Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

LÃO KHOA

NÓI THÊM VỀ BÀI BÁO "THẤY GÌ QUA CON RUỒI TÂN HIỆP PHÁT"
TÔI ĐÃ TRẢ LỜI CM với một số bạn đọc FB, nhưng đưa lên đây cho mọi người cùng đọc chung. Trước hết xin cám ơn các quý vị đã đọc bài viết của tôi. Tôi viết bài này rất muộn, cũng là để thu thập thêm nhiều thông tin, với nhiều góc độ khác nhau, để có cái nhìn tổng thể và xây dựng. Những tình tiết tôi trích dẫn trong bài đều lấy trên các tờ báo điện tử lớn, các kênh truyền hình chính thống chứ không phải "nghe hơi nồi chõ" hay lượm lặt từ các trang báo đen hay các trang FB cá nhân. Những ý kiến tôi dẫn cũng là của các luật sư, trong đó có những người tham gia vụ án, có cả những Luật sư đã từng là quan chức lớn của Quốc hội. Tôi cho rằng, những nguồn tin ấy là đứng đắn và đáng tin cậy. Và điều quan trọng hơn là căn cứ vào những sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Tôi đưa ra một giả thiết cho rằng họ dùng lại các vỏ chai, mà tôi gọi là tái chế, nhưng cẩu thả, không qua xóc rửa, vệ sinh,cũng không kiểm tra chặt chẽ, mà đưa vào dây chuyền sản xuất, để máy tự động rót sản phẩm mới vào là căn cứ vào các sản phẩm bị lỗi của THP. Nếu không thế, không thể giải thích được tại sao hàng loạt chai nước ngọt của họ có ruồi, có dán, có cả nguyên một ống nhựa hút. Không phải một sản phẩm mà rất nhiều sản phẩm, đến nỗi các cơ quan chức năng là các cơ sở kiểm định an toàn thực phẩm sở y tế của một số tình đã phải ra quyết định thu hồi, không cho bán ra thị trường thậm chí tiêu huỷ sản phẩm, nếu còn có trong kho. Đó cũng là quyết định của các cơ quan chức năng của nhà nước ở địa phương, chứ không phải chuyện tung tin của những kẻ xấu, những kẻ phá hoại. Chai nước có ống hút nhựa là ở quán Thác Vàng của bà Thu Hà. Quán của bà đã bị đóng cửa vì sự cố này. Bà đã yêu cầu THP bồi thường 49 triệu đồng, với đầy đủ biên bản thoả thuận với THP, và nhờ thế bà không bị THP cho vào tù như 4 vị "Thượng Đế" trước và sau bà. Trong đó có ông Võ Văn Minh. Nếu đó là chai nước ngọt giả, hoặc của kẻ phá hoại làm giả thì chắc chắn THP không việc gì phải cò cưa thoả thuận, lại còn có cả văn bản, mà báo công an bắt bà ngay. Một loạt sản phẩm bẩn của THP nếu là đồ giả, do ai đó làm giả rồi tuồn vào lô hàng của THP thì tôi tin THP cũng sẽ báo công an tìm ra ngay. Như trong bài tôi nói, công an của ta rất giỏi, việc gì họ cho qua thì qua thôi, chứ nếu họ quyết tìm là ra hết. Không có sự khuất tất nào lọt qua mắt công an được. Vậy mà những chuyện lình sình như thế này vẫn cứ xảy ra liên tiếp, xảy ra đến cả chục năm nay rồi, ngay sáng vừa rồi, VTC 14 cũng lại đưa ra một khách hàng nữa ở phía Nam cũng lại phát hiện một chai nước ngọt của THP có ruồi. Cứ bảo dây chuyển sản xuất của THP rất hiện đại, không có chuyện như thế thì tại sao lại cứ có những chuyện như thế diễn ra liên tục. Nếu là kẻ phá hoại thì là ai? Tại sao công an ta tài thế lại không tìm ra. Và ngay cả THP nữa, họ cũng không thiếu tiền để thuê người tìm cho ra bằng được. Việc gì họ phải đàm phán đến mấy lần, lại còn có cả biên bản như bà Hà. Hiện nay, đang có chiến dịch chiêu tuyết, bênh vực THP. Rồi sẽ có người bảo, tất cả các sản phẩm lỗi của THP đều do kẻ xấu làm giả vì cậnh tranh không lành mạnh. Rồi có người sẽ chứng minh các sản phẩm THP uống vào có khi còn chữa được cả các bệnh hiểm nghèo. Nếu có điều ấy diễn ra, ta chả ngạc nhiên. Lỗi, thì DN nào cũng có lỗi, nhưng tại sao không lùm xùm như THP. Có người bảo: Không nên vì một con ruồi mà giết chết một doanh nghiệp. Vâng, tôi đồng ý, cần phải cứu THP, nhất là đó là DN trong nước từng có thànhf tựu, có công lớn. Nhưng cách cứu là góp ý thẳng thắn và xây dựng như tôi và rất nhiều người ở các kênh truyền thông đã làm, để THP tốt hơn. Mặt khác để giữ uy tín của THP, cần quản lý chặt chẽ đầu ra. Ví dụ, giao hàng cho từng đại lý lớn, có địa chỉ đàng hoàng, khi giao kiểm tra kỹ hàng, rồi các đại lý lớn giao tiếp cho các đại lý nhỏ hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ. Khi giao cần có kiểm tra xem mặt hàng có dị vật không, rồi ký biên bản bàn giao. Vậy nếu ở đâu có ruồi, có dán, có ống hút hay dị vật thì cho bắt luôn vì đó là đồ giả, THP không chịu trách nhiệm. Tôi đồng ý với ai đó nói: Không nên vì một con ruồi mà giết chết một doanh nghiệp. Nhưng cũng xin lưu ý các quý vị rằng, Không phải cứ để cứu bằng được một doanh nghiệp mà lại quên đi một con ruồi. Nhất là con ruồi ấy lại liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của người dân...
   Email  

CON RUOI TAN HIEP PHAT

Link cố định 26/12/2015@22h54, 2216 lượt xem, viết bởi: LÃO KHOA
Chuyên mục: Nhật ký
THẤY GÌ QUA CON RUỒI TÂN HIỆP PHÁT?
Trò chuyện với nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
- Rất mừng lại được trò chuyện với ông trong một ngày cuối tuần. Nhìn lại tuần qua, ông thấy sao?

- Rất nhiều sự kiện. Nhưng sôi sùng sục trong dư luận, từ các trang mạng xã hội đến quán nước vỉa hè là …con ruồi Tân Hiệp Phát. Thật có lý khi dư luận chung đều cho rằng: Tân Hiệp Phát tưởng thắng, nhưng thực chất lại thất bại thảm hại. Chưa có phiên toà nào mà người thắng kiện là bà Giám đốc Tân Hiệp Phát, một tiểu thư trẻ trung, xinh đẹp như hoa hậu lại phải nhờ công an bảo vệ đưa ra xe để tránh sự nổi giận của dân chúng. Một ký giả bình luận: Ông Vũ Văn Minh bị 7 năm tù, còn Tân Hiệp Phát bị kết án Chung thân. Có người còn coi là án Tử. Một ký giả nhìn vụ án như xới vật sân cỏ: “Tân Hiệp Phát chết ở chấm phạt đền vì một…con ruồi”. Đau hơn, dư luận còn gọi doanh nghiệp nức tiếng một thời là “Con ruồi Tân Hiệp Phát”. Người tiêu dùng nổi giận thật sự. Họ đồng loạt tẩy chay sản phẩm Tân Hiệp Phát. Những người tảy chay đâu phải kẻ xấu, bị địch lợi dụng, hay những đối thủ cạnh tranh chơi đòn bẩn. Họ là những “Thượng Đế” tử tế, từng nuôi Tân Hiệp Phát, đưa Tân Hiệp Phát lên ngôi. Trong đó có cả những cơ quan chức năng, kiểm định sản phẩm cho người tiêu dùng. Bắt đầu là Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Cà Mau. Họ phát hiện trà thảo mộc Dr. Thanh là sản phẩm bẩn. Mà không phải một chai. 79 chai nguyên vẹn, vẫn còn hạn sử dụng nhưng lại có cặn lơ lửng, trắng đục. Ngành y tế Cà Mau đã đưa ra biện pháp kiểm soát, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tự kiểm tra, không được bán ra thị trường. Rồi tiếp đến là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công thương miền Trung. "Tổng giám đốc đề nghị nghiêm cấm các đơn vị trực thuộc Công ty, toàn thể cán bộ công nhân viên công ty không được sử dụng cũng như phục vụ khách hàng các sản phẩm mang thương hiệu Tân Hiệp Phát, đồng thời hủy toàn bộ sản phẩm của hãng này (nếu có) trong kho hoặc các cửa hàng, nhà hàng của công ty để tránh các rắc rối không đáng có, làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của Công ty”. Như thế là quyết liệt lắm. Nhưng đó là những việc làm có trách nhiệm, rất đúng đắn và cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng. Đấy cũng là điều Tân Hiệp Phát không thể ngờ được. Họ cứ tưởng có tiền là có tất cả. Vì thế, trong phiên toà, họ còn yêu cầu ông Minh phải có lời xin lỗi họ. Đúng ra, họ mới đúng là người cần phải có lời xin lỗi, không phải chỉ xin lỗi ông Minh, mà xin lỗi hàng triệu người tiêu dùng đã bị họ lừa dùng sản phẩm bẩn...
- Nhưng Tân Hiệp Phát có dây truyền sản xuất khép kín rất hiện đại. Cứ như họ nói thì đến một hạt bụi cũng không thể lọt vào được…
- Một hạt bụi không lọt vào được, vậy tại sao trong sản phẩm của họ lại có ruồi? Và không phải chỉ có ruồi, còn có dán, có nguyên cả ống hút. Và còn hàng loạt chai nước giải khát có cặn đóng thành váng, thành cục lơ lửng. Thật kinh hoàng. Dây truyền sản xuất khép kín, rất hiện đại, rất tốt, rất bảo đảm vệ sinh này, họ dùng để quảng cáo, để trưng bày trước các quan Thanh tra. Quan Thanh tra nào đến, chỉ nhìn hệ thống dây chuyền sản xuất là đã đủ choáng ngợp, là tin không thể có ruồi, dán nào lọt vào. Nếu có chỉ có thể là bịa tạc, là quân phá hoại, là kẻ tống tiền, là các đồng nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, chơi đonaf bẩn. Đến khi có sự cố, lại vẫn khăng khăng: “Chúng tôi kiểm tra thấy tốt. Đảm bảo chất lưọng an toàn. Nhưng trong sản xuất, vẫn có thể có những biến cố trục trặc. Mẻ hàng này tốt, mẻ sau có khi có sản phẩm bị lỗi”. Vâng! Nếu có bị lỗi thì cũng chỉ bị một hay hai sản phẩm thôi, đằng này, hàng loạt chai nước có côn trùng hoặc cặn bẩn, thì không thể gọi là trục trặc được. Nó hoàn toàn có vấn đề. Dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng cách làm lại bẩn, cẩu thả và vô trách nhiệm. Bây giờ ta có thể lý giải được rồi. Tôi ngờ rằng có thể họ dùng các vỏ chai được thu lượm lại, những vỏ chai bẩn để lâu ngày nên có ruồi và dán chui vào, có cái còn cả ống nhựa hút của khách hàng đã dùng trước đó, họ không vệ sinh, không rửa chai, cũng không cần ngó đến chứ đừng nói kiểm tra, rồi cứ thế đưa vào dây truyền sản xuất tự động rót sản phẩm mới vào, đóng nắp, niêm phong. Và thế là xong. Nếu không phải như vậy thì không thể lý giải nổi, tại sao trong sản phẩm của họ lại có ruồi, có dán, có cả ống hút bằng nhựa. Rõ ràng đây là một cơ sở sản xuất hàng bẩn. Sự cẩu thả này đã thành truyền thống. Vì nhiều năm, những sản phẩm bẩn của họ đã bị người tiêu dùng phát hiện, nhưng rồi tất cả những người phát hiện ấy đều đã bị họ tống vào tù bằng một kịch bản duy nhất, cũ mèm như đã từng áp dụng với ông Minh. Trước ông Minh, đã có ba “Thượng Đế” phải vào tù rồi. Trong đó, có người thoả thuận, chỉ yêu cầu bồi thường 50 triệu đồng, nghĩa là chỉ bằng 1/5 số tiền của ông Minh đòi bồi thường thôi mà đã bị tù đến cả ba năm. Ông Minh đòi 500 triệu mà chỉ bị tù có 7 năm là còn nhẹ đấy(!). Chỉ duy nhất có một người thoát cảnh tù tội là bà Nguyễn Thị Thu Hà. Bà là chủ quán Thác Vàng. Chuyện từ tháng 3-2009, nghĩa là cách đây đã hơn 6 năm. Khách hàng đến uống nước phát hiện một chai Number one nắp vẫn còn chưa mở, trong chai có nguyên một cái ống hút dài và 5 chai sữa đậu nành Soya chứa đầy cặn bẩn, có nhiều cục meo mốc màu trắng và đen kết tủa, trông rất kinh tởm. Khách hàng nổi giận, chửi rủa ầm ĩ. Họ đòi phá quán do bán đồ uống bẩn. Bà Hà phải trực tiếp đến gặp từng khách hàng quen để vận động, giải thích là lỗi do nhà sản xuất Tân Hiệp Phát chứ không phải do nhà hàng của bà. Mặc dù thế, nhà hàng của bà vẫn bị khách hàng tảy chay. Ba tháng sau phải đóng cửa. Bà báo cho Tân Hiệp Phát. Nhưng họ chỉ bồi thường một cái ô, một két Number one và1 mũ bảo hiểm. Bà Hà không đồng ý. Qua nhiều lần tiếp xúc, bà yêu cầu bồi thường 49 triệu. Họ vẫn bỏ ngoài tai. Quá bức xúc, bà khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai. Đến thế, Tân Hiệp Phát vẫn không đồng ý bồi thường, với lý do, “hậu quả chưa xảy ra, chưa có người chết”. Người ta bị phá sản mà hậu quả vẫn chưa xảy ra ư? Người tiêu dùng có thể chưa chết ngay nhưng chết dần chết mòn. Hàng ngàn người bị ung thư, bị nhiều chứng bệnh hiểm nghèo vì nhiễm độc thực phẩm kia, ai bảo không có hậu quả từ Tân Hiệp Phát? Tôi nói thế không phải chỉ kết tội Tân Hiệp Phát, hiện nay thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại tràn lan trên thị trường, đến nỗi một vị Đại biểu Quốc hội đã nói một câu rất ấn tượng: "Chưa bao giờ như bây giờ. Từ dạ dày người dân đến nghĩa địa chỉ là một gang tấc". Tân Hiệp Phát đã góp sản phẩn phẩm bẩn của mình vào cái biển thực phẩm ấy. Cò cưa mãi, cuối cùng, Tân Hiệp Phát chấp nhận bồi thường bà 49 triệu. Và cũng như ông Minh, khi bà vừa nhận tiền thì công an đến còng tay bà vì tội tống tiền. May bà có giấy tờ thoả thuận giữa hai bên nên thoát khỏi vòng lao lý. Bây giờ thì bà đang kiện Tân Hiệp Phát. Tôi tin hàng triệu người tiêu dùng sẽ ủng hộ bà. Liệu tập đoàn lãnh đạo Tân Hiệp Phát có bị tù như những “Thượng Đế” mà họ hãm hại không? Chúng ta chờ sự công bằng của pháp luật…
- Ông nghĩ như thế nào về phiên toà xử ông Minh vừa rồi…
- Phải nói là buồn. Toà án phải đứng về phía lẽ phải, phía công lý chứ sao lại chỉ đứng về phía những kẻ lắm tiền làm bậy? Ông Minh có lỗi là đúng rồi. Nhưng chả lẽ Tân Hiệp Phát không có lỗi gì ư? Yếu tố chai nước có ruồi là chi tiết rất quan trọng của vụ án nhưng không được tranh tụng, lại buông lửng: “Nắp chai có dấu hiệu tác động từ bên ngoài”. Nói thế là buộc tội ông Minh cho ruồi vào chai rồi tống tiền doanh nghiệp. Nếu có yếu tố tác động từ bên ngoài vào như thế thì chắc chắn Tân Hiệp Phát đã báo công an bắt ông Minh ngay rồi, việc gì phải qua bao nhiêu lần cò cưa, thoả thuận, ngã giá. Thêm nữa, Hội đồng xét xử chỉ nghĩ đến Tân Hiệp Phát mà không nghĩ đến ông Minh. Nếu Tân Hiệp Phát có bị thiệt hại đến hàng ngàn tỷ đồng, cũng là do họ chứ, đâu phải ông Minh. Ngoài ông Minh, còn bao nhiêu trường hợp tương tự. Hàng loạt sản phẩm bẩn của họ xuất hiện ở nhiều địa điểm khác nhau. Một lần còn có thể sơ suất, chứ liên tiếp bao nhiêu vụ việc thì không còn là sơ suất nữa rồi. Tại sao người ta không nghĩ đến thiệt hại của ông Minh do Tân Hiệp Phát gây ra? Mà đó là thiệt hại kinh hoàng. Vào tù. Gia đình tan nát. Con không có người chăm nuôi. Quán hàng cũng có thể xem như một doanh nghiệp gia đình đã bị phá sản. Với người dân nghèo, đó là một thiệt hại lớn chứ. Cái đó ai bồi thường? Vả lại, 500 triệu đồng ông Minh đòi là thoả thuận giữa hai bên. Tân Hiệp Phát đã đồng ý trả. Đây là thoả thuận dân sự ở thời kinh tế thị trường. Thuận mua, vừa bán. Con số 500 triệu là lớn nhưng cũng chẳng lớn. Cũng như người ta đã từng thoả thuận bán cái Sim điện thoại có số độc đến cả mấy tỷ đồng. Đấy là cái giá mua sự thích thú. Nó là vô cùng. Không thể lấy cái giá thật chỉ có mấy chục ngàn của cái sim điện thoại ra mà đánh giá hay làm bằng cớ mà kết tội kẻ bán sim được. Vụ án còn có sự không minh bạch, thậm chí phạm luật, như nhiều Luật sư đã chỉ ra ngay từ giai đoạn đầu, khi điều tra viên đã cho phép luật sư bảo vệ Tân Hiệp Phát dự cung. Như thế rất dễ xẩy ra chuyện thông cung. Rồi còn rất nhiều vấn đề khác nữa, chính vì thế Luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã yêu cầu huỷ phiên toà, điều tra lại. Còn dư luận nhân dân thì sôi sục, tảy chay Tân Hiệp Phát. Riêng ở lĩnh vực này, người đời có vẻ nghiêng về phía ông Minh, ủng hộ ông Minh. Đấy là dư luận ít nhiều cũng mang màu sắc cảm tính. Ở đây cần phải công tâm. Ông Minh không phải không có lỗi. Giả sử nếu Tân Hiệp Phát thực hiện đúng thoả thuận, trả ông Minh 500 triệu mà không báo công an bắt thì sao? Ông Minh sẽ im lặng và hàng triệu người tiêu dùng chúng ta vẫn tiếp tục dùng thực phẩm bẩn của Tân Hiệp Phát. Vậy thì ông Minh đâu phải vô tội. Lẽ ra, khi phát hiện sản phẩm bẩn, ông Minh phải báo ngay công an hoặc các cơ quan chức năng lập biên bản và xử lý.
Điều cuối cùng tôi muốn nói ở phiên toà này, là cách xét xử của phiên toà đã để lại trong lòng công chúng, nhất là dư luận nhân dân những lấn cấn không dễ xoá bỏ. Hình như khi khi xét xử, quan toà chỉ đứng về phía kẻ mạnh về tiền bạc chứ không phải mạnh về lẽ phải chân lý. Và kết quả của phiên toà dường như đã định trước. Trong tranh tụng, người ta cũng chẳng nghe những lập luận của các luật sư. Chính vì thế, luật sư bảo vệ miễn phí cho Võ Văn Minh là ông Nguyễn Tấn Thi đã phải thốt lên : “Tôi bảo vệ cho thân chủ của tôi. Tôi biết anh ấy không có tội. Nhưng tôi không bảo vệ được. Tôi thua. Tôi buồn. Tôi xấu hổ”. Nếu có ai đáng phải xấu hổ trong phiên toà này thì chắc chắn không phải Nguyễn Tấn Thi. Tôi thấy ông rất cao đẹp khi ông nhận con của Võ Văn Minh làm con để thay bố chăm sóc cháu. Ai đó bảo các luật sư chỉ bảo vệ những người có tiền. Điều đó không đúng. Rất nhiều luật sư bảo vệ miễn phí cho bao nhiêu người nghèo, người bất hạnh đó thôi. Nguyễn Tấn Thi cùng đồng nghiệp của anh là như thế…
- Có người cho rằng, dư luận tẩy chay “dìm chết” Tân Hiệp Phát thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang cố đánh sập một doanh nghiệp lớn hiếm hoi của nước nhà. Hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm sẽ bị mất, 5.000 cán bộ công nhân viên và rất nhiều người thân của họ cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Dìm chết Tân Hiệp Phát, chúng ta được gì? Phía lợi nhất chắc chắn không phải là người Việt mà là các doanh nghiệp ngoại quốc như Coca Cola hay Pepsi Cola. Tân Hiệp Phát đang chờ sự “khoan hồng” của dư luận.
- Không ai “giết” Tân Hiệp Phát cả. Chỉ có Tân Hiệp Phát tự giết mình thôi. Người dân không tảy chay Tân Hiệp Phát mà tảy chay hàng bẩn. Không chính quyền nào bênh vực những doanh nghiệp sản xuất hàng bẩn cả, nhất là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Người ta sẽ phải đặt số phận, tính mạng của hàng triệu người dân lên cán cân mà quyết định. Không ai đổi tính mạng của dân lấy những đồng bạc thuế. Không có hàng ngàn tỷ đồng thuế của Tân Hiệp Phát thì sẽ có hàng ngàn tỷ đồng thuế từ các doang nghiệp khác. Doanh nghiệp nào tiêu thụ được nhiều sản phẩm thì sẽ đóng thuế nhiều hơn. Tiền thuế không mất, vì người dân vẫn phải ăn, vẫn phải uống hàng ngày. Nghĩa là họ vẫn phải mua hàng hoá của các doanh nghiệp. Dân cần thực phẩm sạch và nhà nước cần những đồng thuế sạch. Chúng ta mong các doanh nghiệp của chúng ta làm ăn nghiêm túc và phát triển lành mạnh, chứ không kiếm tiền bằng mọi giá. Đặc biệt những mặt hàng thực phẩm phải rất nghiêm túc. Vì cái đó liên quan đến sức khoẻ, tính mệnh của từng người dân. Chúng ta cũng có rất nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín lớn, như Vinamill, bia Hà Nội, bia Sài Gòn và còn nhiều, rất nhiều những doanh nghiệp khác. Đâu phải chỉ có Tân Hiệp Phát. Muốn tồn tại và phát triển được chỉ có một cách là làm ăn tử tế. Tân Hiêp Phát là càng phải tử tế. Chỉ có thế Tân Hiệp Phát mới lấy lại được vẻ đẹp đã có của mình.
- Xin cảm ơn ông
Vũ Huy thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét