Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

TQ SẼ TẤN CÔNG ĐẢO BA BÌNH

TRUNG QUỐC SẼ TẤN CÔNG ĐẢO BA BÌNH (TRƯỜNG SA)

Posted by adminbasam on 10/07/2016
10-7-2016
Đảo Ba Bình (Trường Sa) đang được Đài Loan xây dựng nhiều công trình mới. Hình chụp tháng 6.2016
Đảo Ba Bình (Trường Sa) đang được Đài Loan xây dựng nhiều công trình mới. Hình chụp tháng 6.2016. Nguồn: FB Mai Thanh Hải.
Cách phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện của Philippines là chủ đề bàn tán rôm rả của giới quan sát tình hình khu vực trong những ngày qua. Nên tôi đây cũng xin được dự phần với dự đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ tấn công “thu hồi” Ba Bình mà Đài Loan đang chiếm đóng.
Vấn đề đặt ra ở đây là tấn công Ba Bình, Trung Quốc sẽ mất gì và được gì?. Giới chiến lược gia quân sự Trung Quốc rất thích các vụ “1 hòn đá ném chết 2-3-4 con chim”. Những hành vi gây hấn như tấn công Việt Nam hoặc Philippines ở Trường Sa sẽ khiến Trung Quốc hứng chịu cơn bão chỉ trích và bị cô lập trên trường quốc tế, chí ít cũng như Nga từng làm với Ukraine. Thế nhưng, nếu tấn công Ba Bình, đây lại là chuyện nội bộ của Trung Quốc (theo lập trường “1 Trung Quốc” mà hầu hết các nước trên thế giới đều đã công nhận), nên mặc dù sẽ có phản ứng gay gắt nhưng hậu quả của nó sẽ không quá nghiêm trọng.
Tại sao phải tấn công Ba Bình? Giới lãnh đạo Trung Quốc buộc phải thực hiện 1 hành động mạnh bạo để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, trước sức ép từ dư luận dân tộc chủ nghĩa trong nước. Và sức ép về 1 hành động cứng rắn với Đài Loan cũng dâng cao sau khi lãnh đạo chủ trương độc lập là Thái Anh Văn nên nắm quyền ở Đài Bắc. Một vụ tấn công lại có thêm chất xúc tác là vụ Đài Loan bắn nhầm tên lửa về hướng Trung Quốc mới đây. Hãy lưu ý đến việc Bắc Kinh đơn phương hủy bỏ cơ chế liên lạc với Đài Bắc cách đây không lâu. Đây có thể là một bước chuẩn bị cho hành vi gây hấn tiềm tàng. Ngoài ra, việc “thu hồi” các đảo hoặc quần đảo mà Đài Bắc chiếm đóng luôn là một phần chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất Đài Loan của Trung Quốc. Chiếm Ba Bình sẽ không leo thang đến mức độ của một cuộc tấn công thu hồi Đài Loan nhưng là một thông điệp cảnh cáo nghiêm khắc đối với mọi ước vọng độc lập của hòn đảo này.
Phản ứng của Mỹ sẽ như thế nào? Mỹ luôn duy trì một “sự mơ hồ chiến lược” trong việc bảo vệ Đài Loan khỏi một cuộc tấn công của Trung Quốc. Tuy nhiên, với lập trường không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ nhiều khả năng sẽ không can thiệp trực tiếp nếu Trung Quốc chiếm Ba Bình. Và hòn đảo này sẽ hứng chịu số phận của một Crimea ở phương Đông.
Về mặt pháp lý, Ba Bình là một thành tố hết sức quan trọng trong phán quyết về Biển Đông, đặc biệt là phần về quần đảo Trường Sa. Nếu hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa này bị xem là “đá” thì rõ ràng không có “đảo” nào khác đủ tư cách xem là “đảo”, và kéo theo đó là các quyền liên quan như quyền về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Và Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ khá lớn là các bãi đá mà họ đang chiếm giữ bị xem là những bãi nửa nổi nửa chìm (LTE) nên không làm phát sinh quyền về biển nào ngoài vùng an toàn 500 m quanh chúng. Nếu các bãi đá bị xem là LTE trong khi Ba Bình được xem là “đảo” thì Trung Quốc càng có lý do để “thu hồi” Ba Bình nhằm làm phát sinh các quyền về EEZ tính từ đảo này.
Tóm lại, một cuộc tấn công Ba Bình sẽ có nhiều ý nghĩa: Trừng phạt và răn đe Thái Anh Văn, khiêu khích Mỹ và phần còn lại của thế giới mà không đẩy căng thẳng lên ngoài tầm kiểm soát, giải tỏa sức ép nội bộ với giới lãnh đạo và bản thân Tập Cận Bình đang đối mặt, giành được các lợi thế về chiến lược và pháp lý.
Ngoài những phân tích về mục đích trên còn có có một số diễn biến có thể xem như là dấu hiệu cho một cuộc tấn công tiềm tàng. Như đã nói ở trên, Trung Quốc mới đây đã đơn phương cắt đứt liên lạc với Đài Loan. Thời gian qua, dư luận chống Đài Loan đang được thổi bùng lên ở đại lục, với nhiều lời kêu gọi trừng phạt Đài Bắc cũng như tiến tới thống nhất. Cách đây vài ngày có một tin đồn xuất hiện và lan truyền về việc Đài Loan có thể cho Mỹ thuê Ba Bình làm căn cứ ở Trường Sa. Tin đồn này nhiều khả năng là vô căn cứ, nhưng không loại trừ khả năng Bắc Kinh cố tình tung tin để biện hộ cho cuộc tấn công của mình. Hiện đã có làn sóng kêu gào ngăn chặn Đài Loan bán đảo cho Mỹ. Đây dường như sẽ là cái cớ hoàn hảo cho việc “thu hồi” Ba Bình.
Điều cuối cùng, tấn công Ba Bình sẽ là một đòn bất ngờ khiến mọi phía rơi vào thế việt vị và không biết phải ứng xử như thế nào, một chiêu giương đông kích tây kinh điển của các chiến lược gia Trung Quốc.
(Chuyên gia quân sự Duan Dang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét