Toàn những ông già nổi hứng, rủ nhau đi tham quan Ninh
Bình. Do phải sắp xếp công việc riêng tư, lại mời gọi cho đủ chỗ ngồi của xe,
nên thời điểm xuất phát chậm mất ít ngày so với dự kiến, cái bệnh muôn thủa của
việc đi đâu với số đông người cứ là chờ đợi rất mất thời gian không thể tránh
khỏi, nhưng rồi đâu vào đấy đủ cả không thiếu một ai.
Mười lăm cụ, người nhiều tuổi nhất là 85, ít nhất cũng đã
65. Nghĩ rằng, du lịch vào những ngày thời tiết cuối hè, đầu thu sẽ dễ chịu,
không ngờ chưa đến mười giờ sáng đã nắng như đổ lửa. Dọc quốc lộ một, các loại xe cộ lớn nhỏ nườm nượp nối đuôi nhau,
động cơ đủ loại gầm rú đinh tai nhức óc. Sốt ruột nhất là thỉnh thoảng gặp phải
đoạn đường đang sửa. Xe xếp hàng chờ qua "nút chai" hàng cây số. Lợi
dụng xe nhỏ, tới khoảng đường rộng một chút, các ông xe con luồn lách, vọt lên
trước, những hạt bụi li ti gặp gió thốc lên mù mịt. Toàn những người già ngồi
trên xe trong hoàn cảnh đường sá này có khác chi một cuộc hành tội. Đoàn xe
rồng rắn như cua bò nhích từng tí một, ngừng rồi đi, đi rồi lại ngừng. Với hành
trình của loài rùa như thế, cuối cùng chiếc Toyota 15 chỗ ngồi của chúng tôi
cũng tới Ninh Bình vào quá Ngọ, đành tìm một quán ăn và nghỉ trưa. Buổi chiều,
khi đoàn vào thăm khu di tích đền thờ Vua Đinh ở Hoa Lư thì đã gần 13 giờ 30.
Thời
gian lúc này quả là không chiều người, vì ông trưởng đoàn quy định, vào lúc 16
giờ sẽ tính nước mã hồi, nên chúng tôi đành phải chọn cách tham quan "cưỡi
ngựa xem hoa". Nghĩa là tranh thủ nhòm ngó mỗi nơi một tí theo từng nhóm.
Từ đền Đinh Tiên Hoàng, nhóm chúng tôi qua thăm đền Lê Đại Hành, rồi vòng xuống
thăm khu di chỉ khảo cổ mới được khai quật, sau đó lại vòng về đền Vua Đinh, vì
nơi đây vẫn còn lưu lại khá nhiều những dấu tích của một vương triều từng có
công đánh giặc ngoại xâm(NHÀ TỐNG BÊN TÀU). Chính diện cổng đền
đề bốn chữ Hán 北門鎖鑰, âm Hán Việt đọc là "Bắc môn tỏa thược". Đây là một
câu trong sách cổ, dịch nghĩa là "chìa khóa cửa Bắc". Các cụ già có
ít vốn chữ Nho trong đoàn vừa đọc, ghi chép vừa trao đổi vơi nhau, cha ông
chúng ta ngày trước thâm thúy thật, mượn bốn chữ ấy có nghĩa rằng, cửa phía Bắc
là nơi xung yếu, được xem như cái chìa khóa, phên dậu, nói rộng ra là nơi quan
thiết nhất của Quốc Gia, chứ không chỉ riêng cửa bắc ngôi đền. Có thể xem, bốn
chữ ấy bao hàm cả một kế sách lớn của cha ông truyền lại cho muôn đời con cháu
mai sau. Đó là phải luôn cảnh giác và đề phòng các ông láng giềng phương Bắc,
phên dậu phải rào kín, dùng khóa sắt khóa chặt lại, canh phòng cẩn mật, không
cho chúng lọt sang do thám mới mong tránh họa ngoại xâm.
Chỉ một
ngày vừa đi, vừa về, các ông già thuộc vào tuổi "xưa nay hiếm", đã
"dũng cảm" vượt chặng đường dài trên ba trăm cây số,
thăm Cố Đô Hoa Lư. Tuy trong xe chật chội, nóng nực, lại xóc như xóc ốc, ai
cũng mệt mỏi, ể oải. Nhưng mọi người đều rất vui thú vị vì đã hiểu ra được đôi điều
trong bốn chữ "Bắc môn tỏa thược" trên cổng đền thờ Vua Đinh.
người xưa nói "Đi ngày đàng học sàng khôn" là vì thế.
Ninh Bình 15/8/2010
Hải Dương 20/8/2010
Bấn vào hình số 11 bài dưới(Đền vua Đinh) xem chữ BẮC MÔN TỎA THƯỢC trên cổng đền rõ hơn.
Bấn vào hình số 11 bài dưới(Đền vua Đinh) xem chữ BẮC MÔN TỎA THƯỢC trên cổng đền rõ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét