Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

HẮN LÀM PHÓ GIÁO SƯ

Hắn làm phó giáo sư ...


Khi những tranh luận chung quanh việc ĐH Tôn Đức Thắng đòi quyền bổ nhiệm giáo sư, một số người trong Hội đồng Nhà nước và vài trường đại học phản đối kịch liệt, vì họ cho rằng cái chức danh giáo sư / phó giáo sư do Nhà nước phong cho họ là cao quí, và qui trình nghiêm ngặt. Nhưng đọc bài dưới đây, "Hắn làm phó giáo sư ..." (1), thì thấy cái nhếch nhác trong qui trình "phong" chức danh giáo sư của cái hội đồng đó. Tác giả không nói thẳng, nhưng tôi thì hiểu rằng đó là một qui trình hối lộ, là mua bán chức danh, tức là thối nát.





Tôi không hề ngạc nhiên về những thông tin trong bài này, kể cả cái giá (mà tôi nghĩ là hơi thấp). Nhưng đây là bài đầu tiên có nhắc đến sự nhếch nhác này qua một trường hợp tiêu biểu. Trong thực tế, cái giá (đồng và USD) đối với vài người mà tôi biết được còn cao hơn con số mà tác giả đề cập trong bài này. Đây là một trường hợp tiêu biểu về sự chạy chọt cho có cái danh hảo. Một qui trình học thuật mà trong đó chỉ cần 1 người mua được chức danh hay1 người bất tài có thể chạy chọt để thành "sư", thì cũng đủ để nói đó là một qui trình thất bại và thối nát.

Dĩ nhiên, không phải ai được cái Hội đồng Nhà nước phong là dỏm, vì theo một bậc trưởng thượng, khoảng 20% là thật. Nhưng sự nhập nhằng giữa 80% dỏm và 20% (*) thật làm cho cái thiểu số thật mang tiếng. Người thật mang tiếng đã là bất công, nhưng cái qui trình thối nát kia vẫn còn tồn tại là một bất công lớn hơn cho xã hội và nền giáo dục nước nhà.

Ấy thế mà có nơi làm đàng hoàng, công bố tiêu chuẩn theo chuẩn quốc tế minh bạch trên mạng, nhưng họ quyết liệt chống! Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu rằng tại sao lực cản quá lớn, vì những kẻ dỏm chiếm đến 80% trong cái "thế giới giáo sư" ở VN. Nhưng chúng ta phải thay đổi, phải cải cách tốt hơn, chứ không thể để nguyên trạng được.

NVT

(*) "Đánh giá nghiêm túc theo chuẩn mực quốc tế, có lẽ chỉ 15-20% số GS, PGS của ta có trình độ thật sự tương xứng với chức vụ đó, theo sự thú nhận của chính ông Tổng Thư Ký Hội đồng Chức danh GS Nhà Nước. Còn lại không chỉ thấp mà có đến hơn 1/3 rất thấp." (trích "VN có baonhiêu GS, PGS trình độ quốc tế?")


=======


Hắn làm phó giáo sư ...

Nguyên Anh

(TBKTSG) - Ra trường, mỗi đứa đi một nẻo. Tôi nhận công tác nơi xa, còn hắn được giữ lại trường. Bố hắn, cán bộ cấp cao ở tỉnh. Học bình thường nhưng được cái tính tình vui vẻ, hòa đồng, bạn bè trong lớp nhờ việc gì hắn chẳng nề hà.

Hắn có sở thích cũng lạ, những đêm lớp trực tại trường, một - hai giờ sáng, hắn rủ tôi lên ga (tàu hỏa), gọi mấy cái kẹo lạc và ấm chè. Tôi không thích nhưng nhìn hắn nhâm nhi... chè chén rồi trầm ngâm kể về những ngày còn nhỏ ở quê, giọng Bắc của hắn dễ nghe, dần cuốn hút tôi. Lúc lên trường nhận quyết định phân công, gặp hắn để tạm biệt, tôi hỏi: “Ở lại trường làm gì?”, hắn trả lời gỏn lọn: “Chẳng quan tâm”.

Thấm thoắt, vậy mà hơn 20 năm..., tôi và hắn giờ công việc, gia đình, con cái đều đủ đầy, căn bản. Hôm rồi họp lớp gặp lại, tàn tiệc hắn mời tôi về nhà chơi. Vẫn kẹo lạc và ấm chè nóng, vẫn giọng Bắc âm ấm, chỉ có khác là không ngồi ở nhà ga mà trong phòng khách nhà hắn. Tài liệu ngập cả phòng, hắn bảo đang làm hồ sơ đề nghị bổ nhiệm phó giáo sư. Tôi hỏi hắn: “Khó lắm không?”. Lại... nhấp “chén chè”, hắn thong thả: “Chuyên môn thì vẫn thế, vấn đề là biết quan hệ”. Hắn kể, ra các hội đồng xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư tại đây, được hay hỏng quyết định nhiều ở cách biết xử sự với những thành viên trong hội đồng. Đã có vị, chuyên môn tốt lắm nhưng do không biết quan hệ, vậy là hai ba bận ra hội đồng đều không được.

“Báo cáo bằng tiếng Anh thì sao?”, tôi băn khoăn. Hắn cho biết, tiếng Anh phải nhờ cô giáo dịch báo cáo khoa học rồi dạy phát âm luôn, mất hơn chục triệu. Ra hội đồng người ta hỏi thì sao? Câu hỏi sẽ được cho trước và nhờ cô giáo tiếng Anh chuẩn bị luôn. Muốn được vậy, phải đến nhà hoặc cơ quan của các vị trong hội đồng, cũng mất cho các vị ấy mấy chục triệu(?). Các vị đều vui vẻ nhận và hứa giúp. Ở đây, việc này đã thành lệ, chẳng có gì lạ. Lúc tạm biệt, tôi chúc hắn suôn sẻ.

Gần tháng sau, hắn điện thoại vui vẻ báo, hội đồng biểu quyết nhất trí 15/15. Vậy là xong một bước. Tôi quan tâm đến báo cáo của hắn bằng tiếng Anh, hắn ậm ừ... cũng tạm tạm. Hắn kể, có một thành viên trong hội đồng hỏi bằng tiếng Anh, chẳng nghe được. Người hỏi hỏi một đằng, hắn trả lời chung chung. Bởi trong hội đồng có nhiều vị đâu nghe được tiếng Anh.

Tôi hỏi: “Chúc mừng phó giáo sư được chưa?”. Hắn bảo chưa, còn một hội đồng cao hơn và sau đó về lại đơn vị mình công tác, bỏ phiếu đề nghị công nhận phó giáo sư nữa. Tại đây, hết thảy giảng viên, nhân viên trong khoa đều tham gia bỏ phiếu. Khoa đang “đấu đá”, hắn thuộc phe thiểu số nên đang tìm cách đối phó. Hắn than nếu ngồi yên, chắc chỉ được mấy phiếu, bọn đó (chỉ phe còn lại) sẽ cho hắn rớt chắc!. “Có cách nào khác không?” tôi thắc mắc. “Có chứ, tao dạy nhiều nơi, có dạy ở viện X nên nhờ ở đó làm hồ sơ đề nghị công nhận”, hắn thẳng thắn, “ba chục, nhưng để họ làm nhanh tao sẽ bỏ luôn năm chục”. Hắn cho biết đã làm hồ sơ và đưa rồi, nhanh thôi, đang cố trước ngày Nhà giáo Việt Nam là có quyết định công nhận.

Nghe tôi hỏi tiền đâu nhiều vậy, hắn giải thích, một ít là do đi dạy, ngồi các hội đồng cao học, nghiên cứu sinh... Cứ mỗi hội đồng, tùy nhiệm vụ (chủ tịch, thư ký, phản biện) cũng kiếm được vài ba triệu. Còn lại - vợ hắn một chủ doanh nghiệp có “số má” - tài trợ. “Xong phó giáo sư tao xin chuyển sang đơn vị khác, chứ ở đây “đánh nhau” quá, chịu không siết,” hắn tâm sự. Đi đâu? Hắn cười, cũng nhiều nơi, vợ bảo rồi, được việc thì một, hai tỉ! Hắn cho biết đang nhờ “cò”, cũng có vài nơi hẹn gặp, cũng có nơi đã nhận hồ sơ. Trường biết hắn xin bổ nhiệm phó giáo sư ở viện X, lãnh đạo trường gọi hắn lên tâm tình, động viên để hắn làm hồ sơ bổ nhiệm tại trường. Hắn im lặng và không làm. “Không tin được, giăng bẫy đấy!”, hắn kể, vẻ uất ức.

Hơn chục ngày sau, lên trang web của viện X thấy tên hắn trong danh sách được công nhận phó giáo sư, tôi gọi điện thoại chúc mừng, hắn dửng dưng: “Có gì đâu, mất hơn...trăm...”. Hắn bảo đang bận rồi cúp máy nhanh. Sáng nay, đài báo thời tiết nơi hắn ở trời trở rét, nơi tôi ở, trời âm u chuyển mưa, chuẩn bị mưa to đây, những cơn mưa cuối mùa. Tôi lẩm bẩm một mình, ừ thì chúc mừng... Phó giáo sư.

4 comments:

Anonymous said...
Tôi làm trong ngành Y, tôi biết vài người miền Nam và miền Trung "làm Tiến sĩ" (Y khoa) ở HN cách đây 2 năm mất khoảng 1T (tỉ VND). Số tiền đó phần lớn là "tiền XYZ" còn lại một ít là gồm tiền vé máy bay đi lại, tiền sinh hoạt trong những lần ra HN trong quá trình làm đề tài. Đa số người mà tôi biết thường "làm" ở các Viện, ở Trường thì ko trắng trợn như ở Viện nhưng ở đó "XYZ" cũng chiếm phần lớn chi phí của "NCS" nhưng còn tùy thuộc vào "ứng xử" và "quan hệ"...nữa, nói chung cũng nhiêu khê chứ không phải muốn là được.
DauBap said...
Cám ơn tác giả đã viết giúp tôi những mảng sự thật 'tối đen' của thị trường mua danh bán tước. Tất cả những gì tác giả viết, theo tôi, là sự thật 100%
Anonymous said...
Bài viets sinh động quá mặc dù ai cũng biết một mảng tối của nền khoa học nước nhà .Có điều kỳ lạ là lãnh đạo đảng và nhà nước lại cố tình không uốn nắn cho tốt lên .ngược lại ,họ có vẻ bằng lòng .Thật xấu hổ khi phải so sánh với các nước bạn bè
Anonymous said...
Con số 80% giả 20% thật của GS khó tin quá. Khách quan mà nói HDCDNN mà còn vậy nếu để TDTU làm thì còn chả biết đâu mà lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét