Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Kinh hoàng: Lời kể nhân viên xét nghiệm bệnh viện Hoài Đức (1)

Điều tra của Văn Chương- Trinh Phúc 
Chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng đơn tố cáo
Mới đây, ngành y tế và dư luận "sốc" thực sự sau khi một số thông tin từ nội bộ bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị rò rỉ.
 Theo đó, trong một thời gian dài, một số nhân viên của bệnh viện này đã "nhân bản" hàng nghìn phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả cho bệnh nhân. Để kiếm tiền, những người luôn miệng rêu rao hai từ "y đức" đã thản nhiên ghép kết quả xét nghiệm của người này cho người khác. Khi trả lời PV, một số y, bác sĩ của bệnh viện này khẳng định, do nể nang nên "nhân bản" phiếu xét nghiệm rồi đưa cho người bệnh (!?). Tuy nhiên, ít ai biết được, đằng sau những tờ giấy này lại là một "thế giới" đầy rẫy sự vụ lợi và tàn nhẫn đến rợn người.


Sau khi so sánh phiếu xét nghiệm huyết học với sổ ghi chép bản gốc của bệnh viện, chúng tôi thấy giật mình. Cùng thông số xét nghiệm huyết học nhưng các nhân viên đã chia cho ba người. Khi được hỏi, những người có trách nhiệm và đang làm việc tại bệnh viện ngụy biện rằng, chỉ vì nể nang người thân nên mới xuống bút "ghi bừa". Tuy nhiên, sự tàn nhẫn ở chỗ, chính bản xét nghiệm này là cơ sở để các bác sĩ kê đơn, lên phác đồ điều trị  cho bệnh nhân. Đến bệnh viện, nghe "người trong cuộc" kể "mánh khóe" xét nghiệm máu, chúng tôi thật sự bàng hoàng. Có lẽ, đây là sự việc chưa từng xảy ra tại Việt Nam.
Được biết, từ tháng 7/2012 tới tháng 5/2013, đã có trên 1.000 phiếu xét nghiệm được  dùng chung cho 2.000 người.
Lời kể kinh hoàng
Ngày 6/8, đường dây nóng của báo Nguoiduatin.vn nhận được thông tin "sốc" của một nữ nhân viên phòng xét nghiệm đang làm việc tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Chỉ 30 phút sau, PV đã có mặt tại khuôn viên của bệnh viện được xem là đã gây ra sự việc động trời này.
Nói chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Nguyệt (nhân viên khoa Xét nghiệm, người gọi điện đến đường dây nóng của báo), với khuôn mặt hốc hác vì mấy ngày qua phải trằn trọc suy nghĩ về việc có nên nói ra sự thật "động trời". Chị Nguyệt tâm sự: "Thực ra, sự việc này đã xảy ra từ năm 2012 nhưng vì mưu sinh, vì cần có một việc làm để nuôi con ăn học, nên tôi đành phải nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, sau này, nghĩ đến sức khỏe và tính mạng của hàng nghìn bệnh nhân, tôi không thể im lặng mãi được. Sự thật mãi là sự thực, dù bưng bít đến đâu chắc chắn cũng có ngày cũng sẽ phơi bày và lúc ấy hậu quả chắc chắn sẽ khủng khiếp".
Kỹ thuật viên trưởng của khoa xét nghiệm Phan Thị Oanh trả lời PV.
 Theo chị Nguyệt, từ tháng 7/2012, không hiểu vì lý do gì mà ông Nguyễn Trí Liêm, giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức lại trực tiếp chỉ đạo chia tách khoa Xét nghiệm thành hai bộ phận. Một bộ phận sử dụng nhân viên có hợp đồng ngắn hạn, mới tuyển dụng được Giám đốc giao phụ trách máy xét nghiệm tư nhân (dùng cho bệnh nhân ngoại trú) làm và ký trả lời tất cả các kết quả xét nghiệm, kể cả lĩnh vực chuyên môn mà họ chưa từng học bao giờ. Còn đối với những người đã làm xét nghiệm lâu năm, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư.

Điều đáng bàn ở đây, máy móc tư nhân xét nghiệm 97% bệnh nhân còn 3% là máy móc Nhà nước đầu tư. "Tôi thực sự sốc khi ông Liêm đã để cho các nhân viên lấy máu của bệnh nhân ném vào thùng rác rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu xét nghiệm khác. Số kết quả này được trả cho rất nhiều người bệnh. Có lẽ, số bệnh nhân bị lừa đã lên đến con số hàng nghìn", chị Nguyệt lắc đầu, kèm theo một tiếng thở dài mệt mỏi.         

Vừa nói, chị Nguyệt vừa rút trong đống hồ sơ dày cộp lấy ra những mẫu xét nghiệm giống nhau như một bản photocopy. Từ thời gian xét nghiệm, các chỉ số, biểu đồ đều giống nhau đến kỳ lạ. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt khiến PV "lạnh sống lưng" chính là tên, tuổi của người bệnh. Theo những gì chúng tôi quan sát được, bệnh nhân Nguyễn Hữu Nhung (83 tuổi) hoàn toàn trùng khớp với bệnh nhân Nguyễn Bá Biên (22 tuổi), bệnh nhân Ngô Thị Đào (92 tuổi) có kết quả trùng với Bùi Văn Cường (3 tháng tuổi) và Trần Thị Mai Anh (4 tháng tuổi), bệnh nhân Đỗ Đặng Quốc Bảo (1 tháng tuổi) có kết quả xét nghiệm trùng với Nguyễn Thị Phương Anh (16 tháng tuổi)... Thì ra, trong gần một năm qua, hàng nghìn bệnh nhân đã bị các y, bác sỹ của bệnh viện này lừa dối.

Khi phiếu xét nghiệm chỉ để hoàn thiện hồ sơ (!)

Không có lý do gì để một cụ ông 68 tuổi, bị bệnh cao huyết áp có kết quả xét nghiệm hoàn toàn trùng khớp với kết quả người phụ nữ 41 tuổi, có chẩn đoán vết thương cẳng tay. Nếu không có sự dũng cảm của người đàn bà ngồi cạnh chúng tôi thì trong thời gian tới không biết bao nhiêu người sẽ phải chịu cảnh lừa dối này. Chị Nguyệt chia sẻ: "Tất cả những việc làm sai phạm này đều có mục đích về tài chính. Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu rất rõ những mánh khóe kiếm tiền và mức độ chia chác bên trong. Vẫn biết sau khi nói ra sự thực, có thể tôi sẽ phải rời bệnh viện, nhưng với đạo đức của một người làm trong ngành y, tôi chấp nhận tình huống xấu nhất xảy ra".

Trao đổi với PV về sự việc này, chị Phan Thị Oanh, kỹ thuật viên trưởng của khoa Xét nghiệm thản nhiên trả lời: "Tôi cũng đã biết sự việc này cách đây không lâu và cũng nhắc nhở các nhân nhiên phải xét nghiệm huyết học đúng quy trình. Đây là bản xét nghiệm thường quy cơ bản để các bác sĩ căn cứ vào đó xác định bệnh nặng, hay nhẹ. Phiếu xét nghiệm này được lấy khi bệnh nhân mới vào viện. Nó là xét nghiệm ban đầu, nên không quan trọng bằng xét nghiệm sinh hóa đâu".

Khi PV hỏi về việc "nhân bản" phiếu xét nghiệm này, chị có nghĩ đến kết quả không, người phụ nữ này chỉ biết im lặng và cúi gằm mặt xuống bàn. Sau đó, chị ta trả lời rằng: "Những phiếu xét nghiệm thường quy này, người nhà bệnh nhân nhi thường hay xin. Các cháu lấy máu rất khó, hơn nữa người nhà xót con nên xin để hoàn thiện hồ sơ". Rõ ràng, nếu như lời người kỹ thuật viên trưởng của khoa Xét nghiệm này nói thì một bộ phận khoa xét nghiệm của bệnh viện sinh ra chỉ để hoàn thiện hồ sơ và làm "vừa lòng" bệnh nhân chứ không có chức năng y tế (!?).

Ông giám đốc bệnh viện nói gì?

Ngồi bên cạnh, bà Vương Kim Thành, Trưởng khoa Xét nghiệm thường nói chen vào những lúc mà chị Phan Thị Oanh ấp úng. Bà Thành giải thích: "Những phiếu xét nghiệm huyết học mà khoa "cho" các bệnh nhân thời gian vừa qua các bác sĩ không dùng làm căn cứ để chẩn đoán và điều trị đâu. Do nể nang người nhà của các bác sĩ nên chúng tôi mới làm như vậy". Lời nói của bà trưởng khoa Xét nghiệm thực sự mâu thuẫn với lời khẳng định của ông Ngô Trí Liêm, giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, người bị tố "bật đèn xanh" cho các nhân viên "nhân bản" phiếu xét nghiệm khi trao đổi với PV: "Phiếu xét nghiệm huyết học là một trong những căn cứ để các bác sĩ chẩn đoán và lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Theo tôi, với góc độ chuyên gia, việc 3 phiếu xét nghiệm của 3 người trùng nhau đến khó tin như vậy là một vấn đề. Tuy nhiên, tất cả vẫn chờ cơ quan công an điều tra".

Trong cuộc phỏng vấn, chúng tôi liên tục đặt nhưng câu hỏi liên quan về sự việc "động trời" này nhưng ông Liêm luôn dùng câu "để cơ quan công an điều tra" trả lời.

Đã khởi tố vụ án "nhân bản" phiếu xét nghiệm huyết học

Chiều 7/8, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - công an TP.Hà Nội) đã khởi tố vụ án để điều tra sai phạm xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án theo điều 281 BLHS tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.  Hiện cơ quan điều tra cũng đã thu giữ một số tài liệu để phục vụ công tác điều tra. Được biết Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - GĐ công an TP.Hà Nội cũng đã có ý kiến chỉ đạo phòng chức năng phải khẩn trương làm rõ sai phạm.

Kỳ 2: Tham nhũng khủng sau những phiếu xét nghiệm được "nhân bản"?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét