Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

HÀ NỘI KHÔNG CÓ THAM NHŨNG...

Hà Nội không có ai tham nhũng: Vừa lạ, vừa quen

Published on November 24, 2015   ·   No Comments
THAMNHUNG-QUABIEU-HOILO

Hà Nội không phát hiện trường hợp nào tham nhũng, hay nhận quà tặng sai quy định không phải là câu chuyện mới, bất ngờ.

TS Ngô Thành Can – Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính bày tỏ quan điểm trước câu chuyện qua kiểm tra nội bộ, Hà Nội không phát hiện trường hợp tội phạm tham nhũng nào.

Hệ thống pháp luật không đồng nhất, chưa bao quát

PV:- Trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 của UBND TP Hà Nội có nêu rõ, cùng với việc không phát hiện trường hợp tham nhũng nào qua công tác kiểm tra nội bộ, Hà Nội cũng không có công chức nào vi phạm quy định tặng quà.
Ông có bất ngờ trước kết quả này hay không? Liệu đây có được coi là chuyện đáng mừng với thành phố này không và vì sao?
TS Ngô Thành Can: – Tôi không thấy bất ngờ. Tôi chỉ thấy thông tin đưa ra vừa lạ lại vừa quen. Lạ ở chỗ, những câu chuyện về tham nhũng vẫn được nói rầm rộ, thế nhưng cuối cùng lại không có gì. Quen là vì từ xưa đến nay, người trong ngành công vụ đều như thế.
Ví dụ như trước đây, ông Trần Trọng Dực từng khẳng định, chạy vào công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng, ngay sau đó lãnh đạo thành phố cho kiểm tra ngay nhưng không phát hiện trường hợp nào.
Vì thế, riêng vấn đề này chúng ta phải nhìn nhận một cách trung thực, hệ thống của chúng ta còn nhiều vấn đề phải bàn. Ở đây, không chỉ là vấn đề, chúng tôi đi kiểm tra, đi điều tra không thấy gì, mà nó cũng giống như chúng ta thực hiện quy trình thanh lọc cán bộ.
Tất nhiên, theo quy luật, sau khi thanh lọc thì phải có cán bộ tốt, nhưng sau bao nhiêu năm thực hiện, một bộ phận nhỏ cán bộ, thậm chí cán bộ cao cấp vẫn thoái hóa biến chất.
Ví dụ như xe quá tải, hay một số đơn vị trong ngành vận tải, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng từng khẳng định, ai cũng nhìn thấy nhưng chỉ có cơ quan chức năng không thấy, nhiều khi văn bản cũng không phản ánh hết được.
Tham nhũng cũng vậy, xã hội hiện nay phản ánh nhiều, thực tế có thể có, nhưng so với cách quy trình, cách thức chúng ta điều tra thì lại không có.
PV:- Thành phố kết luận không phát hiện trường hợp nào tham nhũng, thế nhưng, trong báo cáo cũng chỉ rõ, tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ để cấp, bán đất trái thẩm quyền, xác nhận không đúng nguồn gốc đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Tại sao trong cùng một báo cáo lại có sự mâu thuẫn như vậy? Liệu ở đây có thể đặt vấn đề vì thành tích, báo cáo đẹp mà phía quản lý không nghi ngờ gì tính chính xác của công tác kiểm tra nội bộ hay không?
TS Ngô Thành Can: – Đôi khi trong thực tiễn có những cái chúng ta cứ tưởng nghịch lý, nhưng nó lại là hợp lý của những cái nghịch lý.
Bởi vì, ở đâu đó dư luận họ vẫn phát hiện ra, trong xã hội vẫn tồn tại hiện tượng tham nhũng, vẫn có mua quyền, bán chức, vẫn có chạy chọt, chạy tuổi, chạy công chức, chạy quan chức, chạy quyền, chạy thi đua, bằng khen, cái gì có thể chạy thì đều chạy…
Thế nhưng, có nhiều việc chúng ta có thể đánh giá được nhưng không tìm ra được.
Câu chuyện này cũng giống như việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo trước Quốc hội về đánh giá chất lượng cán bộ công chức: chỉ có 1% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đấy chỉ là báo cáo do các địa phương, ban ngành, cơ quan địa phương trình lên. Trước con số này, tất cả các ĐBQH đều nói rằng, số cán bộ không làm việc ít nhất phải là 1/3, chứ không phải 1%, nhưng đó là con số báo cáo. Ai cũng bảo không phải, số cán bộ không làm việc đông lắm, nhưng không chỉ ra được ai, ai chỉ?
Và ở đây, báo cáo của Hà Nội không hề mâu thuẫn, mà nó đề cập dưới 2 khía cạnh khác nhau, một khía cạnh là hình thức, báo cáo lên không có ai vi phạm và một khía cạnh là nội dung bên trong chỉ rõ, tình hình thực tiễn diễn biến có vấn đề vẫn đang tồn tại như vậy.
Cũng giống như việc phát hiện một đối tượng có dấu hiệu ăn cắp, nhưng đó mới chỉ là dấu hiệu, nên vẫn phải đối xử như người chưa ăn cắp cho đến khi bắt được, có bằng chứng cụ thể thì mới được khẳng định người đó ăn cắp.
Mặt khác, theo tôi, để xảy ra hiện tượng này, cũng chính là do hệ thống pháp luật không đồng nhất, chưa bao quát hết, chưa cụ thể chuẩn đến mức cứ làm sai quy định thì buộc tội được.
Chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã từng đồng tình với ý kiến của một số ĐBQH nói về văn bản, chúng ta văn bản thường chậm, có Luật thì chưa có Nghị định, có Nghị định thì chưa có Thông tư, ra văn bản rồi nhưng hồ sơ chưa hoàn thiện.

Phải có Bộ Luật riêng

PV:- Thưa ông, trong trường hợp kiểm tra lại mà phát hiện công chức tự khai không chuẩn xác thì sẽ có chế tài gì để xử lý hay không? Liệu đây có phải là nguyên nhân chính khiến công tác kiểm tra nội bộ đạt những kết quả bị đánh giá là xa rời với thực tiễn hay không? Trường hợp như Hà Nội vừa qua có được coi là cá biệt?
TS Ngô Thành Can: – Hiện nay, nếu có những trường hợp vi phạm thì sẽ tùy theo mức độ nặng nhẹ, căn cứ theo Luật cán bộ, công chức để tăng phạt, có nhiều mức độ để xử lý: đầu tiên là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cao nhất hiện nay là cho thôi việc, những việc này còn tùy trường hợp cụ thể, mức độ vi phạm, ở mức xử phạt hành chính hay là mức độ hình sự.
Nói chung là nó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, thứ nhất, ai cũng mong muốn làm sao cho hệ thống công vụ làm công tác phòng chống tham nhũng sáng rõ, nhưng chúng ta vướng ngay việc pháp luật nhiều khi chưa tường minh, mới đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Thứ hai, bản thân những người thực hiện cũng không có điều kiện thể hiện được hết năng lựa của mình.
Thứ ba, những đối tượng tận dụng thực hiện những sai trái này, cũng rất tinh vi, tận dụng sơ hở của pháp luật.
Còn Hà Nội có phải trường hợp cá biệt hay không thì phải xác định: ví dụ cả nước có 2 tỉnh đặc biệt đó là Hà Nội, TPHCM, bản thân 2 tỉnh này cũng đã là đặc biệt.
Nhưng Hà Nội cũng có thể là đặc biệt, bởi vì đây là thủ đô, cho nên có nhiều vị thế khác, một đặc biệt nữa, các nơi khác không có Luật riêng nhưng Hà Nội có Luật thủ đô.
PV:- Theo ông, cái khó của Hà Nội trong việc phát hiện tội phạm tham nhũng hiện nay là gì? Nếu muốn quyết tâm dẹp bỏ vấn nạn này, các nhà quản lý nên có cách tiếp cận như thế nào trong việc phòng chống tham nhũng?
TS Ngô Thành Can: – Cái khó của Hà Nội, nó cũng hơi đặc biệt, Hà Nội làm gì thì cả nước đều biết, cho nên hay có câu “Hà Nội không vội được đâu”, cái gì cũng phải chắc chắn.
Bởi Hà Nội làm cái gì là mọi người đều biết ngay, làm chưa dứt điểm lập tức các tỉnh, thành khác đều học tập. Đó cũng là cái hay nhưng cũng là cái dở, Hà Nội tập trung quá nhiều cơ quan trung ương, số lượng cán bộ, công chức nhiều, đó là khó khăn trong thực hiện chứ không dễ.
Thủ đô nào cũng vậy, nó là một đầu mối tập trung những người tài từ các tỉnh, thành khác về đây công tác, nên họ mang nhiều nét văn hóa khác nhau, đặc điểm vùng miền khác nhau về đây, nên để tập trung cho văn hóa, cũng là cái khó về quản lý.
Để dẹp bỏ vấn nạn này, theo tôi, cái quan trọng của chúng ta hiện nay, hệ thống công vụ phải trong sạch, trong sáng, đội ngũ cán bộ công tâm, tận tụy.
Do đó, thứ nhất, phải có Bộ Luật riêng, cũng như một số quốc gia họ có quy tắc, đạo luật riêng về đạo đức công vụ, tức là được nhận quà bao nhiêu, từ bao nhiêu trở lên không được nhận, được đi ăn uống với đối tác hay không, được đi dù bữa tiệc đó là bữa tiệc gì.
Nó quy định tường minh các vi phạm phải chịu trách nhiệm, cho nên đầu tiên phải có một văn bản quy phạm, quy định rõ ràng, cụ thể, để mọi người biết và thực hiện.
Thứ hai, khi ta có bộ Luật rồi thì tuyển dụng được vào đội ngũ những người trong sáng thực hiện vì nước vì dân.
Thứ ba, đối tượng những người tiếp xúc với công việc cũng phải thấu hiểu, chức trách vị thế của mình, một trong 3 vấn đề đó trục trặc thì không được.
– Xin cảm ơn TS!.
Theo Báo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét