Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

TƯỢNG ĐÀI VÀ TÁC HẠI

Tượng đài và tác hại của các cơn cuồng nộ xã hội

Published on November 9, 2015   ·   No Comments
DOCTAI-HOCHIMINH

Chắc còn rất ít người tin rằng chính thể độc tài, độc đảng và toàn trị hiện nay sẽ tồn tại lâu dài ở Việt Nam. Thật vậy, nhiều người nhìn thấy trước một ngày không xa chính thể này cũng tàn lụi theo đà tiến hóa của xã hội, của dân trí. Đó chính là diễn biến hòa bình mà những người ủng hộ chính thể độc đảng thống trị trên đất nước này rất lo sợ. Nếu diễn biến hòa bình được thúc đẩy hoặc để nó tự vận động thì sự chuyển biến sẽ nhẹ nhàng, tiệm tiến cho tới lúc chính quyền thay đổi, chính thể thay đổi nhưng quá trình phát triển của quốc gia không bị đứt đoạn. Nếu diễn biến hòa bình bị ngăn chặn, sự tiến hóa của xã hội vẫn tiếp tục, nhưng tới khi bình hơi phát nổ thì chính quyền cũ bị nghiền nát, quốc gia bị đổ vỡ và quá trình phát triển của quốc gia bị đứt đoạn.

Chắc hẳn rằng lòng dân chúng, và lòng nhiều đảng viên không mong muốn kịch bản quốc gia bị đổ vỡ.

Số Phận Tượng Các Nhà Độc Tài Khi Chế Độ Độc Tài Bị Lật Đổ

Dù bị báo chí chính thống (trực thuộc đảng) bị ngăn cấm đưa tin, chắc nhiều người Việt đã thấy trên các trang mạng, trên báo chí nước ngoài hình ảnh người dân các nước vừa thoát cộng đổ ra đường giật đổ và đập phá tượng các nhà độc tài. Đám đông reo hò nhảy múa vui mừng! Đó là phản ứng tất nhiên của quần chúng sau thời gian dài bị kiềm hãm, áp bức.
Dù thông cảm với nỗi vui mừng bừng phát của quần chúng, tôi vẫn thấy một sự “hỗn loạn” mà nếu kìm giữ được, hóa giải được vẫn tốt hơn cho đất nước. Năng lượng quần chúng phát tiết như vậy, có thể mang lại đôi chút phấn khích cho xã hội, nhưng không có lợi nhiều cho xã hội, mà chỉ tiềm tàng trong nó tác hại lớn và lâu dài. Cuồng nộ kéo theo cuồng nộ. Cuồng nộ xã hội khiến xã hội thiếu sáng suốt, thiếu bao dung, dễ đập phá, dễ hận thù… và do đó đó dễ phát sinh những hành động đám đông mù quáng.
Lòng bao dung và khả năng tự kiềm chế là các đặc điểm của xã hội văn minh, hiệu quả.

LENIN-Kotovsk2

LENIN-Kotovsk

Việt Nam Nên Chuẩn Bị Cho Dân Chúng Tránh Các Cơn Cuồng Nộ

Ông Hoàng Xuân Hãn, một nhà hoạt động chính trị, văn hóa và xã hội được kính trọng, từng nói: “Người Cộng Sản cứ ép dân tin rằng ông Hồ Chí Minh là thánh, cứ bắt dân tôn sùng tất cả mọi hành vi của ông, thì khi không còn ép được nữa, người dân sẽ mạ lị ông Hồ thậm tệ, mạ lị trên tất cả mọi hành vi của ông”.
Tôi thật sự lo lắng như vậy trước các phong trào dựng tượng ông Hồ Chí Minh trên khắp dãy giang san này. Từ các địa phương giàu có như Tp HCM, Hà Nội… cho tới những địa phương phải ngửa tay xin trợ cấp, dân chúng ăn đong từng ngày, áo quần rách rưới, lớp học là mái tranh dột nát…
1) Những công trình tượng đài trên ngàn tỉ thật tương phản tới xót xa với mức sống của người dân!
2) Đã có quá nhiều tai tiếng và chứng cớ về các công trình tượng đài bị rút ruột. Quần thể tượng đài Điện Biên, nơi có chiến thắng mà chế độ rất tự hào, còn bị rút ruột, thì người dân chỉ có thể tin rằng các tượng đài đang được lên kế hoạch, xin kinh phí xây chỉ có mục đích để các quan cộng sản lớn nhỏ vơ vét cho đầy thêm túi tham.
3) Giới trí thức thật đau lòng thấy khắp nước non này ở đâu cũng có ông Hồ đứng trên cao chỉ đường. Cái bóng của ông che hết thần dân nước Việt lúc nhúc bên dưới! Ông Hồ đã chết cách nay gần nửa thế kỉ, giờ này dân chúng còn phải đi theo từng dấu bước chân ông thì làm sao đất nước không chậm tiến 50 năm?
4) Một câu hỏi xin nêu lên rất thật lòng: trong tứ trụ, ban tuyên giáo trung ương, các nhân vật quan trọng trong chính phủ, có ai còn tin rằng ông Hồ suốt đời lo việc nước nên không có người phụ nữ cho riêng mình không? Còn tin rằng ông Hồ trung thực khi sự thực của nhà báo Trần Dân Tiên bị giới nghiên cứu trưng ra? Còn tin rằng ông Hồ đạo đức và nhân đạo khi hành tung và hành động của ông trong xuộc xử tử bà Cát Hanh Long bị phơi bày? Còn tin rằng ông Hồ ra đi tìm đường cứu nước khi những lá đơn của ông xin một chỗ làm trong hệ thống thực dân vẫn còn lưu sờ sờ trong thư khố? Còn tin rằng chủ nghĩa cộng sản mà ông Hồ đem về là con đường nước Việt Nam bắt buộc phải xây dựng để phồn vinh?
Đã không tin sao còn duyệt các quần thể tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh trị giá ngàn tỉ? Đã không tin, còn lừa dối dân chúng mãi làm gì? Có nền cai trị nào dựa trên lừa dối mà không mang lại tai họa lâu dài cho đất nước đâu?
Hiện nay đất nước đang khó khăn, quốc khố không đủ cho hoạt động năm tới, chính phủ phải vay tiền, phát hành trái phiếu để trả lãi cho nợ công, để đảo nợ, nền kinh tế èo uột lệ thuộc vào Trung Cộng bành trướng, nông dân và công nhân đói nghèo, giới công thương yếu ớt vì bị chén ép, bị đòi hối lộ công khai… mà phong trào các tỉnh, địa phương cảm thấy “thiệt thòi vì chưa có tượng bác Hồ” không dừng lại. Địa phương trình dự án, trung ương duyệt. Khi dân chúng phát hiện kêu lên thì trung ương lấp liếm bao che cho địa phương, rồi mọi việc đều chìm xuồng, và các quần thể tượng đài cứ tiếp tục được dựng lên.
Lòng dân không phẫn hận mới là lạ.
Hoàn cảnh này, rất nhiều nhà trí thức lo lắng và lo sợ cho tương lai tổ quốc. Những nhà trí thức này, thay vì được mời cùng lo việc nước, như ông Nguyễn Khắc Mai từng đề nghị “bái trí vi sư”, thì đã bị loại khỏi vòng “được bàn quốc sự”! Bị loại bởi cái chính thể được xây dựng trên những kẻ xuất thân từ các thành phần bên ngoài và đối đầu với giới trí thức. Vốn học thức quá ít nên họ không biết lo cái lo xa của xã hội, nhân quần, mà chỉ biết thỏa mãn cái tham gần của cá nhân, gia tộc.

Đề Nghị Vài Giải Pháp

A) TRƯỚC MẮT
1) Dừng ngay các kế hoạch xây tượng hay xây quần thể tượng đài ông Hồ. Dùng số tiền đó vào các chương trình dân sinh.
2) Giảm các chương trình suy tôn ông Hồ. Bỏ chương trình “học tập theo gương bác Hồ”.
B) TIẾP THEO
3) Giảm dần các cấm đoán trong việc nghiên cứu lịch sử, khuyến khích tự do học thuật. Cuộc đời, công nghiệp của các danh nhân như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Bùi Quang Chiêu, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Võ Nguyên Giáp… cần được khuyến khích nghiên cứu, phổ biến và tranh luận công khai.
4) Dần dần tiến tới tự do ngôn luận, báo chí…
Các việc làm “trước mắt” có mục đích giảm lòng phẫn uất của dân chúng, tạo tâm lý hòa hoãn và cộng tác giữa dân với chính quyền.
Các việc làm “tiếp theo” hướng tới mục tiêu lâu dài, bền vững nhằm xây dựng môi trường rộng rãi, chan hòa không khí trao đổi kiến thức trong tinh thần tôn trọng tri thức, khoa học. Các buổi thảo luận bàn tròn, công bố kết quả nghiên cứu, góp ý, tranh luận và bổ sung kiến thức cho nhau góp phần nâng cao tri thức xã hội, bồi đắp lòng tôn trọng người có quan điểm khác, lòng biết ơn và học hỏi lẫn nhau…
Cứ như vậy, xã hội ngày càng xây dựng vững chắc lòng bao dung, tinh thần tôn trọng ý kiến, quan điểm khác biệt… người dân và chính quyền ngày càng dễ dàng chấp nhận các thay đổi, biến chuyển trong tinh thần cộng tác với nhau…
Cứ như vậy, người dân và chính quyền ngày càng chấp nhận diễn biến hòa bình như là tiến trình tiến hóa bình thường và phải có của xã hội cho đất nước tiến lên. Nguy cơ xuất hiện các cơn cuồng nộ xã hội sẽ ngày càng giảm đi.
THEO VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét