Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

GÓP Ý CHO DỰ THẢO

GÓP Ý CHO DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG CSVN LẦN THỨ XII

Đỗ Minh Tuấn

Góp ý viết: "Khái niệm “Dân chủ XHCN” chỉ là sáo ngữ quá đát, bị xã hội coi như một thứ mật hiệu của nhóm lợi ích bảo thủ thân Trung Quốc để họ nhận ra nhau, một thứ đồ hộp tồn đọng từ thời Liên Xô được cất giữ trong tủ lạnh của Trung Quốc và bây giờ xuất khẩu vào Việt Nam giống như họ đang xuất khẩu các thực phẩm độc hại vào nước ta. Khái niệm “Dân chủ XHCN” tiềm ẩn khả năng chia rẽ Đảng vì ngoài việc khó tìm được sự đồng thuận về nhận thức, khái niệm này còn có thể được các phe cánh trong Đảng dùng như một thứ dây trói để khống chế nhau. Trong tâm thức của đa số nhân dân đây là thứ phế phẩm giả tạo, nếu cứ dùng quyền lực để đưa bằng được vào văn kiện sẽ là sự thách thức lớn với hàng triệu con người. "
 

Khi bắt tay viết loạt bài góp ý cho Dự thảo BCCT tôi luôn biết những người soạn thảo các văn kiện cho Đại hội Đảng đều là những chuyên gia rất giỏi. Có thể họ đã biết hết những vấn đề tôi góp ý, thậm chí họ còn biết nhiều hơn, nhưng họ phải tuân thủ một khuôn khổ mặc định nào đó, hay những bước đi thăm dò  từ tốn của các nhà chính trị khôn ngoan. Thậm chí, những gì mà tôi và những người khác phản biện, góp ý điều chỉnh, có thể là những điều họ biết là chưa chuẩn, nhưng cố ý đưa ra trong những nước cờ thí tốt đầu tiên, để sự phản hồi của xã hội sẽ tạo cho họ những điều kiện khách quan cho họ viết hết những điều cần viết nhưng chưa viết. Vì thế, cho dù có thể tôi đang làm cái việc góp ý cho các bậc thầy giỏi hơn mình, tôi vẫn yên tâm rằng giá trị khách quan của những điều góp ý có thể giúp cho những người soạn thảo có cơ hội đưa ra những ý tâm huyết của mình. 

                Bài I – PHÂN TÍCH SAPO VÀ ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN VIẾT LẠI 
  
Mở đầu Dự thảo BCCT là một Sapo chữ in hoa khái quát cô đọng những nội dung, định hướng, nhiệm vụ và phương châm cốt lõi: 
  
“TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH   PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN TỘC VÀ  DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA; ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI; BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC, GIỮ VỮNG MÔI TRƯỜNG HOÀ BÌNH, ỔN ĐỊNH; XÂY DỰNG NỀN TẢNG ĐỂ SỚM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI”. 
  
I.NHẬN XÉT: Sapo này sơ lược, chung chung mòn sáo, sử dụng nhiều mệnh đề không cụ thể, áp dụng vào thời nào cũng được, không làm bật lên những tình thế, nội dung và nhiệm vụ đặc thù, mới mẻ, khác biệt của Đảng CSVN trong thời điểm hôm nay. Với một Sapo như thế này, có thể thấy trước rằng Đại hội XII không có gì đột phá, cũng lại chỉ lặp lại những công thức cũ kỹ giống y như những kỳ Đại hội trước đây. Trong khi đó, thực tế là Đảng CSVN đang bước vào một Đại hội có tầm lịch sử và có tính định mệnh, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội, đối mặt với những vấn đề hết sức hệ trọng liên quan đến sự tồn vong của Đảng, số phận của nhân dân và sự cất cánh hay tàn lụi suy vong của dân tộc Việt Nam. Tình huống chính trị ấy, thời khắc quan trọng ấy, những vấn đề sống còn ấy và những giải pháp liên quan cần phải được thể hiện trong tiêu đề như những nội dung định hướng cốt tử, được cụ thể hoá ở tầm khái quát.  
  
II.BÌNH LUẬN: Vẫn biết rằng Nghị quyết nhiều khi chỉ là quy ước giả mà sự diễn đạt chung chung trong đó luôn luôn là dung môi cho sự đồng thuận dễ dàng, nhanh gọn của các nhóm lợi ích khác nhau. Nếu tất cả câu chữ trong văn kiện đều minh bạch, rõ ràng và cụ thể thì đâu còn chỗ cho vận dụng và biến tấu. Sự chung chung trong Nghị quyết nhiều khi là cần thiết vì nó chính là góc tối để nhiều người kê bàn bán chữ ký cho các hoạt động cụ thể mà các chỉ thị, quyết định, chương trình, dự án vẽ ra. Tuy nhiên, bài học truyền đời về sự đồng thuận chung chung đã được thể hiện sâu sắc, rõ ràng trong câu chuyện cổ tich Nga về anh nông dân với con gấu bàn nhau hợp tác trồng trọt. Khi Nghị quyết được thông qua với nguyên tắc chung chung: “Anh nông dân lấy ngọn, gấu lấy gốc”, thì anh nông dân trồng lúa. Gấu thấy thiệt bèn “đổi mới” Nghị quyết, đòi lấy phần ngọn, cho anh nông dân lấy gốc, thì anh nông dân lại chuyển sang trồng khoai. Anh nông dân trong quan hệ này chính là người tổ chức thực hiện nghị quyết. Khi một nghị quyết, một thoả ước có nội dung chung chung theo kiểu ghép các ý kiến khác biệt vào nhau thì nó sẽ bị tan vỡ trong thực tế và những người tổ chức thực hiện lại chính là những người sẽ tử hình Nghị quyết đó một cách công khai bằng cách diễn giải nó, cụ thể hoá nó theo hướng có lợi cho mình. Đó chính là vận dụng nghị quyết để thực hiện các mưu đồ ăn gian, tham nhũng đã đẻ ra những gì không trong sạch góp phần làm Đảng CSVN không còn vững mạnh.  
 
III.ĐỀ XUẤT: Tôi đề nghị xoá đi 7 chữ và bổ sung 69 chữ (những chữ in gạch chân) và viết lại như sau,. 
  
“TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, TRONG MỘT THỂ CHẾ DÂN CHỦ PHÁP TRỊ NGANG TẦM THỜI ĐẠI ĐỂ PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN TỘC VÀ  DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA; ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ VÀ THỰC CHẤT CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI TRONG ĐÓ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ LÀ CỐT TỬBẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM VỚI TOÀN VẸN LÃNH THỔ, LÃNH HẢI, VỚI NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HOÁ LỊCH SỬ CƠ BẢN, QUYỀN ĐỘC LẬP TỰ CHỦ VÀ QUYỀN SỐNG, QUYỀN MƯU CẦU HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂNGIỮ VỮNG MÔI TRƯỜNG HOÀ BÌNH, ỔN ĐỊNH LÂU DÀIXÂY DỰNG NỀN TẢNG PHÁP LÝ, VĂN HÓA VÀ VẬT CHẤT ĐỂ SỚM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI,PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.” 
  
IV.GIẢI TRÌNH 
  
1. CẦN BỔ SUNG GIẢI PHÁP THỂ CHẾ ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG “TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH”

Đưa mục tiêu xây dựng Đảng “TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH” lên đầu như một mục tiêu có tính tiền đề, nền tảng cho những mục tiêu liên quan khác, Dự thảo BCCT ngụ ý  rằng thực trạng tham nhũng, suy đồi, thiếu năng lực lãnh đạo và mất uy tín chạm ngưỡng của Đảng CSVN hiện nay là nguy cơ nổi bật trầm trọng nhất. Từ đó, Dự thảo BCCT xác định những mục tiêu-giải pháp xây dựng Đảng quan trọng nhất là củng cố đạo đức và sức mạnh của Đảng. Nhận thức về thực trạng đúng, mục tiêu xây dựng Đảng cũng đúng, nhưng nếu không gắn MỤC TIÊU với GIẢI PHÁP thì cũng chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu suông. Ngay cả khi có giải pháp mạnh mẽ mà không có THỂ CHẾ tương thích thì những mục tiêu đó cũng không bao giờ có thể thực hiện được thành công. Vì sao? Vì ngày nay các giải pháp xây dựng đạo đức phi thể chế đã phá sản hoàn toàn, chỉ còn các giải pháp thể chế là những giải pháp duy nhất khả thi. Cụ thể: 
  
1.1.PHƯƠNG PHÁP TREO GƯƠNG ĐẠO ĐỨC ĐÃ KHÔNG CÒN TÁC DỤNG

Trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, việc xây dựng con người đạo đức TRONG SẠCH trong xã hội ĐỨC TRỊ luôn đi kèm giải pháp TREO GƯƠNG của Nho giáo: 
  Hồ Chí Minh là một kiểu mẫu TREO GƯƠNG của bậc lãnh tụ đã có sức thuyết phục với dân, truyền cảm hứng đạo đức cao cả cho toàn dân tộc làm theo, noi theo trong một thời kỳ.
  Các phong trào điển hình thời chiến tranh, bao cấp cũng là một cách TREO GƯƠNG TẬP THỂ. Nhưng các tấm gương sáng, các tập thể điển hình do ngành tuyên huấn xây dựng theo phương thức treo gương cũng dần dần sụp đổ, mất thiêng từ cuối thập kỷ 70. 
   Đến thời đại QUYỀN-TIỀN-DANH VỌNG bây giờ, những con người trong sạch hiểm hoi sống trong thể chế này hầu như chỉ còn là những tấm gương treo trong khói bụi, xã hội không để ý, hoặc nếu có biết thì cũng dè bỉu cho đó là những kẻ dở hơi, hoặc thương hại những con người bảo thủ, dại dột hay lạc hậu. 
   Phương pháp TREO GƯƠNG đã chết hẳn trong đời sống dân tộc Việt Nam. Ngay cả những lãnh đạo hiếm hoi được dân coi là trong sạch, giương cao ngọn cờ chống tham nhũng cũng bị phanh phui những vụ việc bất minh có dấu hiệu tham nhũng. 
 
1.2.VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH CỦA THỂ CHẾ VỚI ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

 Thực tế lịch sử nhân loại cho thấy một thủ lĩnh trong sạch trong thể chế này, nhưng cùng lúc lại là tội đồ tham nhũng sát nhân hàng loạt trong một thể  chế khác. Đó là trường hợpVua Leopold, người sáng lập ra Vương quốc Bỉ và trị vì Vương quốc này suốt nửa thế kỷ, từ năm 1865 đến năm 1909 mà tôi đã đề cập đến trong status: “Nếu TT Obama hỏi vậy TBT Nguyễn Phú Trọng nên trả lời sao?”(https://www.facebook.com/artistdominhtuan/posts/894634723939928) trên FB Artist Do Minh Tuan đăng ngày 29-5-2015. 
     Theo Bruce Bueno de Mesquita, tác giả cuốn “Trò chơi của nhà tiên tri” vừa được dịch và xuất bản tại Việt Nam thì không thể đếm hết những thành tích của Bỉ dưới thời Leopold: Mở rộng tự do chính trị, đặt nền móng cho Bỉ trở thành quốc gia dân chủ, khuyến khích tự do thương mại làm Bỉ tăng trưởng mạnh, Giáo dục tiểu học bắt buộc, ban hành Luật giáo dục đảm bảo cho mọi trẻ em gái đều được đi học, giúp phụ nữ và trẻ em được bảo vệ được bảo vệ nhiều hơn tất cả các nước Châu Âu khác; cải thiện đời sống của đa số người nghèo, trong đó có quyền đình công, một quyền mà nửa thế kỷ sau Mỹ vẫn phản dối quyết liệt. Tác giả còn cho rằng Vua Leopold của Bỉ còn đi trươc cả Franklin Delano Roosevel và Brack Obama khi nhìn thấy việc xây dựng hạ tầng cơ sở có khả năng tăng việc làm và đem lại sự thịnh vượng. 
     Thế nhưng,Vua Leopold còn có con người thứ hai trái ngược hẳn với con người vừa nói, khi ông ta đồng thời trị vì nhà nước Công-gô tự do trong ngót một phần tư thế kỷ. Ông ta không chỉ bộc lộ tham vọng quyền lực khi cùng lúc cai quản cả Bỉ và Công-gô mà còn là kẻ đại tham nhũng, vơ vét ngà voi giá cao trong vùng, sau đó chuyển sang mua bán cao su để kiếm lợi cao hơn ngà voi. Vì đây là tài sản cá nhân của Leopold nên ông ta tự do thực thi mọi chính sách độc đoán, mà ông ta không thể thực hiện được ở Bỉ. Dân ở Công-gô nơi Leopold cai trị không ai được quyền bỏ phiếu. 
     Ông ta giao việc quản lý Công-gô cho cảnh sát Công lực – lực lượng này có nhiệm vụ chính là kiếm tiền cho Leopold và cho chính họ bằng cách xuất khẩu nhiều cao su ra thế giới. Họ kiếm được rất nhiều tiền qua mức “hoa hồng” rất cao. Họ không bị chi phối bởi bất cứ Luật nào ngoài Luật rừng theo nghĩa đen. Có động lực kiếm tiền qua hoa hồng và có luật rừng trong tay, những viên cảnh sát này đã làm mọi cách để xuất khẩu thật nhiều cao su ra thế giới, kiếm tiền cho Leopold và qua đó kiếm tiền cho chính họ. Những người không thực hiện được chỉ tiêu có thể bị trừng phạt nặng nề, nên các cảnh sát công lực này không từ một thủ đoạn dã màn tàn ác nào, từ đánh đập đến giết người, để làm tròn nhiệm vụ. Họ còn gian lận cả trong trò đếm xác chết bằng cách chặt, cắt những bộ phận thi thể người vô tội để làm bằng chứng thanh toán số đạn bắn ra. Thậm chí họ chặt bàn tay phải của cả phụ nữa và trẻ em để làm bằng chứng cho những gì họ làm vì lợi ích của vua Leopold. 
     Và đó là tội diệt chủng man rợ bậc nhất trong lịch sử. Do chính một vị vua TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, quang minh hiền từ và dân chủ của Vương quốc Bỉ gây ra ở Công-gô. 
  
1.3.Như vậy, sự TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH của Đảng CSVN phụ thuộc vào THỂ CHẾ. Thể chế chính trị ở ta hiện nay có Tứ quyền (Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Quốc hội), nhưng không phân lập, không độc lập với nhau để kiểm soát nhau một cách thực chất và hữu hiệu theo các chuẩn mực của luật pháp. Vì sao? 
  Tứ quyền đó chỉ là biến tướng của một QUYỀN LỰC CÁI của Đảng, giống như Tôn Ngộ Không nhổ lông thổi phù biến thành nhiều hình tướng, nhưng chỉ để tạo ra hình tướng giả đánh nhau với yêu tinh chứ những sợi lông khỉ mang hình nhân mỹ miều kia không thể kiểm soát nhau vì chúng KHÔNG PHÂN LẬP. So sánh vậy cho dễ hiểu thôi chứ những hình nhân Tôn Ngộ Không thổi phù từ lông khỉ có vẻ còn có đạo đức hơn những hình nhân thể chế “Tứ quyền không phân lập” ở ta, vì những hình nhân do họ Tôn tạo ra chúng TRONG SẠCH hơn nhiều đảng viên CS, một lòng một dạ phục vụ Tôn Ngộ Không, không đấu đá nhau, không tham nhũng, cướp bóc tài sản của nhân dân, để lại gánh nợ hàng thế kỷ chưa chắc đã trả hết cho nhiều đời con cháu. 
  Muốn xây dựng một Đảng CSVN TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH cần  đổi mới Thể chế chính trị hiện nay, tìm cho nó sự PHÂN LẬP QUYỀN LỰC trên nền tảng một XÃ HỘI PHÁP TRỊ có khả năng kiểm soát quyền lực trên thực tế để Đảng phải hoạt động trong luật pháp chứ không phải ngồi xổm trên luật pháp theo cách đám lục lâm thảo khấu như tập quán lâu nay. Có thể Đảng CSVN không muốn dập khuôn mô hình pháp trị “Tam quyền phân lập” của các xã hội phát triển, muốn xây dựng thể chế chính trị đặc thù của Việt Nam, nhưng dù đặc thù đến đâu, mô hình thể chế pháp trị đó phải TƯƠNG THÍCH, NGANG TẦM với các thể chế chính trị tiêu biểu của thời đại mà chúng ta đang hợp tác vì những mục tiêu chung. 
    Muốn vậy, thể chế đó cần được xây dựng trên nguyên tắc của BÀI TOÁN CHIA BÁNH trong “Lý thuyết trò chơi”. Theo bài toán này, nếu để một người vừa cắt bánh vừa chia bánh thì sẽ khó công bằng, sẽ có sự gian lận, bất công. Nhưng nếu để một người có quyền cắt bánh, người khác có quyền chọn một trong hai miếng bánh đã được cắt, thì người cắt bánh phải cắt sao cho đều để chính mình đỡ thiệt. Thực chất bài toán đó là ẩn dụ về một thể chế công bằng, dân chủ, một thể chế mà con người sống trong đó càng tham lam ích kỷ thì càng phải hành xử công bằng để mình đỡ thiệt hơn. Hầu như không có chỗ cho nhóm lợi ích và tham nhũng. Đó chính là GIẢI PHÁP THỂ CHẾ làm cho Đảng CSVN trong sạch và vững mạnh như mục tiêu xây dựng Đảng quan trọng nhất mà Dự thảo BCCT đã đưa lên đầu sapo. 
Vì thế, tôi đề nghị viết lại mệnh đề: “XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH” thành “XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH TRONG MỘT THỂ CHẾ DÂN CHỦ, PHÁP TRỊ, NGANG TẦM THỜI ĐẠI 
  
2. BỔ SUNG CÁC MỤC TIÊU CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

Cụm từ “ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI” cũng là một nội dung chưa đủ độ xác định và độ quyết liệt để tương thích với bối cảnh nhu cầu ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ đã trở thành một áp lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, không cách gì né tránh, mặt khác, chưa đối mặt với thực trạng ĐỔI MỚI GIẢ, đổi mới không bền vững, bình mới nhưng rượu cũ từng thấy trong văn hoá chính trị của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. Vì thế, tôi đề nghị viết thêm các nội dung về đổi mới thực chất và đổi mới  chính trị thành: “ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ VÀ THỰC CHẤT CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, TRONG ĐÓ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ VÀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ LÀ CỐT TỬ”. 
  
3.BỔ SUNG CÁC NỘI DUNG VÀ THỰC TRẠNG CỦA KHÁI NIỆM “TỔ QUỐC

Mệnh đề “BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC, GIỮ VỮNG MÔI TRƯỜNG HOÀ BÌNH, ỔN ĐỊNH” cũng là một khẩu hiệu quá chung chung, mòn sáo. Đây là một mẫu số chung trong cuộc sống và nguyện ước của toàn nhân loại. Từ vị thế và trách nhiệm của mình, Đảng phải nhìn thẳng vào thực trạng của TỔ QUỐC VIỆT NAM CỤ THỂ HÔM NAY để kiểm kê những gì đã mất, những gì cần giữ, cần khôi phục, những gì cần bảo vệ. Cụ thể: 
 
3.1.Không nên chỉ nói TỔ QUỐC không, mà phải nói rõ là TỔ QUỐC VIỆT NAM. Vì không phải không có những đảng viên và lãnh đạo coi Trung Quốc, Mỹ, Nga… mới đích thực là Tổ Quốc trong tâm tưởng họ. 
  
3.2.Tổ Quốc Việt Nam hôm nay đang bị 5 mối đe doạ lớn chĩa vào  

i) LÃNH THỔ LÃNH HẢI, 
ii)NỀN CHÍNH TRỊ ĐỘC LẬP, 
iii)QUYỀN LIÊN MINH VÀ HỘI NHẬP, 
iv)QUYỀN SỐNG CỦA NHÂN DÂN và 
v)CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ NỀN TẢNG. Vì thế, phải nhìn thẳng vào 5 mối đe doạ đó để nhận thức rất cụ thể các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, cần thấy rằng: 
  Để mất lãnh thổ lãnh hải là có tội với cha ông và các thế hệ cháu con. 
  Để mất độc lập về kinh tế và chính trị, lệ thuộc Trung Quốc dù là mục đích chính trị hay tham nhũng thì cũng là kém cỏi, thiển cận và ngu xuẩn. 
  Vì sợ hãi hay chiều nịnh Trung Quốc một cách vô lối mà tự tước quyền liên minh và hội nhập quốc tế là đi ngược lại truyền thống độc lập tự chủ của dân tộc. Che giấu sự liên minh chính đáng cũng là nhu nhược và dại dột, hạ mình với kẻ “mềm nắn rắn buông” mà tưởng khôn ngoan. Vì, ứng xử thiếu tự trọng tự tin sẽ làm mất thế dân tộc, tạo tiền lệ lép vế về chính trị. Những kẻ kéo bè kéo cánh để duy trì chính sách lệ thuộc luồn cúi với Trung Quốc với động cơ trục lợi, duy trì quyền lực dứt khoát phải bị loại trừ. 
  Để nhân dân bị ngoại nhân bắt bớ, cướp bóc khi mưu sinh trên biển của nước mình hay bị đầu độc trong các sản phẩm từ các hiệp định buôn bán do hai đảng, hai quốc gia ký kết là không tròn trách nhiệm với chủ thể lớn nhất của Tổ Quốc. 
  Mất văn hoá Việt với những giá trị tinh thần nền tảng thì coi như dân tộc bị tiêu vong, lãnh thổ chưa mất sẽ không giữ được, lãnh thổ đã mất cũng không ai có nhu cầu đòi lại, nhân dân bị bắn giết đầu độc cũng chẳng ai quan tâm. 
  
     3.3.Vì thế Đảng phải nhìn thẳng vào NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỔ QUỐC để biết BẢO VỆ TỔ QUỐC hôm nay là bảo vệ cái gì
 
  Bảo vệ Tổ Quốc hôm nay không phải chỉ là bảo vệ chế độ, bảo vệ đất đai, mà còn là bảo vệ nhân dân thoát khỏi mọi đe doạ, khủng bố, cướp bóc, giết chóc trên biển Đông và mọi âm mưu  đầu độc thể chất và tinh thần trong buôn bán và văn hoá. 
 
  Vì thế, tôi đề nghị sửa lại thành: BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, VỚI TOÀN VẸN LÃNH THỔ, LÃNH HẢI, TOÀN VẸN NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN VÀ QUYỀN SỐNG, QUYỀN MƯU CẦU HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN”

Có thể vì lý do nào đó không thể đưa hết các ý này lên Sapo, nhưng trong nội dung BCCT cần có những diễn giải nội dung cụ thể của khái niệm BẢO VỆ TỔ QUỐC trong thời điểm hôm nay theo hướng đó. 
  
4. CỤ THỂ HOÁ CÁC “NỀN TẢNG” ĐỂ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI 

XÂY DỰNG NỀN TẢNG ĐỂ SỚM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI” cũng là mệnh đề quá chung chung, công thức, đã có từ mấy Đại hội trước, dễ bị hiểu thành nền tảng cơ sở vật chất, trong khi đó, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn cần nhiều nền tảng tinh thần và xã hội khác. Cần cụ thể hoá ra các nền tảng và bổ sung định hướng Phát triển bền vững để có cơ sở hoạch định cụ thể các kế hoạch triển khai và kinh phí liên quan, tránh tình trạng để CP khoá tới cụ thể hoá một cách phiến diện hay tuỳ tiện, gây mâu thuẫn hay nghi ngờ, bức xúc trong Đảng, trong dân. Vì thế, mệnh đề này nên viết lại cụ thể hơn: “XÂY DỰNG CÁC NỀN TẢNGPHÁP LÝ, VĂN HOÁ VÀ VẬT CHẤT ĐỂ SỚM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”.

5. BỎ CỤM TỪ “DÂN CHỦ XHCN” VÌ KHÔNG CÓ NỘI DUNG, TIỀM ẨN KHẢ NĂNG CHIA RẼ ĐẢNG VÀ THÁCH THỨC NHÂN DÂN

5.1.Cụm từ “DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” chưa có nội hàm cụ thể. Khái niệm này được xây dựng trên nguyên tắc nào? Nếu xây dựng trên nguyên tắc nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì phải gọi là DÂN CHỦ THỊ TRƯỜNG XHCN. Khái niệm “Dân chủ XHCN” chỉ là sáo ngữ quá đát, bị xã hội coi như một thứ mật hiệu của nhóm lợi ích bảo thủ thân Trung Quốc để họ nhận ra nhau, một thứ đồ hộp tồn đọng từ thời Liên Xô được cất giữ trong tủ lạnh của Trung Quốc và bây giờ xuất khẩu vào Việt Nam giống như họ đang xuất khẩu các thực phẩm độc hại vào nước ta. Khái niệm “Dân chủ XHCN” tiềm ẩn khả năng chia rẽ Đảng vì ngoài việc khó tìm được sự đồng thuận về nhận thức, khái niệm này còn có thể được các phe cánh trong Đảng dùng như một thứ dây trói để khống chế nhau. Trong tâm thức của đa số nhân dân đây là thứ phế phẩm giả tạo, nếu cứ dùng quyền lực để đưa bằng được vào văn kiện sẽ là sự thách thức lớn với hàng triệu con người. Không nên nghĩ rằng mình đã được Hoa Kỳ thừa nhận thể chế chính trị Đảng trị, thì không cần để ý đến nhân dân nữa.

5.2.Người Việt nam đã có “Dân chủ làng xã” với cơ chế rất cụ thể, minh triết, quyền lực phân chia các vòng ngoài và vòng trong cụ thể và kết nối các loại quyền lực không thua gì mô hình dân chủ phương Tây. Hiện nay chúng ta không chủ trương phục hồi “Dân chủ làng xã”, mà cũng chưa xây dựng được mô hình dân chủ mới. Vậy nên dùng khái niệm “dân chủ” theo chuẩn thế  giới, chuẩn của các nước thành viên các hiệp ước kinh tế chính trị mà Việt Nam tham gia. 
  
5.3.Nhận thức mới, cảm hứng mới của các phong trào cánh tả dẫn đến sự cải cách thành công của xã hội tư bản những thập kỷ gần đây là niềm tin vào bản chất con người và ý hướng lấy bản chất tốt đẹp của con người làm mục tiêu đi tới của toàn xã hội. Đó là tư tưởng rất gần với quan niệm coi trọng nguồn lực con người của Đảng CSVN, nhưng độ khoan dung lớn hơn vì không có nội dung căm thù giai cấp, kỳ thị giai cấp và đấu tranh giai cấp.

5.4.Chính sách xã hội và đời sống nhân dân của các nước Bắc Âu đã có nhiều mặt mang tính chất XHCN thực sự từ nhiều thập kỷ trước, vậy mà họ không dùng chữ XHCN để định danh bản chất xã hội của họ mà vẫn chỉ dùng khái niệm “TRÊN CNTB”. 
 
5.5.Xã hội Việt Nam hiện nay đang còn ở giai đoạn TƯ BẢN RỪNG RÚ, TƯ BẢN CHUI, TƯ BẢN KHÔNG CÓ LUẬT, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã thành thực nói rằng: “Cho đến cuối thế kỷ cũng chưa chắc đã thấy CNXH”. Vậy nếu dùng khái niệm DÂN CHỦ XHCN trong văn kiện Đại hội Đảng thì là phi hiện thực, không có cơ sở xã hội, không tưởng và không tương thích với quan niệm của TBT. 
    Vì những lẽ đó, tôi đề nghị xoá đi cụm từ này. 
  
                                              HẾT BÀI 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét