Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

BÀN VỀ PHÁN QUYẾT VÀ CON ĐƯỜNG TIẾP THEO

Bàn về phán quyết và con đường tiếp theo (I)

Posted by adminbasam on 18/07/2016
18-7-2016
Phán quyết của Tòa trọng tài bác yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ảnh: internet
Phán quyết của Tòa trọng tài bác yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ảnh: internet
Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 vào ngày 12-7 đối với những tranh chấp hàng hải liên quan đến Philippines, Trung Quốc và Đài Loan, qua đó bác yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, chính là một diễn biến đáng mừng đối với những quốc gia ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên các thông lệ và luật pháp quốc tế.
Nhìn một cách rộng hơn, phán quyết tạo cơ hội cho các bên liên quan hợp tác cùng nhau nhằm thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên những nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, quyết định của Tòa trọng tài cũng tạo ra những thách thức và nguy cơ nhất định.
Trong bối cảnh hiện nay, thật cần thiết để
các lãnh đạo và công dân trong khu vực nhận ra các cơ hội và nguy cơ, để từ đó sử dụng phán quyết như một cơ hội làm giảm căng thẳng và tìm kiếm những giải pháp bền vững, kịp thời cho các vấn đề tranh chấp trên biển.
Cần phản đối đường lưỡi bò phản cảm
Phán quyết quan trọng nhất của Tòa trọng tài chính là việc bác bỏ căn cứ lịch sử của yêu sách đường chín đoạn (hay đường lưỡi bò) mà Trung Quốc “vẽ” ra ở Biển Đông. Vì quyết định của Tòa trọng tài có tính chất ràng buộc, nên đường chín đoạn chính thức được tuyên bố vô giá trị và không có hiệu lực. Trung Quốc không thể sử dụng đường chín đoạn này để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của họ.
Khi yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh được Tòa trọng tài kết luận vô giá trị, chúng ta cần phản đối những hình ảnh đường lưỡi bò in trên hàng triệu hộ chiếu, hàng triệu quyển sách giáo khoa tuyên truyền những luận điệu không có thật cho người dân Trung Quốc rằng toàn Biển Đông thuộc về nước này.
Trong những tháng gần đây, các du khách và ngôi sao giải trí Trung Quốc liên tục quảng bá đường lưỡi bò phi pháp nhằm thể hiện chủ nghĩa dân tộc và sự chính đáng của họ. Đối với những ai trong khu vực không phải là người Trung Quốc, những đồ dùng mang hình lưỡi bò này trông thật kinh tởm và phản cảm. Dù sao đi nữa, những hình ảnh lưỡi bò này sẽ không làm thay đổi phán quyết cũng như quan điểm của một cộng đồng quốc tế ủng hộ tính pháp quyền.
Kết luận của Tòa trọng tài còn cho thấy những nỗ lực thực thi các yêu sách bất chính đáng đối với các khu vực rộng lớn ở Biển Đông thông qua các biện pháp như quân sự và coi thường luật pháp quốc tế đều là khinh suất.
Những hành vi như vậy đã xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác, làm bất ổn tình hình an ninh khu vực, tạo ra một hình ảnh phản cảm đối với người dân trong khu vực.
Dù Việt Nam không tham gia vào vụ kiện nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh việc tòa ra phán quyết và tái khẳng định cam kết giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam có lợi ích khi duy trì mối quan hệ mạnh với tất cả quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam là một đất nước duyên hải có tương lai thuộc vào tuyến đường biển an toàn và mở.
Những tranh chấp đối với các đảo và thực thể cụ thể cần được giải quyết một cách hòa bình. Các chính sách ngoại giao sáng tạo và dũng cảm cũng cần được tạo ra. Nhưng không có quốc gia nào, kể cả Phillippines hoặc Việt Nam, Indonesia, Nhật, Ấn Độ, hoặc Mỹ có thể chấp nhận một khu vực được cai trị thông qua các hành động sử dụng vũ lực và cưỡng ép.
Trung Quốc thay đổi chính sách?
Việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài là điều không ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo của nước này đã dành biết bao nỗ lực và tiền của nhằm quảng bá và bảo vệ các yêu sách ở Biển Đông.
Có hai vấn đề được xem là trong cái rủi có cái may. Đầu tiên là các bên cùng cam kết giải quyết tranh chấp dựa trên các nguyên tắc quốc tế sẽ giúp họ tiếp tục đoàn kết và tự tin bởi vì họ biết rằng luật pháp quốc tế ủng hộ họ.
Dù Bắc Kinh có thể bác bỏ các đề xuất giải quyết tranh chấp theo kênh đa phương, trên thực tế sự quan trọng của khu vực và sự quan trọng của việc bảo vệ những chuẩn mực quốc tế trên biển cho thấy những giải pháp đa phương, những giải pháp dựa vào những cơ chế của luật pháp quốc tế là cần thiết để có một thỏa hiệp chính đáng và bền vững. Bắc Kinh càng sớm nhận ra điều này là càng tốt.
Cái may thứ hai không kém phần quan trọng là có các dấu hiệu dù nhỏ cho thấy các thành viên trong giới làm chính sách và trí thức của Bắc Kinh đang kêu gọi chính phủ điều chỉnh lại các chính sách quốc gia.
Trong bài viết trên tờ India Times, Shen Dingli, giáo sư của Học viện Nghiên cứu quốc tế, Đại học Fudan, Thượng Hải, đã mô tả hành vi của Bắc Kinh là “cậy quyền”, đồng thời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc nên điều chỉnh lại chính sách và có một cách tiếp cận hiệu quả hơn trong việc bảo vệ những lợi ích cũng như hình ảnh “thân thiện” của Trung Quốc.
Dù lời kêu gọi này chắc chắn là chưa đủ, nhưng ít ra cộng đồng quốc tế có thể hi vọng cho thấy sự khởi đầu của sự thay đổi.
Các giải pháp cần thiết để giải quyết tranh chấp trong khu vực vẫn không mới: đó là giải quyết các tranh chấp trên tinh thần xây dựng dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như tôn trọng lẫn nhau.
Nhiều người hi vọng rằng phán quyết của Tòa trọng tài giúp giải quyết tranh chấp theo các giải pháp hòa bình về dài hạn.
Tuy nhiên, để Bắc Kinh thay đổi hoàn toàn các chính sách là một quá trình khó khăn về mặt chính trị, đặc biệt là khi những chính sách này được tạo ra từ các nỗ lực thu hút sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng.
Tất nhiên, nhiều người ở khắp châu Á và những quốc gia bên ngoài khu vực rất hi vọng Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách của họ nhằm mang lại an ninh, thịnh vượng và đoàn kết cho tất cả người dân trong khu vực.
JL
Bài này được đăng trên tờ báo Tuổi Trẻ tại đây  dưới tên “Bác yêu sách đường lưỡi bò, cơ hội giải quyết tranh chấp.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét