Người quan sát
Vào
tháng 9 của 62 năm trước, ngày 5/9/1950, vụ án tử hình tội phạm tham
nhũng Trần Dụ Châu đã gây chấn động chiến khu chống Pháp. Suốt tháng 9
của năm nay, 62 năm sau vụ án Trần Dụ Châu, một vụ án tham nhũng khác
đươc bàn đến.
Tờ Công An Nhân Dân số ra ngày 24/08/2005
đăng bài ôn lại vụ án Trần Dụ Châu cho biết, Châu đã lấy cắp của công
quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đôla Mỹ, các tài sản khác
trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên – Bắc Cạn năm 1950
là 50 đồng/một kg. Tờ Pháp luật và Xã hội số ra ngày 5/12/2010 bổ sung
sự kiện, khi kiểm tra két của Trần Dụ Châu đã thu được một triệu đồng và
25.000 đô la Mỹ.
Tổng cộng số tiền Trần Dụ Châu
tham nhũng là gần 1.200.000 đồng và 25.149 đô la Mỹ. Căn cứ giá gạo tại
thời điểm tham nhũng, quy theo giá gạo hiện nay, Châu đã tham nhũng
tương đương 2,6 tấn gạo, quy theo thời giá hiện nay (15 triệu đồng/tấn)
là 45 triệu đồng và 25.149 đô la Mỹ.
Ngày
20/5/1950, Tòa án binh tối cao do Tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế chánh án đã
xử tử hình Trần Dụ Châu. Trần Dụ Châu đã làm đơn xin Chủ tịch nước ân
xá vì ông ta đã có nhiều công lao với kháng chiến, nhưng Chủ tịch Hồ Chí
Minh vẫn phê chuẩn án tử hình một cán bộ cách mạng đã có hàm đại tá và
đương kim Giám đốc Nha Quân nhu thuộc Bộ Quốc phòng.
Năm
nay, 62 năm sau vụ án Trần Dụ Châu, khởi đầu từ tháng 7, kéo dài suốt
tháng 8 và tháng 9, kéo qua tháng 10, một vụ án tham nhũng khác được bàn
đến trong... “tình đồng chí”, và kết cục không kỷ luật một ai.
Trong
vụ án Trần Dụ Châu, chỉ thấy một tay chân là Lê Sỹ Cửu được bàn đến, và
ông Cửu cũng nhận án tử hình vắng mặt (vì ốm nặng). Còn trong vụ án lần
này, chỉ những thông tin sơ sài trên mạng, người ta cũng hình dung thấy
một mạng lưới chằng chịt, như vòi bạch tuộc vươn khắp nơi để hút máu
của nhân dân, từ những mảnh đất của nông dân nghèo, đến những tập đoàn
kinh tế nhà nước kếch xù, đến những cánh rừng bạt ngàn và cao nguyên
thuộc các cứ điểm có vai trò sinh tử trong chiến lược quân sự.
Trong
vụ sai lầm cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút khăn chấm
nước mắt sụt sùi để nhận những khuyết điểm do mình gây ra. Tổng bí thư
(TBT) Nguyễn Phú Trọng cũng bắt chước ông Hồ Chí Minh khóc ngậm ngùi.
Nhưng khác nhau căn bản là ở chỗ, ông Hồ Chí Minh đã để những bạn chiến
đấu của mình nhận án kỷ luật đảng, còn TBT Trọng thì đưa ra một kịch bản
rất “sáng suốt”, là nhận kỷ luật toàn Bộ Chính trị (hòa cả làng), để
rồi lại “lãnh đạo” Ban Chấp hành Trung ương cho toàn thể BCT trắng án
(!)
Dân tình bàn gì? Không hiểu ông Tổng bí thư có biết không?
Người quan sát xin thu lượm ít dư luận, nhờ trang Bauxit Việt Nam thông tin để TBT có thêm thông tin để xử lý.
Luồng dư luận thứ nhất: Đảng ta nhân ái
Một
số đảng viên và cựu chiến binh khen TBT sáng suốt, có tinh thần nhân
ái, dám dũng cảm động viên toàn Đảng phê phán một hồi để rồi tha bổng,
vừa để thể hiện lòng tin đối với sự tự giác của đảng viên, vừa để giữ
được đức “dĩ hòa vi quý” trong Đảng. Sau khi đánh giá cao tính nhân văn
của Đảng, nhóm này phân vân: Như vậy thì phải xem lại “tính chiến đấu
của Đảng ta”. Đảng ta đã bị tầm thường hóa thành một phường hội mất rồi
Luồng dư luận thứ hai: Đảng ta hữu khuynh
Điều
này, không rõ có sự chỉ đạo thống nhất không, nhưng qua các vụ kiểm
điểm ở cấp cơ sở đều thấy thể hiện đúng tinh thần “xuê xoa” như thế. Nếu
quả vậy, thì lý trí của “Đảng ta” bị cái tình cảm nhân văn lấn át hết
rồi. Chứng kiến các vụ kiểm điểm cấp cơ sở, dân tự phát nghĩ như thế,
không có thế lực thù địch nào xúi giục. Nhưng nay thấy cả Ban Chấp hành
Trung ương cũng “giơ cao... không dám đánh khẽ” như thế, thì Dân cho
rằng, kết cục của Nghị quyết 4 sẽ nhanh chóng bị lãng quên trong lịch sử
Đảng ta.
Luồng dư luận thứ ba: Đảng ta bất lực
Dân
thất vọng về Đảng, cho rằng Đảng đã bất lực. Vụ án này xét về quy mô
tham nhũng, mức độ tác hại có tầm vóc ghê gớm, mà vụ án Trần Dụ Châu
không thể nào so sánh được. Vụ tham nhũng Trần Dụ Châu chỉ mang tính cá
nhân. Vụ án này mang tính tổ chức rất cao, và được chính những người ở
vị trí cao nhất trong Đảng “lãnh đạo”. Chính vì thế mà Đảng đã phải
xử... tha bổng. Tha bổng không phải vì lợi ích dân tộc, mà vì tránh để
“thế lực thù địch lợi dụng”
Luồng dư luận thứ tư: Đảng ta nhúng chàm
Dân
nghi ngờ Đảng, cho rằng “các bố” tay nhúng chàm hết rồi, há miệng mắc
quai, e nó vạch mặt chỉ tên mình và “các đồng chí... chưa bị lộ” ra thì
chết. Nếu quả như vậy, thì ”Đảng ta” đã ở vào hồi nguy kịch lắm rồi. Khi
ý kiến này đến tai các vị chấp hành viên, lãnh đạo các tổ chức Đảng cơ
sở thì được các đồng chí giải thích “Đây là luận điệu của các “Thế lực
thù địch”. Chúng tung dư luận nói xấu Đảng ta, chứ Đảng ta đâu đến nỗi
ấy.
Tuy nhiên, khi hỏi dân, thì chẳng ai biết
thế lực thù địch ở đâu, nhưng con cái họ cung cấp những thông tin xác
thực về việc con cái họ, vừa là bạn học cùng ra trường với con gái một
ông nào đấy ngày hôm qua, bỗng nhiên được đặt ngồi trên đầu một tập đoàn
kinh tế hạng lớn, bỗng nhiên có quyền sinh sát đống tài sản hàng ngàn
tỷ, ngồi trên đầu cả một bộ sậu “Đảng ủy” của cái tập đoàn kếch xù ấy,
trong khi đó, nhân viên của ông ta từ chối nhận những bạn học cùng trang
lứa của con ông gái xin vào làm chân... “học việc” ... “rót nước” cho
các thủ trưởng là nhân viên cấp dưới của ông ta. Họ đã trắng trợn nhúng
chàm đến mức ấy. Hèn chi, mọi đề xuất kỷ luật chỉ là trò cười cho các
“thế lực thù địch”, và lần này bọn chúng (các thế lực thù địch) lại tích
lũy thêm sự kiện để nói xấu Đảng ta.
Từ những
luồng dư luận thu thập trên đây, Người quan sát xin gợi ý để đồng chí
Tổng Bí thư suy nghĩ về những cách nhìn nhận của quần chúng trước quyết
định của Ban chấp hành TW dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư như sau: Đảng
ta nhân ái, Đảng ta hữu khuynh, Đảng ta bất lực hay Đảng ta nhúng chàm,
hay là Đảng ta là hiện thân của tất cả những thứ đó?
Cả
bốn luồng dư luận này đều dẫn đến sự mất tín nhiệm của Đảng trước nhân
dân. Biết rằng, với cơ chế hiện nay, thì cử ông khác lên vị trí ấy, cũng
sẽ mắc lại đúng những tội như thế, nhưng thà làm cái việc vô công đó
vẫn còn giữ được một chút lòng tin mong manh vào sự tồn tại của Đảng.
Nhân
thể, cũng nên ôn cố tri tân một chút, xem thái độ của Đảng ta trong vụ
án Trần Dụ Châu như thế nào? Cũng là cái đảng ấy thôi, sao bây giờ khác
quá.
N.Q.S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
* * *
Bài đăng trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 25/5/1950
Trần
Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ làm nhiều
điều bỉ ổi đã bị đưa ra trước Tòa án binh tối cao. Ngay ngày hôm sau,
tên phản bội quyền lợi nhân dân ấy đã bị bắn để đền tội của y.
Trong
tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần
Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân bằng lòng và
thêm tin tưởng ở chính quyền và đoàn thể nhân dân. Nhân dân đã thấy rõ:
Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy,
dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa. Vụ án này còn làm vui lòng tất cả
những cán bộ Quân nhu ngay thẳng, chí công vô tư, đã không để Trần Dụ
Châu lôi cuốn.
Nó đã cho chính quyền và đoàn thể ta nhiều kinh nghiệm trong việc dùng cán bộ, giáo dục và kiểm soát cán bộ.
Có
người e ngại: Chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ nhưng tội
lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê
trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta.
Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của
ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đấy là một sự
khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ,
của Chính quyền, đoàn thể vì họ đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là
chính quyền, đoàn thể của họ và họ nhất định không tha thứ những kẻ nào
đi ngược quyền lợi của họ.
Cái chết nhục nhã
của Trần Dụ Châu còn là một lời cảnh cáo những kẻ lén lút đang tính
chuyện đục khoét công quỹ của Chính phủ, trục lợi của nhân dân. Tất cả
những bọn ấy hãy coi chừng dư luận sắc bén của quần chúng và luật pháp
nghiêm khắc của Nhà nước nhân dân!
Chúng ta
phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những bọn ấy, những kẻ tham ô,
hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác,
để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng.
Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của đoàn thể mà đấy là bổn phận của tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét