Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

“Tính Đảng” trong nhân dân

Lê Anh Hùng
Như chúng ta đều biết, Đảng CSVN vẫn tự vỗ ngực là đại diện cho cả giai cấp công nhân lẫn dân tộc Việt Nam, đồng thời quả quyết là nó vừa mang tính giai cấp lại vừa mang tính nhân dân.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả không dám bàn đến “tính nhân dân” trong Đảng, bởi đây rõ ràng là sở trường của các nhà lý luận siêu việt của Đảng; thế gian này thật khó mà tìm ra ai đó có thể thuyết giảng hay hơn họ về những chủ đề kiểu như vậy, trong khi người viết thì vừa chưa phải là đảng viên lại vừa hạn hẹp về tri thức. Ở đây, tác giả chỉ muốn bàn đến một khía cạnh theo chiều ngược lại – đó là “tính Đảng” trong nhân dân.
Trong văn học Việt Nam, thời Nghiêu-Thuấn thường được dùng làm điển cố để miêu tả thời kỳ thái bình thịnh trị: thời kỳ mà trong nhà chẳng ai đóng cửa, ngoài đường chẳng ai lượm của rơi. Người ta cho rằng điều đó chính là nhờ ân đức của hai vua Nghiêu-Thuấn phủ khắp thiên hạ và thấm nhuần đến từng người dân.
Người Việt Nam chúng ta ngày nay xem ra cũng chẳng kém may mắn so với các thần dân của triều đại Nghiêu-Thuấn khi xưa là mấy. Suốt 2/3 thế kỷ qua, Đảng Cộng sản VN, “đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành với quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, đã đưa cách mạng Việt Nam “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, chính nhờ có Đảng mà chúng ta mới có được như ngày hôm nay – đó là những gì mà bộ máy tuyên truyền của Đảng hàng ngày vẫn ra rả vào tai các thần dân may mắn của nó.
Những gì mà Đảng đã đem lại cho đất nước này thật khó mà kể ra cho hết. Ở đây, tác giả chỉ xin nêu ra một vài “thành tựu” nho nhỏ thôi, chẳng hạn như (i) theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì GDP (tổng sản phẩm quốc nội) đầu người năm 2011 của Việt Nam là 1.374USD, đứng thứ 141/183 nước, nghĩa là Việt Nam “vinh dự” được nằm trong nhóm ¼ số nước nghèo nhất trên thế giới; (ii) theo bản Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2012-2013 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì trong 5 nhóm nước xếp theo trình độ phát triển, thật “tự hào” khi Việt Nam đến nay vẫn nằm ở nhóm có trình độ phát triển thấp kém nhất; (iii) trong bảng Chỉ số Đổi mới/Sáng tạo Toàn cầu năm 2012 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), đáng “phấn khởi” là Việt Nam chúng ta lại đứng thứ 76/141 nước và hơn thế, bảng xếp hạng mấy năm qua còn cho thấy trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và theo chiều hướng ngày càng chìm sâu, lùi xa so với láng giềng; v.v. và v.v.
Trên đây, tác giả chỉ mới kể sơ qua về cái “ân” của Đảng đối với đất nước. Đương nhiên, để đạt được những “thành tựu” khiến bao nước khác phải “ghen tị” như vậy thì cái “đức” của Đảng phải thấm nhuần tới từng người dân nói riêng và cả xã hội nói chung rồi. Bởi thế nên Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã khẳng định chắc nịch, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, còn Đảng thì vẫn luôn khiêm tốn cho rằng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Dưới đây, tác giả xin mạo muội liệt kê một vài “phẩm tính cao quý” của Đảng, hay nói theo ngôn ngữ cao siêu của các nhà lý luận mácxít-lêninnít là “tính Đảng”, đang ngày càng thấm nhuần vào xã hội Việt Nam và nhào nặn nên một thời đại có một không hai trong lịch sử dân tộc – “thời đại Hồ Chí Minh”.
Tinh thần “hạ đạp pháp luật”
Điều đầu tiên mà hầu như người Việt Nam nào hiện nay cũng nghĩ đến khi dính vào chuyện “đáo tụng đình” có lẽ là “chạy”: “chạy” Công an, “chạy” Viện Kiểm sát, “chạy” Toà án, “chạy” đến “ông nọ, bà kia”, v.v. Và kết quả dường như chẳng mấy khi phụ “lòng tin” vào pháp luật của họ.
Cảnh người tham gia giao thông cứ ngang nhiên vượt đèn đỏ mỗi khi không thấy bóng dáng cảnh sát chính là bức tranh thu nhỏ về ý tinh thần “hạ đạp pháp luật” của người dân Việt Nam hiện nay. Nếu ai đó cho rằng điều này là do “dân trí” hay “ý thức của người tham gia giao thông” thì xem ra họ chẳng hiểu chút gì về “tính Đảng” trong nhân dân cả. Blogger Anh Ba Sàm từng kể lại câu chuyện đáng suy ngẫm: “Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo! Nhiều năm sau, ở Hà Nội, tại những ngã tư đông đúc như Tràng Tiền – Hàng Bài, ngoài một chú cảnh sát đứng bục, thường phải có thêm 4 chú cầm gậy chặn bốn phía, lùa, đuổi mà cũng không xuể”. Thử hỏi, sự “biến chuyển” ngoạn mục đó nếu không phải là nhờ Đảng thì còn ai vào đây?
Vì Đảng trước sau như một vẫn cho rằng mình là sự lựa chọn của lịch sử nên ngay cả Hiến pháp Đảng cũng coi như mớ giấy lộn chứ đừng nói gì đến pháp với chả luật. Vở tuồng “chỉnh đốn Đảng” đang diễn ra “gay cấn” giữa bốn bức tường của những phòng họp kín đáo kèm theo những cuộc “vận động” hay “mặc cả” bí mật khác là một bằng chứng nữa cho thấy ở cái xứ sở “dân chủ gấp vạn lần tư bản” này, pháp luật chỉ là một món đồ trang sức rẻ tiền của Đảng mà thôi.
Văn hoá “nói dzậy mà không phải dzậy”
Báo Tuổi Trẻ ngày 6/10 vừa qua đăng bài “Chập chững vào đời đã nghe nói dối”, trong đó có đoạn: “Ở nước ta, giả dối đúng là một thứ ‘bệnh di căn’ khó chữa. Ngay từ khi chưa kịp lớn, hàng triệu trẻ em đã bị ‘nhiễm’ bệnh này rồi.”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên ngày 20/5/2006, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã phát biểu: “Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống… Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lặp lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là rất mất đạo đức.”
Nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) thì viết trong tuỳ bút nổi tiếng “Đi tìm cái Tôi đã mất” (2006): “Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiệm liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lẻm, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra… Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi”.
Tạo ra nếp văn hoá tiên tiến “nói dzậy mà không phải dzậy” như thế nếu không phải là “công lao” của Đảng thì là của ai đây? Và nét văn hoá “đậm đà bản sắc của Đảng” đó chẳng phải là sự thể hiện “tính Đảng” trong nhân dân hay sao?!
Lòng căm thù đồng loại sâu sắc
Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang thực sự là nỗi khiếp đảm của người dân Việt Nam. Người ta cứ thản nhiên đầu độc đồng bào của mình mà dường như chẳng hề cảm thấy “áy náy” gì cả: chất tạo nạc nguy hại trong chăn nuôi, hàn the trong giò chả, rau quả sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật độc hại, rồi thịt gia súc/gia cầm dịch bệnh hay đã bốc mùi hôi thối vẫn được tiêu thụ, v.v. Bên cạnh đó, tình trạng trộm, cướp, đâm, chém, giết, hiếp, v.v. vẫn đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng đáng báo động. Trong lịch sử dân tộc, chắc chắn là chưa bao giờ người Việt Nam lại tỏ ra căm thù chính đồng bào của mình một cách sâu sắc đến vậy. Và nếu như nền thái bình thời Nghiêu-Thuấn là nhờ ân đức của hai bậc minh quân này thì rõ ràng chẳng ai đủ tư cách mà nhảy vào đây để “tranh công” với Đảng cả. Thực tế trên có lẽ là hiệu ứng từ những “chủ trương lớn” trước kia của Đảng như “Trí-phú-địa-hào/Đào tận gốc, trốc tận rễ” và “Cải cách Ruộng đất” hay nỗi ám ảnh nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch” hiện nay của họ.
Nếu người dân Việt Nam cứ đợi dài cổ suốt 2/3 thế kỷ qua mà vẫn chẳng thấy tăm hơi của chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản như lời hứa hẹn hết lần này đến lần khác của Đảng ở đâu thì cũng đừng thắc mắc làm gì. Tương lai chỉ là sự phát triển cao của quá khứ và hiện tại; xã hội Việt Nam nói chung và mỗi người dân Việt Nam nói riêng vẫn đang ngày càng thấm nhuần những “phẩm tính cao quý” của Đảng (hay “tính Đảng”) đấy thôi. Đó mới là điều thực sự quan trọng. Tuy hai thiên đường trên mặt đất kia chưa kịp đến với chúng ta nhưng được sống dưới sự lãnh đạo của một chính đảng vẫn tự vỗ ngực “là đạo đức, là văn minh” trong “thời đại Hồ Chí Minh” như hiện nay thì cũng chẳng khác gì thời Nghiêu-Thuấn khi xưa cả. Đấy chẳng phải là “hồng phúc” của dòng giống “con Rồng cháu Tiên” hay sao?!
Hà Nội, 10/10/2012
L.A.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét