Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

GIẢI MÃ LƯU BÚT...

Xuân Ba: GIẢI MÃ LƯU BÚT CÙNG NGHĨA CỬ CỦA ÔNG BAN KIMOON



Giải mã lưu bút cùng nghĩa cử 
của ông Ban Kimoon 

Xuân Ba 

Chiều thu muộn, bệt trên khoảng sân gạch của nhà thờ họ Phan Huy, cùng chuyện với nhóm công tác của Viện Hán Nôm…

Nhớ thêm quan hệ ngoại giao Việt – Hàn. Bắt đầu từ năm 1992, trong khi quan hệ ngoại giao Việt - Triều có trước đó 42 năm (1950).

Nhưng đó là quan hệ song phương giữa các nhà nước mà ở góc độ lịch sử - văn hóa, quan hệ hữu nghị Việt - Triều đã tít tắp hình thành từ thời Trung đại. 


Chẳng được hanh thông lân bang với cường quốc bộn bạc giàu tình nghĩa mà oái oăm ở vị trí địa lý sát nách với một đại quốc Trung Hoa luôn căng chật ăm ắp máu bành trướng đã vô tình kéo hai dân tộc Việt Hàn xích gần nhau?

Hơn 10 thế kỷ nhọc nhằn gồng mình chọi lại với đô hộ phương Bắc của Đại Việt thì bên xứ Hàn, nhà Hán đem đại quân xâm lược bán đảo phía Đông Bắc, nhà nước cổ Chosun của Wi Man (Vệ Mãn) bị thôn tính. Người dân Đại Việt và Hàn thuở ấy đều phải mang những cái tên tức tưởi nhưAn Nam đô hộ phủ và An Đông đô hộ phủ của người Hán áp đặt!

Trong giai đoạn Trung đại, cả hai nước Việt - Triều đều tồn tại thiết chế trung ương tập quyền và cũng đã nhiều lần tiến hành các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nếu như triều Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, thì Koryo (từ năm 1231 đến năm 1259) cũng có 6 cuộc vệ quốc chống trả đế quốc này. Nếu như triều Tây Sơn làm nên đại thắng quân Thanh vào thời thịnh trị bậc nhất của triều đại này vào năm 1789, thì Triều Tiên cũng hai lần chiến thắng quân xâm lược từ Mãn Châu vào các năm 1627 và 1636.

Việc sử dụng chung chữ Hán (đồng văn) hai dân tộc Việt - Triều đã sáng tạo từ thứ văn tự này thành hai lợi khí cho riêng mình. Tại Việt Nam là chữ Nôm, ở Triều Tiên là chữ Hangưl.

Dằng dặc ngàn năm như thế, do điều kiện giao thông cùng khoảng cách địa lý đã khiến các triều đại phong kiến Việt - Triều không có mối quan hệ bang giao, thương mại chính thức nào. Nhưng kỳ diệu thay, những biến cố cùng sự kiện được coi như những đoạn sử rời đã làm nên những mốc son trong quan hệ Việt Triều.

Sự kiện hoàng tử Lý Long Tường giong buồm di tản khỏi nạn truy bức của Thái sư Trần Thủ Độ sang đất Cao Ly đã làm nên một huyền thoại đẹp khai sinh dòng họ Lý (Lee) xôm tụ ở Hàn Quốc. Theo con số thống kê, thì hiện nay có khoảng 3600 người là hậu duệ của hai nhánh nhà Lý đang sinh sống tại Hàn Quốc. Con cháu họ Lý, từ năm 1994 đến nay, đã nhiều lần về thắp hương cho tổ tiên tại Bắc Ninh.

Người viết bài này năm xa ấy có hân hạnh được ngồi chuyện với ông Lý Xương Căn tại Đình Bảng được chứng kiến những giọt nước mắt với nhiều tâm trạng của người con dòng họ Lý khi nhắc đến viễn tổ Lý Long Tường hơn 800 năm trước cũng như buổi ông chính thức được nhập tịch trở thành công dân Việt Nam. Được ông trực tiếp ký tặng cho cuốn sách Hoàng thúc Lý Long Tường của tác giả Khương Vũ Hạc (xuất bản năm 1967 tại Hàn Quốc). Sách ấy đã được tái bản lần thứ hai tại Việt Nam.

Rồi một sự kiện cũng đẹp như huyền thoại của Mạc Đĩnh Chi (1293-1324) khi vua Trần Anh Tông cử đi sứ sang nhà Nguyên, trong thời gian này ông gặp được một vị chánh sứ của Cao Ly và trở thành đôi bạn tâm giao, nhiều lần cùng nhau xướng họa thơ văn. Sau đó, Mạc Đĩnh Chi được mời sang thăm kinh đô Hán Thành của Cao Ly, ở đây ông đã lấy một người cháu gái của sứ thần Cao Ly nọ và sinh được một trai một gái. Đây chính là thủy tổ của họ Mạc ở Cao Ly.

Vời vợi ngàn trùng cùng thời gian dằng dặc đã không khuất lấp sự kiện tưởng như mong manh ấy mà lại phát lộ tiếp huyền thoại đẹp nữa về Mạc Đĩnh Chi? Đó là câu chuyện của nhà nghiên cứu, nhà báo Lê Khắc Hòe từng tường tận trên An Nam tạp chí (tháng 8/ 1926). Theo Lê Khắc Hòe, năm 1926, ông đã tình cờ gặp được một hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi - đang trên đường hồi hương về Hưng Yên tìm lại nguồn gốc họ tộc. Theo như lời kể của hậu duệ 20 đời của họ Mạc Cao Ly, người con trai của Mạc Đĩnh Chi làm quan võ, sinh được 12 người con: 8 trai, 4 gái… Ngành trưởng phần đông đều là thương nhân giàu có. Ngành thứ, sau này sinh ra nhiều nhân tài có những đóng góp nhất định cho lịch sử văn hóa Cao Ly.

Rồi các đợt ngoại giao với các triều đại Trung Hoa tại Yên Kinh, các sứ thần hai nước đã nhiều lần gặp gỡ, xướng họa với nhau trên đất Trung Hoa đã phát sinh một mối quan hệ hữu nghị thuần khiết và thanh tao. Mà sứ giả hai nước tất thảy đều là những người tài năng lỗi lạc, khoa bảng, giữ những chức vị trọng yếu trong triều đình đều làu thông kinh sử. Đại Việt có Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đề, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Tư Giản... Như một vế đối, danh nhân của Triều Tiên có Lý Toái Quang, Du Tập Nhất, Hồng Khải Hy, Lý Hiệu Lý, Từ Hữu Phòng, Nam Đình Thuận (tên phiên âm). Cổ kim tứ hải giai huynh đệ / Tương cộng đồng chu xuất cộng xa (Xưa rằng bốn bể là anh em. Chung thuyền cùng giúp chung xe cùng ngồi (thơ Phùng Khắc Khoan)

Độc đáo là chúng ta được cận cảnh hình thức của người Việt thuở ấy qua miêu tả của sứ giả Cao Ly Lý Túy Quang “Chuyến đi có 23 người đều vấn búi tóc. Người cao quý thì nhuộm răng, người thấp kém thì mặc áo ngắn đi chân không... Nơi nằm thì phải ở trên giường không có hầm sưởi, ăn uống giống như người Trung Hoa..., ăn mặc phần nhiều là the lụa, không mặc gấm vóc và áo bông. Dáng người đại để sâu mắt, thấp bé... tính nết hiền lành, có biết chữ biết viết, thích tập múa kiếm...”

Có thể nói những cuộc di dân, những đoạn sử rời ấy với phương thức Dưỡng nhân loại chi công - Kế tổ tông chi nghiệp cho phép trên đất Hàn tồn tại những dòng họ gốc Việt những Lý những Mạc… này khác.

Nhưng cuộc di dân nhưng đoạn sử rời ấy đều không được thể hiện trong cuốn phả tày tặn hơn 300 trang của dòng họ Phan Huy (Thụy Khê, Sài Sơn). Phả không biên một chi phái họ Phan nào đó đã lưu lạc sang bên xứ Hàn?

Và thái độ sòng phẳng thẳng thắn của ông Trưởng họ Phan cũng như tộc họ Phan Huy Sài Sơn rằng Hiện chưa có thông tin để xem xét ông Ban ở đời nào, con cháu Cụ nào!

Các TS Hán Nôm đang nhắc đến cái việc, sau thời điểm ông Ban Ki-moon được bầu vào chức vụ TTK LHQ (2006) hơn một năm sau có một tờ báo địa phương ở Trung Quốc, tờ Hà Nam Thương Báo số ra ngày 18/11/2007, đầu tiên cũng phân vân sau đó đã khẳng định chắc khừ rằng, tổ tiên của ông Ban Ki-moon ở Hoàng Dương, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam Trung Quốc. Rằng cụ tỷ hơn, vị viễn tổ ông Ban có tên Phan Phụ vào thời Nam Tống (1230) đã di cư tới sinh sống ở bán đảo Triều Tiên và ông Ban Ki-moon chính là cháu đời thứ 27 của Phan Phụ. Rồi em trai (?) của ông Ban đã lặn lội từ Hàn Quốc mang theo gia phả đến Hà Nam để bái tổ và nhận họ vv…

Chả biết vì lý do gì mà sự kiện tờ báo ấy nêu ra ấy suốt 8 năm nay đã không thấy ai nhắc nhớ gì và dần như chìm vào quên lãng?

Nếu người ta đã chỉ ra được gốc gác tổ tiên của ông Ban ở Hà Nam (Trung Quốc) thì có lẽ chả có sự kiện ông đến chiêm bái và để lại bút tích ở nhà thờ họ Phan Huy ở mãi tận Sài Sơn Chùa Thày của xứ Đoài?

Trên nền sân gạch, các TS đang nhắc đến ý kiến của GSTS Phan Huy Lê đã thận trọng phát biểu trên một tờ báo rằng “Ông Ban Kimoon đã đến thăm nhà thờ họ Phan Huy, để lại bút tích như vậy thì chắc ông ấy phải có cơ sở”

Ông cũng cho biết đang nhờ một giáo sư người Hàn Quốc chuyên nghiên cứu gia phả để tìm gia phả của ông Ban Kimoon, rồi đối chiếu gia phả của hai dòng họ phía ông Ban Kimoon bên Hàn Quốc và dòng họ Phan Huy ở VN.

Có lẽ cung cách, phương pháp ấy là chuẩn là khoa học nhất trong khi cái mối duy nhất phía bên ông Ban vẫn bặt tăm chim cá thì phải có thời gian và sự vào cuộc ráo riết khoa học của các học giả? TS Nguyễn Xuân Diện cũng cho biết, hồi xác định dòng họ Lý Việt Nam thứ hai trên đất Hàn Quốc, các nhà khoa học kiêm phả học cũng phải mất đến 5 năm!

Với ca ông Ban thì phải mất mấy năm? Trong lúc đợi ông Ban hồi âm và đáp số của các nhà khoa học, tôi nghĩ thời gian tới, định đề của GS Phan Huy Lê có cơ sở sẽ là cơ sở rất nhiều bay bổng chắp cánh từ những chính sử cùng dã sử của sự kiện này?

Như TS Diện nhắc đến sự kiện Phan Huy Chú (1782-1840) có hai lần đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) năm 1825, 1831 và một lần đi sứ Batavia (Jakarta, Indonesia) năm 1832 – 1833. Rồi hồi đoàn sứ bộ của cụ Nguyễn Công Hãng làm Trưởng đoàn sang nhà Thanh năm 1718. Tại Yên Kinh, đoàn ngoại giao Việt Nam và Triều Tiên (do Du Tập Nhất làm Trưởng đoàn) đã được nước chủ nhà bố trí ăn nghỉ tại Nhà khách Ngọc Hà (lúc đó gọi là Ngọc Hà quán). Hai đoàn ngoại giao VN và Triều Tiên đã ở cùng với nhau hơn 01 tháng tại Ngọc Hà quán và đã có rất nhiều sinh hoạt giao lưu, đàm đạo xướng họa thơ phú đã diễn ra…

Lúc này, nữ PGS.TS Hán Nôm Thùy Vinh nhẩn nha thêm rằng các đoàn sứ bộ thường đem theo thê thiếp gia nhân (không biết đoàn sứ bộ Đại Việt có không?) bởi phải sinh hoạt làm việc nhiều tháng ở xứ người. Mà đám gia nhân không thiếu gì mỹ nữ? Ai dám chắc giữa các đoàn, ngoài việc giao lưu văn hóa, xướng họa thơ văn, giữa những sứ thần thông tuệ uyên bác và đẹp trai ấy lại không có mối quan hệ giao lưu tình cảm trần tục nào? Cái mối luyến ái anh hùng cùng mỹ nhân ai dám chắc tuyệt nhiên không có? Đã đành không thấy có một tư liệu nào về mối quan hệ nào của các sứ thần Đại Việt trong đó có Phan Huy Chú với Triều Tiên lúc bấy giờ nhưng mối duyên sứ thần Mạc Đĩnh Chi với một người đẹp Hàn Quốc năm nào đã là một tiền lệ?

Trong các cung bậc cười vui, lại một người tặc lưỡi rằng nghi lắm bởi trong chính sử có chép sau chuyến đi sứ ấy phái bộ của Phan Huy Chú bị triều đình kỷ luật về tội rất chung chung là “lộng quyền”.

Lại rộ thêm không khí vui vẻ khi bà vợ cụ thủ từ Phan Huy Giám với chất giọng thì thào trang nghiêm cứ ngó cái lưng ông ấy hệt lưng ông nhà tôi đều hình chữ C (hơi khòng khòng?) cả thì đích là dòng Phan Huy rồi…

Cuộc vấn tổ tầm tông của cái người quyền lực nhất hành tinh có lẽ còn phải dài dài? 

X.B.
____________

Tễu blog dự kiến sẽ khép lại loạt tin - bài về chuyến đi thăm Nhà thờ họ Phan Huy (Sài Sơn, xứ Đoài) tại đây. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét