Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

THÀNH TÍCH NÀO CHO QUỐC HỘI VN

Thành tích nào cho Quốc Hội Việt Nam?

Posted by adminbasam on 07/12/2015
Phạm Chí Dũng
6-12-2015
“Đòi nợ”
Thành công vang dội nhất của Quốc Hội Việt Nam tại kỳ họp cuối năm 2015 có lẽ là kết quả “đòi nợ.”
Món nợ trên thuộc về lời hứa hẹn tăng lương cho giới hưu trí và đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức nhà nước mà phía chính phủ đã trễ hẹn suốt ba năm qua.
Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đóng vai trò chủ thể quyết định trong việc đòi nợ trên. Chỉ sau khi ủy viên Bộ Chính Trị này “càm ràm” theo cách “nói hay thế mà sao một đồng tăng lương cũng không có” trước báo cáo trơn tuột của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên chính phủ mới vội vã “giật gấu vá vai” để tìm ra ít ngàn tỷ đồng tăng 8% lương cho giới về hưu và 5% lương cơ bản cho công chức viên chức từ năm 2016.

Tuy nhiên, số tiền được dùng cho tăng lương sắp tới chỉ vào khoảng 10,000 tỷ đồng, khác xa nguồn gốc dự kiến khoảng 30,000 tỷ đồng vào đầu năm 2015. Để có được số tiền này, chẳng còn một nguồn dôi dư nào mà đành phải “tiết kiệm là quốc sách” từ chi phí hội họp, tiếp khách và đi nước ngoài.
Dù còn xa mới đạt yêu cầu về “rửa mặt,” nhưng chí ít tình hình cán cân lực lượng cũng không đến nỗi thiểu não như khoảng thời gian cuối năm 2014. Người ta còn nhớ ngay trước kỳ họp Quốc Hội cuối năm ngoái, một số trong giới ngân hàng suýt phát điên bởi sự kiện một trong những người được coi là thân tín với chủ tịch Quốc Hội bị bắt khẩn cấp và bị tống giam ngay lập tức. Tiếp liền vụ bắt một hơi ba quan chức cao cấp của Ngân Hàng Xây Dựng vào Tháng Bảy, 2014, cái tên Hà Văn Thắm của ngân hàng có tên rất mơ màng là Đại Dương đã trở nên nỗi đe dọa khủng khiếp đối với “sân sau” của giới lãnh đạo chính trị – nếu bản chất vụ việc đúng là như vậy.
Còn vào cuối năm nay, tình hình có vẻ trở nên dễ thở hơn khá nhiều với ông Nguyễn Sinh Hùng. Trước Hội Nghị Trung Ương 12 vào đầu Tháng Mười, đã chẳng có “chân dung quyền lực” nào và không khí “an ninh trật tự” cũng hoàn toàn lặng sóng. Thậm chí trước kỳ họp quốc Hội năm nay đã chẳng xảy ra một vụ bắt bớ nào.
Trong khung cảnh khá an toàn như thế, không những đòi được một phần nợ lương từ phía chính phủ, Chủ Tịch Hùng còn tăng cường được vị thế “cơ quan giám sát” và đường hướng dân chủ hóa đôi chút của ông trước khi “hạ cánh.” Tối thiểu, thủ tướng cũng phải ra điều trần trước Quốc Hội, dù ngay sau đó đã hiện lên phản ứng dư luận “hỏi thẳng, trả lời cong.”
Câm nín
Nhưng có lẽ bản thành tích của Quốc Hội Việt Nam và Chủ Tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đến thế.
Năm nay, so với năm ngoái, tình hình kinh tế và ngân sách đã thảm thiết hơn rất nhiều. Lần đầu tiên nổ ra hiện tượng một đương kim bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư – ông Bùi Quang Vinh – để mặc dòng cảm thán tuôn trào về “ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng” mà “không biết phân bổ cho cái gì.”
Chưa một kỳ họp Quốc Hội nào, không khí ngân sách lại trở nên nguy ngập như cuối năm 2015. Bội chi ngân sách vẫn tăng vọt; tiếp biến năm 2014, nợ công và nợ xấu đều vượt trần khủng hoảng; chi đầu tư công cùng tràn ngập các trụ sở hành chính hoàng tráng và tượng đài đã phá phách chút niềm tin cuối cùng vào chính thể; còn nạn tham nhũng vẫn hoàn toàn “ổn định”…
Tưởng như thời điểm cuối năm 2015 đã chứng kiến một kỳ họp Quốc Hội bùng nổ. Nhưng một trong những đau khổ tận cùng của nhân loại là người ta không thể thốt ra được cái đau khổ riêng có từ đáy lòng. Vẫn quá ít tiếng nói bức xúc và phản biện xuất xứ từ một Quốc Hội mang nặng thói quen nín thở. Hiện thực khó có có thể tưởng tượng được là bất chấp cái hiện thực quá sức đen tối về tương lai túi rỗng, tuyệt đại đa số đại biểu dân bầu vẫn ung dung hưởng lạc trong khán phòng tiêu tốn hàng tỷ đồng cho mỗi ngày họp.
Những ngày họp hoang phí như thế đã kéo dài ít nhất từ năm 2011 – khi lạm phát lên đến 20% chỉ tính trên báo cáo và nền ngân sách quốc gia bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng – cho đến tận bây giờ.
Nhưng nếu vào năm 2011 vẫn còn rơi rớt chừng 4-5 dân biểu chịu phản biện, thì đến năm 2012 con số đó chỉ còn một nửa, dù tình thế kinh tế và ngân sách lại càng ngập ngụa hơn.
Còn từ năm 2013 đến nay, điều kỳ lạ là bất chấp kinh tế và xã hội mau chóng rơi vào cơn mê sảng, Quốc Hội vẫn như câm nín.
Thái độ câm nín quá đáng nể phục như thế còn xuất thần hơn trước “bạn vàng” Trung Quốc. Nếu vào giữa năm 2014 và song trùng với cuộc tấn công chính trị của giàn khoan Hải Dương 981 mà Quốc Hội Việt Nam còn không thở hắt được bản nghị quyết nào về Biển Đông, đến cuối năm nay tất cả như phủ phục dưới cái xoa đầu nghễu nghện của Tập Cận Bình.
Để ngay sau khi rời Hà Nội, họ Tập thẳng tuột tại Singapore về “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc,” còn toàn bộ Quốc Hội Việt Nam vẫn tiếp tục câm nín.
Được kết thúc vào những ngày gần cuối Tháng Mười Một, nhưng Quốc Hội Việt Nam vẫn như “không nghe, không thấy, không biết” trước hình ảnh tàu Trung Quốc chĩa AK vào tàu hải quân Việt Nam. Chỉ một ngày sau khi kỳ họp Quốc Hội này bế mạc, một ngư dân là Trương Đình Bảy đã bị “tàu lạ” nhảy thẳng sang tàu cá Việt bắn chết.
Bản lĩnh ê chề của Quốc Hội Việt Nam là thế.
Nguyễn Thị Kim Ngân?
Trở nên mờ nhạt một cách bất thường trước ông Nguyễn Sinh Hùng trên phương diện phát ngôn, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân như giữ thái độ “bất tuân dân sự” tại kỳ họp cuối năm 2015.
Đại hội 12 đang đến rất gần với bất cứ sơ sểnh nào cũng trở thành mồi cho lũ cá mập. Nghe nói bà Ngân đang nằm trong vài phương án nhân sự: Hoặc thay ông Hùng làm chủ tịch Quốc Hội, hoặc được điều động về Sài Gòn làm bí thư thành ủy.
Khả năng được đôn lên làm chủ tịch quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là rõ hơn. Bà cũng là người có vẻ được lòng các phe cánh đối đầu.
Nhưng làm thế nào để một khi trở thành chủ tịch Quốc Hội, bà Ngân sẽ trở nên một con én để ít nhất khiến biến đổi gương mặt quá trì độn của phần lớn trong gần 500 đại biểu đang tiêu tốn không ít tiền đóng thuế của dân?
Thực ra chưa thấy manh mối hy vọng nào về chuyện đó. Bằng chứng mới nhất là Luật Trưng Cầu Dân Ý.
Sau gần hai năm đưa lên đặt xuống, Quốc Hội Việt Nam đã chịu thông qua Luật Trưng Cầu Dân Ý vào ngày 25 Tháng Mười Một. Trong quyết định trưng cầu ý dân có “vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước, hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.”
Tuy nhiên như thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng” lại vẫn chưa được chi tiết hóa trong luật. Giải thích về quy định thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng,” Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chỉ mô tả: “Việc xác định thế nào là ‘đặc biệt quan trọng’ gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Do đó, nội dung này nên để Quốc Hội cân nhắc, xem xét quyết định đối với từng nội dung cụ thể khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật Trưng Cầu Dân Ý.”
Cần nhắc lại, trước khi Luật Trưng Cầu Dân Ý được chính thức thông qua, một số ý kiến đã cho rằng Quốc Hội phải tiến hành trưng cầu ý dân về tình trạng chiến tranh hoặc những quyết sách lớn của thể chế liên quan đến Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An và có thể cả chính sách ngoại giao. Tương tự, những dự án có vốn “khủng” lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng (chẳng hạn dự án sân bay Long Thành và dự án đường sắc cao tốc Bắc Nam sử dụng vốn ODA), đương nhiên Quốc Hội phải trưng cầu dân ý.
Thế nhưng có vẻ Luật Trưng Cầu Dân Ý chỉ được thông qua cho có. “Vấn đề đặc biệt quan trọng” vẫn quá mù mờ và dường như bị cố ý “cho qua.” Tình trạng này rất có thể dẫn đến việc hiện diện một pháp lệnh hay nghị định triển khai Luật Trưng Cầu Dân Ý không muốn chi tiết hóa những “vấn đề đặc biệt quan trọng” là gì, và do đó việc cho ra đời luật này chỉ là một cách để đối phó với sức ép dư luận mà hoàn toàn chưa có gì được coi là “xem trọng ý kiến người dân.”
Tình trạng vật đổi người không đổi như thế cho thấy ý chỉ “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” vẫn ngự trị. Theo đó, Bộ Chính Trị đảng cầm quyền luôn muốn cầm tay chỉ việc Quốc Hội mà không để người dân có lấy một chút cơ hội phản biện.
Ngoài Luật Trưng Cầu Dân Ý, Quốc Hội Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng đối phó với hai bộ luật khác được giới dân chủ nhân quyền trong nước và quốc tế lên tiếng thúc ép là Dự Luật Tôn Giáo và Dự Luật Lập hội. Cả hai dự luật này đều liên đới mật thiết với tiến trình vào TPP của Việt Nam.
Và cũng liên đới không kém mật thiết với đường đi nước bước cùng thế còn – mất sau đại hội 12 của từng nhân vật cao cấp, trong đó có đương kim Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Thị Kim Ngân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét