Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

BCH TW THA KỶ LUẬT BỘ CHÍNH TRỊ HAY TỰ THA CHO MÌNH

Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 5:09 sáng ngày 17/10/2012  0 Bình luận
TS. VŨ DUY PHÚ
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu các Vấn đề Phát triển -VIDS/Vusta)
Ts. Vũ Duy Phú
Ts. Vũ Duy Phú
Bộ Chính trị tự xin chịu kỷ luật vì những sai lầm rất lớn của toàn Đảng dẫn đến hậu quả nghiệm trọng. Đó là, đáng nhẽ sau đại thắng 1975, nhất là sau Đại hội VI với quyết tâm đổi mới, đất nước ta đã có thể chuyển biến cơ bản sang một tầm mức cao hơn, tận dụng tốt nhất thời cơ và khí thế vươn lên của toàn dân tộc, đáp ứng sự khuyến khích và hy vọng của nhiều nước bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới (điều đó được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức và những tín hiệu khác nhau).
Nhưng từ Đại hội VII trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thực chất là dưới sự chỉ đạo quyết sách trực tiếp của Bộ Chính trị các khóa sau đó, cho đến lần kiểm điểm của Bộ Chính trị khóa này, rất tiếc, chúng ta đã phạm rất nhiều sai lầm nghiêm trọng, như Trung ương đã tự nhận định, đặc biệt là xuất phát từ cái gốc là sự suy giảm lý tưởng cao quý vì dân, vì nước của Đảng, dẫn đến không thể vượt qua nổi những lực cản trở cải cách thể chế chính trị, hậu quả là suy thoái về tổ chức, kỷ luật, đạo đức và niềm tin từ trong Đảng, lan ra bên ngoài thành suy thoái đạo đức, kinh tế và trật tự xã hội.
Nay Bộ Chính trị đã nhận ra sai lầm thiếu sót và xin nhận mức kỷ luật nào đó của Trung ương. Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng, là tiền đề cho những bước tiến mới đầy hy vọng của Đảng. Nhân dân chúng ta trước hết rất nên hoan nghênh, sau đó có phê phán, bình phẩm gì thì hãy phê phán bình phẩm. Tôi cũng xin mạn phép nói lên mầy suy nghĩ của mình sau đây.
Dư luận đông đảo các tầng lớp ưu tú và nhân dân đã hầu như thống nhất nhận định rằng, cái lỗi lớn nhất, quyết định nhất của Đảng, và của cả “phe XHCN” là lỗi hệ thống, dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô – thành trì của Cách mạng XHCN – , và khối các nước Đông Âu, đến sự suy thoái trầm trọng không rõ lối ra – về thể chế chính trị – của các nước XHCN còn lại, là Việt nam, Trung Quốc, Cu ba, Triều Tiên . . . Mấy đặc trưng quan trọng nhất của lỗi hệ thống này là:
Một là, và quan trọng nhất là, đã kiên trì vận dụng những sai lầm của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và mô hình XHCN kiểu Stalin, độc đảng toàn trị, trong đó lấy đấu tranh giai cấp giữa công nông và tư sản – tức là giữa XHCN và TBCN !) làm động lực cho mọi hoạt động của Đảng và của cả xã hội; thực hành chuyên chính vô sản, sở hữu toàn dân máy móc; quốc doanh làm nòng cốt; phủ nhận vai trò của xã hội dân sự…biến lý tưởng “Dân làm chủ” thành chế độ “Đảng làm chủ”, mà thực chất đã giao “Quyền làm chủ” đất nước cho các cấp ủy Đảng từ TƯ đến mọi cơ sở.
Hai là, khi không thể tiếp tục kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nên đành phải đổi mới về kinh tế, vận dụng cơ chế thị trường và mở cửa hội nhập, nhưng lại không chịu đổi mới đồng bộ về thể chế chính trị, vẫn kiên trì độc đảng lãnh đạo, mà, như trên đã nói, thực chất là tập trung quyền quyết định vào các cấp ủy từ Trung ương đến các bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế (để họ muốn làm gì thì làm). Sự khập khiễng “đầu Ngô, mình Sở”: Sự tháo khóan “bung ra” ở và cho các cơ sở địa phương, các bộ ngành và các tập đoàn (cả tư duy, chủ trương và quyền hành) và sự tiếp tục “kiên trì” ở trên Trung ương (tập trung, giữ vững quyền lãnh đạo toàn diện và tập trung, độc quyền cả tư duy và trí tuệ) và sự trói buộc, mất dân chủ, thậm chí áp đặt, cưỡng bức nghiêm trọng trong xã hội …đã dẫn đến thiểu năng trí tuệ ở mọi cấp lãnh đạo, dẫn đến tình trạng “thập nhị xứ quân” từ đó làm hỗn loạn tổ chức, mất kỷ cương phép nước, phép Đảng và xã hội, dẫn đến tham nhũng tiêu cực, tệ nạn xã hội ngày càng hoành hành hơn hẳn những căn bệnh này tại các nước phát triển…
Ba là, tính “kiêu ngạo cộng sản”, chỉ coi “công nông – tức Đảng – là yêu nước nhất, cách mạng nhất, và trí tuệ nhất”, luôn luôn cho rằng mình “đã thuộc bài” hơn mọi người; cũng như bệnh “thành tích chủ nghĩa”… đã trói buộc quyền tự do dân chủ, sức sáng tạo và sức sống của cả một dân tộc vừa mới “Rũ bùn đứng dậy chói lòa” để vươn lên. Vì vậy, nội dung mấy nghị quyết 4, 5, 6 vừa rồi là rất trúng, nhưng mới chỉ tập trung bàn cách giải quyết phần ngọn của sự suy thoái của Đảng và của xã hội Việt Nam.
Tôi thấy, Bộ Chính trị đã nhận thấy sai lầm lớn, nghiêm khắc xin chịu kỷ luật, song chính Trung ương Đảng lại tha thứ cho Bộ Chính trị, tức cũng là tự tha thứ cho chính mình. Điều đó ta nên suy nhĩ thế nào?
Một là, vì quyền lợi tối cao của Đất nước, trong tình hình hiện nay: Vì chưa sửa được lỗi hệ thống, đất nước còn đang rất khó khăn, thù trong giặc ngoài, nên Trung ương làm như vậy là được, và trước mắt nhân dân cũng thông cảm thôi. Bởi cái lỗi hệ thống này là nó bắt nguồn từ cái thế kẹt khi nhân dân ta buộc phải dựa vào Liên Xô và Trung Quốc để đấu tranh giành, giữ độc lập và phục hồi sau chiến tranh kéo dài. Nó cũng bắt nguồn từ sự thiếu những tri thức cần thiết để sớm nhân ra sai lầm của CN Mác Lê như Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, và cuối cùng là nó bị chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích phe nhóm” nặng nề cản trở quá trình đổi mới thể chế chính trị… Do đó, ta có thể khách quan mà nói rằng, Bộ Chính trị hiện nay – mặc dù có những sai lầm riêng – nhưng về khách quan, cũng là nạn nhân của những sai lầm thể chế (lỗi hệ thống) tích tụ từ mấy chục năm qua… Vì vậy, niềm vui của nhân dân sẽ lớn hơn nhiều, vinh quang của Đảng sẽ trở lại sáng ngời, nếu Đảng ta thật sự quyết tâm sửa cái lỗi hệ thống nói trên càng nhanh, càng tốt. Còn nếu không, Đảng lại cứ tiếp tục sai lầm và lại cứ tiếp tục tự tha thứ cho mình!
Hai là, vấn đề là sửa lỗi hệ thống trong tình hình hiện nay cần phải thế nào ? Đại đa số đảng viên và người dân tin rằng, cứ theo cách kiểm điểm và hứa hẹn nghiêm túc này, rồi Đảng cũng sẽ sửa được lỗi hệ thống. Nhưng cũng có rất nhiều người cho rằng, cần phải làm một cuộc cách mạng văn hóa chính trị mới theo kiểu “liệu pháp sốc” trong Đảng và trong xã hội. Tôi cho rằng, Đảng ta và xã hội ta đang đứng trước cái ngưỡng của khả năng cách mạng triệt để một cách hòa bình. Tình hình và bản chất của Đảng ta, sự giác ngộ cao và rất quật cường của nhân dân ta , sự kỳ vọng và giúp đỡ động viên của các nước bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới… một mặt, cho phép ta làm cách mạng văn hóa – chính trị một cách hòa bình, mặt khác cũng không cho phép ta làm cách mạng văn hóa – chính trị một cách vội vã rất dễ dẫn đến hỗn loạn như rất nhiều nước khác vừa qua và đang diễn ra hiện nay. (Một khi con bệnh đã suy thoái cả lục phủ ngũ tạng, thì không thể chỉ dùng biện pháp mổ sẻ, cắt bỏ mà giải quyết được… ). Theo tôi, như trên đã nói, cái lỗi lớn nhất là Đảng ta, do kiên trì CN Mác Lê, nên ngày càng biến thể chế mong muốn Dân làm chủ, thành thể chế Đảng làm chủ. Tình hình càng khó khăn, các Đảng CS – trong đó có Đảng ta – càng muốn “làm chủ” nhiều hơn, sâu rộng hơn, áp đặt chuyên chính quyết liệt hơn; vì cứ sợ Dân làm chủ là sẽ hỏng hết! Đồng chí Tổng Bí thư đã có lúc băn khoăn rất thực lòng mà hỏi rằng: Dân là ai mới được chứ ? Vậy Dân tộc ta hàng mấy ngàn năm dựng nước, đã có biết bao chiến công hiển hách từ khi chưa có Đảng Công sản, đó chẳng phải là chiến công của nhân dân theo nghĩa thông thường hay sao?
Ba là, suy cho cùng, cái chốt quan trọng nhất là ai được quyền quyết định tối hậu mọi vấn dề của Đất nước, của các địa phương, các bộ ngành và của các tập đoàn, doanh nghiệp ? Trả lời và sửa được điểm chốt này là đã tạm ổn, là có triển vọng thực hiện thắng lợi việc lập ra thể chế Dân làm chủ.trong hòa bình. Theo tôi, Đảng cần cương quyết bỏ cái quyền Đảng lãnh đạo “tập trung và toàn diện” quá đại trà như hiện nay, – thực chất là cái quyền đó lâu nay vẫn được trao cho mọi cấp ủy Đảng từ Trung ương tới các địa phương, bộ ngành và tập đoàn kinh tế (bất kể cấp ủy đó mạnh hay yếu, tốt hay xấu, bị nhóm lợi ích chi phối hay không, có đủ trí tuệ hay chỉ có vài đảng viên do hoàn cảnh nên ít được học hành, rèn luyện) – Đảng, mà trước hết là Bộ Chính trị, hãy tập trung mọi sức lực và trí tuệ vào việc lãnh đạo toàn dân toàn Đảng làm ra bản Hiến pháp mới trên tinh thần và bản chất tư tưởng Dân làm chủ của Hồ Chí Minh, đã thể hiện rõ nét trong Tuyên ngôn lập nước và bản Hiến pháp năm 1946. Sau đó, toàn Dân, toàn Đảng coi Hiến pháp mới đó là người lãnh đạo chỉ đường tối cao của toàn Dân tộc, trong đó có cả quy định sự hoạt động mang tính lãnh đạo – cố vấn tối cao – của Đảng. Đảng nên và cần phải.truất bỏ quyền lãnh đạo quyết định độc quyền của các cấp ủy cấp dưới từ các bộ ngành, các tỉnh, các địa phương và các Doanh nghiệp nhà nước. Ở Trung ương, thì Bộ Chính trị và Trung ương Đảng phải hết sức tôn trọng – bằng các quy chế cụ thể – quyền lực và hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ – những cơ quan, tổ chức đại diện tối cao tập hợp phần lớn tài trí, quyền lực của toàn dân, do Nhân dân trực tiếp bầu cử ra. Đảng cần tham gia trực tiếp vào quá trình bầu bán dân chủ vào các cơ quan quyền lực này của Nhân dân để được thực hiện – theo luật định – trách nhiệm lãnh đạo mà Đảng tự nguyên trao cho mình lâu nay. Tôi cho rằng, bước đầu tiên rất nên làm như vậy để Đất nước sẽ dần dần ổn định và phát triển hòa bình.
Lưu ý, đã có hiện tượng, một số nước bè bạn có thể “đi sau, về trước” chúng ta. Ngay đối với Trung Quốc, nếu chúng ta không dũng cảm sửa lỗi hệ thống sớm, thì chúng ta cũng sẽ thua cả Trung Quốc, mặc dù hiện nay họ vẫn dỗ dành chúng ta “kiên trì” CN Mác Lê, bởi thực lòng họ không muốn chúng ta tiến trước họ, thậm chí muốn chúng ta lạc hậu để phụ thuộc họ.
Tuy nhiên, nhân dân ta nên vững tin và bình tĩnh giúp vào, và thúc đẩy thêm vào sự sáng suốt và dũng cảm của toàn Đảng, của Bộ Chính trị và T.Ư Đảng. Cái gì là quy luật tất yếu, nó sẽ phải đến.
V.D.P
(Bản thảo do tác giả gửi đến Bvbqd)
Thẻ:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét