Mỹ phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ
những đòi hỏi về biển liên quan đến đường 9 đoạn
theo cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế (ảnh: KT)
Báo cáo được công bố chỉ 1 tuần trước thời hạn Toà trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc đưa ra tài liệu biện luận về vụ kiện của Philippines .
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo phản bác đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra tại Biển Đông. Báo cáo được công bố chỉ 1 tuần trước thời hạn Toà trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc đưa ra tài liệu biện luận về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông.
>> Trung Quốc tuyên bố về phân xử tranh chấp trên biển Đông
>> Trung Quốc tuyên bố về phân xử tranh chấp trên biển Đông
Báo cáo do Cục Đại dương và Các vấn đề môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành với mục đích nghiên cứu những đòi hỏi về biển hoặc ranh giới biển của các quốc gia duyên hải và đánh giá sự phù hợp của những đòi hỏi này với luật pháp quốc tế.
Báo cáo cho biết năm 2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó đính kèm bản đồ đường 9 đoạn bao trùm các đảo, vùng nước và cấu trúc địa lý khác tại Biển Đông.
Đường 9 đoạn là yêu sách phi lý của Trung Quốc –
Ảnh: chụp từ báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ
|
Đường 9 đoạn chiếm khoảng 2 triệu km2 diện tích biển (tương đương 22% diện tích đất của Trung Quốc) và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông (trừ Đài Loan và đảo Đông Sa), bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và bãi cạn Scaborough.
Báo cáo nêu rõ, đường 9 đoạn nằm khá gần với đường bờ biển của các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông, trong đó đoạn số 1 chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 36 hải lý.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, bản đồ có “đường lưỡi bò” đầu tiên được cho là xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1947, trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.
Bản đồ “đường lưỡi bò” năm 2009 của Trung Quốc có nhiều điểm không thống nhất với các bản đồ khác, trong đó có bản đồ 11 đoạn xuất bản năm 1947. Chẳng hạn như đoạn đứt khúc thứ 2 nằm gần bờ biển Việt Nam hơn 45 hải lý so với đoạn gần nhất trên bản đồ năm 1947 trong khi đoạn 1 gần hơn 15 hải lý.
Báo cáo nhấn mạnh, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ những đòi hỏi về biển liên quan đến đường 9 đoạn theo cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế. Các luật, tuyên bố và hành động chính thức của Trung Quốc đều thể hiện những bằng chứng mâu thuẫn nhau đối với bản chất và phạm vi của các yêu sách mà nước này đưa ra, cho thấy ít nhất 3 cách diễn giải khác nhau mà Bắc Kinh muốn thể hiện.
Thứ nhất, đường 9 đoạn là khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo và vùng biển liên quan được xác lập dựa trên các đảo này theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS). Thứ 2, đường 9 đoạn là các đường ranh giới quốc gia của Trung Quốc. Thứ 3, đường 9 đoạn là ranh giới của cái gọi là “các đòi hỏi biển lịch sử” của Trung Quốc.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ trong trường hợp thứ nhất, nếu đường 9 đoạn thể hiện các đảo mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền thì các đòi hỏi về biển trong phạm vi đường 9 đoạn này phải phù hợp với các quy định của UNCLOS về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập dựa trên bờ biển và các cấu trúc địa lý theo đúng định nghĩa về “đảo” trong điều 121 công ước này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng do đang có tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo tại Biển Đông nên các vùng biển liên quan tới các đảo này cũng là đối tượng bị tranh chấp.
Hơn nữa, kể cả nếu Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo tại Biển Đông đi chăng nữa thì ranh giới của bất kỳ vùng biển nào được xác lập dựa trên các đảo này theo điều 121 của UNCLOS cũng đều phải được phân định giữa các nước liên quan.
Trong trường hợp thứ 2, nếu đường 9 đoạn định thể hiện các đường ranh giới quốc gia của Trung Quốc thì những đường này đều không có cơ sở pháp lý phù hợp với luật biển. Theo luật quốc tế, các ranh giới biển được xác lập dựa trên thỏa thuận giữa các quốc gia láng giềng và do vậy, một quốc gia không thể đơn phương xác lập ranh giới biển với một quốc gia khác.
Hơn nữa, một đường ranh giới như vậy không phù hợp với thực tiễn giữa các quốc gia và luật pháp quốc tế, theo đó vị trí của ranh giới biển được xác định dựa trên đường bờ biển đối diện, dài và liên tục chứ không phải dựa trên các hòn đảo rất nhỏ và biệt lập như tại Biển Đông.
Ngoài ra, các đoạn 2,3 và 8 trên bản đồ năm 2009 của Trung Quốc không chỉ nằm khá gần bờ biển của các nước khác mà tất cả hoặc một phần của những đoạn này đều nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ bất kỳ cấu trúc địa lý nào mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Trong trường hợp thứ 3, nếu đường 9 đoạn định thể hiện khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi cái gọi là “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” thì những yêu sách này cũng không nằm trong mục “đòi hỏi lịch sử” được quy định trong điều 10 và 15 của UNCLOS.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Biển Đông là vùng biển nửa kín lớn, trong đó nhiều quốc gia duyên hải được hưởng quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật biển. Luật biển không cho phép các đòi hỏi về biển của một quốc gia dựa trên yếu tố “lịch sử” được đứng trên những quyền này của một quốc gia khác.
Trung Quốc cũng không đáp ứng được các tiêu chí pháp lý đối với yêu sách về “vùng nước lịch sử”, bao gồm thực thi chủ quyền một cách công khai, được biết đến rộng rãi, liên tục và hiệu quả tại Biển Đông; và được các nước khác công nhận việc thực thi này. Báo cáo kết luận, với những lý do trên, yêu sách hiện nay của Trung Quốc về đường 9 đoạn là không phù hợp với luật quốc tế về biển.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra chỉ ít ngày trước thời hạn Toà trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc phải đưa ra tài liệu biện luận về vụ kiện của Phillipines (15/12/2014) đối với những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ngày 7/12 vừa qua, Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận tham gia vụ kiện trên.
Nhật Quỳnh/VOV- Washington
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét