Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

QUẬN CÔNG NGUYỄN ĐỨC NHUẬN

準郡公阮德潤事實為口傳
 Chuẩn Quận công Nguyễn Đức Nhuận
Sự thật & lời truyền

                 Lâu nay chúng ta hiểu sự thật về cụ tổ chuẩn Quận công Nguyễn Đức Nhuận quá ít, sơ sài, hời hợt, nông cạn, mơ hồ thậm chí sai lệch làm giảm giá trị tinh thần trong xã hội đối với cụ, giảm giá trị của một vị quan đầu triều rất có công đức với dân nước thời hậu Lê. Các hậu duệ thiếu cơ sở khoa học để tự hào chính đáng về dòng tộc đã dày công xây đắp nền nhân, thâm hậu đúc hun trí đức, sản sinh ra môt người hiền tài, mẫu mực để quả phúc cho muôn đời con cháu, làm nên một dòng tộc"Ttrâm anh thế phiệt" danh thơm vang vọng trong làng, ngoài nước. Với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm bản thân đối vơi dòng họ, cần nhìn lại, đánh giá khách quan đúng mức trên cơ sở khoa học, chính xác có căn cứ bút tích trong các văn bia, trên đồ thờ tự, lời truyền khẩu… Những gì thuộc về cụ tổ準郡公阮德潤"Chuẩn quận công Nguyễn Đức Nhuận" do lịch sử để lại. Chúng tôi Nguyễn Đào Trường 76 tuổi nhà thơ, chi II thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Nguyễn Đình Nhiệm 63 tuổi nhà giáo, chi I thôn An Trì, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nguyễn Xuân Tùng 63 tuổi thạc sỹ kinh tế học, chi III thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Sau thời gian nghiên cứu cẩn trọng, tỉ mỷ di bút trên các bức châm thư, bài vị thờ cúng, tấm bia đá hiện có trong nhà ông Nguyễn Đình Ánh trưởng tộc Nguyễn Đình thôn An Trì, nhất là hai khối bia đá đồ sộ, sừng sững khu lăng mộ thờ Ngài tại cánh đồng thôn Đạo Khê,Yên Mỹ, Hưng Yên thống nhất nhận định như sau.


Theo truyền khẩu
                 Cụ Nguyễn Đức Nhuận được sinh ra tại thôn An Trì, xã An Trì,  phủ Hạ Hồng,  huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Nay là thôn An Trì, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải phòng, con thứ tư của cụ Nguyễn Phúc Hà người bản địa.  Lớn lên theo học rồi làm quan ở Kinh đô, mang ba người cháu con các ông anh lên kinh kỳ học, đỗ đạt làm quan.
 1 - Nguyễn Đăng Lan(Chi phủ) sau trở thành cụ tổ chi thứ II thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Giỗ ngày 03/3 âm lịch hàng năm.
 2 - Nguyễn Đăng Niên(Chi phủ) sau trở thành cụ tổ chi thứ III thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Giỗ ngày 09/1 âm lịch hàng năm.
 3 - Một người cháu nữa không nhớ tên, và hình như có tên địa phương là Bếp Đoạt, hay Bất Bạt gì đó. Chi này còn hay mất, thất lạc nơi đâu chưa có căn cứ tìm ra.
         Sở dĩ cụ không về An Trì vì cho rằng dân ở đây bạc tục, xem thường cụ, bụt chùa nhà không thiêng. Trong những lần cụ đi công cán hay về thăm, địa phương đón tiếp thiếu long trọng, qua loa chiếu lệ, hời hợt. Cụ giận ném hòn đất thề xuống ao ông Chư. Về sau nơi này nổi lên một  gò đất lớn,(Coi đấy như lời nguyền của cụ) đến mãi gần đây những năm 50, 60 thế kỷ XX cái gò đất nổi ở ao ông Chư vẫn còn. Cụ  nói với dân làng từ nay trở đi làng này(Ám chỉ làng An Trì) không có người làm quan lớn nữa. Cũng từ đó không thấy cụ về lại An Trì.
       Người đời bảo cụ là quan hoạn (người thiến dương vật) làm việc trong cung cấm nhà Vua. Cụ có nhiều công lao với nước, với dân. Sau về chí sỹ chết ở thôn Nhân Kiệt, mồ mả táng tại xứ Đồng Trong nơi những lần giỗ tổ các chi vẫn đến thắp hương kính viếng. Ở An trì có lời đồn, cụ chết do bệnh dịch, phải đổ vôi bột tránh lây nhiễm.
        Như vậy theo tập tục xác định An Trì là chi thứ nhất, Nhân Kiệt chi thứ hai, Phần Hà chi thứ ba, còn Bếp Đoạt, hay Bất Bạt gì đó chi thứ tư bị mất tích. Có nhẽ những lời truyền miệng này mang tính mơ hồ, ý muốn xác lập ngọn ngành, trật tự cho mai sau không thể đảo ngược.

Những sự thật được khai mở
             Từ một bài viết trên báo "An ninh thế giới" số 745 ngày 9/4/2008.           "Vụ phá trộm mộ cổ ở Hưng Yên"(Nghi mộ Ngài quận Công Nguyễn Đức Nhuận) tác giả: nhà báo Phạm Ngọc Dương. Lần theo địa chỉ bài báo tôi(Nguyễn Đào Trường) tìm về thôn Thụy Trang, còn gọi thôn Rồng  xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên gặp những cán bộ  có trách nhiệm địa phương:  Ông Nguyễn Chuyên trưởng phòng văn hóa huyện Yên Mỹ, ông Lê Thành Công trưởng thôn Thụy Trang, ông Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Đăng Tuyến người dân đại diện cho dòng họ Nguyễn thôn Thụy Trang. Qua sự tiếp kiến với lời trình bày của tôi,  họ đã cộng tác rất nhiệt tình. Thấy tôi đọc một số thông tin ghi trên hai tấm bia đá ở lăng thờ chuẩn quận Công Nguyễn Đức Nhuận, khớp với bài vị hiện đang thờ tại nhà ông Nguyễn Đình Ánh thôn An Trì, xã Thanh Lương Vĩnh bảo, Hải Phòng (Tôi có bản viết tay và  ảnh chụp mang theo) đối chứng. Họ đều tỏ ra nồng nhiệt, đón tiếp, hồ hởi và nói: Theo các cụ già từ xa xưa kể lại,  thì ở đây chúng tôi có hai ông Quận Công, ông Quận chú và ông Quận cháu. Vậy thì lăng mộ này đúng là của dòng họ nhà ông thật rồi. Trước nay đã có vài người đến nhận nhưng không đưa ra được bằng chứng gì, nên họ không dám nhận. Tôi hết sức bất ngờ trước thông tin họ đưa ra. Một sự trùng lặp đến kỳ lạ, ngỡ ngàng về ông Quận chú và ông Quận cháu, Thụy Trang Hưng Yên, An Trì Vĩnh Bảo hai địa phương cách xa nhau hàng trăm cây số. Thời phong kiến ngày xưa đât nước ta  còn nghèo nàn lạc hậu, đường sá giao thông chưa phát triển, đi lại giao lưu giữa các vùng miền chỉ dựa vào đường sông là chính. Thế mà hai nguồn tin truyền khẩu hai nơi khớp nhau là một(Phải chăng đây là sự có thật). Thêm cơ cở kiểm chứng xác nhận một chi tiết lời truyền khẩu ở An Trì. Qua đây tôi biết còn một gia đình ở xã Trung Hưng hàng năm tết nhất vẫn đến lăng mộ này thăm viếng thắp hương. Lần đến nhà ông Nguyễn Văn Mọc thôn Đạo Khê,(Giáp ranh với thôn Thuỵ Trang)  ông Mọc cho biết các cụ đời trước đến bố ông truyền lại, con cháu cứ thế thắp hương, chứ thực ra bản thân ông chẳng hiểu lăng mộ của cụ nào! Bia thì có đấy nhưng lâu lắm cả vùng này không ai đọc, nên chẳng hiểu thế nào. Vậy đã giải tỏa một phần nghi ngờ ông chú mang cháu thứ ba ra đi không thấy trở lại An Trì. Theo chế độ tập quyền các triều đại phong kiến xa xưa, những người làm quan lớn của triều đình thường được chọn trong số con cháu, hoặc người thân của mình có cốt cách, tố chất, thông minh tháo vát, học giỏi vào tập việc sau kế chân để mình về chí sỹ(Về hưu). Do đó ở  thôn Thụy Trang, Đạo Khê mới có hai ông quận(Ông Quận chú, ông Quận cháu). Vậy đây là chi thứ tư họ Nguyễn ba chi đang cần tìm. Chi tiết này một lần nữa nói nên cụ Quận Công Nguyễn Đức Nhuận không về lại làng An Trì là thật. Cũng từ đấy cụ định cư ở Đạo Khê. Riêng việc cụ thay đổi họ từ Dương sang Nguyễn Đức, cái đó do hoàn cảnh lịch sử, xã hội đương thời có nhiều khúc gẫy, góc khuất chúng ta khó lý giải được(người đời sau phải chấp nhận).
            Tôi chủ động mời nhà Hán học,  nhà văn hội viên hội nhà văn Việt Nam ông Đặng Văn Sinh cộng tác cùng nhau. Chúng tôi làm việc với thái độ cẩn trọng, nghiêm túc,  khoa học đọc và dịch hoàn toàn hai tấm bia đá thờ tại lăng mộ "Chuẩn Quận công Nguyễn Đức Nhuận", tại cánh đồng thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên. Đọc dịch tấm bia đá, bài vị hiện thờ tại nhà ông Nguyên Đình Ánh thôn An Trì, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng. Bức châm thư viết chữ Hán của chi họ Nguyễn Đức tại nhà ông Nguyễn Đào Trường 65 phố Đinh Văn Tả phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương. Bức châm thư viết chữ Hán tại nhà ông Nguyễn Xuân Được thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Qua những thông tin bút tích để lại chúng tôi nhận thấy:
   - Cụ Nguyễn Đức Nhuận chức tước, tên tuổi ghi trong bia đá, trên bài vị: Phụng quản phụng tả đội, thị nội giám, tư lễ giám, tổng thái giám, phụ quốc thượng tướng quân, chuẩn quận công, Nguyễn tướng công tự Đức Nhuận thờ tại nhà ông Nguyễn Đình Ánh thôn An Trì, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải phòng. Trùng khớp với những thông tin chức tước, tên tuổi ghi trên hai tấm bia đá trong lăng thờ tại cánh đồng thôn Đạo khê, xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên 敘報德碑 "Tự báo đức bia, 敘事業碑 tự sự nghiệp bia" chính là một cụ Nguyễn Đức Nhuận. Bởi cùng thời kỳ làm quan trong triều không thể có hai ông quan cùng một họ tên, cùng nhiều chức tước trùng khớp như nhau được.
   - Nội dung trong những bức châm thư không những mang giá trị nhân văn giáo dục truyền thống tốt đẹp của một dòng tộc"Thế phiệt châm anh" để con cháu muôn đời noi theo, còn cho chúng ta thấy rõ sự vĩ đại của cụ tổ, nhắc nhở các thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn,  những câu 三支建邑貽謀遠 Tam chi kiến ấp di mưu viễn. Nghĩa là: ba chi lập ấp làm kế dài lâu 世廟鄉祠千載澤 Thế miếu hương từ thiên tải trạch, Nghĩa: Hương khói nơi thờ cúng sẽ được hưởng ân đức dài lâu.  傑山屹立豐碑在 Kiệt sơn ngật lập phong bia tại. Sự nghiệp cao ngất như núi Thái ghi trong bia. Hay như một bức châm  khác có câu: 宦路輕輕憑福蔭 Hoạn lộ khinh khinh bằng phúc ấm, 封侯重重近君王Phong hầu trọng trọng cận quân vương. Nghĩa: Con đường làm quan coi như bình thường, chú trọng tước hầu luôn bên cạnh nhà Vua.  Chữ nghĩa trên các bức châm thư đều nói tới công trạng cao ngất như núi Thái, người làm quan đầu triều luôn bên cạnh nhà Vua được cầm "Ngọc khuê"tự do xuất nhập cung cấm, dự bàn quyết sách mọi việc tối mật với nhà Vua đã xác lập trong bia đá. Qua nghiên cứu những chứng tích, hiện vật, văn bản đang lưu giữ ở các nơi chúng tôi nhận thấy: Tấm bia đá,  bài vị thờ ở nhà ông Ánh, Vĩnh Bảo hai bức châm thư ở Hải Dương, Hưng Yên tuy câu chữ khác nhau, nhưng đều quy tụ nội dung giống nhau, đều nói về một cụ tổ Nguyễn Đức Nhuận, trùng với một phần ghi trên hai tấm bia 敘報德碑 "Tự báo đức bia, 敘事業碑 tự sự nghiệp bia" lăng thờ Ngài tại cánh đồng thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
   - Con đường hoạn lộ của cụ Nguyễn Đức Nhuận hanh thông thăng tiến không ngừng. Vào học việc trong phủ chúa Trịnh năm 16 tuổi (Đinh Mão 1688). Các chức tước cụ đã trải qua từ thấp tới cao trong đó có chức Thái giám, Tổng Thái giám, người đời cứ ngỡ rằng giữ chức vụ này đều là quan hoạn. Mặt khác cùng chữ "Hoạn" của chữ Háncó hai nghĩa trái ngược nhau, theo" Hán Việt từ điển" trang 216  chữ hoạn: - 1 làm quan, 2 - người thiến dương vật vào cung hầu hạ vua và hoàng hậu, phi tần.  Một thực tế hiển nhiên tuy có thời kỳ làm thái giám, tổng thái giám cụ không phải là hoạn quan như xa xưa ta lầm tưởng. với lại trong văn chương cổ không ai dùng chữ nghĩa thô thiển vào nơi tôn nghiêm. Hơn nữa người đời do vô tình, hay cố ý hiểu chữ hoạn theo nghĩa thứ hai rồi áp đặt vào bảo cụ là quan hoạn trở thành sai sự thật.  Căn cứ vào những bằng chứng như trên đã phân tích, lý giải, cân nhắc chúng tôi đi đến kết luận:
      1 - Cụ Nguyễn Đức Nhuận ghi trên văn bia, bài vị thờ tại nhà ông Nguyễn Đìng Ánh với cụ Nguyễn Đức Nhuận ghi trên bia ở lăng thờ cụ tại cánh đồng thôn Đạo Khê, Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên chỉ là một.
      2 - Cụ Nguyễn Đức Nhuận có thời kỳ làm quan thái giám, tổng thái giám, cùng nhiều chức tước khác nhưng không phải hoạn quan (Người thiến dương vật). Cụ có vợ, sinh hạ 7 người con 5 trai, 2 gái: 1 Nguyễn Văn Cơ, 2 Nguyễn Đức Viêm, 3 Nguyễn Văn Thể, 4 Nguyễn Văn Xí, 5 Nguyễn Văn Trung, con gái:  6 Nguyễn Thị Ngọc, 7 Nguyễn Thị Loan.(Tự sự nghiệp bia viết rõ tên từng người con).
      3 - Cụ Nguyễn Đức Nhuận sinh ngày 05/04/1672  (Nhâm Tý). Mất ngày 09, tháng 10, năm 1727 (Đinh Mùi). Hưởng thọ 55 tuổi. Trước mang họ Dương, sau đổi sang họ Nguyễn ghi trong bia đá tại thôn Thụy Trang, ngày nay là thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Đường Hào trước kia bao gồm ba huyện (Mỹ hào, Yên Mỹ, Đường An).
      4 - Tháng 10/1995 nhân xây lại mộ ở xứ Đồng Trong thôn Nhân Kiệt, nơi vẫn được định danh là mộ cụ Nguyễn Đức Nhuận. Các ông Nguyễn Đức Đạc trưởng chi, Nguyễn Đức Trinh, Ngưyễn Đức Cơ, Nguyễn Đức Cờ, Nguyễn Đào Trường và một số các cháu cùng làm, đào tới tận tiểu sành kiểm tra xem có gì khác, lắp tiểu đậy bằng gạch thất như những ngôi mộ bình thường, mọi người cũng hồ nghi,  xây xong không dám khắc tên, sau đấy ông Nguyến Đức Đạc trưởng chi nói đó là mộ cụ tổ bà. Nghĩa là cụ bà tổ chi (Không phải mộ cụ Nhuận).
      5 - Ngài Nguyễn Đức Nhuận chính là cụ tổ của các chi họ Nguyễn:
                  - Nguyễn Đình thôn An Trì, xã Thanh Lương, huyện Bĩnh Bảo thành phố Hải phòng.
                  - Nguyễn Đức thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
                  - Nguyễn Xuân thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
                  - Nguyễn Văn thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng yên. Điều đặc biệt ở chi này có sự trùng lặp kỳ lạ, bị đứt quãng, thất lạc thời gian dài, dòng họ chỉ còn người cuối cùng là ông Nguyễn Văn Linh lại sinh hạ 5 người con trai: Nguyễn văn Mọc, Nguyễn Văn Mong, Nguyễn Văn Sự, Nguyễn văn Tứ, Nguyễn Văn Lợi cùng hai người con gái. Y như số con cụ tổ Nguyên Đức Nhuận ghi trong 敘報德碑 "Tự báo đức bia".
       6 - Lăng thờ, mồ mả Ngài Nguyễn Đức Nhuận tuy bị thời gian, con người, giặc giã và thiên nhiên xâm hại tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng, không còn những toà ngang dẫy dọc, đường đi lối lại, sân nhà hành lễ tường bao uy nghiêm như xưa. Cả quần thể rộng mênh mông mười mẫu bắc bộ, một con ngòi dài hàng km dẫn nước từ sông Lực Điền vào hồ Ông Quận(Tiếng địa phương tôn xưng) ngày nay mọi người vẫn gọi vậy.  Những hiện vật bằng đá (voi, chó, ngựa, ban thờ, tượng người hầu) đều đặt đối xứng thành đôi, sừng sững vĩ đại hai khối bia lớn o,65xo,65x1m60. Các mặt dầy đặc những chữ Hán ghi rõ sự nghiệp, gia đình cha mẹ, con cái ngày tháng năm sinh, năm mất mộ táng, công trạng chức tước của cụ nói nên nơi đây từng là công trình, kiến trúc quy mô, hoành tráng đẹp rực rỡ một thời. Bây gìơ trở thành phế tích hiện đang còn những di vật bằng đá tạc nguyên khối tại cánh đồng thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Mộ phần Ngài táng tại cánh đồng Bãi Quân, tọa Nhâm, hướng Ngọ. Tháng 11/2009 năm anh em ông Nguyễn Văn Mọc, Nguyễn Văn Mong, Nguyễn Văn Sự, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Văn Lợi người sở tại, huy động tiền của, công sức đóng góp, xin thêm với địa phương trên 20m2 đất, xây lới tường bao xung quanh lăng, tạm thời xây phần mộ Ngài:準郡公阮德潤 "Chuẩn Quận công Nguyễn Đức Nhuận" có nấm cao lên như những ngôi mộ bình thường khác. Không còn cảnh"Xè Xè nấm đất bên đường".  Năm anh em ông Mọc mời tôi(Nguyễn Đào Trường) lên viết chữ Hán trên mộ mới.
         Những gì sự thật trong sáng cao đẹp thuộc về tổ tiên chúng ta, Ngài : "Chuẩn Quận công Nguyễn Đức Nhuận" xưa kia bị lớp bụi thời gian che phủ. Các triều đại biến đổi, bãi biển nương dâu, hoàn cảnh chế độ xã hội, người đời khắt khe kỳ thị làm lu mờ, méo mó sai lệch sự việc. Anh em, con cháu ly tán, thậm chí có thể có người còn mai danh ẩn tích, hoặc hèn nhát, hoặc cơ hội thiếu bản lĩnh không giám nhận mình là ai, từ bỏ nguồn cội vinh quang rất đỗi tự hào, sợ liên lụy bóng vía Ngài.  Dẫn đến các thế hệ sau vô tình hay cố ý hiểu lệch lạc, thiếu chuẩn xác mơ hồ về cụ tổ mình. Ngày nay sự thật đã được khẳng định qua những bút tích, hiện vật cứ liệu cụ thể. Chúng ta những hậu duệ của cụ có quyền phấn khởi, tự tin, tự hào và có trách nhiệm đền đáp công ơn cụ, trả lại sự thật nguyên vẹn trong sáng, cao đẹp vinh danh Ngài, làm rạng rỡ truyền thống tổ tông dòng tộc mình.

Hải Dương Ngày11/7Canh Dần (20/08/2010)
Nguyễn Đình Nhiệm, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Đào Trường Kính bút.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét