Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

ĐỪNG ĐỂ MẤT KHO BĂNG CHÁY

Đừng để mất kho “Băng cháy” của Việt Nam ở dưới đáy Biển Đông

Posted by adminbasam on 16/07/2016
Nguyễn Hải Ba
16-7-2016
Biển Đông đã nóng hơn sau khi Trung Quốc tìm thấy băng cháy. Ảnh: internet
Biển Đông đã nóng hơn sau khi Trung Quốc tìm thấy băng cháy. Ảnh: internet
Theo các nhà khoa học thì chỉ trong vòng 60 năm nữa, nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, khí thiên nhiên) trên trái đất sẽ cạn kiệt, nhưng dưới đáy đại dương còn có kho nhiên liệu khổng lồ chưa được khai thác, đủ dùng cho đời sống của con người trên trái đất khoảng một ngàn năm. Đó là “băng cháy”.
Các nhà khoa học giải thích băng cháy (hoặc gọi là đá cháy) có tên khoa học Methane Clathrate là Methane Hydrate ở dạng mêtan bị kẹt trong cấu trúc tinh thể nước, tạo thành chất rắn như băng. Từ 1 m3 băng cháy có thể phân giải ra khoảng 164 m3 mêtan, nhiều gấp đôi đến gấp 5 lần so với từ khí tự nhiên. Nó lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Băng cháy ở dạng rắn,
hình thành từ khí thiên nhiên và nước ở điều kiện áp suất cao trên 30atm và nhiệt độ thấp dưới 0 độ C. Băng cháy thường được tìm thấy dưới lớp băng vĩnh cửu hoặc ở tầng địa chất nằm sâu dưới lòng đại dương. Trữ lượng mêtan ở dạng băng cháy được ước tính nhiều gấp đôi trữ lượng các-bon đã được tìm thấy trong nhiên liệu hóa thạch trên trái đất mà loài người đã biết đến.
Hiện nay 90 quốc gia đã có trữ lượng băng cháy, nhiều nhất ở Canada, rồi đến Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Trung Quốc. Là loại nhiên liệu có trữ lượng lớn nhưng băng cháy lại rất khó khai thác an toàn và hiệu quả. Vì vậy cho đến nay mới có Canada chiết xuất thành công metan từ băng cháy trên đất liền, chưa có quốc gia nào khai thác băng cháy ở quy mô công nghiệp. Nhật Bản dự báo công nghệ khai thác băng cháy ở quy mô công nghiệp có thể ra đời vào năm 2018.
Theo cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ (EIA), tiềm năng dầu khí ở Biển Đông lớn hơn toàn bộ nguồn tài nguyên dầu khí của toàn châu Âu gộp lại. Trữ lượng dầu khí ở Biển Đông được ước tính khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190 ngàn tỉ feet khối khí. Riêng vùng quần đảo Trường Sa có trữ lượng khoảng 5,4 tỉ thùng dầu. Dầu khí và băng cháy có mối liên quan đến nhau. Dầu khí là nguồn vật liệu hữu cơ cung cấp cho băng cháy, vì thế xung quanh khu vực có dầu khí thường có băng cháy. Trữ lượng băng cháy ở Biển Đông xếp thứ 5 so với trữ lượng của toàn Châu Á.
Việt Nam là quốc gia ven biển. Ngoài tài nguyên kinh tế, về trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn, có mạng lưới giao thông vận tải nằm kề với các tuyến đường biển quốc tế nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trữ lượng dầu khí ước tính với toàn thềm lục địa của Việt Nam khoảng 10 tỉ tấn quy ra dầu, 3.000 tỉ m3 khí thiên nhiên có thể khai thác mỗi năm, Việt Nam còn có tiềm năng về băng cháy ngay trong thềm lục địa.
Vùng biển ở Biển Đông mà Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã được dự báo là hội tụ đủ các điều kiện hình thành băng cháy và các vùng có băng cháy gồm Hoàng Sa, Phú Khánh, Tư Chính, Vũng Mây và quần đảo Trường Sa.
Theo báo China Daily thì Cục khảo sát địa chất biển Quảng Châu – Trung Quốc đang có kế hoạch tìm kiếm và khai thác băng cháy để đáp ứng nhu cầu khổng lồ về năng lượng, giảm bớt mức hiện nay phải nhập khẩu đến 60% nhu cầu về dầu thô. Tháng 8/2011 Trung Quốc đã cho tàu lặn Giao Long thử nghiệm lặn xuống Tây Thái Bình Dương với độ sâu 5.188 mét để tìm băng cháy. Năm 2013 tàu Hải Dương 6 của Trung Quốc lại tìm kiếm băng cháy ở Bắc Biển Đông và tuyên bố đã tìm thấy băng cháy ở vùng này với trữ lượng khoảng 19 tỉ m3.
Trung Quốc đang có tham vọng độc chiếm kho băng cháy ở Biển Đông. Đồng thời với việc đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ khai thác băng cháy, họ đã nhiều lần gây ra những hành động ngang ngược, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chủ động gây chuyện ở cả những vùng không thuộc khu vực tranh chấp rồi đề nghị đàm phán song phương, gác tranh chấp cùng khai thác theo cách có lợi cho họ, trong khi những nước này chưa đủ điều kiện và năng lực tự khai thác kho nhiên liệu quý này của mình. Với tình hình khát năng lượng như hiện nay, chỉ vài năm nữa công nghệ khai thác băng cháy quy mô công nghiệp sẽ ra đời và tranh chấp kho nhiên liệu quý này ở Biển Đông có thể càng thêm phức tạp.
Phán quyết của Tòa Trọng tài PCA ngày 12/7/2016 đã tạo điều kiện pháp lý bảo vệ toàn vẹn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này, dự kiến trước nhiều phương án, để thực hiện chủ quyền về tài nguyên của mình, trong đó có kho băng cháy ở khu vực Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét