Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

VIỆT - MỸ SAU 20 NĂM

Việt - Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ (290 lượt xem)

Đăng bởi: NuocMy.net | Ngày: 10/22/2014 1:13:25 PM
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ song phương Mỹ - Việt đã có những bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai quốc gia. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm Washington vào đầu tháng Mười để tham vấn với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Các cuộc họp của họ sẽ cung cấp một kênh bổ sung thêm các thành tố cụ thể hơn và mức độ sâu sắc đối với mối quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7/2013.

Trong năm tới, Mỹ và Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995 sau khi kết thúc một cuộc chiến lâu dài và nhiều năm thù địch. Các điều kiện hiện tại là thích hợp cho các nhà lãnh đạo ở cả hai nước có những bước đi cụ thể để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác như vậy đã được thiết lập.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Mỹ và Việt Nam đã đặt các đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước và ký một Hiệp định thương mại song phương. Washington đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lãnh đạo hai nước đã thực hiện các chuyến viếng thăm lẫn nhau và quân đội hai nước đã mở rộng hợp tác an ninh.
Mỹ đã ủng hộ Việt Nam tham gia đàm phán thương mại Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia. Chính phủ hai nước đã đàm phán về Hiệp định hợp tác năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, được biết đến với tên gọi Hiệp định hạt nhân dân sự 123.
Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách Mỹ coi Việt Nam là một đối tác đầy triển vọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại một khu vực năng động và đang chuyển đổi nhanh chóng, Washington và Hà Nội ngày càng chia sẻ các lợi ích chung về địa chính trị, an ninh và kinh tế. Chính phủ hai nước có mối quan tâm chung về việc đảm bảo tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông, ngăn chặn việc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ, bảo đảm việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển.
Các mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước đã nở rộ kể từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại năm 1994. Năm 2013, thương mại hai chiều đã đạt 25 tỷ USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Việt Nam.
Hai nước đã tổ chức hai cuộc đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh. Các quan chức thường xuyên gặp nhau để thảo luận về vấn đề nhân quyền, một trong những vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ song phương. Washington và Hà Nội đã bắt đầu phối hợp giải quyết các di sản của cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có hậu quả ô nhiễm chất độc da cam từ việc sử dụng chất độc dioxin và việc dỡ bỏ các vật liệu chưa nổ vẫn còn nằm trong lòng đất ở Việt Nam.
Có thể thấy chắc chắn một điều rằng các quan ngại của Hà Nội về nước láng giềng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong tính toán của Việt Nam về mức độ cải thiện quan hệ với Washington đi xa và nhanh tới đâu. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây đã thuyết phục một số lãnh đạo Việt Nam rằng họ cần phải tăng cường các mối quan hệ của họ với Mỹ nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược. Đồng thời, sự băn khoăn của Việt Nam về mức độ sâu rộng và nghiêm túc của chiến lược tái cân bằng của Mỹ với châu Á đã giữ Hà Nội không di chuyển quá nhanh về phía Washington, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quân sự.
Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ đang đầy hứa hẹn mặc dù nó vẫn còn non trẻ và không phải không có thách thức. Bằng cách phối hợp cùng nhau trong hai thập kỷ qua, Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu thiết lập một mức độ tin cậy và hiểu biết nhất định, tạo tiền đề cho hai nước có thể vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai.
Cả Mỹ và Việt Nam có các lợi ích quốc gia mạnh mẽ trong việc đưa mối quan hệ của họ lên một cấp độ mới và sâu sắc hơn khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của cả hai nước sẽ cần phải định hướng cho các chính phủ mỗi nước thực hiện các bước đi cần thiết để hiện thực hóa các khuyến nghị chính được đề xuất dưới đây, trong đó có sự tham gia của các lực lượng chính ở mỗi nước và xây dựng sự hậu thuẫn trong các cơ cấu quản trị tương ứng của mỗi nước.
Mỹ và Việt Nam cần tiến hành các bước đi sau
Một là: Đưa ra cam kết về việc Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Việt Nam vào năm 2015 nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, có lẽ là vào dịp ông Obama đến Đông Nam Á dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế và an ninh thường niên vào tháng 11 ở Malaysia hay Philippines.
Hai là: Thảo luận về những bước đi nào mà Chính phủ Mỹ kỳ vọng từ Việt Nam nhằm nới lỏng và cuối cùng loại bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam.
Ba là: Mở rộng phạm vi trao đổi của lực lượng hải quân Mỹ-Việt, trong đó có các cuộc diễn tập chung về giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, nhấn mạnh đến sự tương tác và việc cập cảng của các tàu Mỹ cho hoạt động bảo trì và sửa chữa.
Bốn là: Tăng cường cuộc đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chính phủ Mỹ và Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Hà Nội nên cho phép thêm các chuyến thăm của các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Năm là: Phối hợp với các đối tác để kết thúc và phê chuẩn Hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao TPP và cùng hợp tác tại Hội nghị cấp cao Đông Á nhằm đưa ra các bước đi kế tiếp đối với việc hội nhập kinh tế khu vực thông qua một khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.
Sáu là: Phối hợp loại bỏ việc xác định Việt Nam như là một nền kinh tế phi thị trường trên tinh thần của việc cải thiện quan hệ song phương.
Bảy là: Hoàn tất việc làm sạch ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng vào năm 2016 và cam kết thời gian biểu khả thi trong việc làm sạch dioxin tại sân bay Biên Hòa cũ.
Tám là: Thiết lập Đối thoại Chiến lược Mỹ-Việt thường niên kênh 1,5 (nằm giữa kênh 1 là ngoại giao chính thức của chính phủ và kênh 2 là ngoại giao không chính thức nhằm thúc đẩy đối thoại) để phát triển các ý tưởng cho việc làm sâu sắc quan hệ song phương.
Thời gian biểu cho việc thực hiện các sáng kiến này có thể được bàn thảo khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Mỹ vào tháng Mười tới với mục tiêu đạt được hầu hết các khuyến nghị trên vào thời điểm Tổng thống Barack Obama thăm Hà Nội, hy vọng diễn ra vào năm tới.
(Bài phân tích của hai tác giả Ernest Bower, Giám đốc và Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của CSIS đăng trên trang mạng CSIS.)
Duy Anh (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét