Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

CHU ÂN LAI VÀ HỘI NGHỊ GANEVA

CHU ÂN LAI VÀ HỘI NGHỊ GENEVA
Khi Mao thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) vào năm 1949, ông đã dự định hoàn tất một số mục tiêu mang tính cách mạng và dân tộc: thống nhất các lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, và biến nước này thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng rồi Chiến tranh Triều Tiên đã làm gián đoạn các kế hoạch của ông. Cuộc chiến đã đem lại một chấn động mạnh mẽ đến vị lãnh tụ Trung Quốc, ông rút ra rằng bất kỳ phương pháp bạo lực nào nhằm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới sẽ gặp phải kháng cự cứng rắn từ Hoa Kỳ và các đồng minh. Cuộc chiến tranh đã làm quân đội Trung Quốc tổn thất trầm trọng và bộc lộ sự yếu kém rõ rệt về kỹ thuật và tổ chức quân đội của họ. Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào tháng Bảy 1953, Mao nóng lòng muốn giảm bớt căng thẳng ở châu Á để tập trung vào Kế hoạch 5 Năm Lần thứ Nhất trong nước. Lịch trình đầy cấp bách trong nước cùng với việc bừng tỉnh trước sức mạnh của Hoa Kỳ đã bắt Mao phải chấp nhận một môi trường quốc tế hoà bình. Vì thế, chính phủ Trung Quốc đã tích cực hưởng ứng đề nghị ngày 28 tháng Chín 1953 của Liên Xô, trong đó kêu gọi một hội nghị quốc tế để giải quyết những tranh chấp trên thế giới.[24]

Trung Quốc đánh giá rất cao tầm quan trọng của Hội nghị Geneva. Trong khuôn khổ giảm thiểu căng thẳng tại châu Á qua tham khảo và đàm phán của Mao, Chu Ân Lai đã dốc hết năng khiếu ngoại giao của mình ra. Dưới sự chỉ đạo và giám sát của ông, vào ngày 2 tháng Ba 1954, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã soạn thảo "Văn bản Sơ bộ về Dự toán và Chuẩn bị cho Hội nghị Geneva," trong đó cho rằng Trung Quốc nên tận dụng những dị biệt giữa Hoa Kỳ, Pháp, và Anh trong vấn đề Đông Dương để tìm cách đạt được một thoả thuận chung, cho dù chỉ là tạm thời. Sau khi nhận ra rằng việc thiết lập hoà bình ở Đông Dương có thể phải cần đến một cuộc đấu tranh lâu dài, bản tài liệu cho rằng Trung Quốc nên tìm cách tránh khỏi một hội nghị không hiệu quả. Một tình huống đàm phán trong hoàn cảnh bất đồng, bản tài liệu kết luận, sẽ khiến Pháp có thêm khó khăn trong nước và tăng cường mối mâu thuẫn Pháp-Mỹ, qua đó tạo thuận lợi cho tiến trình đấu tranh giải phóng của nhân dân Đông Dương. Cấp lãnh đạo ĐCSTQ đã thông qua bản tài liệu này.[25]
Chu Ân Lai thành lập phái đoàn Trung Quốc trong đó bao gồm hầu hết các nhà ngoại giao cao cấp kỳ cựu của ĐCSTQ. Ông giao phó cho Lý Khắc Nông, thứ trưởng bộ ngoại giao, và Vương Bỉnh Nam, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao để lo việc chọn lựa thành viên và soạn thảo các chủ trương, điều lệ, và các báo cáo tình hình chung cho đoàn. Trong khi sắp xếp các cán bộ nghiên cứu về lịch sử và chính trị của Triều Tiên và Đông Dương cũng như các chính sách của Hoa Kỳ, Pháp, và Anh, vào đầu tháng Ba Chu còn triệu tập Kiều Quán Hoa và Hoàng Hoa từ phái đoàn thương thảo của Trung Quốc từ Bàn Môn Điếm (Triều Tiên - ND) về lại Bắc Kinh để đóng góp kiến thức và kinh nghiệm đàm phán quốc tế cho phái đoàn Geneva. Để bảo đảm Hoàng có thể đối phó với những câu hỏi hóc búa chắc chắn sẽ đưa ra tại hội nghị, một cuộc họp báo giả đã được tổ chức để thử xem các câu trả lời của ông có đạt hay không.[26]
Với bài học chiến tranh Triều Tiên trong đầu, đầu tháng Ba Chu Ân Lai đã gửi một bức điện đến ĐCVQSTQ yêu cầu họ phát động và thắng vài trận chiến để các đoàn đại biểu Cộng sản tại Hội nghị Geneva có thể "nắm thế chủ động về ngoại giao."[27] Đến giữa tháng Ba, Chu cũng điện cho Hồ Chí Minh hối thúc ông bắt đầu chuẩn bị để tham gia hội nghị và cân nhắc vấn đề đường phân giới trong trường hợp xảy ra ngừng bắn. "Tình hình quốc tế hiện tại và tiến bộ quân sự ở Việt Nam," Chu nhận định, "đã đủ thuận lợi cho VNDCCH tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao. Cho dù kết quả từ Hội nghị Geneva ra sao đi nữa, chúng ta cũng phải tham gia một cách tích cực." Về vấn đề đường phân giới, vị thủ tướng Trung Quốc nhận định rằng "nếu đạt được một thoả thuận ngưng bắn, tốt hơn nên có một đường phân giới tương đối cố định để VNDCCH có thể giữ được một khu vực tương đối trọn vẹn." Khu vực phân chia ranh giới, Chu tiếp tục, sẽ được quyết định bởi hai yếu tố: lợi thế của nó đối với VNDCCH và đối phương có thể chấp nhận nó hay không. "Càng sâu về phía nam càng tốt," Chu bảo. "Vĩ tuyến mười sáu có thể được xem là một khả năng lựa chọn." Chu kết thúc bức điện bằng cách mời Hồ sang Bắc Kinh để tham vấn vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư và đi Moscow để trao đổi quan điểm với lãnh đạo Liên Xô.[28]
Trong tháng Ba, bộ chính trị ĐLĐVN đã tổ chức ba cuộc họp để thảo luận các chủ trương và chính sách sẽ được thông qua tại Hội nghị Geneva. Các cuộc họp kết luận rằng sẽ có lợi nếu chia Việt Nam thành hai miền nam và bắc. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, giới lãnh đạo đảng kết luận rằng địa điểm để kẻ vạch phân giới sẽ dựa vào tiến độ của tình hình quân sự và rằng vạch phân giới càng xa về phía nam càng tốt. Cuộc họp quyết định rằng Phạm Văn Đồng sẽ dẫn đầu phái đoàn VNDCCH tham gia hội nghị.[29]
Đến cuối tháng Ba, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đến Bắc Kinh để thảo luận với cấp lãnh đạo ĐCSTQ. Sau khi phân tích tình hình quốc tế hiện tại và xem xét diễn biến quân sự tại Việt Nam, Mao, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai đã thúc dục các vị khách Việt Nam phải làm hết sức mình để đạt được kết quả tại Geneva[30]. Ngày 31 tháng Ba, bộ chính trị ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị mở rộng để nghe báo cáo của Chu về quá trình chuẩn bị của Trung Quốc cho Hội nghị Geneva. Thông qua bản báo cáo, hội nghị ra chỉ thị cho Chu sang Moscow để thảo luận với lãnh đạo Liên Xô về các vấn đề liên quan đến hội nghị.[31]
Chu Ân Lai đã đến thăm Moscow ba lần trong tháng Tư. Ngày 1 tháng Tư, Chu, cùng với Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã bay đến Moscow để thảo luận với Nikita Khrushchev và bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov. Liên Xô chỉ quan tâm chừng mực đến Đông Dương và chủ yếu là đang chú trọng vào việc kêu gọi Pháp không thừa nhận tổ chức Cộng đồng Phòng vệ châu Âu. Đối với giới lãnh đạo Liên Xô, cơ hội để phá hoại kế hoạch tái vũ trang cho Đức thì quan trọng hơn là sự tiếp diễn của chiến tranh cách mạng ở Đông Nam Á. Trong khi Liên Xô và Trung Quốc đều có chung mục tiêu là chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương, họ lại có những kỳ vọng khác nhau về Hội nghị Geneva. Có vẻ bi quan hơn, Khruschev cho rằng mọi người không nên đặt quá nhiều hi vọng vào hội nghị vì có thể nó sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào và khó có thể trông chờ được kết quả từ hội nghị. Chu cho rằng bản thân việc Trung Quốc, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham gia vào hội nghị quốc tế đã là một vấn đề cực kỳ trọng đại. "Mặc dù chúng ta không nên quá kỳ vọng vào hội nghị," vị thủ tướng Trung Quốc tiếp tục, "chúng ta phải phấn đấu để đạt được một số kết quả. Điều này có thể làm được. Đây không phải là một ảo tưởng. Chúng ta phải thấy rằng các nước đế quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn." Chu bảo các lãnh đạo Liên Xô rằng Trung Quốc muốn giữ mối liên lạc chặt chẽ với Liên Xô, bao gồm việc trao đổi quan điểm, chia sẻ tin tình báo, và phối hợp chính sách, vì Geneva là một hội nghị quốc tế đầu tiên của CHNDTQ, vì thế họ không có kiến thức và kinh nghiệm về chính trị quốc tế. Ông cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Liên Xô giải thích cụ thể nguồn gốc của Hội nghị Geneva. Liên Xô đã thoả mãn yêu cầu của Chu.[32]
Sau khi hoàn tất chuyến viếng thăm đầu tiên đến Liên Xô, Chu quay lại Bắc Kinh để báo cáo với lãnh đạo Trung Quốc về chuyến đi của mình. Vài ngày sau, ông lại đi Moscow lần nữa để thảo luận thêm với các quan chức Xô Viết về chiến thuật tại hội nghị cũng như thành phần thành viên trong phái đoàn Trung Quốc và Liên Xô. Molotov cho Chu biết Liên Xô đã lựa chọn thành viên của mình ra sao, trong đó bao gồm các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau. Và đoàn Trung Quốc cũng bao gồm những thành viên với những kinh nghiệm khác nhau.[33] Chu còn đưa theo hai chuyên gia nấu ăn để ông có thể tổ chức yến tiệc với món ăn Trung Quốc để "kết bạn."[34]
Ngày 19 tháng Tư, danh sách đoàn Trung Quốc được công bố, với Chu Ân Lai là trưởng đoàn và các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, và Lý Khắc Nông là đại diện. Lãnh đạo ĐCSTQ chỉ thị cho đoàn như sau: trước tiên, thực hành đường lối ngoại giao chủ động tại Geneva để phá hỏng chính sách cô lập và cấm vận của Mỹ đối với Trung Quốc và để giảm bớt căng thẳng quốc tế; và thứ hai, tìm cách đạt được các thoả thuận để tạo ra một tiền đề cho việc giải quyết các vấn đề quốc tế bằng cách đối thoại giữa các cường quốc.[35] Trong bài nói chuyện với đoàn đại biểu Trung Quốc cùng ngày, Chu Ân Lai nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần kỷ luật và hợp tác tại Geneva. Ông sử dụng phép so sánh giữa hai vở kịch nghiệp dư và chính thức để diễn tả sự khác biệt về kinh nghiệm thương lượng của ĐCSTQ trong quá khứ với hội nghị Geneva sắp tới. Ông liên hệ các cuộc thương lượng của đảng trước đây với Tưởng Giới Thạch và người Mỹ thì giống như là một vở kịch không chuyên, một "vở diễn thô lậu" không được trình bày trên một sân khấu chuyên nghiệp. Hội nghị Geneva, trái lại, là một cuộc họp quốc tế chính thức. "Chúng ta sẽ được đưa lên sân khấu quốc tế," Chu nhấn mạnh. Trung Quốc phải tạo dựng được một "vở diễn văn minh," "một vở diễn chuyên nghiệp" được trình bày trên sân khấu.[36] Việc Chu sử dụng hình tượng của các vở diễn nghiệp dư và chuyên nghiệp phản ánh đam mê ban đầu của ông đối với ca kịch khi ông còn là học sinh tại Trường Trung học Nam Khai ở Thiên Tân.
Chu đến Moscow lần thứ ba vào ngày 21 tháng Tư, khi ông dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc trên đường đi Geneva. Để làm quen với các thủ tục trong một hội nghị quốc tế, Molotov đã yêu cầu Andrei Gromyko, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô, trao đổi với phái đoàn Trung Quốc về kinh nghiệm của Liên Xô trong các hội nghị quốc tế, bao gồm kỹ thuật phòng chống đối phương nghe lén khi trò chuyện. Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng, lúc đấy cũng đang ở Moscow, đã tham gia vào các thảo luận của đoàn Liên Xô và Trung Quốc. Sau các hội thảo, hai đoàn Liên Xô và Trung Quốc rời Moscow đến Geneva riêng rẽ. Việc Chu đặt chân đến phi trường Geneva vào ngày 24 tháng Tư là một hiện tượng nóng bỏng của giới truyền thông.[37]
Phiên họp về Triều Tiên tại Hội nghị Geneva đã không đem lại một thoả thuận nào, phần lớn vì hai các bên tranh chấp có quan điểm khác nhau về vai trò của Liên Hiệp Quốc trong giải pháp chính trị cho việc tranh chấp này. Phía Nam Hàn, với hậu thuẫn của Hoa Kỳ, nhấn mạnh việc sử dụng tổ chức quốc tế để giám sát bầu cử sau chiến tranh tại Triều Tiên. Trung Quốc bác bỏ quyền hành của Liên Hiệp Quốc đối với vấn đề an ninh chung tại Triều Tiên, đòi hỏi vai trò quốc tế của các quốc gia trung lập. Đối với Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc không phải là một lực lượng trung lập vì nó đã được Hoa Kỳ sử dụng để lên án Trung Quốc là "kẻ xâm lược" ở Triều Tiên.[38]
Chỉ đến khi tại phiên họp về Đông Dương thì Chu Ân Lai mới có được nhiều cơ hội để chứng minh mình là một nhà ngoại giao tài năng. Mục tiêu cơ bản của Trung Quốc là ngăn cản việc quốc tế hoá mâu thuẫn Đông Dương, như đã từng xảy ra tại Triều Tiên. Có cả các lý do trong nước và ngoài nước đối với quan điểm này. Trong nước, Trung Quốc cần tập trung vào kế hoạch phục hồi kinh tế, quá trình này đã bị gián đoạn và đình chỉ vì Chiến tranh Triều Tiên. Theo Khrushchev, trước Hội nghị Geneva Chu Ân Lai đã nói với ông tại Moscow rằng Trung Quốc không thể thoả mãn yêu cầu gửi thêm quân Trung Quốc sang Việt Nam của Hồ Chí Minh. Vị thủ tướng Trung Quốc tuyên bố: "Chúng tôi đã mất quá nhiều quân ở Triều Tiên - chúng tôi đã trả giá đắt cho cuộc chiến ấy. Chúng tôi không còn khả năng để dính líu đến một cuộc chiến khác vào lúc này."[39]
Về bình diện quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc đang lo sợ về khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào Đông Dương. Họ tin rằng Washington, vì muốn phá hoại Hội nghị Geneva, đang tìm cơ hội để nhảy vào Đông Nam Á.[40] Mối lo lắng của Trung Quốc về ý định của người Mỹ được bộc lộ rõ rệt trong cuộc trò chuyện giữa Chu Ân Lai và đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc vào ngày 19 tháng Tư 1954. Vị thủ tướng Trung Quốc cho rằng mục tiêu chủ yếu của Washington là cản trở thoả thuận ngưng bắn tại Đông Dương vì nếu hoà bình được lập lại ở đấy thì Hoa Kỳ sẽ mất đi một nguyên cớ để gây chiến tranh tại châu Á. Vào lúc này, Chu nói tiếp, người Mỹ đang gây áp lực để Pháp không đạt thoả thuận về Đông Dương. Sau khi lên án đề xuất "hành động đoàn kết" của bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Foster Dulles, Chu bảo vị đại sứ Ấn nên lưu ý đến tuyên bố của phó tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon rằng nếu quân Pháp rút khỏi Đông Dương, quân Mỹ sẽ vào thay. Chu khẳng định rằng Hoa Kỳ muốn tạo ra một đế chế thuộc địa gồm Đông Nam Á, vùng Trung và Cận Đông, cũng như vùng Viễn Đông.[41] Ý Chu muốn nói đến bài phát biểu của Nixon tại mội hội nghị các tổng biên tập báo chí tại Washington ngày 16 tháng Tư. Nixon cho rằng gìn giữ Đông Dương là việc tối trọng và nếu cần thiết phải gửi lính Mỹ, Washington "phải đối diện với tình hình và điều động quân đội." [42] Rõ ràng là Chu đã đánh giá nghiêm túc những đe doạ ồn ào của Dulles và Nixon.
Qian Jiadong, một viên chức trong Phòng Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao và thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc tại Hội nghị Geneva sau này kể lại rằng quan tâm chủ yếu của Trung Quốc vào năm 1954 là "sau khi VNDCCH đánh đuổi Pháp đi, Hoa Kỳ sẽ nhảy vào. Vì thế tốt hơn là nên tạm dừng chiến tranh và nghỉ ngơi trong vài năm trước khi hoàn thành quá trình thống nhất."[43]
Trong suốt thời gian hội nghị, truyền thông Trung Quốc liên tục lên án "Âm mưu của Mỹ nhằm thành lập một khối quân sự Đông Nam Á" để "dùng người Á đánh người Á." Bài xã luận ngày 20 tháng Năm trên tờ Thế giới Kiến thức cho rằng "tập đoàn thống trị ở Mỹ đang tiến hành chính sách thiết lập chính quyền thuộc địa tại châu Á" để thay thế những cựu đế quốc như Anh, Pháp, và Hà Lan. Hai tuần sau một bài bình luận khác cũng trên tạp chí ấy khẳng định rằng kế hoạch thành lập một liên minh quân sự ở Đông Nam Á là một phần của chính sách chung của Washington nhằm xây dựng một đế chế thuộc địa mới, tương tự như "Khối Thịnh vượng Chung Đại Đông Á" mà Nhật từng cổ xuý trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II.[44]
Cuối cùng là một chính sách ôn hoà tại Đông Dương phù hợp với đường lối đối ngoại của Bắc Kinh chuyên nhấn mạnh việc chung sống hoà bình. Lần đầu tiên Chu Ân Lai đề cập đến "Năm Nguyên tắc Chung sống Hoà bình" là tại một cuộc họp với đoàn đại diện Ấn Độ vào ngày 31 tháng Mười hai 1953: Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không tấn công nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, và chung sống hoà bình.[45] Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Năm Nguyên tắc này không chỉ được áp dụng trong quan hệ Trung-Ấn mà còn có thể dùng trong các vấn đề quốc tế nói chung. Hội nghị Geneva tạo cho Trung Quốc một cơ hội để nâng cao tư cách quốc tế cũng như ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia trung lập ở châu Á bằng cách đóng vai nhân vật dàn xếp hoà bình. Bắc Kinh liên tục tuyên bố rằng họ đang nói hộ cho cả châu Á. Trong thời gian tạm nghỉ giữa các phiên họp tại Hội nghị Geneva, Chu Ân Lai đã đến thăm New Delhi và Rangoon vào tháng Sáu, và trong các hiệp ước Trung-Ấn và Trung-Miến sau này, "Năm Nguyên tắc Chung sống Hoà bình" cũng được nhắc đến.[46]
Với chiến lược tránh kéo dài thêm cuộc chiến Đông Dương và tước bỏ Hoa Kỳ cơ hội can thiệp, Chu Ân Lai đã sử dụng một đường lối ngoại giao chủ động, bày tỏ tính linh động không ngờ. Phương pháp của ông là lấy lòng đa số những thành viên tham dự kể cả Pháp và cách ly Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của ông trở nên dễ dàng hơn nhờ chiến thắng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ, khiến cho người Pháp càng nóng lòng muốn từ bỏ Đông Dương. Theo hồi tưởng của Vương Bỉnh Nam sau này, khi được tin Điện Biên Phủ, "chúng tôi báo cho nhau biết. Chúng tôi trở nên phấn khởi và cảm thấy tự tin hơn trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương."[47]
Để đối phó với cái mà Trung Quốc xem như chiến lược "dùng người châu Á đánh người châu Á" của Hoa Kỳ, Chu Ân Lai đã sử dụng "Năm Nguyên tắc Chung sống Hoà bình" của ông. Tại cuộc họp toàn thể lần ba về Đông Dương ngày 12 tháng Năm, Chu tuyên bố:

"Các nước châu Á phải tôn trọng độc lập và chủ quyền và không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau; họ phải giải quyết các mâu thuẫn của mình bằng phương pháp thương lượng chứ không bằng việc đe doạ và vũ lực quân sự; họ phải thiết lập những quan hệ kinh tế và văn hoá bình thường dựa trên nền tảng bình đẳng và cùng có lợi và không cho phép kỳ thị và giới hạn. Chỉ bằng cách này thì các nước châu Á mới có thể tránh được sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân mới qua mối đại hoạ người Á đánh người Á chưa từng có và đạt được hoà bình và an ninh."[48]
Nhà sử học King Chen đã tóm lược ba đóng góp của Chu vào kết quả của Hội nghị Geneva: thứ nhất, ông đã thuyết phục VNDCCH rút quân ra khỏi Lào và Cambodia; thứ hai, ông đạt được sự uỷ nhiệm của Hồ Chí Minh để tiến hành kế hoạch hoà bình chung tại Geneva; và thứ ba, ông đã giải quyết được vấn đề về thành phần của Uỷ ban Giám sát Quốc tế.[49] Những tài liệu vừa được Trung Quốc công bố đã rọi một nguồn sáng mới vào vai trò của Chu trong việc dàn xếp các vấn đề của Lào và Cambodia và thuyết phục Bắc Việt chấp nhận vĩ tuyến 17 là đường phân giới.
Trước khi đến Geneva, các quan chức Trung Quốc hiểu biết rất ít về tình hình ở Lào và Cambodia, họ hoàn toàn không có quan hệ nào với các chính quyền hoàng gia ở Vientiane và Phnom Penh. Bắc Kinh chỉ có quan hệ với VNDCCH. Khi hội nghị bắt đầu, các đại biểu Trung Quốc đã bị sốc và khó chịu khi Phoui Sananikone và Tep Phan, hai đại diện của các phái đoàn hoàng gia Lào và Cambodia, đã tố cáo Trung Quốc đang áp dụng chủ nghĩa đế quốc và sử dụng VNDCCH để tiến hành xâm lấn quốc gia họ.[50] Sau đó Chu Ân Lai đã chỉ thị cho Sư Triết và Vương Bỉnh Nam tiếp xúc với các phái đoàn Lào và Cambodia để tìm hiểu tình hình đất nước họ. Với nguồn kiến thức mới, Chu lập tức chấn chỉnh ngay chính sách của Trung Quốc đối với Lào và Cambodia.[51] Trong một cuộc họp nội bộ của phái đoàn Trung Quốc ngày 12 tháng Bảy, Chu chỉ ra rằng ba nước Đông Dương đều có đường biên giới quốc gia rõ rệt. Lào và Cambodia, Chu nói tiếp, thì khác với Việt Nam. Trong khi VNDCCH là một nhà nước cách mạng với đảng Cộng sản lãnh đạo đấu tranh, thì Lào và Cambodia cơ bản là nước theo chủ nghĩa quốc gia, trong đó các chính quyền hoàng gia vẫn có uy tín và được vài chục nước trên thế giới công nhận. Các phong trào chống Pháp ở Lào và Cambodia chủ yếu là do Việt Minh phát động, và các lực lượng cách mạng thì nhỏ bé và chiếm rất ít lãnh thổ.[52] Rõ ràng, Chu đã sẵn sàng xem Lào và Cambodia là hai quốc gia riêng rẽ và độc lập với Việt Nam. Có thể là vì ông không an tâm trước viễn cảnh Việt Nam thừa hưởng hoàn toàn quyền lực từ đế quốc Pháp. Vào giữa tháng Sáu, Hội nghị Geneva gặp bế tắc trước việc giải quyết vấn đề của Lào và Cambodia vì các phái đoàn phương Tây kiên quyết đòi Việt Minh rút quân ra khỏi hai nước này trong khi đại diện của VNDCCH bác bỏ việc quân của họ có mặt ở đấy. Đến thời điểm ấy, Chu Ân Lai đã nhảy vào để giải quyết trở ngại. Để ngăn cản người Mỹ can thiệp, ông đã sẵn sàng thoả hiệp trong vấn đề Lào và Cambodia. Ngày 15 tháng Sáu, các đoàn Trung Quốc, VNDCCH, và Liên Xô đã tổ chức một cuộc họp chung. Sau khi chỉ ra câu hỏi then chốt trong giai đoạn hiện tại của cuộc đàm phán là liệu VNDCCH có chịu thừa nhận quân mình có mặt tại Lào và Cambodia hay không, Chu lập luận: "Nếu chúng ta không thừa nhận thực tế này, thì sẽ không có cách nào để tiếp tục thảo luận về các vấn đề của Lào và Cambodia, qua đó sẽ làm ảnh hưởng đến việc thương lượng về Việt Nam. Vì thế chúng ta phải công nhận là đã từng có quân thiện nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào và Cambodia." Lợi thế của việc thừa nhận này, Chu chắc chắn, là sau này VNDCCH có thể đòi hỏi một bồi thường từ Pháp khi nghị trình thương lượng bước đến giai đoạn vẽ đường phân giới tại Việt Nam. Molotov đồng ý với phân tích của Chu. Sau khi suy nghĩ cẩn thận, Phạm Văn Đồng cũng chấp nhận ý kiến cúa Chu.[53] Với Chu, cụm từ "thiện nguyện" là một uyển ngữ ám chỉ binh lính.
Trong một cuộc họp với bộ trưởng ngoại giao Anh Anthony Eden vào sáng hôm sau, Chu nói rằng VNDCCH sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của Lào và Cambodia, và Trung Quốc có thể công nhận các chính quyền của vương quốc Lào và Cambodia. Trong quá khứ, vị thủ tướng Trung Quốc thừa nhận, các thiện nguyện quân Việt Nam từng tiến hành các hoạt động quân sự trên hai nước này. Một số trong họ đã được rút về, Chu nói tiếp. Nếu vẫn còn quân thiện nguyện người Việt tại Lào và Cambodia, thì phương pháp vận chuyển toàn bộ nhân viên quân sự nước ngoài có thể áp dụng với họ.[54] Hài lòng với giải thích của Chu, sau này Eden viết rằng ông có "một ấn tượng mạnh mẽ rằng Chu muốn đạt được một thoả thuận."[55]
Trong phiên họp giới hạn vào trưa hôm ấy, Chu đưa ra một đề nghị chính thức cho việc rút quân Việt Minh khỏi Lào và Cambodia.[56] Các thành viên từ các nước khác đã hoan nghênh đề xuất của Chu. Walter Bedell Smith, người đứng đầu phái đoàn Hoa Kỳ, cho rằng đề nghị của Trung Quốc đáng được nghiên cứu. Giới truyền thông phương Tây có nhận định tích cực về đề xuất của Chu và xem nó là một tiến độ của hội nghị. Sau nước cờ của Chu, lần đầu tiên Phạm Văn Đồng đã công nhận các chính quyền hoàng gia Lào và Cambodia và từ bỏ yêu cầu trước đấy của mình là hai "chính quyền kháng chiến" Khmer và Pathet Lào phải có ghế trong hội nghị. Trong phiên họp giới hạn vào ngày hôm sau, vị trưởng đoàn Việt Nam đã thừa nhận rằng "quân đội thiện nguyện" của Việt Minh đã từng chiến đấu tại Lào và Cambodia nhưng cam đoan rằng họ đã được rút về. Tuy nhiên ông nói thêm rằng "nếu vẫn còn một số lính đang ở đấy, họ cũng sẽ được rút về." Ngày 19 tháng Bảy, một thoả thuận ngừng bắn cho Lào và Cambodia đã được ký kết.[57] Tài ngoại giao khéo léo của Chu đã giúp các thương lượng tại Geneva đạt được tiến độ. Để đạt được mục tiêu chủ yếu là không cho Hoa Kỳ bất kỳ lý do nào để thiết lập các căn cứ tại Lào và Cambodia, Chu đã sẵn sàng mặc cả bằng cái giá của tổ chức Cộng sản địa phương do Việt Minh hậu thuẫn trên các nước này.
Với bế tắc về các vấn đề Lào và Cambodia đã được giải quyết, Chu lại tập trung vào vấn đề Việt Nam. Thay đổi vừa qua của chính phủ Pháp tại Paris đã tạo ra hi vọng cho tiến trình đàm phán. Ngày 16 tháng Sáu, Pierre Mendès-France được bầu làm thủ tướng Pháp. Trong thời gian vận động ứng cử ông đã hứa hẹn rằng đến ngày 20 tháng Bảy, ông sẽ tìm được một giải pháp cho vấn đề Đông Dương, nếu không ông sẽ từ chức. Trong một bức điện gửi cho Mao và Lưu Thiếu Kỳ ngày 19 tháng Sáu, Chu nói: "Nếu chúng ta đưa ra được một đề nghị hợp lý và chi tiết trong đàm phán quân sự, chúng ta có thể phấn đấu để dàn xếp vấn đề với Pháp một cách mau chóng và có được thoả thuận ngừng bắn. Bằng cách này, chúng ta có thể khuyến khích chính phủ mới của Pháp từ chối sự can thiệp của Mỹ và làm chậm trễ vấn đề thiết lập đội quân châu Âu [ám chỉ Cộng đồng Phòng vệ châu Âu]. Điều này sẽ giúp ích cho cả phía Đông lẫn Tây." Chu đề nghị trao đổi trực tiếp với lãnh đạo ĐLĐVN tại miền nam Trung Quốc để trình bày quan điểm của mình sau chuyến thăm Ấn Độ.[58] Bắc Kinh thông qua đề xuất của Chu.[59]
Theo Sư Triết, thoạt đầu Trung Quốc không chắc mấy về ý định của Mendès-France đối với Đông Dương, và Chu quyết định đến gặp ông. Ngày 23 tháng Sáu, hai vị nguyên thủ đã gặp nhau tại Berne, Thụy Sĩ. Qua lần thảo luận này, Chu biết được rằng Pháp đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến Đông Dương và tâm lý phản chiến trong nước lên cao. Chính quyền Pháp đang nôn nóng rút quân khỏi Đông Dương, nhưng vẫn muốn làm sao để "giữ thể diện." Bằng cách này, Mendès-France hi vọng sẽ củng cố được quyền lực trong nước.[60] Theo các tài liệu của Mỹ, Chu đã làm chủ cuộc thảo luận trong cuộc gặp gỡ với Mendès-France. Phía Pháp cảm nhận được "một tiến bộ đáng kể so với quan điểm trước đây của Chu." Với việc thừa nhận sự hiện diện của hai chính phủ trên lãnh thổ Việt Nam, lần đầu tiên vị thủ tướng Trung Quốc đã "công nhận giá trị hiện hữu" của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Mendès-France nói với Chu rằng đàm phán với VNDCCH đã "thực sự dẫm chân tại chỗ trong vòng một tuần đến mười ngày qua" và ông muốn vị lãnh đạo Trung Quốc nói chuyện với người đứng đầu phái đoàn VNDCCH để mọi việc tiến triển hơn. Chu đồng ý sẽ can thiệp với Việt Minh và bảo họ xúc tiến quá trình đàm phán.[61] Khi trò chuyện riêng với các quan chức Trung Quốc về ấn tượng của ông đối với Mendès-France, Chu nhận định rằng vị lãnh tụ Pháp thẳng tính và có thể xem như bạn. Vị thủ tướng Trung Quốc tin tưởng rằng hoà bình tại Đông Dương sẽ thành sự thật qua tay của Mendès-France.[62]
Chu Ân Lai đã tìm được một cơ hội trong cơn khủng hoảng của Pháp để đạt được thoả thuận tại Geneva. Sau cuộc gặp gỡ với thủ tướng Pháp, Chu trao đổi nhận định của mình về tình hình của Pháp với Phạm Văn Đồng, yêu cầu ông không được "kỳ kèo" về vấn đề vĩ tuyến thứ 17. Tạo điều kiện để Mendès-France giữ thể diện là cái giá rất nhỏ để ông ta rút quân về nước. Chu nói tiếp, "Sau khi Pháp rút quân, toàn bộ Việt Nam sẽ là của ông."[63] Rõ ràng là Chu xem việc thừa nhận vĩ tuyến 17 chỉ là một chiến thuật thối lui tạm thời của phe Việt Minh. Quan điểm của ông là khi quân Pháp không còn ở Việt Nam, VNDCCH sẽ có thể thống nhất đất nước.
Chu có các buổi họp với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tại Liễu Châu, một thành phố ở miền nam Trung Quốc, từ 3 đến 5 tháng Bảy. Giáp khởi đầu thảo luận bằng việc báo cáo tình hình chiến sự tại Đông Dương. Khi Chu hỏi, "Nếu Hoa Kỳ không can thiệp và Pháp tiếp tục cuộc chiến bằng cách tăng cường quân, chúng ta sẽ cần bao lâu để thắng hoàn toàn Đông Dương?," vị tư lệnh QĐNDVN trả lời rằng cần từ hai đến ba năm. Hồ bổ xung rằng nếu Hoa Kỳ không can thiệp, phải cần từ ba đến năm năm để đánh bại Pháp.[64]
Sau thảo luận ban đầu về tình hình quân sự, tiếp đến Chu phân tích những hệ quả về chính trị và quốc tế từ chiến tranh và hoà bình tại Đông Dương, đặc biệt là ảnh hưởng của chúng đối với Đông Nam Á, với quan hệ của Hoa Kỳ và các đồng minh, và với chính phủ Bảo Đại. Trước tiên Chu thú nhận là đã không hiểu biết gì về tình hình ở Lào và Cambodia: "Đông Dương bao gồm ba nước. Nhưng trong quá khứ chúng tôi cứ ngỡ là chỉ có một nước ... Trên thực tế thì cả ba đều là các quốc gia với dân tộc khác nhau. Chúng đã giữ nguyên như thế trong mấy nghìn năm nay. Chúng tôi đã không biết điều này mãi cho khi đến Geneva." Sau đó ông khẳng định rằng Lào và Cambodia có thể liên kết bằng hoà bình và chiến tranh sẽ đẩy chúng sang phía Hoa Kỳ. Điều này cũng đúng với các khu vực Đông Nam Á, Nam Á, và tây Thái Bình Dương, Chu tiếp tục. Nhấn mạnh rằng vấn đề Đông Dương có thể ảnh hưởng đến Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Sri Lanka, và Philippine, Chu trích lời Mao rằng nếu không giải quyết cẩn thận, vấn đề này có thể "ảnh hưởng đến mười quốc gia với tổng cộng 600 triệu dân." Nếu Việt Minh giữ quan hệ hữu nghị với Lào, Cambodia, và những nước khác trong vùng Đông Nam Á, Chu giải thích, các quốc gia như Ấn Độ, Miến Điện, và Indonesia sẽ không phản đối việc chính quyền VNDCCH kiểm soát toàn bộ Việt Nam, và các điều kiện sẽ chín mùi để thống nhất Việt Nam qua bầu cử. Đề cập đến chủ ý của Hoa Kỳ tại Đông Dương, Chu khẳng định rằng Washington có thể sẽ đánh chiếm Việt Nam thay vì Trung Quốc. Vì thế, tốt hơn là giành được Việt Nam qua ngã hoà bình. Trận chiến Điện Biên Phủ và tình hình thế giới đã khiến Việt Minh nắm giữ vùng châu thổ sông Hồng dễ dàng hơn.[65]
Về những ảnh hưởng của chiến tranh và hoà bình đối với quan hệ của Hoa Kỳ và các nước đồng minh, Chu lập luận rằng hoà bình có thể làm gia tăng mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ với Pháp và giữa Hoa Kỳ với Anh, và chiến tranh có thể khiến chính phủ Mendès-France sụp đổ và đẩy Washington và London lại gần nhau để thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Về ảnh hưởng của chiến tranh và hoà bình đối với chính quyền Sài Gòn, Chu quả quyết rằng hoà bình có thể gây chia rẽ giữa Hoàng đế Bảo Đại và đối thủ của ông là Ngô Đình Diệm bằng cách khiến Bảo Đại phải miễn cưỡng đứng về phía Hoa Kỳ và thúc đẩy ông truất phế Diệm, trong khi chiến tranh có thể không đạt được mục tiêu loại bỏ Bảo Đại và Diệm. Chu nhấn mạnh rằng hoà bình có lợi cho mọi phía và giúp cô lập Hoa Kỳ. Xoay sang những đề xuất cụ thể để chấm dứt chiến tranh, vị thủ tướng Trung Quốc nói rằng vĩ tuyến 16 có thể là đường phân giới, nhưng nếu không thể chấp nhận được, thì Đường Thuộc địa số 9 (RC9), vốn nằm gần vĩ tuyến 17, có thể được dùng cho vạch phân giới.[66]
Hồ Chí Minh đồng ý với phát biểu của Chu: "Chúng ta phải giúp Mendès-France để ông ta không từ chức. Điều này có ích cho chúng ta. Chúng ta phải có những trao đổi tích cực với Pháp để đạt được hoà bình trước mùa bầu cử tháng Mười một ở Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ còn đang lưỡng lự về việc can thiệp. Sau tháng Mười một, chúng ta không biết chắc quan điểm của ho sẽ ra sao. Việt Nam đang đứng tại ngã tư đường giữa chiến tranh và hoà bình. Đường lối chính của chúng ta là giành lấy hoà bình và chuẩn bị cho chiến tranh." Vị lãnh tụ VNDCCH thừa nhận tính tiêu cực của nền hoà bình bị chia cắt tại Việt Nam và nhấn mạnh rằng lãnh đạo đảng cần phải "thay đổi quan điểm của các cán bộ cao cấp." Dự đoán những khó khăn của việc tái chiếm Hà Nội và Hải Phòng trong tương lai, Hồ nhắc rằng đảng cần chuẩn bị tinh thần cho các cán bộ. Trong vấn đề này, ông cũng nhờ Trung Quốc trợ giúp.[67] Các nhận định của Hồ rất quan trọng vì chúng cho thấy ông cũng có cùng nỗi lo lắng như Trung Quốc về việc người Mỹ can thiệp vào Việt Nam.
Bộ chính trị ĐLĐVN báo cho Phạm Văn Đồng các quyết định tại cuộc họp Liễu Châu với một chỉ thị mang tiêu đề "Tài liệu 5 tháng Bảy". Tài liệu này chỉ đạo cho ông phải giành thế chủ động trong đàm phán bằng cách đề nghị: (1) chấm dứt chiến tranh và dùng vĩ tuyến 16 làm vạch phân giới nếu có thể; nhưng với thực tế là đến lúc này Pháp vẫn không nhượng bộ vì Đường 9 ở phía bắc vĩ tuyến 16 là một lối thông ra biển đầy quan yếu của Lào, nên chuẩn bị sửa đổi các chính sách liên quan đến vạch phân giới; (2) chỉ định hai tỉnh Sam Neua và Phong Saly của Lào nằm gần Trung Quốc và Việt Nam là địa điểm tập kết của Pathet Lào; và (3) đạt được một giải pháp chính trị cho Cambodia.[68]
Ngày 6 tháng Bảy, Chu quay lại Bắc Kinh và đã phát biểu trước hội nghị mở rộng của bộ chính trị vào ngày hôm sau về các thương lượng tại Geneva cũng như những cuộc thảo luận của ông với các lãnh đạo ĐLĐVN tại Liễu Châu. "Những nguyên tắc mà chúng ta theo đuổi tại Geneva," Chu khẳng định, "là liên kết với Pháp, Anh, các nước Đông Nam Á và ba nước Đông Dương - nghĩa là liên kết với mọi thành phần quốc tế nào có thể liên kết được - để cô lập Hoa Kỳ và để giới hạn và phá vỡ kế hoạch bá quyền thế giới của Mỹ. Vấn đề then chốt là đạt được hoà bình tại Đông Dương." Sau khi báo cáo tiến độ tại hội nghị trong hai tháng qua, Chu cho rằng những thắng lợi này đã giúp giảm bớt những căng thẳng trên thế giới và "đã ngăn chặn kế hoạch bành trướng thống lĩnh thế giới của Hoa Kỳ." Ông dự đoán rằng có khả năng tìm được giải pháp ngừng bắn tại Đông Dương và đạt được thoả thuận ở Geneva là rất lớn. Mao đã tuyên dương nỗ lực của Chu tại Genenva.[69]
Trên đường quay lại Geneva vào ngày 10 tháng Bảy, Chu đã dừng lại Moscow để hội đàm với Georgi Malenkov, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các lãnh đạo Xô Viết khác. Họ cũng đồng quan điểm với Trung Quốc rằng đã đến lúc phải tìm ra một thoả thuận tại Geneva khi Mendès-France vẫn còn tại chức. Liên Xô cho rằng Hoa Kỳ đang gây áp lực lên vị lãnh tụ Pháp; nếu Việt Minh cứ khăng khăng bắt Mendès-France chấp nhận những đòi hỏi "không chấp nhận được", người Mỹ sẽ lợi dụng điều này, thành phần thiên chiến tranh của Pháp sẽ đạt lợi thế, và chính phủ Mendès-France sẽ sụp đổ. Điều này sẽ gây bất lợi cho giải pháp đối với cuộc chiến Đông Dương cũng như sự an toàn của VNDCCH.[70]
Đến Geneva ngày 12 tháng Bảy, Chu triệu tập một cuộc họp với phái đoàn Trung Quốc. Lý Khắc Nông báo cáo các đàm phán tại Geneva trong thời gian Chu đi vắng, và Trương Văn Thiên nói rằng Phạm Văn Đồng đã miễn cưỡng thi hành chỉ thị của ĐLĐVN trong "Tài liệu 5 tháng Bảy", một mực đòi đường phân giới nằm tại vĩ tuyến 14 hoặc 15. Sau khi khen ngợi công lao của Lý và Trương, Chu nói rằng Hoa Kỳ đang bị cô lập trong vấn đề Đông Dương và muốn thực hiện "chiến lược ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản trên toàn cầu" của họ bằng cách mở rộng cuộc chiến Đông Dương. Sua khi lưu ý việc Washington đang gây sức ép lên Medès-France không được nhượng bộ tại Geneva, Chu nhấn mạnh rằng phe Cộng sản nên giúp vị thủ tướng Pháp cưỡng lại Hoa Kỳ.[71]
Về việc Phạm Văn Đồng không muốn thoả hiệp trong bàn đàm phán, Chu bảo rằng "có thể đạt được thắng lợi bằng cách tiếp tục chiến tranh nhưng điều này cần một cuộc chiến đấu lâu dài và khó khăn. Hơn nữa chúng ta cần chuẩn bị đối phó với việc Hoa Kỳ mở rộng chiến tranh. Vì thế, hoà bình sẽ có ích hơn vì chúng ta có cơ hội để củng cố và phát triển lực lượng để tiến triển hơn về sau." Sau đó Chu xoay sang chỉ trích Đồng vì đã ủng hộ mô hình "Liên bang Đông Dương", ông nói rõ đây là một vi phạm nghiêm trọng đến độc lập và chủ quyền của Lào và Cambodia. Điều kiện cách mạng tại hai nước này chưa chín mùi, Chu kết luận, và "không thể xuất khẩu cách mạng." Nhấn mạnh rằng tính trung lập của Lào và Cambodia cần được khuyến khích, Chu quyết định rằng cần thuyết phục Đồng thêm nữa.[72]
Rõ ràng là các nhà ngoại giao Trung Quốc đã lo sợ những chủ định của Việt Nam nhằm tạo ra một khối quân sự cho cả ba quốc gia Đông Dương sau khi người Pháp rút khỏi khu vực. Họ bất bình trước việc Việt Nam tìm cách đặt quyền lợi của Lào và Cambodia sau quyền lợi của VNDCCH. Mặc dù ĐCS Đông Dương đã giải thể vào năm 1951 và các đảng Cộng sản riêng rẻ đã được thành lập tại Lào và Cambodia, quan điểm chiến lược của Việt Nam vẫn không thay đổi. Khi soạn thảo các kế hoạch chiến lược, người Việt vẫn tiếp tục xem Đông Dương là một địa phận quan yếu duy nhất. Thói quen tư duy này bắt rễ từ người Pháp. Trong giai đoạn thực dân Pháp còn cai trị, Paris đã xem khu vực này như là một đơn vị chiến lược chung, luôn luôn liên hệ Lào và Cambodia vào việc bảo vệ Việt Nam. Việc Pháp kiểm soát Cambodia vào năm 1963 chủ yếu là nhằm bảo vệ thuộc địa của họ tại Nam Kỳ, và việc Paris chiếm đóng Lào từ 1893 đến 1907 tương tự là để bảo vệ những khu vực bảo hộ của họ tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.[73]
Sau khi họp mặt với đoàn Trung Quốc, Chu Ân Lai báo với Molotov kế hoạch nói chuyện với Phạm Văn Đồng của ông. Ông hi vọng sẽ thuyết phục vị lãnh tụ VNDCCH đưa ra một đề xuất mới tại cuộc đàm phán nhằm giúp đỡ Mendès-France và ngăn cản chính sách phá hoại Hội nghị Geneva của bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Foster Dulles. Vị bộ trưởng ngoại giao Liên Xô hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của Chu. Trong cuộc thảo luận với Đồng tối 12 tháng Bảy, Chu lặp lại những kết luận từ hội nghị Liễu Châu, dùng cuộc chiến tranh Triều Tiên làm ví dụ để cảnh báo người trưởng đoàn đàm phán VNDCCH về những hệ quả của việc người Mỹ can thiệp. Để thuyết phục được Đồng từ bỏ những khu vực của Việt Minh tại miền nam Việt Nam, Chu đã dẫn ra những kinh nghiệm mà ĐCSTQ đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống Nhật và cuộc nội chiến Trung Quốc để nêu bật mối quan hệ biện chứng giữa tiến công và triệt thoái.[74] Nhận ra rằng Đồng vẫn còn hoài nghi về các đàm phán tại Geneva, ngày 15 tháng Bảy Hồ Chí Minh đã đánh điện cho ông, kêu gọi ông phải làm theo chỉ thị trong "Tài liệu 5 tháng Bảy."[75] Bị Chu và Hồ áp lực, cuối cùng Đồng đã từ bỏ quan điểm cứng nhắc của mình.
Hiệp định Geneva 1954 phản ánh ảnh hưởng ôn hoà của các phái đoàn Trung Quốc và Liên Xô. Việt Nam sẽ bị tạm chia hai dọc theo vĩ tuyến 17 để tạo điều kiện cho lực lượng quân sự hai phía tái tổ chức. Quốc gia sẽ được trung lập hoá, và cả hai phía không được tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào. Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào tháng Bảy 1956 dưới sự giám sát của một uỷ ban quốc tế bao gồm các đại diện của Canada, Ấn Độ, và Ba Lan. Hiệp ước cũng giải quyết vấn đề ngưng bắn tại Lào và Cambodia. Việt Minh phải rút quân khỏi Lào và Cambodia và Pháp phải rút quân khỏi cả ba nước. Quân Pathet Lào sẽ tập kết tại Sam Nuea và Phong Saly. Lào và Cambodia không được tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào hoặc cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên đất mình ngoại trừ khi an ninh quốc gia họ bị đe doạ rõ rệt.[76]
Phía Việt Minh đã miễn cưỡng chấp nhận hiệp định. Vương Bỉnh Nam nhìn nhận: "Một số trong VNDCCH đã hi vọng thống nhất hẳn Việt Nam."[77] Hồ Chí Minh hẳn phải nhìn ra rằng nếu không có Trung Quốc và Liên Xô giúp đỡ, ông chẳng thể nào đánh bại được Pháp và đạt được vị thế hiện tại. Ông không thể nào chống lại áp lực từ hai đồng minh Cộng sản của mình. Mặt khác, giới lãnh đạo ĐLĐVN và cả Chu Ân Lai lẫn Molotov, đều hoàn toàn tin rằng chỉ trong hai năm, cả Việt Nam sẽ vào tay ông.
Trước sự ngạc nhiên và thất vọng của cả ba quốc gia Cộng sản, Diệm đã củng cố chính quyền mình tại Nam Việt Nam với giúp đỡ của Hoa Kỳ. Đến ngày bầu cử toàn quốc về thống nhất quốc gia theo Hiệp định Geneva, Sài Gòn đã từ chối tham gia trên lý do là không thể có tự do bầu cử ở Bắc Việt. Hơn nữa, Diệm cho rằng chính phủ ông không bị ràng buộc bởi Hiệp định Geneva vì nó đã không tham gia ký kết.
Chắc chắn là áp lực của Chu Ân Lai tại Geneva đã làm Phạm Văn Đồng và các đại diện khác trong đoàn Việt Nam mất thiện cảm và có thể đã làm sống lại mối nghi ngờ lâu đời của người Việt là Trung Quốc đang ấp ủ tham vọng riêng đối với Đông Dương. Đối với những người Cộng sản Việt Nam, Hội nghị Geneva là một bài học về bản chất và giới hạn của tinh thần quốc tế Cộng sản. Lúc này họ tạm đè nén nỗi bất bình để giữ quan hệ chặt chẽ với đồng minh, nhưng mầm mống của những mâu thuẫn tương lai đã được gieo trồng tại Geneva.[78]
(còn tiếp)
Chủ đề: Lịch sử
- See more at: http://www.danluan.org/tin-tuc/20151121/trach-cuong-trung-quoc-va-nhung-cuoc-chien-tranh-viet-nam-1950-1975-c2-p2#sthash.XWuBflSQ.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét