Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Chiến lược “Hồng kỳ rực Biển Đông” và chiến thuật “Lấy biển vây bờ”

thuật “Lấy biển vây bờ”

Petrotimes - 16/08/2013
(PetroTimes) - Ngày 14/8, đại diện các nước ASEAN sẽ họp tại Thái Lan để trù bị cho các cuộc đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trước khi các cuộc tham vấn về COC giữa ASEAN với Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh trong tháng 9. Sau đó, Nhật Bản và Nga sẽ tổ chức tham vấn ở cấp chuyên viên tại Moskva để bàn về các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước liên quan đến 4 đảo mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Trong khi đó, việc Philippines cấp tập mua sắm vũ khí với tổng mức lên tới 1,8 tỉ USD, Nhật Bản trình làng tàu Izumo (lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai), trị giá 1,2 tỉ USD đã và đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.
Nhật Bản cảnh giác với chiến thuật “tuần tra”
28 giờ là thời gian kỷ lục Trung Quốc phái tàu tới quần đảo tranh chấp với Nhật trên biển Hoa Đông và việc này khiến Tokyo lo lắng. Ngày 8/8, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc vẫn hiện diện trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư và thời gian lưu lại được cho là dài nhất kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo này hồi năm ngoái.
Cũng trong ngày 8/8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản ra tuyên bố trên trang web của mình rằng, tàu Trung Quốc đã đẩy lùi “những kẻ cánh hữu” Nhật Bản ra khỏi khu vực quanh Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 8/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận, một hạm đội tàu thuộc lực lượng Cảnh sát biển đã tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và việc này nhằm thực hiện chủ quyền vốn có của Trung Quốc.
Cũng trong ngày 8/8, Nhật Bản đã triệu Quyền Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Hàn Chí Cường tới để trao công hàm phản đối sau khi các tàu của Cảnh sát biển tiến sát vào khu vực gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, sáng 11/8, 3 tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây ngày thứ 26 liên tiếp tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này. Trước đó (10/8), 4 tàu Trung Quốc cũng tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhiều người cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột tại biển Hoa Đông trong thời gian tới sau những động thái mới của Trung Quốc ở khu vực này.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc được sơn lại từ tàu hải giám
Thời Ân Hoằng, học giả đến từ Khoa Quan hệ quốc tế Đại học Nhân Dân cho rằng, động thái này của Bắc Kinh là nhằm phản ứng lại việc Thủ tướng Shinzo Abe thị sát lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản có nhiệm vụ tuần tra, giám sát Senkaku/Điếu Ngư. Cách thức triển khai của Trung Quốc lần này giống với cách thức mà Bắc Kinh đã áp dụng để áp đặt tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Đây là nhận định của Giám đốc Chi nhánh Tokyo của Viện Nghiên cứu an ninh và quân sự Liên hợp Hoàng gia Chiaki Akimoto - Trung Quốc dần thực hiện từng bước xem Nhật Bản phản ứng ra sao. Theo đánh giá của Giáo sư Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, những động thái mới nhất của Trung Quốc là muốn Nhật Bản công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư, điều mà Tokyo cho đến nay vẫn cương quyết từ chối. Giáo sư Taylor Fravel cho rằng, giống như Scarborough/Hoàng Nham, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một tình trạng đã rồi đối với Senkaku/Điếu Ngư.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, ngày 19/8, Nhật Bản và Nga sẽ tổ chức tham vấn ở cấp chuyên viên tại Moskva để bàn về các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước liên quan đến 4 đảo mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Cuộc tham vấn diễn ra sau thỏa thuận khởi động các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 4 vừa qua.
Trung Quốc quyết trở thành cường quốc biển
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình không ngần ngại tái khẳng định mục tiêu của Bắc Kinh là trở thành cường quốc biển sau khi Washington thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm vào châu Á. Chuyên gia Nga nhận định, trong 4-5 năm tới, Trung Quốc không có khả năng tiến hành chiến tranh mà chỉ sử dụng đội quân tàu cá, du lịch, ngư chính, hải giám làm chủ công để lấn chiếm, tranh đoạt... Tính đến thời điểm hiện nay, chiến lược “Hồng kỳ rực Biển Đông” và chiến thuật “lấy biển vây bờ” cùng những giải pháp phi quân sự của Trung Quốc đã mang lại hiệu quả nhất định. Trung Quốc vẫn lấn tới trong tranh chấp biển đảo như giành quyền kiểm soát đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, liên tục tuần tra, lượn lờ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Với số lượng vượt trội cả về tàu đánh cá có trọng tải lớn và các tàu hải giám, ngư chính thực chất là các tàu quân sự hoán cải, Trung Quốc dường như cho rằng, đủ sức mạnh và tự tin để thống trị Biển Đông. Ngày 9/8, ông Nghê Lạc Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách quốc phòng và Sức mạnh biển thuộc Đại học Thượng Hải nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng, các hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông được Bắc Kinh thiết kế để gửi thông điệp cứng rắn đến các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Cũng trong ngày 9/8, tờ Nhân Dân nhật báo cho biết, cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc liên tục mua 4 tàu khu trục lớp Sovremenny của Nga và Tokyo từng cố gắng mời tàu khu trục lớp Sovremenny của Trung Quốc đến thăm Nhật Bản để thu thập tin tức tình báo.
Ngày 8/8, Giáo sư, học giả Atty Harry Roque Jr., chuyên gia hàng đầu về luật quốc tế của Philippines đã phân tích những điểm phi lý trong 3 điểm bảo lưu của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là âm mưu đánh tráo khái niệm biến Biển Đông thành một “vịnh lịch sử” của Trung Quốc là sự bóp méo trắng trợn các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Biển Đông trong thực tế hoàn toàn là một vùng biển và không phải vịnh như quan điểm bảo lưu của Trung Quốc. Tờ Kyodo News vừa cho biết, Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Trung Quốc đã thành lập cái gọi là tuyến đường tuần tra, giám sát (phi pháp) ở Biển Đông bám sát “đường lưỡi bò”, trong đó vắt qua các điểm đảo, bãi đá tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, Bãi Cỏ Rong, Đá Vành Khăn và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham của Philippines.
Nhận định của giới chuyên môn
Ngày 10/8, học giả Steven W.Mosher, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Calremont có bài phân tích trên trang Segye.com nhận định, ở khắp mọi nơi chúng ta đều nhìn thấy bằng chứng về sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trung Quốc đã khẳng định yêu sách chủ quyền (hết sức vô lý và phi pháp) đối với 3,5 triệu km 2 , gần 85% diện tích Biển Đông. Steven W.Mosher cho rằng, hành vi của Trung Quốc phản ánh bản chất đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Philippines và Bắc Kinh muốn hình thành một “trật tự thế giới mới” theo kiểu của họ.



Theo kết quả khảo sát do tờ China Daily cùng Cơ quan Nghiên cứu Genron NPO của Nhật Bản tiến hành, 92,8% người Nhật Bản có ấn tượng xấu hoặc khá xấu về Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này ở người Trung Quốc là 90,1%. Đây là lần thứ 9 cuộc khảo sát thường niên này được tiến hành và China Daily khẳng định, kết quả là “tệ nhất trong gần một thập niên”.

Trước đó (9/8), giới phân tích thuộc trang Strategy nhận định, Trung Quốc đang gia tăng áp lực để loại bỏ các phân đội nhỏ lính hải quân và thủy quân lục chiến của Philippines đang đóng trên 9 điểm đảo, bãi đá, rạn san hô nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Trung Quốc cũng đang tìm cách loại bỏ một tiểu đội lính thủy quân lục chiến Philippines đang đồn trú trên xác chiếc tàu chiến BRP Sierra Madre mà Manila cố tình đánh chìm năm 1999 tại Bãi Cỏ Mây làm nơi đồn trú và quan sát. Strategy kết luận, Trung Quốc vi phạm lớn nhất ở quần đảo Trường Sa và hiện không có dấu hiệu nào cho thấy các hoạt động này chậm lại hay giảm đi. Tham vọng trên biển cùng những chiến lược, hành động đầy quyết liệt của Trung Quốc nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.
Tờ China Youth Daily phân tích về lý thuyết “Tác chiến không - biển” của Mỹ và nhận định, nếu “Tác chiến không - biển” thực sự nổ ra, Châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Bởi “tác chiến không - biển” hiện nay khá giống với chiến lược “tác chiến không-biển” nhằm vào quân đội Liên Xô và khối Warszawa trong thập niên 80 - ngăn chặn Trung Quốc và bá quyền là phương châm then chốt trong “tác chiến không - biển” của Mỹ. Ngày 2/8, tờ Foreign Affairs của Mỹ đã yêu cầu Washington cần thận trọng hơn khi đề ra các chiến lược quân sự.
Trước đó (13/3), Tạp chí The Diplomat từng dẫn lời chuyên gia cấp cao của Học viện Brookings (Mỹ) Rory Medcalf: Để tạo dựng hình ảnh về kẻ thù giả định Trung Quốc, các chính trị gia và chuyên gia quân sự Mỹ đã phải vắt óc để đưa ra các giả thiết phong phú nhằm phòng ngừa “kẻ thù giả định” này. Theo đó, để ngăn chặn cái gọi là chiến lược “chống tiếp cận, phong tỏa khu vực” của Trung Quốc, quân đội Mỹ đã thiết kế và phát triển lý thuyết “tác chiến không - biển”. Một số chuyên gia khuyến cáo, cần cảnh giác việc xuất hiện của tiểu NATO châu Á - gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Á khác.
Ngày 6/8, Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu đã công bố cuốn sách mang tên “Lý Quang Diệu nhìn thiên hạ”, dày 400 trang, chia làm 11 chương. Trong chương liên quan đến Trung Quốc, ông Lý Quang Diệu cho rằng, cùng với việc trỗi dậy, Trung Quốc vẫn kiên trì tập trung quyền lực ở Trung ương và sự lớn mạnh của Bắc Kinh đem lại ít nhiều lợi ích cho cộng đồng quốc tế. Nhưng ông Lý Quang Diệu cũng cảnh báo, Trung Quốc một khi bị kéo vào một cuộc chiến tranh, sẽ có thể xảy ra xung đột, gây ra rối loạn trật tự, và có thể sẽ sa lầy rất lâu.
Philippines không chấp nhận đàm phán song phương
Tờ Inquirer dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố, Manila không chấp nhận đề nghị đàm phán song phương và tìm cách cùng khai thác khu vực tranh chấp trên Biển Đông do Trung Quốc đưa ra. “Vấn đề cốt lõi cần giải quyết ở đây là tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc bao trùm gần trọn vùng biển bằng bản đồ đường lưỡi bò”, ông Raul Hernandez khẳng định. Trong khi tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, vì tình hình căng thẳng Biển Đông diễn ra liên tục nên Philippines và một số quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc muốn dựa vào ASEAN để “chống lại” Bắc Kinh, thì trang mạng Valuewalk (Mỹ) nhận định, biện pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp biển ở Đông Nam Á chính là thúc đẩy thực hiện “ngoại giao pháo hạm” - các nước có tranh chấp biển với Trung Quốc có thể dựa vào sự giúp đỡ của Indonesia để đánh bại thế “hung hăng dọa nạt” về quân sự của Bắc Kinh. Được biết, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc đang xúc tiến vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, hội đồng với 5 thành viên của tòa sẽ thông báo việc chuẩn bị xét xử vụ kiện này sau khi mở cuộc họp đầu tiên tại La Hay (Hà Lan) hôm 11/7.
Manila đang triển khai đàm phán về việc mở rộng sự hiện diện của quân Mỹ ở các căn cứ quân sự của Philippines sau khi Bộ Quốc phòng Philippines lần đầu tiên công bố kế hoạch này hồi hạ tuần tháng 6. Việc đàm phán tập trung vào “thỏa thuận tiếp cận” - cho phép Hải quân Mỹ điều nhiều tàu chiến hơn tới vịnh Subic, trong các cuộc khủng hoảng tiềm tàng có thể sử dụng linh kiện, phụ tùng thay thế, tiếp tế và các trang thiết bị, đồng thời lâm thời triển khai thủy thủ. Ngày 27/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết, khi 2 nước đạt được thỏa thuận về việc quân Mỹ đến các căn cứ quân sự của Philippinse, các trang thiết bị quân sự của Mỹ cũng sẽ được đưa đến đây. Nhưng kế hoạch này không bao gồm xây dựng mới căn cứ quân sự cho quân Mỹ, hoặc quân Mỹ đồn trú vĩnh viễn ở Philippines. Trong thư gửi cho Quốc hội Philippines ngày 8/8, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng nước này đều khẳng định, việc cho phép lính Mỹ “tăng cường hiện diện luân phiên” sẽ giúp Manila có được “sự phòng thủ tin cậy tối thiểu” để bảo vệ lãnh thổ trong khi phải vật lộn với công cuộc hiện đại hóa lực lượng quân đội.
Theo nhận định của 2 học giả Philippines Elfren S. Cruz và Chito Sta. Romana, Trung Quốc không dám khiêu chiến toàn diện trên Biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh muốn khẳng định quyền lực của mình, nhưng vẫn muốn tạo ra một hình ảnh quốc tế “hòa bình”, nên chiến lược của Trung Quốc sẽ được điều chỉnh. Do đó, Philippines nên tiến hành song song 2 chiến lược răn đe và cam kết ngoại giao với Trung Quốc. Ngày 8/8, trang mạng “Học giả ngoại giao” Nhật Bản có bài viết cho rằng, một số nước nhỏ yếu châu Á như các nước ASEAN lo ngại nếu Trung - Mỹ rơi vào cục diện Chiến tranh Lạnh sẽ đe dọa đến lợi ích của họ - phải “lựa chọn đứng về một bên”. Nhưng có người lại coi việc Trung - Mỹ rơi vào Chiến tranh Lạnh sẽ làm cho những nước nhỏ châu Á này được lợi.



Ngày 8/8, Đài Loan đã hủy các lệnh trừng phạt đối với Philippines, sau khi Manila chính thức xin lỗi về vụ bắn chết một ngư dân hồi tháng 5 vừa qua. Căng thẳng chỉ lắng xuống sau khi Manila đề xuất truy tố tội giết người đối với 8 lính tuần duyên Philippines liên quan đến cái chết này. Trước đó, Đài Loan đã từ chối lời xin lỗi của Manila vì cho rằng “không thành khẩn” và áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có lệnh cấm thuê nhân công Philippines, khuyến cáo người dân không du lịch và hoãn các trao đổi về thương mại và học thuật.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
http://www.baomoi.com/Chien-luoc-Hong-ky-ruc-Bien-Dong-va-chien-thuat-Lay-bien-vay-bo/119/11718026.epi 
chùm tin liên quan:
Chiến lược ‘3 nhát cắt’ tại Biển Đông của Trung Quốc ngày càng rõ (SM). – Chiến thuật “tằm ăn dâu” của Trung Quốc (TVN). – Đế chế Ốttôman nuốt biển và bài học cho Trung Quốc (ĐV).


- ĐÀM PHÁN TĂNG QUÂN MỸ Ở PHILIPPINES: Mỹ trình dự thảo thỏa thuận khung (PLTP).


Không có nhận xét nào:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét