Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

XÔN XAO THẾ GIỚI MẠNG VỀ MỘT KẺ CHO LÀ LƯỜI BIẾNG

PHẠM TOÀN
LanOngLịch sử có nhiều hiện tượng lặp lại, song khó có thể tin rằng con người bao giờ cũng có ý thức đúng về những diễn biến giống nhau.Kẻ lười biếng” đang gây xôn xao thế giới mạng
Chẳng hạn như chuyện bạn học sinh lớp 12 tự làm clip phát biểu về nền Giáo dục nước nhà năm 2013. Liệu bạn đó có ý thức mình đang là kẻ nổi loạn hay không? Liệu trong một mức độ nào đó, bạn có thấy là mình đang làm lại hành vi của nhiều học sinh trường Bưởi đầu thế kỷ trước như Đặng Xuân Khu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khắc Viện … nay nhắc lại thấy như một thời nào đó đã lùi xa … quá xa khỏi ký ức người đương thời hôm nay vào năm 2013 này?
Còn xa hơn sâu hơn nữa vào Lịch sử, em học sinh lớp 12 đã tự gọi mình là “kẻ lười biếng”. Song sự so sánh đó chắc chắn chỉ là tình cờ. Người học trò Việt Nam của năm 2013 ấy làm sao đủ trình độ, đủ ý thức, đủ can đảm và đủ cả liều lĩnh so sánh mình với “kẻ lười biếng quê vùng biển” là Hải Thượng Lãn ông!
Đơn giản thế này thôi: chàng trai lớp 12 trong clip tự quay chỉ mới có nổi một ý thức phản kháng đủ để anh lên tiếng gửi người lớn, gửi tất cả những người lớn có trách nhiệm trước sự nghiệp giáo dục của đất nước một lời dõng dạc này thôi: “Này, người lớn, các vị hãy nhìn vào chúng tôi đây, hãy nhìn kỹ những sản phẩm ra lò của các vị đây: thế hệ học trò chúng tôi đây, một lũ ngu và lười”.
Câu nói ấy gợi cho tất cả chúng ta một liên tưởng: chỉ là “thế hệ chúng tôi” thôi ư? Còn thế hệ các vị, thế hệ đã đúc khuôn thành chúng tôi thì sao? Đã gọi là liên tưởng, thì liên tưởng này nhất thiết sẽ dắt dây sang một liên tưởng khác cho đến một liên tưởng gần như kiệt cùng: các vị đã tổ chức nền giáo dục ra sao, theo hình ảnh nào để chúng tôi đến nông nỗi này – để chúng tôi thành một lũ ngu và lười, liệu các vị có thoát khỏi trách nhiệm trước tình trạng ấy không?
Chàng trai trong clip ấy không nói thẳng hết ý nghĩ “nổi loạn” của thế hệ mình. Chàng trai ấy chỉ tập trung nêu câu hỏi: học biết bao nhiêu những “thứ đó” nhưng học để làm gì? Đây là câu hỏi khó trả lời ngay cả đối với khá nhiều người lớn. Bởi suy cho cùng thì mục đích học của họ cũng chỉ là để có một mảnh bằng “chính chủ” cộng thêm văn bằng hai văn bằng ba văn bằng bốn, cuối cùng cũng chỉ để nhăm nhe một chức quan to nhỏ, và chỉ đến thế thôi.
Và trong suốt quá trình học, thì việc tự tìm đến tri thức bị coi là phụ, mà cả cuộc đời học đường hầu như chỉ là chuyện thi cử, suốt đời thi cử, mươi hai năm đằng đẵng thi cử… để làm gì? Chàng trai trong clip đã nói toạc ra: nếu không có chuyện thi, liệu còn có ai chịu học bài?
Rõ ràng, trong câu hỏi ấy, người học trò “ngu và lười” bộc lộ nguyện vọng của mình rằng anh ta muốn học, học, và học, học khổ đến bao nhiêu cũng được, nhưng không chấp nhận cái khổ của thi cử, không bằng lòng coi thi cử như một kích thích cho việc học.
Nguyện vọng ấy nếu được thực thi sẽ bẻ gãy cái roi của những nhà giáo dục các cỡ. Roi từ gia đình, từ họ tộc, từ truyền thống trường, từ những khu phố văn hóa đầy ma túy và bạo lực, và từ những cuộc ganh đua “chăm phần chăm” – áp lực của thói quen tư duy trong một nền văn hóa của số lượng và của sự thô kệch, nơi các “nhà văn hóa” chỉ nhìn thấy sức mạnh giả định trong đám đông, nơi đó tất cả những Einstein những Gandhi và những Charles Chaplin chụm lại cũng chỉ có thể chiếm 1 phần trăm sau nhiều số không đứng sau dấu phẩy!
Dường như ta có nghe thấy em học sinh lớp 12 trong clip đó nói thế này: chúng con kính trọng các thày, nhưng xin thày hãy thoát ra khỏi cách diễn giải vẫn còn thiếu thẳng băng, đòi thế tục hóa nền Giáo dục khỏi mọi chủ thuyết.
Dường như em học sinh lớp 12 vô danh đó đang nói thay các thế hệ tương lai, rằng các thày hãy Tự do trong giảng dạy và trong hành động. Tự do là cái Quyền thiêng liêng nhất mà Tự Nhiên phú cho con người. Có ai cấm các thày tạo ra những bộ sách mới theo chương trình học mới làm hả hê thỏa thuê nguyện vọng chấn hưng đất nước của các thày?  Ngay cả ở bậc đại học là bậc phải dành lấy quyền tự chủ mà các thày cũng cứ bó tay cho sự Tự do trôi tuột đi mất, thế thì lũ trẻ con “ngu và lười” chúng em còn biết trông cậy vào đâu nữa?
Các thầy hãy hành động tự do như trí tuệ tự do của các thày thôi thúc. Còn về phía xã hội, những nhà lãnh đạo phải có sứ mệnh dân chủ hóa cuộc chạy đua tự do vì sự nghiệp chấn hưng văn hóa và giáo dục của dân tộc. (Dân chủ hóa nói ở đây nghĩa là đối xử không phân biệt với mọi khuynh hướng sáng tạo văn hóa và giáo dục khác nhau).
Nhưng giữa hai khuynh hướng Tự do và Dân chủ ấy, thì cần coi trọng khuynh hướng thứ nhất hơn. Dân chủ thì trước sau gì rồi cũng sẽ tới với cuộc sống xã hội. Nhưng Tự do là cái có sẵn trong từng con người sáng tạo. Sản phẩm của Tự do cách tân nền Giáo dục cho cả một Dân tộc sẽ xóa sổ những thứ tự do vờ vịt cốt nuốt trôi lợi nhuận một trường tư thục là cùng.
Trong Tự do có sự thi đua lành mạnh của những tài năng đích thực vì nước vì dân. Hình như chàng trai lớp 12 chân thành hùng biện trong clip tự quay đòi hỏi cuộc sống hành xử Tự do và Dân chủ trong Giáo dục như vậy.

4 phản hồi

  1. Đó là một “siêu học trò”
  2. rất hay .. cám ơn tác giả vì bài viết này.
  3. Khó có thể xếp Nguyễn Khắc Viện bên cạnh Phạm Văn Đồng, Đặng Xuân Khu khi nói về học sinh trường Bưởi. Nguyễn Khắc Viện học giỏi, chỉn chu, nên Pháp mới cấp học bổng cho đi du học. Ông chỉ tham gia cách mạng khi đã sang bên Pháp.
    Tôi chỉ mong là mình nhầm, chứ chẳng lẽ nhà giáo mà lại sai.
    P/S. Mà ô. Đặng Xuân Khu không khi nào học trường Bưởi thì phải.
  4. bác toàn kính mến: những ai quan tâm về nền giáo dục nước nhà đều sốc khi xem một em học sinh còn rất trẻ hùng biện một cách rất có trách nhiệm. bản thân vấn đề không mới, và có những điểm đáng bàn thêm. nhưng phải nói em rất có năng khiếu về hùng biện. nhiều người bảo: hơi diễn một tí,nhưng không, hãy nhìn hit le hùng biện trước đám đông mới thấy được sức mạnh của ngôn từ thông qua hành động diễn đạt. trong bài em phát biểu rằng học đến lớp chín là đủ, theo tôi chưa hẳn thế. tôi có hai con đang học trường séc. đứa đầu học giỏi nên được vào gim học tiếp. đây là cửa ngõ của các trường đại học cháu thứ hai học kém hơn xong lớp chín vào trường nghề. trường nghề cũng là một sự bắt buộc không thể bỏ qua. nếu học sinh bỏ học bố mẹ có thể ra tòa. tôi nghĩ việt nam mình có áp dụng được ko? mỗi khi đã có hình mẫu của các nước.theo tôi ko khó lắm. nhưng thử hỏi hàng triệu học sinh học xong lớp chín chúng nó đi đâu, làm gì khi tuổi đang ăn học. hệ thống trường nghề của mình có chưa để chứa một lượng tiểu học sinh khổng lồ. các nhà chính trị bảo thủ dung dưỡng một nền giáo dục của liên xô cũ rích. hệ thống các trường trung sơ cấp các học viện đều dậy theo hình mẫu liên bang xô viết đã rách nát. không thay đổi, và không khai phóng tư tưởng của toàn xã hội thì kính thưa các loại kính. có ba đầu ông bộ trưởng cũng không thể làm được. cái vòng tròn tại sao ko quay. xin trả lời giúp kẻ lười biếng. bởi sự kìm nén của cả một hệ thống chính trị chỉ quan tâm đến lợi ích của phe nhóm. và cái tâm của vòng tròn đó đã lệch chuẩn.chỉ khi nào nền dân chủ đích thực khai phóng được tư tư tưởng của cả một dân tộc mới có cơ may khai phóng được nền giáo dục nước nhà.chỉ một bài hùng biện của chàng trai rất trẻ đã bao quát được rất nhiều vấn đề khi mổ xẻ và phân tích. nó chứa đựng một thông điệp chính trị học, nhân văn học, và luân lý đạo đức học. lớp trẻ đã trưởng thành, họ muốn nói với bậc người già rằng_thay đổi hay là chết….

Gửi phản hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét