3074. Nguyên Nhân và Hệ Quả Của Tham Nhũng
Posted by admin on November 1st, 2014
Vũ Hoàng Nguyên
31-10-2014
Xã hội Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề cấp bách mà trong đó gồm có giáo dục, y tế, môi sinh và những tệ nạn xã hội đang xảy ra càng ngày càng lớn mạnh và làm ảnh hưởng đến sự sống còn của một dân tộc. Nếu không cải tổ thực sự, không thực thi tự do dân chủ thì những vấn nạn này sẽ tiếp tục phát triển — dù rằng nhà cầm quyền Việt Nam, trên lý thuyết rất mong muốn được giải quyết những vấn nạn mà đất nước đang trực diện — nhưng trên thực tế thì sẽ không làm được gì ngoài những lý thuyết suông, những chỉ tiêu không bao giờ đạt đến, hoặc đưa ra những kế hoạch thật to, tốn nhiều chi phí nhưng kết quả thật nhỏ, bởi do cái hệ thống độc tài — độc đảng là cản trở thật lớn để thực thi những cải tổ cần thiết.
Khi nói đến tệ nạn xã hội thì không thể nào không nói đến vấn nạn tham nhũng, hối lộ đang xảy ra càng ngày càng lớn mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn có những cố gắng rất là nhỏ trong việc bài trừ tham nhũng, hối lộ. Bài viết này sẽ phân tích tác hại của sự tham nhũng trên lãnh vực phát triễn đất nước và phương thức ngăn ngừa tham nhũng ở một nước Việt Nam tự do dân chủ tương lai.
Nguyên nhân của tham nhũng
Tham nhũng thực sự có ở khắp nơi, từ những nước độc tài nghèo khổ, đến những nước tự do dân chủ giàu có. Mức độ có khác nhau nhưng tựu chung tham nhũng là một trong những vấn nạn mà các quốc gia phải đương đầu để giải quyết. Ở các nước nghèo đói thì tham nhũng trở thành quốc nạn. Trong khi ở các quốc gia giàu có thì tham nhũng là những điều hiếm khi xảy ra nhưng không có nghĩa là không có tham nhũng.
Ở các nước Á Châu thì tham nhũng trở thành một chuyện bình thường. Riêng tại Việt Nam thì tham nhũng là một hệ thống từ trên xuống dưới và được sự bao che của đảng cộng sản Việt Nam. Sự bao che này được thể hiện qua báo chí. Bởi khi nào không có tự do báo chí thì những vụ tham nhũng lớn ở cấp trung ương sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Dĩ nhiên sẽ có người nói — báo chí Việt Nam cũng phanh phui những vụ tham nhũng lớn cấp trung ương. Điều này đúng. Nhưng nếu có một ngàn vụ tham nhũng mà chỉ có một vài vụ được đưa ra ánh sáng thì quả thực đảng bao che cho tất cả những vụ tham nhũng đi theo hệ thống của đảng. Những vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng là những vụ tham nhũng đi ra ngoài hệ thống của đảng — nghĩa là ăn chia không đều, và ăn xong lại không chùi sạch miệng, để cuối cùng đảng bắt buộc đưa ra ánh sáng làm con vật thiêu thân nhằm che lấp những vụ tham nhũng to hơn nhưng chưa ai biết đến — bởi biết ăn đồng chia đủ.
Ngay cả những vụ đưa ra ánh sáng, chẳng hạn như vụ tham nhũng trong Bộ Giao Thông Vận Tải mà người ta gọi tắc là vụ án PMU 18, nhà báo Nguyễn Việt Chiến thực hiện đúng nhiệm vụ báo chí để đưa ra ánh sáng những bí ẩn của vụ này. Kết quả anh nhà báo này bị 2 năm tù với cái tội vớ vẫn chỉ có ở Việt Nam là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân và tội cố ý làm lộ bí mật công tác”. Thì ra nhà báo nào đưa ra những vụ tham nhũng — mà nếu những vụ này đụng chạm đến cơ chế đảng — thì là vi phạm lợi ích của nhà nước, tiết lộ bí mật quốc gia, dù rằng bí mật đó là chuyện ăn cắp tài sản của quốc gia, và cá nhân này sẽ đi tù mà nhà báo Nguyễn Việt Chiến là thí dụ điển hình. Còn các cá nhân trong bộ máy cầm quyền đang lấy tài sản của nhân dân bỏ túi thì không hề vi phạm lợi ích của nhân dân, quốc gia và những loại người này đang sống trên khắp nẽo đường của đất nước.
Có hai nguyên nhân chính đưa đến tham nhũng: đồng lương không được trả tương xứng với nhu cầu sinh hoạt cho đời sống hằng ngày và hệ thống chính trị.
Khi mà đồng lương trả không tương xứng với vật giá ở thị trường thì vì nhu cầu cho cuộc sống của bản thân và gia đình, các cá nhân nằm trong vị trí cầm quyền sẽ tìm đủ mọi cách để tạo ra đồng tiền nuôi sống gia đình. Tham nhũng, hối lộ là một trong những cách làm tiền nếu không bị tố tụng của nhà cầm quyền lẫn người dân. Đối với người dân, để tránh sự làm khó dễ của giới cầm quyền — người dân sẵn sàng hợp tác với những cá nhân trong cơ cấu cầm quyền để tạo ra tình trạng tham nhũng, hối lộ để hai bên đều có lợi.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tham nhũng là hệ thống chính trị. Một hệ thống chính trị không có sự kiểm soát của các cơ quan ngoài chính quyền, một hệ thống chính trị độc tài toàn trị thì sẽ dễ tạo ra tình trạng tham nhũng cho dù nguyên nhân thứ nhất được giải quyết. Nói một cách dễ hiểu thì cho dù đồng lương của những người làm việc trong bộ máy nhà nước được trả tương xứng với thị trường cũng như vật giá sống, nhưng một chính quyền độc tài như Việt Nam thì cũng sẽ dẫn đến tham nhũng bởi lòng tham của con người.
Bản tính của con người là luôn luôn có thêm và không biết thế nào gọi là đủ. Và khi mà một hệ thống cầm quyền không có sự kiểm soát thì con người sẽ lợi dụng vị thế cầm quyền để tạo ra thêm của cải cho chính bản thân qua hành động tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc. Ngay cả ở một nước dân chủ như ở Hoa Kỳ, hệ thống chính quyền có sự kiểm soát chặt chẽ đối với những người nằm trong bộ máy nhà nước, thỉnh thoảng giới báo chí đưa ra những vụ tham nhũng, hối lộ — tuy rằng ở một mức độ rất là nhẹ mà chính cá nhân tham nhũng đó không nghĩ rằng mình đã vị phạm luật hối lộ. Điều đó chứng minh rằng con người luôn luôn lợi dụng vị thế trong cơ chế nhà nước để đem lợi cho chính bản thân dù vô tình hay cố ý.
Hệ quả của tham nhũng
Tham nhũng là một căn bệnh phá hoại tài sản của đất nước, lũng đoạn kinh tế và tạo ra một bộ máy nhà nước là nơi để làm giàu cho những cá nhân có chân đứng trong cơ quan cầm quyền thay vì phục vụ người dân.
Hãy lấy một vài thí dụ để dẫn chứng những điều vừa nói bên trên. Việc phá rừng bừa bãi là một tác hại rất lớn đối với môi sinh. Một nhà nước độc tài có thể có những luật lệ để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các cá nhân hay công ty phá rừng đút lót cho cán bộ kiểm soát rừng một số tiền lớn để họ có quyền phá những khu rừng mà theo đúng luật không được phá. Cán bộ kiểm soát rừng vì lợi nhuận trước mắt sẽ mặc nhiên để cho mọi người phá rừng mà không lên tiếng. Cuối cùng thì tài nguyên thiên nhiên của đất nước sẽ mất dần, mất dần, chưa kể tác hại cho môi sinh trong việc phá rừng.
Một thí dụ khác để chứng minh là kinh tế bị lũng đoạn. Công an biên phòng có nhiệm vụ kiểm soát các loại hàng cùng loại với hàng trong nước để tạo điều kiện cho hàng trong nước có cơ hội đi lên trong giới tiêu thụ ở trong nước. Tuy nhiên, con buôn hối lộ tiền cho công an biên phòng để đem hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam và cuối cùng thì hàng nội địa sẽ bị hàng của Trung Quốc giết chết vì hàng lậu rẻ hơn hàng trong nước. Chưa kể một số hàng quốc cấm được đưa vào Việt Nam với sự bao che của công an biên phòng. Chưa kể hàng Trung Quốc có những chất hoá học độc hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu thụ.
Một thí dụ khác là công an giao thông. Thay vì bắt giữ và phạt những người vi phạm luật đi đường, hoặc vi phạm luật chở hàng quá trọng tãi, thì công an giao thông sẵn sàng nhận tiền hối lộ từ những người vi phạm luật giao thông. Kết quả là công an giao thông có tiền, người vi phạm luật bị phạt ít tiền cho nên cũng có lợi. Phần hại thì thuộc về sự mất mác của quốc gia, tạo ra tình trạng mọi người xem luật lưu thông không ra gì bởi tiền phạt cho hối lộ xem ra quá ít so với tiền phạt thực sự. Đường xá thì sẽ hư sớm hơn bởi chở quá trọng tãi, chưa kể sự nguy hiểm của chuyện chở quá trọng tãi có thể xảy ra tai nạn thiệt hại đến nhiều người, đặc biệt những loại chở quá trọng tãi như chất hóa học hoặc xăng, khí đốt.
Tham nhũng, hối lộ dẫn đến tình trạng vi phạm luật giao thông, hoặc dẫn đến tình trạng cảnh sát giao thông lợi dụng quyền hạn hiện có để bắt chẹt quần chúng lấy tiền bỏ túi (dĩ nhiên phải chia cho cấp trên bởi cấp trên biết điều này và cho phép cấp dưới thực hiện). Điều này ở Việt Nam là chuyện rất bình thường. Bình thường ở mức độ là luật giao thông không được tôn trọng, tinh thần tôn trọng luật ít có xảy ra bởi nếu có vi phạm luật thì hối lộ cho xong chuyện. Người nhận hối lộ có lợi và người vi phạm luật cũng có lợi. Thành ra cơ chế tham nhũng — hối lộ làm cho mọi người tha hồ vi phạm luật giao thông. Chưa kể cảnh sát giao thông cứ thổi phạt bừa bãi — cho dù cá nhân lái xe hoàn toàn không có lỗi gì, nhưng vì thời gian là tiền bạc, đút lót cho xong để khỏi mất thời gian.
Tham nhũng sẽ dẫn đến những công trình xây cất không có chất lượng. Điều này thấy mỗi ngày trên những con lộ mới xây nhưng chỉ vài tháng thì lộ bị hư. Và cũng chính tham nhũng dẫn đến tình trạng làm việc vô trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau để rồi tất cả đều phủi tay bởi không phải là do lỗi của mình. Cuối cùng thì chi phi cho quốc gia càng ngày càng gia tăng mà số tiền thu vào càng ngày càng ít.
Tham nhũng — hối lộ ảnh hưởng đến sự phát triển của các công ty trong nước. Nếu có một dự án công cộng lớn lao khoảng vài chục triệu đô la, một công ty trong nước và một công ty nước ngoài tranh thầu. Công ty nước ngoài nhiều tiền hơn sẽ đút tiền cho cán bộ chấp nhận ký công tra để được thắng thầu cho dự án vài chục triệu đô la. Nếu công ty trong nước là một công ty có tầm vóc với công ty nước ngoài, và khả năng làm việc cao hơn thì vô hình chung tham nhũng đã giết chết đi công ty trong nước.
Tham nhũng — hối lộ làm cơ quan tài chính là ngân hàng bị thiệt hại. Trong việc cho vai tiền, nếu công ty (hoặc cá nhân) mượn tiền sẵn sàng hối lộ với cá nhân có quyết định trong việc cho vai tiền thì cho dù tình trạng tài chính của công ty tốt hay không tốt không phải là điều quan tâm của người quyết định cho vai tiền. Nếu số tiền hối lộ càng cao thì quyết định cho mượn sẽ thông qua bởi những cá nhân làm trong ngân hàng có lợi cho quyết định trên. Chuyện công ty hay cá nhân mượn tiền trả hay không trả là chuyện ở tương lai, chẳng ảnh hưởng đến cá nhân quyết định của hôm nay. Kết quả là các ngân hàng Việt Nam có những món nợ cho vai từ các công ty (nhà nước hay tư nhân) hoàn toàn không có khả năng để trả, và món nợ này các cơ quan tài chính quốc tế gọi là nợ xấu, có ảnh hưởng đến sự vai mượn của quốc gia đối với thị trường tài chính của thế giới. Tại VN ngân hàng là của nhà nước và sự tham nhũng này đưa đến sự thất thoát tiền bạc của quốc gia — khi mà số nợ cho mượn không hề được lấy lại từ những công ty đáng lẽ không thể nào cho mượn ngay từ lúc đầu.
Với một hệ thống tham nhũng có hệ thống, do cơ chế của đảng tạo ra thì chuyện tạo ra thị trường chứng khoán để kêu gọi sự đầu tư của các cá nhân trong nước, hay quốc tế sẽ là một điều rất buồn cười nếu không muốn nói là vô lý. Cơ quan nào có đủ khả năng về mặc chuyên gia để kiểm soát sổ sách của các công ty đưa chứng khoán bán ngoài thị trường? Khi mà cả nước tham nhũng, chỗ nào cũng tham nhũng, và đảng nắm toàn bộ quyền hành thì hành động tố cáo chuyện buôn bán chứng khoán giả có thể bị bỏ tù bởi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước, khi mà công ty buôn bán đó là của nhà nước, của các ông lớn trong bộ máy cầm quyền làm chủ, đang có lợi tài chính qua những công ty ma trên. Nói chung Việt Nam là một mảnh đất của Mafia chính quyền, chẳng có một ai dại dột bỏ tiền vào mua chứng khoán ở Việt Nam nếu cá nhân đó hiểu rõ tính chất Mafia của đảng CSVN.
Nói chung tham nhũng — hối lộ làm mất đi tài sản của quốc gia bởi tài sản của quốc gia được tẩu tán mà không một ai biết, được chia ra giữa kẻ tham nhũng và người tạo ra tham nhũng. Tài sản của quốc gia càng ngày càng nhỏ dần trong khi đó tài sản của các cá nhân trong bộ máy cầm quyền càng ngày càng béo to ra.
Trị tham nhũng — hối lộ tại Việt Nam
Căn bệnh tham nhũng — hối lộ ở Việt Nam không phải là không có cách trị. Vấn đề là nhà cầm quyền Việt Nam có thực tâm muốn trị tham nhũng — hối lộ hay không.
Cái lối chống tham nhũng của ông Tổng Bí Thư Đảng, Nguyễn Phú Trọng, là phải cẩn thận bởi sợ làm bể “bình”. Vậy thì tham nhũng mà ở trong “bình” thì chắc chắn 100% sẽ an toàn, không bao giờ được đưa ra ánh sáng bởi ông Trọng sợ cái “bình” bị vỡ. “Bình” ở đây được hiểu là Đảng CSVN. Và theo luận điệu này, đại khối dân tộc VN tiếp tục bị tham nhũng hoành hành mà đảng CSVN là cái bình để che chắn những kẻ trong đảng tham nhũng, móc ngoặc, làm hại đến nền tài sản, kinh tế của đất nước. Cái hại này, theo quan niệm đảng — cũng như đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, thì không nguy hiểm bằng cái hại của cái “bình” bị vỡ. Cho nên những vụ tham nhũng tại VN được đưa ra ánh bởi vì không ăn trong “bình”, không chia đồng đều nên phải đưa ra ánh sáng để ngặn chặn việc ăn không chùi miệng, ăn không biết đến “đảng”.
Để trị tham nhũng tại VN, điều trước tiên cần phải làm và cũng là bước đầu để trị tham nhũng — hối lộ là chấp dứt ngay chế độ độc tài đảng trị hiện nay. Chính thể chế độc tài đảng trị tạo ra lối làm việc vô trách nhiệm và tạo ra cơ chế tham nhũng từ trên xuống dưới bởi không ai chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì. Khi các quan chức địa phương tha hồ cướp đất người dân, và người dân ra Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh để kiện, nhưng chính quyền trung ương làm lơ, hứa suông và hù doạ những người dân oan thì rõ ràng, cơ chế hiện tại là cơ chế của bao che (sợ “bình” vỡ theo cái nhìn của ông Trọng), bảo vệ lấy nhau về quyền lực và tài lực trước giá trả của Đại Khối Dân Tộc Việt.
Các quyền tự do của con người mà trong đó có quyền tự do báo chí là cái cần phải có để các nhà báo làm nhiệm vụ kiểm soát chính quyền trên lãnh vực tham nhũng — hối lộ. Chỉ có tự do báo chí thì các nhà làm báo mới có thể đưa ra những sai lầm của nhà cầm quyền và nếu nhà cầm quyền không chịu sửa đổi sai lầm thì người dân sẽ thay những cá nhân khác, hoặc đảng phái khác có tài để làm nhiệm vụ điều hành đất nước nhắm mục đích bảo vệ tài sản của người dân chứ không phải một đảng hiện nay đang điều hành đất nước. Ngày nào còn độc đảng và không có tự do báo chí thì ngày đó tình trạng tham nhũng — hối lộ vẫn tiếp tục xảy ra cho dù đảng CSVN có hô hào chống tham nhũng — hối lộ nhưng đó chỉ là hình thức chứ chẳng hề có quyết tâm để chống tham nhũng — hối lộ.
Khi mà tự do báo chí và đa đảng được mở rộng thì nhà cầm quyền cần xét lại lương bổng của các nhân viên làm việc cho nhà nước. Đồng lương không những chỉ đủ sống mà còn có một số tiền dư cho những dự tính tương lai. Ngoài chuyện xét lại lương bổng, nhà cầm quyền cần phải có một bộ luật tham nhũng rõ ràng và trừng phạt thẳng tay bất cứ cá nhân nào trong chính quyền lợi dụng quyền hành hiện có để tham nhũng — hối lộ hoặc móc ngoặc với các công ty tư nhân — nước ngoài hầu đem lại lợi nhuận cho chính bản thân.
Tham nhũng — hối lộ xảy ra có hai cá nhân tham dự. Người tham nhũng (người lấy tiền) và người tạo ra tham nhũng (người đưa tiền). Cho dù có một thể chế dân chủ tham nhũng — hối lộ cũng vẫn có thể xảy ra tuy ở một mức độ rất thấp. Cho nên bộ luật trừng phạt những ai vị phạm luật tham nhũng — hối lộ cần phải có phần thưởng cho những ai tố cáo các vụ tham nhũng — hối lộ.
Nếu ai đó đút lót tiền để tạo ra tham nhũng — hối lộ thì cá nhân được đưa tiền có thể tố cáo người đút lót tiền. Nếu có bằng chứng hẳn hoi thì số tiền thưởng sẽ được gấp hai lần số tiền mà người đút lót tiền đưa cho. Dĩ nhiên người đút lót tiền cũng có thể tố cáo lại người nhận tiền và sẽ được phần thưởng gấp hai số tiền đã mất cho người tham nhũng – hối lộ. Ai tố cáo trước và có bằng chứng hẳn hoi thì sẽ được phần thưởng và người vi phạm luật sẽ bị mất hết tài sản cá nhân hiện có, đồng thời bị tù 20 năm. Chỉ ở trong vị thế như thế này, chẳng một ai dám tham nhũng hoặc tạo ra cơ hội tham nhũng bởi người đưa tiền và người nhận tiền sẽ nghi ngờ lẫn nhau. Người đưa tiền có thể giả đò đưa tiền để xem người khi có nhận hay không và nếu người kia nhận thì người đưa tiền sẽ đi tố cáo để nhận tiền thưởng. Ngược lại người nhận tiền cũng thế và cuối cùng thì chẳng ai dám làm chuyện đưa tiền hoặc lấy tiền bởi sợ bị tố cáo lẫn nhau.
Nhưng nếu cả hai bên đều đồng ý đưa tiền và nhận tiền với nhau thì sao? Lúc này thì một người ở ngoài cuộc, nếu có đầy đủ chứng cớ đưa ra thì người nhận tiền và người đưa tiền tham nhũng — hối lộ sẽ bị mất hết tài sản và đi tù 20 năm. Người tố cáo chuyện tham nhũng — hối lộ sẽ được thưởng tiền gấp đôi số tiền giữa người tham nhũng và người tạo ra tham nhũng — hối lộ trao đổi.
Tác hại của tham nhũng — hối lộ rất lớn mà một vài thí dụ đưa bên trên không đủ diễn tả tác hại của nó. Cho nên chống tham nhũng — hối lộ là điều cần phải làm của một chính quyền dân chủ tương lai. Hãy biến Việt Nam tương lai là một đất nước trong sạch trong chính quyền và tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân cũng như luật của thế giới.
Việt Nam đang đứng trước thử thách của thế kỷ 21. Người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước nếu vẫn còn quan tâm đến sự tồn vong của dân tộc cần phải tìm ra một giải pháp khả thi để biến một nhà nước độc tài thành một nhà nước dân chủ pháp trị hầu có điều kiện đưa đất nước đi lên với sự cạnh tranh mãnh liệt của thế giới trên toàn lãnh vực. Việt Nam sẽ mãi mãi là một nước đi sau các nước tân tiến Đông Nam Á nếu Việt Nam tiếp tục giữ chính thể độc tài hôm nay. Chưa kể sự dòm ngó của giặc phương Bắc là Trung Quốc, cộng với sự tham quyền cố vị của đảng CSVN thì dân tộc Việt Nam sẽ hoà nhập vào đất nước Trung Quốc như chính dân tộc Chiêm Thành hoà nhập vào Việt Nam trong quá khứ.
Lối thoát cho Đại Khối Dân Tộc thoát khỏi ách đô hộ kiểu mới có đó. Nhưng liệu Đại Khối Dân Tộc có một thủ lãnh dám đứng ra như Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa để dẹp loạn sứ quân của thời đại mà các bí thư đảng ở các cấp là một sứ quân của địa phương đang tàn phá đất nước và sự tồn vong của dân tộc Việt?
Một điều khẳng định là ngày nào đảng CSVN vẫn độc quyền lãnh đạo thì ngày đó Đại Khối Dân Tộc Việt tiếp tục bị đè trên đầu, trên cổ và tiếp tục trả số nợ khổng lồ do sự vay mượn của quốc tế bởi tình trạng tham nhũng — hối lộ đã biến tài sản quốc gia thành tài sản riêng tư của các quan lớn trong cơ cấu cầm quyền và cơ cấu của đảng.
Tháng 10 năm 2014
Dallas, TX
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét