Lê Diễn Đức
Barack Obama tiếp Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng - Ảnh: BBC
Chuyến công du của chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua Hoa kỳ
như tôi đã dự đoán, chẳng có gì đột phá, nếu không nói là một sự thất
bại về ngoại giao.
Diễn biến của chuyến đi cho thấy, dù chính thức Tổng thống Barack
Obama mời qua, nhưng việc qua Mỹ xem ra do phía Việt Nam chủ động, muốn
qua gấp để chuyển một số thông điệp cần thiết sau chuyến triều kiến tại
Bắc Kinh.
Khi chiếc chuyên cơ từ Việt Nam tới sân bay quân sự Adrew tại
Washington DC vào ngày 23/7, ra đón tay tại sân bay chỉ có đại sứ Mỹ tại
Việt Nam David Sheare. Không thấy một thủ tục lễ nghi nào dành cho
nguyên thủ quốc gia, không một ai thuộc hàng tầm cỡ từ phía Hoa Kỳ, chỉ
có đại diện Vụ Lễ Tân , Bộ Ngoại giao, tôi cứ nghĩ thông thường ở nước
Mỹ có lẽ sẽ thực hiện nghi thức đó tại Nhà Trắng.
Thế nhưng vào sáng ngày 25/7, lễ nghi đón nguyên thủ quốc gia tại
Nhà Trắng cũng không xảy ra. Tổng thống Barack Obama tiếp vội vã trong
khoảng 30 phút, không dùng bữa cơm trưa làm việc, cũng không có đại yến
mời nguyên thủ quốc gia, mặc dù buổi chiều tối Tổng thống Barack Obama
đã từ Florida trở về.
Như vậy, có thể nói rằng, ông Trương Tấn Sang đã không được đón
tiếp theo nghi lễ cấp nhà nước, thậm chí người đón ông vào Nhà Trắng để
giới thiệu với Tổng thống Obama là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David
Shear và Đại sứ Marshall người của Lễ tân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Buổi tiệc duy nhất mà chính phủ Hoa Kỳ chiêu đãi chủ tịch Trương
Tấn Sang là buổi ăn trưa làm việc với Ngoại trưởng John Kerry tại Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 24/7.
Những lời phát biểu qua lại của ông Trương Tấn Sang và John Kerry trong bữa ăn trưa chẳng có gì mới mẻ.
Về phía ông Kerry chẳng qua là nhắc lại những gì mà người tiền
nhiệm Hillary Clinton đã từng nói vào những dịp khác, từ việc tìm kiếm
người Mỹ mất tích đến thay đổi của Việt Nam sau hiệp định thương mại
Việt Mỹ, hay đàm phán tham gia Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP) hy vọng kết thúc vào cuối năm nay.
Mặc dù Liên minh các tổ chức bảo vệ lao động ở Hoa Kỳ cũng kêu gọi
Mỹ ngưng lại vòng đàm phán TPP với Việt Nam cho đến khi nào Việt Nam
chứng tỏ sự tuân thủ những chuẩn mực lao động cần có, đại diện thương
mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman nói Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách
và đáp ứng được mọi tiêu chuẩn của TPP.
Tất cả đều là ngôn ngữ ngoại giao, vẫn còn bỏ ngỏ đấy những... hy
vọng. Lời nói đẹp không bị đóng thuế và vô hại. Bởi vì vẫn phụ thuộc vào
quốc hội Mỹ, nơi có nhiều dân biểu chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân
quyền và đòi gắn liền nó với sự chuẩn thuận. Vấn đề bán vũ khi sát
thương cho Việt Nam lại càng khó khăn hơn. Có nghĩa rắng, mục tiêu trọng
tâm của chuyến đi chẳng có gì tiến triển.
Ông Trương Tấn Sang nói trong chính sách đối ngoại xem Hoa Kỳ là
đối tác hàng đầu có vẻ không thành thật. Những phê phán, chỉ trích,
những ồn ào trong các ngày lễ "chiến thắng đế quốc Mỹ", báo chí truyền
thông chính thống vẫn nhắm tới Mỹ như là "thế lực thù địch". Được quan
tâm hàng đầu chắc lẽ là như vậy.
Tóm lại, chuyến công du của TrươngTấn Sang cuối cùng chỉ là sự thăm
viếng xã giao miễn cưỡng, ngắn ngủi và nhạt nhẽo, không hề đạt được
điều gì cụ thể.
Rõ ràng, vẫn tồn tại sự khác biệt lớn và độ tin cậy còn mong manh
giữa hai nhà nước, hai hệ thống chính trị, một bên là dân chủ, tự do,
một bên là độc tài toàn trị. Bất kỳ hợp tác nào trong bối cảnh này cũng
chỉ dừng lại ở mức độ hai bên cùng có lợi, khó có thể đạt tới mức đồng
minh thân thiện.
Tập đoàn lãnh đạo Việt Nam đang ở trong thế kẹt. Muốn hay không,
chơi với Trung Cộng trong chính sách phò Tàu giữ đảng, Việt Nam đã có
quá nhiều bài học cay đắng trong lịch sử về sự tráo trở, lật lọng. Giữ
đảng trong thế chư hầu, nhưng có thể sẽ đến lúc đảng cũng chẳng giữ nổi
cái thế chư hầu nữa mà thực sự là sẽ lệ thuộc tới mức nô lệ. Cuộc xâm
lược mềm, khuynh loát kinh tế trên lãnh thổ đã nằm trong âm mưu thâm
hiểm như vậy. Còn Hoàng Sa đương nhiên đã bị xâm chiếm từ năm 1974 và
được Hán hoá 100%. Một phần Trường Sa bị xâm lược từ năm 1988 và những
đảo còn lại cũng nằm trong lộ trình thôn tính, vấn đề chỉ còn là thời
gian mà thôi. Toàn bộ lãnh hải bao bọc khu vực Hoàng -Trường Sa đều bị
Tàu không chế, ngang ngược bắt giữ, đánh phá ngư dân Việt Nam.
Giữ đảng để bảo tồn chế độ sẽ có nguy cơ đẩy đất nước vào tình
trạng bị Hán hoá, còn ôm chân Tàu sẽ đẩy tập đoàn Hà Nội tới sự bị chi
phối toàn diện bởi Trung Cộng.
Hoa Kỳ cần Việt Nam trong mục tiêu chuyển hướng chiến lược về châu
Á-Thái Bình Dương và kìm chân Trung Cộng, nhưng Việt Nam không phải là
tất cả để có thể đổi chác. Không có Việt nam, tại vùng biển Bắc Á và
biển Đông, Hoa Kỳ đang có những đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn
Quốc, Đài Loan, xa hơn là Australia, New Zealand, Indonesia và trong
vùng tranh chấp có Philippines, Singapore...
Để thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, Việt Nam
không thể là một nhà nước độc tài. Nếu có sự mong muốn ấy từ phía Việt
Nam, chỉ có thể là sự giả dối, láu cá. Không thể trở thành bè bạn hay
đồng minh được khi có quá nhiều "khác biệt" về các giá trị dân chủ và
nhân quyền. Mà thực ra sự "khác biệt" sống sượng, khiên cưỡng ấy là do
quan điểm của chủ nghĩa độc tài, phi dân chủ mà ra.
Giá trị của nhân quyền ở mọi nơi, với mọi chủng tộc, màu da là như
nhau. Giá trị của nó là phổ quát, không thể có nhân quyền kiểu Mỹ, kiểu
Thụy Điển hay kiểu Việt Nam.
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho
họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có
quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đó là mở
đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và đã được Hồ Chí Minh đưa
vào Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ngày 2/9/1945.
Người Việt hay người Mỹ đều có những quyền sống như nhau.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét