Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

NGUYỄN CÔNG KHẾ - MỘT NỀN BÁO CHÍ TỰ DO CHO VIỆT NAM

Nguyễn Công Khế - Một nền
báo chí tự do cho Việt Nam
Dân luận 09/12/2015
      
Nguyễn Công Khế
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ từ 
New York Times
Dân Luận: Nhân sự việc ông Nguyễn Công Khế bị chỉ trích là đã chiếm đoạt tập đoàn Thanh Niên, chúng tôi xin dịch lại bài viết của ông trên tờ New York Times kêu gọi tự do báo chí ở Việt Nam để độc giả tham khảo.
Ông Nguyễn Công Khế (ảnh báo Thanh Niên)
Nhà cầm quyền Việt nam
phải cho báo chí hoạt động tự do. Nó là điều kiện tối cần thiết cho tiến trình mở cửa kinh tế và chính trị của Việt Nam, cũng như cho Đảng CSVN giành thêm ủng hộ của người dân vì sự tồn vong của chính mình.
Khung cảnh làng báo Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong 5 năm qua, và Đảng CSVN đã đánh mất hầu hết sự kiểm soát của mình đối với lĩnh vực này, để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Giờ đây có hàng ngàn trụ sở báo đài chính thống, tất cả đều được sở hữu bởi chính quyền, và tất cả đều bị kiểm soát bởi Bộ Thông Tin và Truyền Thông và các sở cấp địa phương. Tất cả các tổng biên tập đều được chỉ định, sau được lựa chọn cẩn thận, bởi chính quyền và Đảng CSVN.
Việt Nam cũng có những cơ quan báo chí nửa tư nhân, nơi tạo ra các chương trình TV, các tờ báo điện tử và xuất bản phiên bản tạp chí nước ngoài tại Việt Nam như Esquire hay Cosmopolitan. Nhưng các công ty tư nhân này được yêu cầu phải có đối tác là một cơ quan nhà nước, điều đó có nghĩa là họ cũng cần phải kiểm duyệt cẩn thận.
Trong khi chính quyền tiếp tục nới rộng khu vực mà nó cho là “nhạy cảm” – như quan hệ với Trung Quốc, tranh chấp đất đai, điều kiện sức khỏe của các quan chức cao cấp – nhiều công ty truyền thông đã và đang cung cấp các bản tin ngày càng cẩn trọng hơn. Độc giả, đặc biệt là giới trẻ, đã từ bỏ họ để tìm kiếm những thông tin trung thực, ít mang tính tuyên truyền hơn. Cả lượng xuất bản lẫn thu nhập từ quảng cáo của hai tờ báo chính thống nổi tiếng nhất là Tuổi Trẻ và Thanh Niên, đã sụt giảm tới 2 phần 3 kể từ năm 2008, theo nguồn tin từ lãnh đạo cao cấp của những tờ báo này. Một tờ báo đã tự biến mình thành báo lá cải, xuất bản những bản tin scandal để câu khách.
Thay vào đó công chúng Việt Nam quay sang các nguồn tin nước ngoài, điều họ dễ dàng làm được nhờ mạng internet. Facebook và các mạng xã hội khác cũng nở rộ: Nhiều trí thức và cựu đảng viên đã tạo blog cá nhân trong đó họ chỉ trích chính quyền công khai, thu hút hàng chục ngàn độc giả mỗi ngày. Mặc dù chính quyền đã dựng hệ thống tường lửa trên internet, các biện pháp vượt tường lửa đã trở nên phổ biến và sẵn có. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet cao, so với các nước khác có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Nhưng sự xuất hiện của các nguồn tin thay thế cũng đem lại những vấn đề riêng của nó, bởi vì những nguồn tin này nhiều khi không đáng tin cậy. Công chúng, bao gồm cả các trí thức, đã mất niềm tin hoàn toàn vào hệ thống truyền thông của nhà nước, và vào chính nhà nước, nên sẵn sang cho rằng những câu chuyện chỉ trích chính quyền trên mạng là chính xác, thậm chí ngay cả khi những câu chuyện này không có nhiều bằng chứng xác thực.
Một số sách được xuất bản gần đây tuyên bố rằng họ đã công khai các bí mật nhà nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng: từ nguồn gốc của Đảng CSVN, tới trận chiến với Pháp tại Điện Biên Phủ, tới ý đồ thực của Trung Quốc với Việt Nam, tới cuộc sống riêng tư của Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, đặt câu hỏi về tư tưởng quốc gia của Hồ Chí Minh. Nó cũng tuyên bố rằng Hồ Chí Minh trực tiếp liên can đến chương trình cải cách ruộng đất những năm 1953-1956, dẫn tới cái chết của hơn 170 ngàn người, và có thể đã tham gia chứng kiến buổi xét xử của một số nhà địa chỉ giàu có.
Đảng và chính quyền có xu hướng lờ đi, không bác bỏ những cáo buộc này. Thay vào đó, họ khăng khăng duy trì những hình thức kiểm soát và điều chỉnh vi mô những vấn đề rõ ràng như độ sâu của rãnh xẻ cổ áo nữ ca sĩ.  Điều này cho thấy sự thiếu tự tin của họ, và nó xói mòn uy tín của Đảng, trên cả những vấn đề lợi ích quốc gia quan trọng, như đấu tranh chống tham nhũng và chống lại tham vọng bành trướng trong khu vực của Trung Quốc.
Tham nhũng là một vấn đề lớn, góp phần vào nợ công khổng lồ, tỷ lệ nợ xấu cao và các doanh nghiệp quốc doanh không hiệu quả của Việt Nam. Nợ công đang nhanh chóng tới ngưỡng 65% GDP, được thiết lập bởi chính quyền. Và Đảng CSVN, chính quyền và quốc hội đã tuyên bố đấu tranh chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Nhưng sau bao nhiêu năm báo chí bị kiểm soát, người dân đã quá chán nản với bộ máy chính quyền. Khi các quan chức cấp cao và giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì tham nhũng, công chúng cho rằng đó là kết quả của một vụ đấu đá nội bộ.
Sự thiếu vắng minh bạch truyền thông cũng trở thành vấn đề trong cuộc đối đầu của Việt Nam với kẻ thù lâu đời, Trung Quốc. Vào tháng 5, khi chính quyền Trung Quốc đem giàn khoan vào khu vực ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông, trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng phản ứng ban đầu của chính quyền Việt Nam được nhiều người trong chúng ta cho rằng quá nhu mì: Bộ trưởng ngoại giao lúc đầu gọi hành vi này là “trắng trợn”, nhưng sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại Giao lại lặp đi lặp lại thông điệp rằng “Trung Quốc phải rút khỏi khu vực lãnh hải có chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.”

Những báo cáo trên truyền thông chính thống bị tắt tiếng, điều đó có nghĩa là những cuộc thảo luận của công chúng bị thống trị bởi những người biểu tình chống Trung Quốc với tư tưởng quốc gia chủ nghĩa, và các bản kháng nghị trực tuyến của các học giả và cựu quan chức, bao gồm cả một cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Những lời đồn đại lan truyền như đám cháy rừng trên các blog về một hiệp định bí mật đã được ký tại Thành Đô vào năm 1990, trong đó Đảng CSVN và Trung Quốc đã công nhận một hiệp ước trong đó khiến Việt Nam trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn chính trị.
Các nguồn thông tin  thay thế không phải là thuốc giải cho việc truyền thông chính thống bị nhà nước kiểm soát. Các nguồn thông tin này được chào đón, nhưng người ta không thể dựa hoàn toàn vào một mình chúng. Đặc biệt trong vấn đề đấu tranh chống tham nhũng và đối ngoại với Trung Quốc, các phương tiện truyền thông truyền thống của Việt Nam phải được phép tự do đăng tải những thông tin đầy đủ, không thiên kiến và đúng lúc. Việt Nam đã có nhiều nhà báo có kinh nghiệm nhưng bị ủy khuất vì chế độ kiểm duyệt quá lâu, và họ không mong muốn gì hơn ngoài việc được thực thi công việc của mình một cách đúng đắn.
Hiến pháp đã tuyên bố báo chí hoàn toàn tự do; và điều này cần phải được thực thi. Mở rộng quyền tự do báo chí sẽ đem lại niềm tin của công chúng vào lãnh đạo, đó là điều họ cần nếu họ thực sự mong muốn thúc đẩy các mục tiêu chính của Việt Nam. Tự do báo chí là điều tốt cho đất nước này, và nó cũng tốt cho chế độ.
Nguyễn Công Khế, người sáng lập ra báo Thanh Niên và là cựu Tổng biên tập trong 23 năm, là Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp truyền thông tư nhân đang vận hành tờ báo mạngwww.motthegioi.vn. Bản tin này được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh bởi Nguyễn Trung Trực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét