Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện đang dẫn đầu một đoàn của chính phủ Việt Nam thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ 21/8-30/8.
Báo điện tử Chính phủ cho hay chuyến thăm làm việc này của ông Phúc “nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, đang có thông tin nói rằng chuyến đi của ông Nguyễn Xuân Phúc còn có mục đích tiền trạm cho một chuyến đi Mỹ trong thời gian sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nguồn tin riêng của BBC nói ông Dũng có thể tới New York để tham dự kỳ họp 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín, cụ thể là từ 26/9-28/9.
Lịch trình hoạt động của ông thủ tướng, nhất là các cuộc gặp song phương, hiện vẫn còn đang được thảo luận và lên kế hoạch, nguồn tin này cho hay.
Một trong những quan tâm hàng đầu của Việt Nam hiện nay là hoàn tất đàm phán với Hoa Kỳ về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việt Nam đã nỗ lực vận động chính giới Mỹ ủng hộ cho việc gia nhập TPP, mà theo một số ước tính, khi đi vào hiện thực sẽ giúp Việt Nam tăng thu GDP thêm khoảng 25-26 tỷ đôla.
Hà Nội cũng được cho là có nhiều nhượng bộ trước các đòi hỏi của phía Mỹ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình này.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, nhận xét rằng thái độ “xích lại gần Hoa Kỳ” của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam dường như trở nên rõ ràng hơn sau sự kiện Bộ Chính trị Đảng CSVN thông qua nghị quyết về hội nhập quốc tế ngày 10/4/2013.
“Nghị quyết này đặt ra ưu tiên hàng đầu cho việc hội nhập kinh tê quốc tế của Việt Nam.”
“Cho tới nay, việc đàm phán TPP vẫn không được công khai rộng rãi. Một số người ở Việt Nam dè dặt về vài vấn đề mà Hoa Kỳ đang gây áp lực với Việt Nam dưới ảnh hưởng của các nỗ lực vận động từ ngành dệt may trong nước Mỹ.”
GS Carlyle Thayer
Ông Thayer cho rằng Việt Nam nhận thức được rằng tham gia TPP là điều kiện cần thiết để kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng cao.
“Cho tới nay, việc đàm phán TPP vẫn không được công khai rộng rãi. Một số người ở Việt Nam dè dặt về vài vấn đề mà Hoa Kỳ đang gây áp lực với Việt Nam dưới ảnh hưởng của các nỗ lực vận động từ ngành dệt may trong nước Mỹ.”
Tuy nhiên, GS Thayer nói dường như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết tâm thúc đẩy việc mở rộng quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.
Thăm cấp cao
Mới đây, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 24/7-26/7.Ông Sang đã hội kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng.
Về mặt nghi thức, việc tổng thống Hoa Kỳ tiếp hai lãnh đạo cao cấp của một quốc gia nhỏ như Việt Nam hai lần trong vòng hai tháng là khó có khả năng xảy ra.
Bởi vậy giới quan sát cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng có lẽ sẽ không đi Washington DC.
Việt Nam và Mỹ mới thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trong chuyến đi của Chủ tịch Sang.
Hai bên bày tỏ hy vọng hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm 2013.
Tổng thống Obama hồi tháng Bảy nói ông muốn một quan hệ đối tác với Việt Nam bao gồm gia tăng thương mại, hợp tác quân sự, trao đổi giáo dục và khoa học.
Các chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam sang Hoa Kỳ chắc chắn sẽ nhằm tiếp tục phát triển quan hệ đối tác này.
Báo điện tử Chính phủ cho biết thêm trong khuôn khổ chuyến thăm hiện đang diễn ra, “Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cao cấp Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam tại Đại học Harvard với nhiều chuyên đề bổ ích từ các giáo sư, chuyên gia hàng đầu của Đại học Harvard về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp luật”.
THEO BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét