang, quân dụng, trèo tường thoát hiểm… (tin trên mạng).

Nhiều người tỏ ra thương hại cảnh sát cơ động và lên án, chửi rủa “đám đông quá khích”. Cái gọi là “đám đông quá khích” ấy là một cái danh từ trừu tượng, không thấy con người cụ thể. Tất nhiên sau đó An ninh có thể tìm cách bắt một vài người để trị tội, làm những “con dê tế thần” để “răn đe” cho những kẻ nào không kìm được máu nóng, dẫn đến vi phạm pháp luật. Mà không khéo đầu không phải, phải tai cũng nên. Thực ra, việc dùng ngôn từ “đám đông quá khích” cũng chỉ là một cách nói quen thuộc, theo quán tính xưa nay. Chúng ta hãy bình tĩnh suy ngẫm xem nguyên nhân gốc rễ từ đâu. Nguyên nhân đích thực của nó mới là tội đồ của vụ việc. Còn những người trực tiếp trong cuộc, kể cả có thể gây ra chết người, đa số ĐỀU LÀ NẠN NHÂN. Vâng, các chiến sĩ cảnh sát dưới sự chỉ huy của ai đó là NẠN NHÂN. Những người dân yêu nước phản đối những gì gây nguy cơ đe dọa nền Độc lập Dân tộc và sự phát triển của đất nước là NẠN NHÂN, trong đó không loại trừ những người nóng nảy, thiếu suy nghĩ đã hành động không đúng, đốt phá xe quân dụng. Cả hai bên nạn nhân đụng độ với nhau, gây thiệt hại tài sản nhà nước, thậm chí thương vong đã khiến “Kẻ giấu mặt”” đứng sau lưng, cười khẩy đầy nham hiểm và tự đắc rằng: “Việt Nam trúng kế ta rồi!”. Bọn chóp bu của Nhóm lợi ích, tham nhũng, tay sai ngoại bang thì múa tay trong bị.

GIÁ MÀ…

Vâng, giá mà không có chuyện QH định thông qua ngay Luật đặc khu với 3 vị trí XUNG YẾU đầy bất trắc cho Dân tộc; giá mà không có chuyện dự án luật An ninh mạng có nguy cơ hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân; giá mà đã có Luật biểu tình (đã được hiến định từ khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Bác Hồ sáng lập). Luật biểu tình sẽ bảo đảm hành lang pháp lý cho người dân bày tỏ ý nguyện của mình, thông qua biểu tình ôn hòa. Có như vậy, Đảng, Nhà nước mới hiểu hết lòng dân, mới thực hiện tốt mục tiêu phục vụ đắc lực cho hạnh phúc nhân dân, cho Tổ quốc và Dân tộc như xưa nay Đảng vẫn nói, chứ tuyệt nhiên không phải “Luật biểu tình ra mà rối loạn đất nước” như ai đó phát ngôn.

Cần nói thêm, không có gì là khó cả mà phải trì hoãn việc ra luật này, nhanh chóng ra luật kia. Nếu Đảng, Quốc hội tin Dân, những người chủ đích thực của đất nước thì mọi cái đều dễ dàng. Chắc chắn là vậy. Không phải chỉ là lý thuyết mà vấn đề là thực tiễn đã chỉ ra điều đó trong toàn bộ lịch sử Dân tộc. Tại sao những “cái khó”, Quốc hội không TRƯNG CẦU Ý DÂN? Nếu tin Dân thì hãy làm đi. Bọn phản động có trà trộn trong Dân thì cũng không thể đủ sức áp đảo lá phiếu đâu mà. Sức mạnh của Dân là sức nước.

Nhưng trong hàng ngũ những người có chức có quyền thì khác. Thiếu tướng, GS-TS Trương Giang Long, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân Việt Nam đã khẳng định: Trung Quốc đã cài cắm vào trong hàng ngũ của chúng ta không phải một mà hàng trăm, hết trăm này đến trăm khác... Vậy thì tại sao mãi không ra được Luật Biểu tình, Luật lập hội theo ước nguyện của Nhân dân, ngược lại, Luật đặc khu, luật An ninh mạng thì lại nhanh chóng muốn thông qua trong đó có nhiều điều khoản Dân không mong muốn. Điều này liệu có bàn tay nào chỉ đạo từ “những người được cài cắm trong hàng ngũ chúng ta”? Không nên loại trừ. Cuộc sống bây giờ không gì là không thể.

Những rối rắm xã hội này có thể đúng như các đồng chí làm an ninh thường nói: CÓ BÀN TAY KÍCH ĐỘNG CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH. Nhưng “thế lực thù địch” là ai? Đó là điều cần tỉnh táo xác định cho chính xác. Bây giờ không phải là thời kỳ chống Mỹ những năm sáu, bẩy mươi của thế kỷ trước mà xác định thế lực thù địch là CIA !. Bây giờ hoàn toàn khác. Cần lắm những bộ óc vì Nước vì Dân đúng nghĩa.

Sáng 12/6/2018, lão già vừa gõ bàn phím vừa dỗ cháu.

1 nhận xét :

  1. Tôi nhớ, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, câu hỏi đầu tiên của các lãnh đạo, các tướng lĩnh ở căn cứ, ở rừng, ở R là: "Dưới đó lòng dân thế nào?". Sau đó mới đưa ra các quyết định chiến lược, chiến thuật. Bây giờ, cậy quyền và quan liêu, tham lam và vô cảm đến mức chỉ quy vào mấy chữ "lực lượng thù địch kích động". Các quyết định đưa ra không thèm có câu hỏi "Dưới đó lòng dân thế nào?".
    Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét