Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

CÓ ĐỦ CĂN CỨ PHÁP LUẬT CHO SỰ RA ĐỜI CỦA NHỮNG CHÍNH ĐẢNG MỚI

Phạm Đình Trọng
Trả lời phóng viên đài BBC, ông giáo sư Vũ Minh Giang, thành viên hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Đề xuất việc thành lập đảng chính trị, nhất lại là đề xuất của những người đang là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam thì đấy là nguyện vọng nào đó, mong muốn nào đó của cá nhân hay nhóm cá nhân nào đó.  .  . nhưng mong muốn đó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật .  .  . Theo hiểu biết của tôi thì chưa có hệ thống (pháp luật) đó” Và “Nhiều thành phần kinh tế phải có đa nguyên đa đảng chỉ là logic hình thức”. *

Ấp úng, quanh co, ông giáo sư trong Hội đồng lí luận Trung ương nói rất dài cũng chỉ đưa ra một nội dung rất ngắn và hồ đồ là: Chưa có căn cứ pháp lí cho việc thành lập chính đảng mới.
Thưa nhà lí luận của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam, giáo sư Vũ Minh Giang.
Với một thể chế, một xã hội lành mạnh và tử tế thì Nhà nước và pháp luật được hình thành theo một qui trình: Nhân dân lựa chọn và bầu cử ra những người quản lí xã hội được gọi là Nhà nước và Nhân Dân trao quyền cho Nhà nước để thực hiện chức trách trước Nhân Dân.
Kẻ có quyền thường lạm quyền để vụ lợi và áp bức người Dân thân cô thế yếu. Từ đó pháp luật phải ra đời. Nhà nước lại được người Dân ủy quyền soạn thảo ra pháp luật để quản lí xã hội và điều quan trọng hơn cả của pháp luật là ngăn chặn sự lạm quyền của kẻ cầm quyền để bảo vệ người Dân thấp cổ bé họng. Để bảo vệ người Dân, nguyên tắc thực thi pháp luật là: Quan chức chỉ được làm những việc pháp luật cho phép còn người Dân được làm mọi việc pháp luật không cấm.
Với thể chế Cộng sản, với xã hội Việt Nam thời Cộng sản, người Dân bị gạt ra ngoài rìa trong qui trình bầu chọn lập nên Nhà nước, trong việc hình thành xây dựng pháp luật. Nhà nước của Đảng. Quốc hội của Đảng. Chính phủ của Đảng. Đến các tổ chức xã hội cũng của Đảng nốt. Pháp luật cũng chỉ để bảo vệ sự độc tôn thống trị xã hội của đảng Cộng sản mà thôi. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, người Dân Việt Nam vẫn có đủ căn cứ pháp lí để lập lên chính đảng của mình khi cần thiết. Những căn cứ đó là:
1.  Không có luật nào và không có điều luật nào cấm người dân lập chính đảng. Người Dân được làm mọi việc pháp luật không cấm. Người Dân có đầy đủ quyền lập chính đảng của mình.
2.  Hiến pháp hiện hành cho người Dân quyền lập chính đảng khi điều 69 Hiến pháp 1992 hiện hành ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận. tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật.
Hội và đảng chỉ là hai cách gọi khác nhau của một tổ chức chính trị. Như khi đảng Cộng sản Đông Dương muốn giấu mình đi liền đổi tên thành hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Người Dân có quyền lập hội đương nhiên cũng có quyền lập đảng. Nhà nước chưa có luật về lập hội chưa có luật về tự do ngôn luận, tự do báo chí là trách nhiệm, là thiếu sót của Nhà nước. Không thể vì thiếu sót của Nhà nước mà tước đoạt quyền công dân cơ bản mà Hiến pháp đã bảo đảm cho người Dân.
3.  Điều 52 của Hiến pháp 1992 hiện hành cho người Dân được quyền: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hơn ba triệu công dân Việt Nam có quyền lập lên đảng Cộng sản Việt Nam vậy thì hơn tám mươi triệu người Việt Nam còn lại cũng có quyền lập lên đảng chính trị của mình. Đó là là cơ sở pháp lí vững chắc bảo đảm cho mọi công dân Việt Nam được bình đẳng với những công dân đảng viên Cộng sản. Cấm công dân lập đảng chính trị của mình là vi phạm điều 52 Hiến pháp.
Khi ông giáo sư thành viên Hội đồng lí luận Trung ương lớn tiếng nói rằng nhiều thành phần kinh tế phải có đa đảng chỉ là logic hình thức là ông đã lớn tiếng bảo rằng chủ nghĩa Mác Lê nin chỉ là logic hình thức, không có thực chất, không có nội dung, là ông đã thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin mà đảng Cộng sản của ông đã lấy làm nền tảng tư tưởng.
Tất cả sự lụn bại của xã hội Việt Nam, sự nguy khốn của dân tộc Việt Nam hiện nay là do sự thao túng quyền lực của một đảng độc tài theo đuổi một học thuyết sai lầm và tội lỗi, một đảng không vì lợi ích dân tộc mà chỉ vì lợi ích của một nhóm người cầm quyền trong đảng độc tài đó. Một đảng chính trị mới ra đời là đòi hỏi khẩn thiết của cuộc sống, của lịch sử, là bước phát triến tất yếu và lành mạnh của xã hội Việt Nam.
P.Đ.T.

* ’Căn cứ đâu để lập chính đảng mới?‘ (BBC).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét