Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

ĐÔI ĐIỀU THƯA LẠI VỚI ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC

                                     Nguyễn Huy Canh.
Đã có rất nhiều những trí tuệ và trái tim lớn lo lắng cho vận mệnh của dân tộc và sự tồn vong của chế độ chúng ta (đặc biệt trong thời gian gần đây). ĐB Dương Trung Quốc(DTQ) đã diễn đạt mối nguy đó bằng một hình ảnh sinh động: cỗ xe lao về phía trước, nhưng lại không có phanh. Còn nhà văn Phạm Viết Đào thì hình dung guồng máy quyền lực của đất nước như những “cỗ xe điên”...
Trong những mối lo lắng đó, điều đặc biệt làm tôi suy nghĩ nhiều, ông và nhiều người khác chưa tìm thấy được điều gì đáng tin tưởng ở con đường đổi mới, con đường tái cấu trúc sẽ được vạch ra bởi các nhà lãnh đạo (xem bài phát biểu của ông tại cuộc gặp gỡ do tạp chí tia sáng…tổ chức đầu năm).
Sự thiếu niềm tin này ở ông gọi là bi quan cũng được, nhưng có điều theo tôi là nó có cơ sở. Mối nguy của nước nhà, sự tồn vong của chế độ đã đến lúc buộc chúng ta phải xét đến vấn đề tái cấu trúc hệ thống chính trị chứ không thể chỉ nhìn vào một lĩnh vực, một bộ phận chuyên ngành nào đó có nhiều khuyết tật,yếu  kém, suy đồi để rồi đưa ra những yêu cầu, những đề án đổi mới.
Chúng ta đã thấy có nhiều đề án kiểu như thế. Nào là đổi mới GD, hay tái cấu trúc nền kinh tế (trên ba trụ cột chính là ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước) mà TS Lê Đăng Doanh gọi là đổi mới lần 2 cho đến quan điểm xem việc thực thi dân chủ trong Đảng theo cách thức công khai, minh bạch hóa trong mọi sự vận hành và hoạt động của đảng như là chìa khóa vạn năng đến với quá trình phát triển.
Đặt vấn đề tái cấu trúc hệ thống chính trị đã có ý kiến cho rằng quyền lực của Đảng không được kiểm soát là ngọn nguồn của mọi yếu kém, bệnh tật và tha hóa. Mối nguy của chế độ nằm ở đây. Đó là ý kiến hoàn toàn xác đáng, nhưng không phải khó nhận ra. Cái khó lại nằm ở chỗ làm cách nào để kiểm soát được quyền lực này. Có nghĩa là phải tạo ra được cái phanh cho cỗ xe quyền lực của đất nước.
Cho đến nay, tựu trung có 2 kế sách:
1/ luật hóa sự lãnh đạo của ĐCS, và đồng nhất 2 chức danh TBT và CTN. Tư tưởng này đã không hề hiểu được rằng người ta chỉ có thể có luật về hoạt động của các chính đảng chứ không thể có luật riêng cho sự lãnh đạo của Đảng trong một chính thể tập quyền, đảng trị. Bởi vì sự lãnh đạo của Đảng được tổ chức và thực thi đã  là vi hiến. Vậy nên đòi hỏi này chỉ làm cho sự vận động của hệ thống thêm rối ren. Và nếu Đảng chấp nhận trong tinh thần dân chủ, thì điều đó chỉ làm cho quyền lực chính trị của Đảng trở thành thứ quyền lực trừu tượng, tức hữu danh vô thực mà thôi. Đó là điều tuyệt đối không thể, Còn việc đồng nhất 2 chức danh, như GS Chu Hảo tha thiết đề nghị chỉ mang tính kĩ thuật trong việc điều chỉnh hệ thống. Rằng đó không phải là việc làm của tư duy tái cấu trúc hệ thống.
2/ Tạo ra một quyền lực đối trọng trong Đảng theo cách của 2 tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và Lê Văn Cương, bề ngoài nhìn vào có vẻ khoa học, nhưng thực ra nó chỉ làm cho cơ chế chính trị của chúng ta đã tạo ra 14 “ông vua” đầy quyền lực, giờ lại thêm nhiều ông vua khác trong UBKTTW thì thử hỏi có nên không? Và điều này mới là quan trọng: các ông đã không nhìn ra tính chất phi dân chủ trong hành động xã hội thiết kế quyền lực khép kín của Đảng.
Kết luận: những kế sách nói trên, nói chung vẫn chỉ loay hoay trong một hệ qui chiếu cũ của tư duy chính trị : đó là quan điểm nhất nguyên về vũ trụ mà hệ thống này đã dựa vào, và vì thế nó không thể giúp cho một lối ra mới của con đường tái cấu trúc. Đó phải chăng là cơ sở của sự thiếu niềm tin của Đại Biểu DTQ mà chúng ta đã thấy ở trên?
Có một câu hỏi này ít người đặt ra: vì sao những yếu kém, khuyết tật của hệ thống chính trị, của thể chế chính trị đến nay mới bộc lộ ra một cách gay gắt như vậy? Có phải vì chúng ta đã quan tâm chưa đầy đủ đến công tác xây dựng Đảng? Có phải vì những lực lượng thù địch, diễn biến hòa bình đang dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá chúng ta?
Tất cả những băn khoăn đó đều đúng, nhưng có một mâu thuẫn này, xung đột này phải được xem là nguyên nhân chủ yếu, và cơ bản thì chưa một ai trong chúng ta nhận ra: đó là xung đột ngày một gay gắt giữa Tồn Tại -Tồn Tại được hiểu vừa theo nghĩa Tuyệt đối, vừa theo nghĩa là Tồn tại xã hội- đang bị chi phối mạnh mẽ bởi tính đa nguyên (sau 25 năm đổi mới) đã phát triển với hệ thống, thể chế chính trị được hiểu như thượng tầng kiến trúc vẫn vận động nguyên vẹn theo nguyên lí nhất nguyên được xây dựng từ 50 năm nay.
Sự bùng nổ mạnh mẽ nhu cầu dân chủ, nhân quyền trong nhân dân; các cuộc đình công, biểu tình xuất hiện ngày càng nhiều, và vụ việc Tiên Lãng cũng như hàng nghìn thí dụ khác xung quanh vấn đề cưỡng chế đất đai là minh chứng rõ ràng nhất cho những xung đột gay gắt này. Đó phải là cái nhìn của các nhà lãnh đạo, các chính khách, các chính trị gia của đất nước. Giải quyết xung đột này không chỉ vẻn vẹn trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, hay chỉnh sửa luật đất đai theo hướng bảo vệ “quyền thiêng liêng” của người dân như luật gia Trần Quốc Thuận kiến nghị mà phải làm cho thể chế chính trị của đất nước vận động phù hợp với qui luật đa nguyên của Tồn Tại. Đa nguyên phải trở thành nguyên lí vận động của hệ thống, của thể chế chính trị. Đó là logic của thực tiễn chính trị nước nhà, là mệnh lệnh của đời sống, của lịch sử dân tộc trong thời kì đương đại.
Không nên hiểu một cách cảm tính đa nguyên hóa đời sống chính trị là đồng nhất với vấn đề đa đảng. Đa đảng, dĩ nhiên không phải là sự nguy hiểm đối với đời sống. Nhưng cần phải hiểu rằng, đa đảng chỉ là bước phát triển cuối cùng, bước đi cuối cùng (có thể đến) của đời sống đa nguyên chính  trị. Nhưng đây là câu chuyện sau cùng của lịch sử dân tộc, rồi đây chúng ta phải giải quyết chứ không phải ngay từ bây giờ như nhiều người đòi hỏi.
 Nhu cầu đa nguyên hóa đời sống chính trị nước nhà phải được cháy lên trong mỗi khát vọng của chúng ta. Đó chính là lối ra cho con đường tái cấu trúc hệ thống chính trị của đất nước.
Tôi đã nhìn thấy trong những nỗi niềm lo âu của ĐB DTQ một sự bất lực chua chát. Hãy gạt bỏ sự bất lực này là lời khuyên với ông trên vị trí và quyền hạn ĐBQH của mình bằng việc ông hãy đề nghị thẳng thắn với Đảng phải đáp ứng nhu cầu đa nguyên đó bằng những lộ trình và bước đi thích hợp cho nền chính trị nước nhà. Chỉ có như thế chúng ta mới hi vọng làm cho xung đột không đi đến với một kết cục bằng bạo lực mà tiếng súng Tiên Lãng đã báo hiệu.
Lộ trình đó là gì? Thứ nhất, Đảng cần phải từ giã mọi tư duy nhất nguyên luận để đến với tư tưởng đa nguyên hóa đời sống thực tiễn trong triết học. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh đến vai trò không thể thay thế được của triết học: mỗi khi đời sống lịch sử của một dân tộc, hay một thời kì của nhân loại bị khủng hoảng thì chúng ta lại phải cần đến sự dẫn đường của nó. Không có một tư tưởng triết học mới phù hợp với thực tiễn nước nhà đang vận động theo xu hướng, xu thế đa nguyên soi đường chúng ta sẽ không thể tiến lên nổi một bước nào về phía trước.
Thứ 2, yêu cầu Đảng phải trả lại quyền lực chính trị, quyền bính của đất nước cho nhân dân trên tư tưởng rằng, quyền lực của nhân dân phải là tuyệt đối, và vô hạn.
Cũng nên hiểu dứt khoát rằng, trả lại quyền lực cho nhân dân không đồng nghĩa với việc phủ nhận vô lối quyền lãnh đạo của Đảng đối với đất nước này, dân tộc này mà phải hiểu theo hướng nhân dân là người chủ chân chính sẽ trao lại quyền lực đó cho Đảng. Đảng chỉ trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội sau khi đã được nhân dân lựa chọn các đảng viên ưu tú của mình vào nắm giữ các vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước ở cơ quan lập pháp,và hành pháp thông qua các cuộc bầu cử.
 Nhân dân là người trao quyền lãnh đạo đất nước cho Đảng thông qua quyền lực nhà nước, thì nhân dân cũng là người soạn thảo ra HP dưới sự gợi mở, hướng dẫn của Đảng, và của các chuyên gia luật . Và cuối cùng, nhân dân là người thực thi quyền phúc quyết HP.
Đây là con đường tái cấu trúc có thể là duy nhất có tính khả thi để chúng ta đến được với một thể chế chính trị phân quyền trong một chế độ chính trị nhất đảng theo khuynh hướng ổn định và phát triển.
Nền chính trị phân quyền có khả năng thực tế trong việc kiểm soát, kiềm chế quyền lực lẫn nhau của quyền lực chính trị của nhân dân sau khi đã được trao cho Đảng.
Quyền lực chính trị của đất nước thuộc về nhân dân, và nhân dân trao cho nhà nước và ĐCS thông qua HP và bầu cử trong hình thái phân quyền, rõ ràng là sự thể hiện mẫu mực sự vận động của Hệ thống theo nguyên lí đa nguyên như một logic không thể chối bỏ.
                                                                                                                  N.H.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét