Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

BỒI ĐẮP ĐẢO LÀ XÂM LƯỢC KIỂU MỚI

Bồi đắp đảo là ‘xâm lược kiểu mới’

Trung Quốc với ý đồ độc chiếm Biển Đông:
Đảo nhân tạo 
không tạo nên chủ quyền lãnh hải

Để tạo cơ sở cho yêu sách chủ quyền và các quyền tài phán khác trên Biển Đông, Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi đắp trái phép tại các “bãi cạn lúc chìm lúc nổi” trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm giữ, đồng thời cải tạo các thực thể địa lý tự nhiên này thành các đảo nhân tạo. Động thái này của Trung Quốc đã vấp phải sự lên án của các nước. Hoa Kỳ cũng đã đưa tàu chiến và máy bay đi qua vùng biển vùng trời này để thực hiện tự do hàng hải, hàng không.
Để có cái nhìn cặn kẽ hơn về diễn biến trong tháng qua tại Biển Đông ở góc độ luật pháp quốc tế, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Trục - nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ.
Ông Trục nói: “Theo quy định tại Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982), “bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (haut-fonds découvrants) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì chúng không có lãnh hải riêng (12 hải lý)”.
- Như vậy, theo Công ước Luật biển 1982, Su Bi, Vành Khăn có được hưởng quy chế lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế không, thưa ông?
- Những thực thể địa lý mà Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng ở quần đảo Trường Sa sau khi dùng vũ lực đánh chiếm từ năm 1988, hầu hết là những bãi đá, lúc chìm lúc nổi tùy theo thủy triều. Trong số 7 thực thể đó, bãi cạn Su Bi và Vành Khăn được coi là những bãi cạn đúng nghĩa. Các bãi cạn này đều nằm cách xa các thực thể địa lý khác, được coi là những đảo, thuộc quần đảo Trường Sa trên 12 hải lý; vì vậy, chúng không được sử dụng làm điểm cơ sở để vạch đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121 - Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982). Đương nhiên, cũng không thể có hiệu lực để xác lập lãnh hải 12 hải lý xung quanh chúng, cho dù trên đó người ta có xây các đảo nhân tạo, các công trình thiết bị lớn đến đâu đi chăng nữa.
 
Bãi đá Su Bi (Subi Reef) tháng 8.2015 chụp từ vệ tinh.
Theo báo Anh The Guardian, Trung Quốc bồi đắp các đảo
để xây trên đó các đường băng, đồn bót và cả những thị trấn nhỏ,
gây nguy hại cho các hệ sinh thái biển. 

                                         Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS).
Liên quan đến các đảo nhân tạo, công trình thiết bị phục vụ cho những hoạt đông khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa, Điều 60 của UNCLOS 1982 quy định, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó, kể cả về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư. Tuy nhiên, việc xây dựng các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, và việc duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu sự có mặt của các đảo, thiết bị và công trình nói trên cần được bảo đảm. Các khu vực an toàn được xác định sao cho đáp ứng một cách hợp lý với tính chất và chức năng của các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, và không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình, tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình đó, trừ ngoại lệ do các vi phạm của quốc tế đã được thừa nhận chung cho phép hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền kiến nghị. Phạm vi của khu vực an toàn được thông báo theo đúng thủ tục.
- Ông phân tích thế nào từ góc độ pháp lý và chính trị về hành động của Hoa Kỳ khi đưa tàu khu trục USS Lassen tuần tra trong khu vực12 hải lý quanh một trong những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại Biển Đông? 
- Việc Trung Quốc tiến hành bồi lấp, biến các bãi cạn, rạn san hô trên bảy thực thể này thành các đảo nhân tạo cực lớn và đã xây dựng trên đó các căn cứ quân sự, các công trình thiết bị... được coi là tội phạm quốc tế, là hành vi xâm lược kiểu mới; vì những hoạt động đó không những diễn ra bất hợp pháp trên lãnh thổ của Việt Nam mà còn làm thay đổi cấu trúc cơ bản của hệ sinh thái, phá hoại môi trường sinh trưởng của các loài sinh vật quý hiếm của khu vực biển tây Thái Bình Dương, tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu Trái đất...
Đặc biệt, thông qua những hoạt động bồi lấp xây dựng này, Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hóa yêu sách biên giới biển “lưỡi bò” bằng thủ đoạn giành sự công nhận trên thực tế của quốc tế đối với những yêu sách của họ bất chấp luật pháp quốc tế, nhất là những yêu sách được áp đặt thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982. Chẳng hạn, Trung Quốc công bố việc hoàn thành xây dựng hai ngọn hải đăng, quy định vùng lãnh hải 12 hải lý quanh các thực thể là những bãi cạn lúc chìm lúc nổi, các đảo nhân tạọ mà họ đã xây dựng trái phép...
Mục đích cuối cùng của tất cả các hoạt động của Trung Quốc là phục vụ cho chủ trương khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông mà trước mắt là ngăn cản các hoạt động hàng không, hàng hải quốc tế qua Biển Đông... Nhận rõ những tính toán đó của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã phản ứng rất mạnh mẽ cả trên phương diện ngoại giao và trên thực địa; đặc biệt là đã điều tàu chiến đi vào vùng biển 12 hải lý quanh một số thực thể nói trên như họ đã nhiều lần lên tiếng và gần đây điều máy bay B52 bay qua vùng trời trên các bãi cạn này, bất chấp các phản ứng, đe dọa của Trung Quốc.
Xét dưới góc độ chính trị, những phản ứng nói trên của Hoa Kỳ trong tình hình khu vực và quốc tế đang diễn biến rất phức tạp hiện nay chính là nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong khu vực Biển Đông về địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - kinh tế...
Dưới góc độ pháp lý, đây quả là dấu hiệu tích cực, đáng hoan nghênh và hưởng ứng. Hành xử của Hoa Kỳ chính là biện pháp hợp lý nhằm vô hiệu hóa trên thực tế những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông mà bấy lâu nay họ đã và đang xúc tiến, bất chấp luật pháp, phớt lờ những thỏa thuận chính trị, xem thường dư luận.
- Thế nào là “đi qua vô hại” và thực hiện “tự do hàng hải”? Sự khác biệt về mặt pháp lý của hai hoạt động kể trên sẽ dẫn đến sự khác biệt về ý đồ pháp lý như thế nào? Ông bình luận gì về việc Thượng nghị sĩ McCain yêu cầu Lầu năm góc giải thích ý đồ pháp lý này của Hoa Kỳ?
- Để đánh giá chính xác giá trị đích thực của những ứng xử của Hoa Kỳ nói trên, chúng tôi xin cung cấp một số quy định pháp lý có liên quan: Nội dung cơ bản của “Quyền đi qua vô hại” theo quy định của UNCLOS 1982, cũng như được thể hiện đầy đủ trong Luật Biển Việt Nam 2012:
1. Đi qua lãnh hải là việc tàu thuyền nước ngoài đi trong lãnh hải Việt Nam nhằm một trong các mục đích sau:
a. Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam, không neo đậu lại trong một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam.
b. Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy Việt Nam hay đậu lại hoặc rời khỏi một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam.
2. Việc đi qua lãnh hải phải liên tục và nhanh chóng, trừ trường hợp gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích phải cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn.
3. Việc đi qua không gây hại trong lãnh hải, không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển.
Như vậy, tất cả các loại tàu dân sự và tàu quân sự đều được hưởng chế độ này, không phân biệt đối xử, kể cả tàu ngầm cũng như tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử, tàu chở chất phóng xạ hay chất độc hại. Tuy nhiên, mỗi loại tàu thuyền sẽ có quy định riêng, ví dụ:
- Điều 29 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định: tàu ngầm khi đi ở trong lãnh hải phải đi ở chế độ nổi và phải treo cờ của nước mình.
- Điều 19 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định: tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử hay chở chất phóng xạ phải thông báo trước cho quốc gia ven biển và chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của quốc gia ven biển.
 
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ
di chuyển gần đảo san hô Chữ Bích, nằm trong quần đảo Trường Sa
nơi Trung Quốc bồi đắp bất hợp pháp. 

                                                                                         Ảnh: The Guardian.
Luật pháp Việt Nam cũng cho phép tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam khả năng được dừng trú trong trường hợp bất khả kháng hay các sự cố hàng hải ảnh hưởng đến an toàn hàng hải và tính mạng hành khách. Tuy nhiên, tàu thuyền này phải lập tức thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nơi gần nhất và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các nhà chức trách Việt Nam nhằm xác định nguyên nhân của tàu bị nạn, tính chân thực của lý do đưa ra và tuân thủ các chỉ dẫn của nhà chức trách Việt Nam.
Như vậy, quyền qua lại vô hại chỉ thực hiện trong lãnh hải, còn quyền tự do hàng hải thì được tiến hành không bị hạn chế trong vùng biển quốc tế, vùng biển nằm ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia, còn được gọi là biển cả (high sea) và cả trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển, với một số hạn chế nhất định nhằm đảm bảo tôn trọng quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS 1982.
Vì vậy, chúng ta nên hiểu rằng những hoạt động của Hoa Kỳ nói trên chính là việc họ đã thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không qua vùng biển và vùng trời quốc tế theo đúng quy định của UNCLOS 1982, chứ không phải là việc thực hiện quyền qua lại vô hại trong lãnh hải 12 hải lý. Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác đều không thừa nhận các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm mà trên đó có xây đảo nhân tạo hay các công trình, thiết bị có xác định lãnh hải 12 hải lý chung quanh chúng. Nếu cho rằng hành vi này chỉ là việc thực hiện quyền đi qua vô hại trong lãnh hải thì đó là nhận thức sai lầm xét về phương diện pháp lý quốc tế và như vậy, cũng có thể hiểu rằng những hành động này thực chất lại là sự công nhận trên thực tế yêu sách vô lý của Trung Quốc. Và nếu như vậy thì có thể coi hành động của Hoa Kỳ hoàn toàn không phải vì mục đích thượng tôn pháp luật, bảo vệ các quy định đúng đắn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, như họ vẫn thường tuyên bố công khai. Có lẽ Thượng nghị sĩ McCain đã yêu cầu Lầu năm góc giải thích ý đồ pháp lý của Hoa Kỳ trong các hoạt động trên Biển Đông vừa qua là để không gây ra những hiểu lầm về các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.
Vì vậy, chúng ta cũng mong rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, thượng tôn pháp luật; không để những hoạt động tích cực đáng hoan nghênh này trở thành những mồi lửa nhen nhóm xung đột và chiến tranh, phục vụ cho những toan tính trục lợi của những thế lực chính trị cực đoan đang rình rập, hiện hữu...
- Theo quan điểm của ông, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang toan tính những gì đối với hành động của các bên trên khu vực Biển Đông thông qua hàng loạt sự kiện vừa qua?
- Theo tôi, những toan tính của Trung Quốc đối với Biển Đông từ xưa đến nay đã khá rõ, ai cũng biết cả, chỉ trừ một thiểu số người, vì lợi ích của riêng mình mà cố tình làm ngơ hay ra mặt ủng hộ các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Còn Hoa Kỳ thì sao? Khác với Trung Quốc, Hoa Kỳ không có tham vọng độc chiếm Biển Đông, không tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng hết sức lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc; đặc biệt là Trung Quốc đang tìm cách khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông để vươn lên tranh giành vị thế siêu cường của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước mắt là gây cản trở, xâm phạm quyền tự do hàng hải, hàng không qua Biển Đông.
Mọi hoạt động của Trung Quốc và Mỹ trong Biển Đông có lẽ chủ yếu cũng xuất phát từ lợi ích và sự quan tâm của hai siêu cường, với những tính toán, cân nhắc chiến lược có liên quan đến tiềm lực mỗi bên trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay. Vì vậy, đằng sau những hành xử đó sẽ là gì, liệu còn có những thỏa thuận ngầm giữa hai bên như đã từng xảy ra trong lịch sử hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước...
Duy Thông (thực hiện)/Người đô thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét