Đàn tế nghìn năm phát lộ dưới Nhà Quốc hội hiện đại
Mới phát hiện; mới có chỉ đạo của TT tìm biện pháp bảo tồn; mới tổ chức xong Hội thảo quốc tế, được nhất trí đánh giá là quý hiếm bậc nhất, chưa đâu trên thế giới thấy có di tích tương tự. Thì hôm nay đã có tin di tích bị xâm hại rồi. Não trạng của những “con người mới” được đào tạo nên trong thể chế tốt đẹp của chúng ta là thế. Càng nói quý thì phá càng nhanh, vì chẳng may những cái quý giá ấy lại chẳng làm ra tiền, không những thế chúng còn “ngáng chân” những... công trình XHCN rất cần cho con người XHCN hôm nay sử dụng, như Đàn Xã tắc: phải làm cầu vượt chứ, và Đàn Tế trời thời Lý: giữ nó thì nhà để xe của ngôi nhà Quốc hội to lừng lững bỏ đi đâu? Hãy xem bài dưới đây:
Phải kiểm tra ngay việc xâm hại công trình tâm linh thời Lý
Trinh Nguyễn
Chỉ sau một ngày, Văn bản số 400/KCH ngày 29.10 của Viện Khảo cổ về việc xâm hại khu vực di tích tâm linh đặc biệt tại lô E khu vực khai quật khảo cổ học Vườn hồng, Hà Nội đã đến tay hầu khắp các đơn vị trong danh sách cần gửi.
Phản ứng từ nhóm các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ, di sản nói chung là vô cùng ngạc nhiên, bức xúc vì đây không phải lần đầu tiên di sản bị xâm hại dù trước đó đã có cảnh báo và yêu cầu hợp tác.
Chỉ mới tháng 7 vừa rồi, Hội Khoa học lịch sử phải gửi kiến nghị lên Thủ tướng về việc các hố khảo cổ C, D của Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) ngập nước, tầng văn hóa bị xâm hại. Vậy mà giờ đây, Hội còn nhận thêm được văn bản về hiện trạng nguy hiểm của công trình tâm linh thời Lý quý giá mới xuất lộ. “Tôi đã nhận được văn bản của Viện Khảo cổ và đang xem xét nghiên cứu nên làm gì”, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nói.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội, cũng vô cùng bức xúc. “Đã nói từ rất lâu rồi. Nói một cách lịch sự là người ta không thực hiện cam kết. Còn nói một cách rõ ràng là bội ước. Người ta cứ phá thì sẽ thế nào”, Giáo sư Ngọc nêu vấn đề. Ông Ngọc là người đã lên tiếng rất nhiều về việc các công trình tâm linh có nguy cơ hoặc đã bị xâm hại: cả ở đàn Xã Tắc, cả ở Hoàng thành Thăng Long.
Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản, nói: “Trước hết, phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Phải kiểm tra ngay việc thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo này. Thứ hai là, Viện Hàn lâm khoa học với tư cách được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích đó phải có cuộc họp gấp với Bộ VH-TT-DL và cơ quan liên quan, với các nhà khoa học. Họp để đưa ra các giải pháp giải quyết rõ ràng, minh bạch phạm vi bảo vệ mà Thủ tướng đã chỉ đạo. Thủ tướng đã nói rất rõ, cái đó phải bảo tồn tại chỗ để tôn trọng di tích tâm linh thời Lý, lần đầu tiên phát hiện. Di tích đó là hiếm có từ trước đến nay mà thế giới cũng chưa có cái giống hệt. Cho nên phải làm rõ việc đó. Thậm chí cơ quan nào làm trái chỉ đạo của Thủ tướng phải kiểm điểm”.
T.N.
|
Trong khi xây dựng hầm tòa Nhà Quốc hội, các chuyên gia khảo cổ học phát hiện di tích tế lễ Trời - Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý, di tích chưa từng có trên thế giới.
Đầu năm 2014, công trình tòa Nhà Quốc hội bước vào giai đoạn nước rút, không khí làm việc vô cùng hối hả. Trong khi khai quật khảo cổ học tại khu vực hầm ngầm để xe và đường ngầm từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao qua đường Bắc Sơn sang nhà Quốc hội, Viện Khảo cổ học đã phát hiện một di tích đặc biệt với hình thù rất lạ với chất liệu chủ yếu bằng gỗ và đá.
Mặt bằng di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý, tại hố G7-G8 được minh họa bằng người đứng, tượng trưng cho các vị trí cột gỗ.
Lập tức, các nhà khảo cổ học, sử học uy tín nhất trong cả nước được mời tới. Song, việc xác định gặp khó khăn bởi đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận một di tích có hình thù như vậy.
Đặt vị trí phát lộ lên tấm bản đồ Hồng Đức, các nhà khoa học bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của di tích đặc biệt này. Nó nằm cùng trục, cùng phương vị Bắc - Nam với kiến trúc Bát Giác ở phía Bắc tạo thành một trục trung tâm trong tổng thể cụm kiến trúc đặc biệt thời Lý thuộc di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long ở phía tây của điện Kính Thiên.
Các nhà khảo cổ học cho rằng, di tích này là kiến trúc không thể tách rời trong cấu trúc tổng thể của các vương đô cổ phương Đông. Dù còn những ý kiến khác nhau về tên gọi, chức năng nhưng các nhà khoa học đều công nhận “đây là di tích tâm linh đặc biệt quan trọng”.
Trước sự quan tâm đặc biệt của giới khảo cổ, sử học Việt Nam và quốc tế, đầu tháng 7/2014, Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn, nghiên cứu di tích bí ẩn vừa phát lộ. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc
Các ý kiến tại hội thảo đều công nhận đây là kiến trúc tâm linh để tế Thượng đế và Ngũ đế có phối hưởng tế tự liệt tổ, liệt tông của hoàng đế nhằm khẳng định tính chính đáng của Vương triều được Trời trao thiên mệnh, một loại kiến trúc không thể tách rời trong cấu trúc tổng thể của các vương đô cổ phương Đông.
Tuy nhiên, tên gọi chính xác vẫn còn bỏ ngỏ khi các nhà khoa học đưa tới ba phương án: gọi là Minh Đường – nơi Hoàng đế nhận chính lệnh của Trời để ban hành các chính sách xây dựng đất nước được chính xác, hiệu quả; gọi là Thiên đường – nơi tế Trời cầu cho quốc thái dân an, quốc gia trường tồn.
Ý kiến thứ ba cho rằng, di tích tâm linh đặc biệt mới phát hiện thẳng trục bát giác do đó có thể đây chính là cụm kiến trúc liên hoàn với tên gọi: di tích mới phát hiện là Thiên đường, di tích kiến trúc bát giác là Minh đường.
Kiến trúc trung tâm có 2 vòng tròn đồng tâm.
Để làm rõ hơn giá trị và tên gọi của di tích nhằm báo cáo Thủ tướng, ngày 12/9, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã họp đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn.
Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học hàng đầu như Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), Giáo sư Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội), Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), Đại diện UBND TP. Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các chuyên gia tư vấn khoa học của Dự án.
Sau khi xem xét, nghiên cứu kỹ các tài liệu, đặc biệt là so sánh về cấu trúc và quy mô, các nhà khoa học thống nhất không nên vội vàng gắn tên gọi nào đó vì di tích vô cùng độc đáo, duy nhất, ở Việt Nam và thế giới chưa từng có. Hơn nữa, khu vực phát hiện rất đặc biệt, thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Các nhà khoa học cũng lưu ý không nên vội vàng lấy tên từ nước ngoài để đặt vì nó không phản ánh đúng tính chất và kết cấu của cụm di tích này. Do vậy, sau khi trao đổi, thảo luận, vị trí, kiến trúc, di vật, đối sánh với các nghiên cứu ở Thăng Long - Hà Nội như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc ở Việt Nam và các nước khác, bước đầu các nhà khoa học thống nhất đề tên gọi là Di tích tế lễ Trời - Đất của Hoàng đế đầu thời Lý. Các nhà khoa học nhận định: “Kiến trúc này có giá trị đặc biệt quan trọng trong tổng thể của di tích kiến trúc Lý đã xuất lộ ở Thăng Long”. Niên đại của di tích từ khoảng năm 1010 - 1048 và sau đó vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XII. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kết luận: “Đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc loại sớm nhất của Việt Nam, là di tích tâm linh độc đáo chỉ có ở kinh đô đầu triều Lý. Trong bối cảnh phương Đông đương thời, đây là loại di tích thể hiện tinh thần tự chủ, tự cường cao của Đại Việt thời Lý”.
Xem xét bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh đặc biệt
Giá trị vô giá của di tích được khẳng định nhưng phương án bảo tồn lại chưa được thống nhất. Nếu bảo tồn toàn bộ quy mô dấu tích (có diện tích khoảng hơn 6.000 m2) sẽ không xây dựng được bãi đỗ xe của Nhà Quốc hội. Vì thế, Viện Khảo cổ học kiến nghị bảo tồn nguyên trạng phần lõi của di tích đã xuất lộ (25,2 m x 15,4 m). Được biết đây là diện tích tối thiểu vì xung quanh không thể nới rộng thêm, diện tích bảo tồn này là 388 m2, tương đương với 5% diện tích của gara ngầm.
Mặt bằng tổng thể di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý, tại hố G7-G8, chiều rộng đông tây là 19,5 m.
Cũng có ý kiến đề nghị “bứng” di tích đi để bảo tồn, phục dựng và tạo thuận lợi cho việc xây dựng bãi đỗ xe. Tuy nhiên, ý kiến này bị bác bỏ do di tích tâm linh đã yên vị trong lòng đất nghìn năm dù qua nhiều triều đại. Nếu di chuyển thì tính linh thiêng sẽ mất đi. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã chỉ đạo Viện Khảo cổ học phối hợp với các cơ quan hữu quan, mời các chuyên gia đánh giá giá trị và lập phương án bảo tồn. Viện Khảo cổ học đã tiến hành các biện pháp bảo vệ khẩn cấp di tích như lấp cát tạm thời bảo vệ nguyên trạng. Toàn bộ di tích đã được scan 3D, vẽ, chụp ảnh, đo đạc, ghi chép để xây dựng hồ sơ khoa học. Các nhà khảo cổ cũng lưu ý, do giá trị to lớn về mặt tâm linh và chính trị, nếu di tích được bảo tồn kết nối với kiến trúc Bát giác, "chúng ta sẽ có trọn vẹn một khu di tích quan trọng để tăng cường tiềm năng du lịch và giáo dục truyền thống dựng và giữ nước hàng nhìn năm của cha ông". Trước tầm quan trọng đặc biệt của di tích, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN đã kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh đặc biệt này. Vào đầu tháng 10, chỉ ít ngày trước khi công trình Nhà Quốc hội được đưa vào phục vụ kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa 13), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thị sát. Là người theo sát dự án từ nhiều năm, Thủ tướng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới di tích tế lễ thời nhà Lý. "Nhà Quốc hội là công trình công sở đầu tiên quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng trên khu vực có nhiều triều đại nên yêu cầu cao về bảo tồn, bảo tàng", Thủ tướng nói và yêu cầu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức hội thảo bảo tồn di sản để đánh giá đúng giá trị của các di tích lịch sử được phát hiện để có phương án bảo tồn thích hợp.
Nguồn: http://news.zing.vn/Dan-te-nghin-nam-phat-lo-duoi-Nha-Quoc-hoi-hien-dai-post470857.html
Nguồn: http://news.zing.vn/Dan-te-nghin-nam-phat-lo-duoi-Nha-Quoc-hoi-hien-dai-post470857.html
Đàn tế tại Hoàng thành độc đáo tới mức nào?
Toan Toan
Hiện các nhà khoa học vẫn còn đặt nhiều giả thiết quanh di tích kiến trúc “chưa từng thấy”, được cho là đàn Tế trời- thu hút dư luận ngay khi GS Phan Huy Lê tiết lộ tại Hội sách Hà Nội.
Một phần di tích phát lộ tại Hoàng thành. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN
Kiến trúc lạ
Sự sửng sốt của các chuyên gia tham gia dự án khai quật khảo cổ học địa điểm Vườn Hồng, thể hiện ở tên gọi báo cáo tóm tắt về “Di tích kiến trúc lạ thời Lý”. Đầu năm 2014, trong quá trình xây dựng đường hầm và bãi xe ngầm của công trình Nhà Quốc hội, một kiến trúc lạ phát lộ, nằm hoàn toàn trong nền kiến trúc thời Lý tại hố G01, xuyên qua lớp văn hóa Đại La và sâu xuống lớp đất sinh thổ.
“Tôi chưa biết di tích nào có cấu trúc đặc biệt như vậy được phát hiện trong các di tích kinh thành ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Đặc biệt, dù trải qua gần 10 thế kỷ, khi được phát hiện di tích vẫn giữ được phần lớn”, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, chia sẻ.
Ngày 18/2/2014, Thủ tướng thăm di tích và yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo đánh giá giá trị và đề xuất giải pháp bảo tồn. Cuộc họp có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành đã đưa ra vài nhận định ban đầu về kiến trúc lạ, với nhiều giả thiết khác nhau.
Viện Khảo cổ đề xuất được bảo tồn nguyên trạng phần lõi của di tích ở phần xuất lộ (25,2m x 15,4m) khoảng 500 m2, vì không thể nới rộng thêm được nữa. Vùng phía ngoài di tích, kể cả phần chưa khai quật lên đến hơn 6.000 m2. |
Theo GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, di tích có cột đá xoay trục, nên có thể liên quan đến hội đèn Quảng Chiếu.
GS Hoàng Văn Quán giả thiết, nó liên quan tới kiến trúc của một tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (pháp khí hình tháp của Phật giáo với 9 tầng hoa sen, hình lục lăng hoặc bát giác).
“Đây là di tích thời Lý ở thế kỷ 11, không phải kiến trúc thành quách hay tôn giáo mà là kiến trúc tâm linh, có thể liên quan tới phật giáo Mật Tông. Tuy nhiên kiến trúc kiểu này nhưng chưa xuất hiện ở Trung Quốc hay Nhật Bản, nên có thể là kiến trúc trấn yểm”, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN nói.
Trong báo cáo của Chủ nhiệm dự án, PGS.TS Tống Trung Tín bước đầu ghi nhận, có thể đoán định đây là loại hình kiến trúc đặc biệt liên quan đến các nghi lễ tâm linh đặc biệt nào đó của Vương triều Lý trong khu vực Hoàng thành Thăng Long.
Với sự hiện diện của những lá đề gỗ chạm rồng chôn ở bên trong kiến trúc trung tâm, bước đầu có thể nghĩ rằng kiến trúc này liên quan đến một nghi lễ Phật giáo quan trọng của Vương triều Lý.
Chi tiết trung tâm của di tích
Bảo tồn thế nào?
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, sự nguyên vẹn của di tích từ đầu thế kỷ 11 này chứng tỏ nó được tôn trọng tuyệt đối trong lịch sử. GS. Kunikazu (Nhật Bản) nêu giả thiết tại hội thảo quốc tế, đây chính là Minh đường hoặc Thiên đường, nơi vua “nhận mệnh trời”.
“Tuy nhiên sử sách không hề nhắc đến Minh đường của chúng ta. Trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ nhắc tới việc rút kinh nghiệm trong xây dựng mô hình thành quách của Trung Quốc. Như vậy, có thể kiến trúc mới phát hiện giống Minh đường, nhưng tên gọi khác”, GS Nguyễn Quang Ngọc nói.
Theo ông, khả năng đây chính là đàn Tế trời-đất được xây dựng gấp rút, sử dụng trong thời kỳ đầu định đô. Vì lúc ấy chưa có đàn Nam Giao (tế trời), Xã tắc (tế đất). Đàn Xã tắc do vua Lý Thái Tông cho xây dựng năm 1048, còn đàn Nam Giao được xây dựng khoảng năm 1152.
Trong suốt quá trình phát hiện di tích, Thủ tướng chỉ đạo kịp thời nghiên cứu và tìm giải pháp bảo tồn. Tại các hội thảo đầu bờ và hội thảo khoa học quốc tế, các chuyên gia khoa học nhất trí kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh đặc biệt:
Vì một số lí do như tính thiêng, giá trị to lớn thể hiện tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc rất cao. Bởi tư tưởng Đại Hán cho rằng, chỉ họ mới có quyền nhận mệnh trời, các nước xung quanh không được phép. Nhật Bản từng xây dựng Minh đường, song phải bỏ. Triều Tiên mãi đến thế kỷ 18, 19 mới được tế trời.
Trong báo cáo của Viện Khảo cổ VN, bước đầu đưa phương án bảo tồn. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ đạo Viện Khảo cổ tư liệu hóa bằng phương án scan 3D.
Theo đề xuất, ở giai đoạn 1, di tích được lấp cát và lấp đất bảo tồn theo quy trình khoa học. Ở giai đoạn 2, các chuyên gia đề nghị phục dựng nguyên trạng của di tích ở trên mặt đất theo phương pháp của Nhật Bản. Sau đó, kết nối di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt này với kiến trúc Bát Giác, tạo thành chỉnh thể kiến trúc Hoàng cung thời Lý.
T.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét