Phải chăng đang có những tín hiệu… không bình thường?
Trên tờ Tuổi trẻ vừa xuất hiện bài viết “Của để dành” của Tổng thống Thein Sein của một người ký tên Danh Đức (xin xem ở phần dưới), có thể xem là một tín hiệu khác thường. Bài viết ca ngợi sự dũng cảm của ông Thein Sein trong hai quyết định hết sức khó khăn là từng bước cố gắng rút dần ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Cộng, kể từ 4 năm lại đây, và – gắn liền mật thiết với tiến trình đó – từng bước chuẩn bị cho sự chuyển đổi mô hình nhà nước Myanmar từ một thể chế độc tài quân phiệt sang thể chế dân chủ, cuối cùng dứt khoát trao chính quyền lại cho nhà dân chủ hàng đầu của Myanmar, khôi nguyên hòa bình Aung San Suu Kyi.
Ông Thein Sein quả đã lập được một kỳ tích cho uy tín chính trị/chính khách của bản thân ông, giúp nước Myanmar lật sang một trang sử hoàn toàn mới, hứa hẹn nhiều đổi thay ngoạn mục. Nhưng nêu lên bài học về ông Thein Sein trong hiện tình nóng bỏng của Việt Nam, trên một tờ báo có đông đảo bạn đọc vào bậc nhất như tờ Tuổi trẻ, liệu những ai có thể đang sắm vai mờ chồng – xin mượn một thuật ngữ điện ảnh – phía sau phát ngôn ấn tượng này muốn gửi gắm điều gì? Phải chăng hình ảnh sáng giá của Thein Sein ở đây nhằm thông báo về một Thein Sein sắp tới của nước ta, để bạn đọc hình dung/dự đoán phần nào diện mục và có thể cả bản lĩnh của “Thein Sein Việt Nam”? Mặt khác, nếu đã nghĩ đến một “Thein Sein Việt Nam” thì hẳn cũng phải nghĩ đến một “Aung San Suu Kyi Việt Nam” như là một vế tất yếu trong quá trình chuyển đổi mà thiếu đi cái vế không thiếu được đó thì sự chuyển đổi sẽ không bao giờ xảy ra? Xem xét một cách thấu đáo hơn nữa, có vẻ như đây là một tín hiệu kép: trong hoàn cảnh không bình thường hiện nay của một chế độ có bộ máy chấp chính nằm trong tay một đảng duy nhất, sự “nhập một” giữa một Thein Sein và một Aung San Suu Kyi lại cũng là một định mệnh lịch sử không thể nào khác được mà nội dung thông báo rất “kín đáo” của ký giả Danh Đức cho phép nghĩ rằng đấy mới là trọng tâm mà bài báo trên Tuổi trẻ dồn vào. Một phát ngôn mang thật nhiều ẩn ý và đều là ẩn ý đáng cho ta quan tâm.
|
Nhưng muốn phát ngôn gì thì phát ngôn, nhìn vào đời sống thực tế trước mắt, có lẽ ai ai cũng cảm nhận được sự thể đã đến hồi cấp bách lắm. Một đất nước mà kinh tế đang mấp mé trên bờ vực, ngân sách cạn kiệt, nhiều ngân hàng nhà nước thoái vốn, bị mua lại với giá 0 đồng.
Một đất nước mà kinh doanh lương thiện “không còn cửa”, đến mức cả một tỉnh ủy phải phát “công văn hỏa tốc” để cán bộ toàn tỉnh tham dự một cuộc phát động thi đua hạ sách chưa một triều đại nào có là… uống bia Sài Gòn!!!
Một đất nước mà công chức và bộ máy chính quyền nhìn đâu cũng phảng phất hình ảnh những “triều đình con”, giỏi làm những việc động trời vô thiên vô pháp như chặt phá cây xanh (Hà Nội), hoặc huy động bộ sậu trừng trị cả đến người dân chỉ mới dám có vài nhận xét vắn tắt chưa mất cái lông chân nào của mình (An Giang)…
Một đất nước mà giữa đường phố thì đám âm binh dư luận viên tha hồ kéo nhau đi đánh phá người ngay, bất chấp pháp luật, hệt như loại “Cậu Trời” thời vua Lê chúa Trịnh.
Một đất nước mà bộ máy chức năng sinh ra để đảm bảo an ninh cho dân chúng lại có “thành tích” “3 năm hơn 260 người chết bất thường trong đồn công an” khiến dân chúng không ai không kinh hoàng mỗi lần bị bắt về đồn “thẩm vấn”.
Một đất nước mà cuộc sống yên bình trong xã hội, nơi lẽ ra phải được bảo đảm như chỗ ẩn náu cuối cùng cho sự chính danh của thể chế thì chỉ sau vài thập niên đã “tróc lở”, “bong đi từng mảng”, đến nỗi đâu đâu cũng mang tâm lý… như ngồi trên đống lửa, trong đó, vừa xẩy ra tức thì câu chuyện thương tâm về một gia đình đang yên lành trên mảnh ruộng cùng nhà cửa của mình bỗng dưng bị tước đoạt sạch, vợ chồng chủ nhà bị đẩy vào vòng lao lý và đứa con trai 15 tuổi, một học sinh ngoan, giỏi trở thành “đối tượng chống phá” của nhà cầm quyền.
Còn gì nữa?
Một đất nước mà sự lạm phát chức tước trở thành quá đỗi phổ biến: bổ nhiệm cấp phó thừa thãi; chức và hàm nhiều không xiết kể; trong quân đội thăng tướng 498 người, hơn gấp đôi số tướng đương nhiệm của Trung Quốc – một nước có diện tích gấp khoảng 29 lần và dân số gấp 17 lần Việt Nam.
Một đất nước mà chất lượng cuộc sống mọi mặt: lương thực thực phẩm, văn hóa, truyền thông, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, môi trường… đều rơi tự do không đáy (xin tham khảo bài tổng kết8 hiện tượng vỡ trận của tác giả Đinh Tấn Lực). Thậm chí trong sinh hoạt chùa chiền miền Bắc, có những ông sư bỏ hết pháp quy truyền thống, thản nhiên uống rượu, ăn thịt, để râu, sàm sỡ với sư nữ, nguy hại hơn là ngang nhiên phá dỡ những kiến trúc chùa cổ mang đậm phong cách dân tộc đã được xếp hạng di tích quốc gia để xây lên những ngôi nhà 2 tầng để xe và làm chỗ giải trí, một cách triệt tiêu tinh thần, cốt cách dân tộc êm ái và hữu hiệu nhất. Thế mà ông ta vẫn công khai mọi việc lên báo không sợ bị xử lý, còn ông Bộ trưởng liên đới đáng lẽ phải rất lo lắng trước nguy cơ bị cách chức vì không tròn trách nhiệm thì cười xòa “nhường câu trả lời về du lịch – và không chỉ có du lịch – cho người kế nhiệm”, riêng mình “trả lời như vậy là để giảm Stress cho các đại biểu Quốc hội”…
Đúng như lời phát biểu của một vị đại biểu tại phiên họp Quốc hội mới vừa qua, “hoàng hôn nhiệm kỳ” là một hiện thực chẳng có gì huyền ảo, cũng chẳng còn có cách nào giấu được, không riêng gì với Quốc hội Việt Nam khóa XIII mà “Đó là thời điểm nhạy cảm, diễn ra tình trạng một số quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những ‘chuyến tàu vét’ cuối cùng trước khi ‘hạ cánh’”.
Từ một cái nhìn rất khái lược như trên, bạn đọc chắc cũng thống nhất với chúng tôi, rằng bài viết nêu gương ông Thein Sein trên báo Tuổi trẻ không phải ngẫu nhiên mà đã xuất hiện đúng “điểm rơi” của nó. Vậy thì, đối với tầng lớp trí thức tỉnh táo và xã hội dân sự, có nên chờ “hạ hồi phân giải” hay là cần chủ động hơn, trước vận hội Thein Sein?
Bauxite Việt Nam
|