Những nội dung trong cuộc tọa đàm hôm nay, yêu cầu đặt ra nhiều vấn đề ta quan tâm thảo luận: Diện mạo thư Hải Dương mười năm qua. Mặt bằng thơ Hải Dương, so với thơ cả nước. Có cần đổi mới thơ nội dung, hình thức…Thật ra vấn đề gì cũng cần được bàn và luôn phải xét lại. Ở đây chỉ xin nêu một khía cạnh nhỏ trong vô vàn việc lớn mà tôi quan tâm: Làm thơ có cần lý luận không? Lý luận luôn chắp cánh chơ thơ.
Dùng lý luận nói về thơ, hay định nghĩa về thơ từ cổ xưa tới giờ đã có biết bao nhiêu nhà lý luận định nghĩa. Song định nghĩa nào cũng có phần đúng nhưng không đủ, nên định nghĩa nào về thơ cũng không cùng. Thơ giống như tình yêu. Tình yêu bị chúa trời chia làm đôi, con người luôn khát vọng, khắc khoải đi tìm cái còn lại cho đời nhằm hoàn thịên mình. Thơ giống như tình yêu ở chỗ, nó cũng bị chia đôi nửa sáng tạo, nửa thưởng thức. Đó là sự tìm nhau và giao cảm không ngừng giữa người sáng tác và người đọc. Chính là bản chất vĩnh cửu của thơ. Trong muôn vàn sợi dây kết nối giữa thơ và bạn đọc, nhờ lý luận giúp cho cảm thụ trở nên sâu sắc, trong sáng và khúc chiết hơn. Còn với người làm thơ, lý luận sẽ là yếu tố góp phần đẩy nhanh sự phát triển của hạt mầm tài năng có trong mỗi nhà thơ, biến tiềm năng mong manh thành hiện thực rực rỡ đầy hoa trái. Nếu có ai đó cho rằng không cần lý luận cũng làm được thơ, thì xin thưa liệu họ có làm được thơ khi chưa biết tí gì về quy luật vần điệu cũng như niêm luật của thơ cả? Thông thường lý luận giúp cho nhà thơ biết được cách thức sáng tạo ra một bài thơ. Nhưng cũng có ai đó chỉ đọc nhiều thơ và tự đúc rút ra được các quy luật làm thơ, như vậy họ đã vô tình làm công tác lý luận trước khi làm thơ mà chính họ không để ý. Điều này cũng đúng ngay cả với bạn đọc. Như vậy lý luận làm cầu nối giữa người làm thơ và người thưởng thức thơ, những điểm gắn kết cơ bản mà chúng ta có thể cảm nhận được bằng lý trí và tình cảm đó giúp cho nhà thơ và bạn đọc hiểu nhau hơn. Thật ra trong những mối quan hệ giữa sáng tác, thưởng thức, giữa người viết, người đọc còn có những sợi dây vô hình khác nữa, nhưng lý luận vẫn luôn là sợi dây hiển hiện bền chắc nhất.
Thơ vừa hướng đến hiện thực khách quan, hướng đến cái đẹp trong cuộc sống quanh ta, đến thiên nhiên, trời đất vũ trụ, đồng thời thơ còn là tiếng nói của cõi lòng sâu thẳm, là thế giới nội tâm mênh mông của người nghệ sỹ. Vì vậy thơ là tận cùng của chủ quan, và tận cùng của khách quan. Nhưng không phải bất cứ cái gì của hiện thực khách quan cũng như trong thế giới chủ quan của người nghệ sỹ cũng biến thành thơ được. Hiện thực khách quan được đưa vào thơ phải là hiện thực khách quan có ý nghĩa, được kết tinh, được quy luật hóa, và được người nghệ sỹ khổ công nhào lặn, thổi linh hồn vào đó, đạt tới tính ước lệ cao, hòa quyện hơi thở cuộc sống để thành thơ. Trong thực tế cho ta thấy những bài thơ nào, câu thơ nào chuyển tải được hiện thực xã hội đương thời, mang hơi thở cuộc sống thì đều vượt qua không gian và thời gian, dù có ném vào lửa nó vẫn trường tồn Ví như:" Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, Trong tay sẵn có đồng tiền, dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì" Nguyên Du. Ngược lại thơ thiếu tính lý luận cơ bản, thơ dở, dù có tìm mọi cách phù phiếm, quảng bá, lăng xê nơi này nơi khác nó vẫn chết yểu không thương tiếc. Lý luận giúp cho người làm thơ phát hiện ra được hiện thực khách quan nào trong cuộc sống là hiện thực khách quan có ý nghĩa, chắt lọc từ hiện thực những gì tinh túy đặc biệt nhất và phát hiện ra các quy luật biến ảo khôn cùng của hiện thực tâm hồn con người…Để từ đó sáng tạo nên chân giá trị của thơ. Toàn bộ công việc đặc thù này, được thực hiện không những bằng tài năng ít ỏi mà trời phú cho mỗi nghệ sỹ, mà còn bằng trí tưởng tượng mung lung, phong phú, sự lao động cần mẫn, miệt mài đầy cảm hứng sáng tạo của người nghệ sỹ, trên cơ sở hiểu biết lý luận sâu sắc của họ. Lý luận giúp cho việc sáng tạo vô cùng độc đáo của nhà thơ trở nên khoa học hơn, đồng thời cũng hiệu quả hơn. Cơ sở lý luận chính là yếu tố khẳng định tính chuyên nghiệp cao của người nghệ sỹ. Việc đưa hiện thực khách quan vào thơ đã khó, thì việc đưa hiện thực chủ quan vào thơ lại càng khó hơn, vì hiện thực khách quan là hiện thực hữu hình, còn hiện thực chủ quan là hiện thực vô hình. Chính cái hiện thực vô hình đó lại là linh hồn của thơ. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng là lý luận luôn góp phần đắc lực trong việc xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc cho sáng tạo của nhà thơ. Với sự giúp đỡ của lý luận, nhà thơ có thể xây dựng cho mình vốn kiến thức phong phú và hữu ích nhất cho sáng tạo của mình, họ sẽ biết rõ những gì họ có, cũng như những gì họ cần bổ sung cho quá trình sáng tao thơ của mình. Thêm nữa, nhờ lý luận toàn bộ vốn kiến thức đó được hệ thống hóa, luôn đổi mới, bồi đắp, được thổi vào đó luồng sinh khí, luôn tiếp sức cho thơ của họ ngày càng bay bổng. Lý luận còn góp phần quan trọng trong việc hình thành khiếu thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật cho mỗi nhà thơ. Một mặt, khiếu thẩm mỹ là trời phú cho mỗi con người, và nhà thơ hơn ai hết cần năng lượng thiên bẩm này nhiều hơn. Mặt nữa, khiếu thẩm mỹ của nhà thơ cũng được hình thành nhờ lao động, học hỏi không ngừng về lý luận để hiểu biết ngày càng sâu hơn, tinh tế hơn những quy luật của thơ và cái đẹp, cái đa tầng, đa nghĩa, cái cao siêu trong tâm hồn ẩn chứa trong từng câu chữ. Óc thẩm mỹ, nghệ thuật của nhà thơ rất độc đáo riêng biệt. Song mặt khác cũng dựa trên các chuẩn mực chung của lý luận văn học đã đúc kết. Thơ cần kiệm lời, càng cô đọng càng hay, câu chữ luôn truyền cảm nó có sức công phá như hạt nhân, nguyên tử. Thực ra nhà thơ không chỉ góp phần tạo nên cái đẹp mà còn góp phần đổi mới những quan niệm về cái đẹp.
Người xưa nói: Lý luận là tướng, thực hành là quân. Người làm thơ mà không hiểu tí gì về lý luận, chẳng khác nào đi đường lạ trong đêm không đuốc soi. Lý luận luôn là ánh sáng góp phần quan trọng trong việc làm giầu nhân cách văn hóa của nhà thơ. Chính lý luận luôn góp phần quan trọng trong việc giúp nhà thơ chủ động tổng hòa một cách hiệu quả, và tốt đẹp nhất các mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên, với mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình, để từ đó hình thành ngay trong chính con người nhà thơ, không chỉ một hồn thơ lai láng mà cả nhân cách trong sáng, một tâm hồn cao thượng giàu tính nhân văn cũng như tình yêu tổ quốc nồng nàn. Lý luận chân chính luôn mang trong nó chân lý và đó cũng là nền tảng để thơ cất cánh bay xa.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10.
Rằm tháng giêng năm Nhâm Thìn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét