Ước tính một phần thiệt hại kinh tế do Formosa gây ra
Posted by adminbasam on 03/07/2016
Tịnh Mộc Thường
3-7-2016
Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố ô nhiễm gây ra cần nghiên cứu của các nhà khoa học trong thời gian dài (ít nhất 5-10 năm). Ví dụ sự cố nổ giàn khoan làm tràn dầu trên vịnh Mexico (ở Mỹ) do công ty BP khai thác, xảy ra năm 2010 làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường trong khu vực (1-6). Cho đến 6 năm sau, tức năm 2016, người ta mới có được dàn xếp cuối cùng ở tòa án và định lượng bằng thiệt hại kinh tế (tầm 20 tỷ USD). BP chi trả bồi thường theo lộ trình 18 năm.
Năm 2000, một sự cố tràn đập nước thải chứa cyanua của một công ty khai thác vàng ở Baia Mare (Romania), gây ô nhiễm nghiêm trọng các dòng dông, đặc biệt là dòng sông Tisza của Hungary (7-11). Hàng trăm nghìn tấn cá chết, môi trường sinh thái của các dòng sông bị tổn thương nghiêm trọng. Các nhà sinh vật và sinh thái học cho rằng cần ít nhất tầm 10 năm để khôi phục môi trường sông nhưng sẽ không bao giờ đạt được lại trạng thái như ban đầu.
Ở Nhật, trong lịch sử có nhiều sự cố do hoạt động công nghiệp gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng môi trường sống của các loài sinh vật, và cả con người. Người ta liệt kê các sự cố môi trường này là nguồn gốc gây ra 4 loại bệnh nguy hiểm cho người (12). Đầu tiên là bệnh itai-itai do nước thải chứa kim loại nặng cadmium (1912). Sau đó là bệnh Minamata do nước thải chứa methylmercury (1956 và 1965). Tiếp theo đó là bệnh hen phế quản do ô nhiễm không khí tạo ra bởi khí SO2 và NO2 (năm 1961). Riêng bệnh Minamata khiến số người chết lên đến hơn 6 nghìn người, tính đến năm 2006. Hậu quả của các sự cố này kéo dài đến vài chục năm và ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh. Vì sự nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường từ những năm sáu mươi, nên quy định về tuân thủ luật môi trường ở Nhật hiện nay rất nghiêm khắc và chặt chẽ.
Chi phí để phục hồi môi trường và hệ sinh thái do các sự cố chất thải công nghiệp gây ra có thể kéo dài đến chục năm, thậm chí lâu hơn. Theo nghiên cứu khoa học năm 2013 về ảnh hưởng của sự cố tràn đập chứa cyanua xảy ra năm 2000 ở Romania, ảnh hưởng đến sông Tisza nơi mà hệ sinh thái không phục hồi hoàn toàn sau 13 năm. Một số loài cá biến mất khỏi môi trường. Đối với sự cố ở Việt Nam xảy ra ở dọc các tỉnh Miền Trung, chi phí phục hồi hiện trạng môi trường biển cần có chương trình nghiên cứu các giải pháp để phục hồi trong thời gian dài tầm 10 năm. Trên cơ sở đó mới tính được chi phí cho các chương trình phục hồi là bao nhiêu.
Thiệt hại kinh tế trực tiếp của các cá nhân và tổ chức phải được điều tra đánh giá cụ thể. Thông thường các cá nhân và tổ chức bị thiệt hại kinh tế phải tự kê khai hoặc mời các tổ chức đánh giá thiệt hại và yêu cầu Formosa bồi thường. Trong trường hợp Formosa từ chối thì có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết. Việc tương tự đã được thực hiện ở Mỹ (đối với sự cố nổ giàn khoan dầu của BP năm 2010). Chính phủ không nên đứng ra dàn xếp với Formosa, mà phải để người dân tự giải quyết với Formosa (thương lượng tự nguyện) hoặc thông qua tòa án.
Chi phí Formosa phải nộp phạt theo quy định của luật Việt Nam. Hiện tại quy định này không đủ mức răn đe. Các nhà lập pháp cần ghi tiền nộp phạt dưới dạng giá trị tương đối (%) so với tổn thất gây ra. Ghi số tiền cụ thể sẽ không lường được mức độ nghiêm trọng của các sự cố trong tương lai.
Thảm họa môi trường do Formosa gây ra đầu tháng 04/2016 làm tổn thương nghiêm trọng môi trường – hệ sinh thái dọc ven biển bốn tỉnh Miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, và Thừa Thiên Huế). Sự tổn thương này khiến cá và các loài sinh vật biển chết với khối lượng lớn trên diện rộng.
Thiệt hại do chất thải công nghiệp gây ra cần được đánh giá đầy đủ để bồi thường. Công ty Formosa gây ra sự cố bắt buộc phải bồi thường các chi phí bao gồm:
- Chi phí để phục hồi hiện trạng môi trường – hệ sinh thái.
- Thiệt hại kinh tế trực tiếp đến cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương.
- Nộp phạt do quy định luật của nước sở tại.
- Thiệt hại cho người tiêu dùng do giảm lượng hải sản trên thị trường.
- Thiệt hại điều trị bệnh cho các thợ lặn và người đã chết vì nhiễm độc.
Dưới đây chỉ là ước tính thiệt hại kinh tế cho ngư dân các tỉnh. Cần chú ý là ước tính này chỉ là một phần nhỏ, chưa bao gồm thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản, các công ty du lịch và các dịch vụ hậu cần đánh bắt cá dọc bốn tỉnh Miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Cũng chưa tính đến chi phí nộp phạt mà Formosa phải chi trả.
Thiệt hại kinh tế chính xác là bao nhiêu thì rất khó ước tính vì người viết không có con số thống kê cụ thể. Theo báo người lao động (13) thì riêng tỉnh Quảng Bình có 18 xã làm kinh tế biển, gồm 24.000 người lao động làm nghề biển. Nếu lấy con số này làm trung bình cho mỗi tỉnh thì có chừng 100.000 ngư dân bị thiệt hại trực tiếp từ thảm họa môi trường. Thu nhập hàng tháng của ngư dân không ổn định, lúc ít lúc nhiều. Như ở xã Triệu Vân (Quảng Trị), thu nhập của ngư dân một số thôn là 2-3 triệu đồng/tháng và những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá thì thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng (14). Ở xã Quỳnh Long (Nghệ An), thu nhập nghề cá tầm 8.5 triệu đồng/tháng (15).
Giả sử thời gian để khôi phục hoàn toàn tình hình đánh bắt cá như ban đầu (trước khi bị ô nhiễm) là 10 năm, tương đương 120 tháng, cần bồi thường thu nhập. Uớc tính mỗi ngư dân có thu nhập bình thường là 5 triệu đồng/tháng. Với thời gian, môi trường phục hồi dần nên số tiền đền bù giảm. Năm thứ nhất bồi thường 5 triệu/tháng, năm thứ hai 4,5 triệu/tháng và cứ như vậy cho đến năm thứ 10 là 0,5 triệu/tháng (Bảng 1). Với giả thuyết này, ước tính mức bồi thường thiệt hại kinh tế cho ngư dân đánh bắt cá trên biển ít nhất là 33 nghìn tỉ đồng tương đương 1.5 tỉ USD (tỉ giá 1 USD = 22000 đồng). Nếu số ngư dân bị thiệt hại là lớn hơn, ví dụ 1 triệu người thì số tiền cần đền bù đến 15 tỉ USD.
Trên thực tế, thời gian để phục hồi hoàn toàn năng suất đánh bắt cá của ngư dân có thể dài hơn. Đó là chưa tính đến niềm tin của người tiêu dùng đối với hải sản đánh bắt trong khu vực bị nhiễm độc. Dù ngư dân có đánh bắt được hải sản nhưng dân chúng không mua vì sợ bị nhiễm độc.
Ước tính bên trên là chưa tính đến các thiệt hại kinh tế cần đền bù cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản. Theo báo đăng (16), riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Trong tương lai gần, chắc chắn các hộ này sẽ khó có thể nuôi trồng lại hải sản vì môi trường vẫn còn bị nhiễm độc hoặc là niềm tin của người tiêu dùng đã bị giảm sút.
Nếu tính thêm tổng thiệt hại kinh tế cần đền bù cho các công ty du lịch biển dọc các tỉnh này cộng thêm chi phí phục hồi hệ sinh thái biển thì số tiền đền bù sẽ lớn hơn nhiều lần so với con số công bố (500 triệu USD).
Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước ở các tỉnh liên quan nên tính toán lại thiệt hại cẩn thận nhằm tránh gây tổn thất kinh tế cho người dân. Riêng về việc khôi phục hệ sinh thái, rất cần có sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học để ước tính thiệt hại cần bồi thường. Vì chi phí khôi phục hệ sinh thái là lớn và cần nhiều thời gian và nguồn lực (17).
Giải pháp tốt nhất là các hộ dân, các công ty yêu cầu Formosa bồi thường. Nếu Formosa từ chối thì có thể khởi kiện ra tòa. Về việc chi trả bồi thường, Formosa có thể trả hết một lần hoặc theo lộ trình thời gian. Ví dụ công ty BP chi trả bồi thường trong sự cố nổ giàn khoang dầu ở vịnh Mexico theo lộ trình 18 năm.
Quốc Hội nên sửa luật môi trường, chỉ nêu con số tương đối (%) theo mức độ tổn hại. Tránh ghi số tiền phạt cụ thể trong luật.
Tham khảo
- Gulf Coast fighting for recompense. Theo http://www.aljazeera.com, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP oil spill: Five years after ‘worst environmental disaster’ in US history, how bad was it really? Theo http://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP settles with injured Deepwater Horizon cook as trial looms. Theohttp://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP settles 2010 Gulf oil spill claims with US states for record $18.7bn. Theohttp://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- BP’s $20bn Gulf of Mexico payout wins approval . Theohttp://www.telegraph.co.uk/, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- Gulf of Mexico oil spill: BP loses bid to make others pay compensation. Theohttps://www.theguardian.com, truy cập lúc 20h00 ngày 03/08/2016.
- Antal et al. 2013. Changes in fish assemblage in the Hungarian section of River Szamos/Someş after a massive cyanide and heavy metal pollution. NORTH-WESTERN JOURNAL OF ZOOLOGY 9 (1): 131-138.
- Death of a river. Theo http://www.bbc.com/, truy cập 11h00 ngày 02/08/2016
- Hungary demands action over pollution. Theo http://www.bbc.com/, truy cập 11h00 ngày 02/08/2016
- One year on: Romania’s cyanide spill. Theo http://www.bbc.com/, truy cập 11h00 ngày 02/08/2016
- The Cyanide Spill at Baia Mare, Romania. BEFORE, DURING AND AFTER. UNEP/OCHA Report on the Cyanide Spill at Baia Mare, Romania.
- Four big polution diseases of Japan. Theo https://en.wikipedia.org.
- Quảng Bình thu gom hơn 100 tấn cá chết sau thảm họa “biển chết”. Theohttp://www.nld.com.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Theo http://www.baoquangtri.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Bình quân mỗi chuyến biển của ngư dân Quỳnh Long thu nhập trên 30 triệu đồng. Theo http://www.baonghean.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Hà Tĩnh lập hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra. Theohttp://www.vnexpress.net, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
- Cá chết chỉ là bề nổi…Theo http://www.nld.com.vn, truy cập lúc 11h00 ngày 02/08/2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét