Bài thơ “Tiễn anh” của Tố Hữu
– hay là thói tư biện, ngụy biện
của nhà thơ chính trị
Phùng Hoài Ngọc
Nguồn : gnlt blog
Lời dẫn
Hiện nay việc sử dụng thơ Tố Hữu tuy có giảm sút nhưng vẫn chiếm địa vị to lớn trong các sách giáo khoa, giáo trình Văn từ phổ thông tới đại học và trên đại học.Nhiều giáo viên Văn các cấp học vẫn chưa nhận thức đầy đủ và nghiêm chỉnh về di sản thơ Tố Hữu, chưa tự chủ độc lập nghiên cứu, cứ sẵn có sách là dùng.Bài tiểu luận nghiên cứu phê bình nhỏ này muốn góp phần vào việc nhận thức đó.Chú giải hoàn cảnh bài thơ: Vào năm 1964, đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và chủ tịch HCM điều động vào chiến trường miền Nam cùng Trung ương cục trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến tranh. Tố Hữu viết bài thơ này tặng Nguyễn Chí Thanh. Sau còn gửi cho nhiều báo chí đăng lên. (các báo trả nhuận bút đặc biệt cho Tố Hữu cao gấp 100 lần văn nghệ sĩ khác- Hồi ức Vương Trí Nhàn)
Bài thơ Tiễn đưa của Tố Hữu trải qua 60 năm khiến độc giả hôm nay suy ngẫm về lý luận thi ca méo mó xộc xệnh của nhà thơ đầu đàn này.
***
Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương*
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường.
*
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
Đi đi, non nước chờ anh đó
Tiền tuyến cần thêm? Có hậu phương…
*
Đọc qua một lần thấy trơn tru, tình cảm nồng thắm…Nhưng đọc kỹ cách lập luận thì thấy ê chề giả dối và hời hợt. Thơ Tố Hữu thường là như thế.
Câu thực:
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường.
Đây là hai câu thực ỡm ờ về luật thơ cổ điển. Về nội dung, hai vế song hành trùng điệp nhằm tô đậm cái ý “đâu đâu cũng ưa thích chiến trường/ tiền tuyến”.
“say tiền tuyến” là gì ?- là cái say mê của người hậu phương được đi ra tiền tuyến/ hoặc là cảm phục người ở nơi tiền tuyến. Hiểu nghĩa nào cũng được.
“Bâng khuâng mộng chiến trường”: chắc là tâm trạng người ở hậu phương rồi.
Tuy nhiên nhà thơ lại kết nối hai câu trên với cặp từ: “đã hay” và “mà vẫn” thì lại tạo ra hai vế đối lập diệt trừ nhau. Luật thơ cổ điển không cho phép làm thế.
Qua đó ta thấy Tố Hữu chưa thành thục luật thơ Đường luật, chỉ cốt nói lấy được.
Câu luận:
“Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”
Hai câu luận tệ hại nhất. Lý luận ngụy biện, nói lấy được, nói vỗ về, đề cao tướng Nguyễn Chí Thanh và bộ đội ở chiến trường… bằng cách khinh rẻ văn chương! Hoặc chỉ giả bộ khinh rẻ thôi. Ông Hồ Chí Minh từng răn dạy: “Văn chương cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Thế mà Tố Hữu mải làm thơ, quên béng huấn thị của chủ tịch HCM, nói cho bằng được ý mình. Tố Hữu đúng là nhà lý luận nghệ thuật tư biện trâng tráo nhất, và chẳng có ai dám bắt bẻ ông ta!
Thế nào là “tư biện”?: Tư biện là “chỉ suy luận đơn thuần, không dựa vào kinh nghiệm, vào thực tiễn”.
“Ngụy biện”: Cách tranh luận cố dùng những lập luận tưởng như vững chắc, nhưng thật ra là vô căn cứ.
Vì ngụy biện, tư biện nên Tố Hũu tự cãi mình, thiếu nhất quán:
“Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh
Vẫn muốn viết những dòng thơ lửa cháy”.
(Có thể nào yên, tập Ra trận, Tố Hữu 1962)
“Những dòng thơ lửa cháy” chính là một loại vũ khí nghệ thuật, tương đương “cây chông ở miền Nam”, tất nhiên là thế. Nếu câu thơ này đúng thì câu trên sai toét (Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/Hơn nghìn trang giấy luận văn chương).
Nhiều người bảo Tố Hũu làm thơ dở, tôi nghĩ ông ta chỉ là thợ gieo vần, tạo nhịp. Cái dở nhất của Tố Hữu là ý tứ và logic thơ, bài này chửi bài khác. Tình cảm thì giả tạo, nhạt nhẽo, không có cơ sở …
(*Chú thích * Tố Hữu và tướng Nguyễn Chí Thanh là đồng hương xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên).
PHN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét