Bìa Hải Trung

SÁCH QUÊ QUÁN CỦA THƠ (3)

NGÔ MINH

TÂM THỨC HUẾ THƠ

      Không biết tự bao giờ, mọi người Việt Nam mỗi khi nhắc đến Huế thường gọi một cách trìu mến: HUẾ THƠ ! Có lẽ Huế là xứ sở duy nhất trên thế giới tên gọi lại được kèm với chữ Thơ như một biểu tượng nghệ thuật. Vâng , đã có một Huế Thơ trong tâm thức người Việt bao đời. Điều gì đã tạo cho Huế có cuộc kết duyên cùng thơ kỳ diệu như thế ? Bài viết này muốn cùng độc giả đi tìm đôi điều lý giải hiện tượng văn hóa đặc biệt đó.

          Nếu có sự đo đếm, Huế hẳn không thua kém bất cứ thành phố nào trên thế giới về số lượng thơ ngợi ca vẻ đẹp huyền bí của mình hoặc nhờ vẻ đẹp đó mà có! Bởi thế mà Huế đã trở thành chiếc nôi sinh thành, mái nhà trú ngụ, lớn lên của nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam gần 200 năm qua. Từ các vị vua thi sĩ như Minh Mạng, Thiệu Trị,Tự Đức… đến các ông Hoàng như Miên Thẩm, Miên Trinh, các bà chúa như Mai Am, Huệ Phố… đến các bậc quan lại nho gia như Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…Từ Phan Bội Châu đến Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư .v.v..đến Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Văn Cầm Hải.v.v...Dường như tất cả các thế hệ thi nhân Việt Nam không ai là không có đôi ba bài thơ tặng Huế. Người ở Huế làm thơ về Huế, người xa Huế làm thơ nhớ Huế, người chỉ lần đầu đến Huế thôi cũng tức cảnh sinh tình mà có thơ...

               Không biết chuyện địa danh có quan hệ gì với thuyết âm dương hay không, mà bao nhà thơ đến Huế đều cảm nhận được một điều bổi hổi : Huế thuộc về giống cái! Trong thu khuya, lang thang cùng trăng trên những lối Huế thấp thoáng hương long não, hương lài, hương hoa bằng lăng; hay sớm xuân qua Trường Tiền sương rối, bạn sẽ cảm nhận rất rõ chất nữ tính trinh nguyên, quyến rũ của Huế! Vâng, Huế là CON GÁI, là Nàng Thơ! Đặc ân tuyệt vời này HUẾ dành cho các nhà thơ. Những sợi hương huyền bí ấy len vào cõi sâu kín nhất của tâm hồn, thức dậy, làm thăng hoa những khát vọng sáng tạo thơ ca tiềm ẩn . Mơ khách đường xa khách đường xa / Aïo em trắng quá nhìn không ra / Ở đây sương khói mờ nhân ảnh...( Hàn Mặc Tử). Bao nhiêu hình ảnh  trong cuộc sống hàng ngày của cô gái Huế đã trở thành hình tượng thơ điển hình tới mức cổ điển, khảm vào lịch sử văn chương dân tộc, như Tà áo tím Huế, tà áo dài trắng nữ sinh Đồng Khánh, nón bài thơ, mái tóc thề, giọng hò mái nhì… Cho đến cái bao la thăm thẳm như mưa Huế, chuông chùa Thiên Mụ, vườn cây trái Kim Long, Vĩ Dạ.. . cũng như được sinh ra, được đắp bồi, tạo dựng riêng cho thơ! Đoàn Phú Tứ đã phát hiện ra  Màu thời gian tím ngát- Đó cũng là màu Huế, màu của Thi Ca trường cửu. Cách đây hơn  20 năm, Trần Dần vào Huế, ông kêu lên :“Ôi, nhân loại tím”. Ông tâm sự  rằng, sở dĩ ở Huế dễ cảm xúc thơ là do có trời, có đất, đủ âm đủ dương. Có những cái đó mới có thơ ! Huế Thơ kết tinh trong con người Huế từ điệu đi, dáng đứng, kết tinh trong núi Huế, cây Huế, vườn Huế, trong từng cơn chớp biển mưa nguồn đan chen trong  không gian nội tâm tình cảm, trở thành tiếng gọi từ nơi sâu kín nhất của hồn người. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cho rằng chính cái nết đất nết người Huế như hòa đồng với phẩm chất của thơ. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, từng gửi cả thời trai đam mê của mình trong con đò và tiếng đàn Huế, lúc sinh thời có lần Tạp chí Sông Hương xin ông thơ để in, ông chép gửi vào một chùm bảo răng in bài nào là tùy ý tòa soạn. Nhưng lại hồn nhiên năn nỉ:”- xin đừng gạt đi bài mưa của tôi. Cái trận mưa Huế ngày này qua ngày khác…đã “giam hãm“cả tuổi xuân của tôi..”. Một lần nhà văn Trần Trị Trường ở Hà Nội và nhà thơ Dư Thị Hoàn ở Hải Phòng lần đầu tiên đến Huế, sau chuyến thăm thú Di sản Thế giới, thưởng thức phong cảnh và ẩm thực Huế, đã có một nhận xét vui mà sâu sắc : “Đến Huế chúng tôi mới phát hiện ra rằng nhạc Trịnh Công Sơn  quá hay , thơ về Huế quá hay không phải do nhạc sĩ, nhà thơ quá tài mà chính Huế đã làm nên tâm hồn họ.“Vâng, chính Huế  là nguồn  mạch vô tận cho thơ !

              Sông Hương chính là linh hồn của TÂM THỨC HUẾ THƠ. Nói đến Huế là nói đến sông Hương, núi Ngự... Dạ thưa xứ Huế bây giờ / vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương( Bùi Giáng). Trong 20 thắng cảnh nổi tiếng đất Thần Kinh được vua Thiệu Trị xếp hạng và đề thơ tranh gương cách đây 155 năm có Hương Giang: Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ / Sơn hoa do luyến kết vân anh (Cây cối hai bên bờ sông còn đẫm sương. Hoa trên núi còn vương vấn với mây đẹp đẽ - bài Hương Giang Hiểu phiếm). Sông Hương sinh ra cho thơ, cho Huế. Con sông như một làn hương thơm vào hồn phố. Trên dòng sông ấy có con đò thơ với những thú vui tài tử như ca Huế, thả đèn, thả thơ, ngủ đò.. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ tuyệt đẹp về dòng sông quê ông : Trên dòng Hương Giang / Em buông mái chèo/  Trời trong veo/ Nước trong veo.. Sông Hương mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ , bao đời nay là người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở . Nếu như chẳng có sông Hương /  Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi..( Huy Tập). Có tới hai phần thơ Huế là viết về sông Hương, hoặc sinh ra trên dòng sông . Khi thì thật khí phách: Hương Giang như kiếm lập thanh thiên ( Cao Bá Quát). Khi chợt thốt lên lãng đãng : Hương ơi, e phải mày khôn / Sông ấy hóa ra mình có… (Phan Bội Châu).. Thu Bồn đã phát hiện ra bản lĩnh và chiều sâu tâm hồn Huế: Con sông dùng dằng con sông không chảy / sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Nhạc sĩ, nhà thơ tài danh Văn Cao lúc sinh thời đã viết nhiều tác phẩm, nhạc thơ về Huế. Trong một bức tâm thư gửi Huế ông đã kể rằng:“ Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc tôi tìm nguồn từ đấy . Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố Đô là những điều gây cảm xúc cho sáng tạo”. Nhạc của ông mang hồn Huế. Thảo nào, biết bao đêm thuyền ngược sông Hương mờ ảo trong bóng núi mây, ta bỗng thèm được hát , được nghe “Thiên Thai ”, ”  Suối mơ ”, “ Trương Chi ”, thèm đọc thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế đến da diết . Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong bút ký nổi tiếng  Ai đã đặt tên cho dòng sông đã viết rất xúc động : “… hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ  đánh đàn trong đêm khuya... toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya . Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên khoảng sông này , với một phiến trăng sầu . Và từ đó những bản đàn đã đi suốt đời Kiều . Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều “ trong như tiếng hạc bay qua - đục như tiếng suối mới sa nửa vời ”... Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên : ”Đó chính là Tứ Đại Cảnh ! ” .

 

           Đối với các thế hệ thi sĩ Việt Nam, Huế luôn luôn mới, sông Hương luôn luôn mới. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, một đứa con của Huế, một chiều nọ bỗng phát hiện ra một hình tượng đẹp chưa từng có trong thơ về dòng sông : Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ / Bên dòng sông như chưa biết chiều tan / Tôi với nó lặng im bè bạn / Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang …

                Lịch sử Huế là lịch sử nước Việt, là lịch sử sáng tạo của nhân dân . Sương khói Huế, sông Huế, núi Huế, văn hóa Huế, thơ Huế, cho đến điệu Nam Ai, Nam Bình đều nằm trong tiến trình lịch sử người Việt đi mở cõi . Gần trăm rưỡi năm kinh đô nước Việt đã đúc nên một Huế tài hoa, đài các và thâm trầm. Lịch sử cách mạng 63 năm cuộn chảy, với tâm thức nhân dân đã lọc giữ cho Huế những giá trị văn hóa vật chất mang trầm tích của triết lý nhân sinh, mang giọt nước mắt nóng hổi của lịch sử… Huế là không gian cổ điển Phương Đông thuần khiết. Huế là chốn của những mái cong đền cổ thấp thoáng dưới bóng vườn xanh. Không gian cổ tích ấy là môi trường lý tưởng của những chiêm nghiệm, những cảm thức làm nền tảng triết lý cho thơ: Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ / chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu ... / em rất thực nắng thì mờ ảo /  Xin đừng lầm em với Cố Đô ( Thu Bồn) . Các nhà thơ trẻ Huế hôm nay không chỉ biết hoài cổ mà đang vươn tới sự hiện đại trong các hình tượng thơ về Huế . Tôi nằm dưới bóng râm thời trang / kinh nghiệm xanh rì rào thành phố /  Đất nước tôi /  những vùng môi mặn đỏ phù sa.../  Giấc chiêm bao lịch sử nóng ran ..( Văn Cầm Hải).  Người lính đi qua chiến tranh , trở về với đời thường , tưởng đã bị thời gian lãng quên, bỗng nhận ra mình trong dáng phong sương cổ kính của những chú ngựa đá trong lăng tẩm cũ: Biết tìm đâu người lính buổi xa xăm /  Ai đang còn bạc phơ râu tóc / Nấm cỏ vô danh ai người đã khuất /  Nhớ cuồng chân ngựa hóa đá đứng chờ … ( Ngô Minh)

 

              Có một HUẾ THƠ trong TÂM THỨC. Huế dành đặc ân cho Thơ . Và đến lượt mình , THƠ tôn vinh xưng tụng Huế  thơ làm cho Huế lung linh hơn , thăng hoa hơn. Một Thôn Vỹ Dạ qua thơ Hàn Mạc Tử đã trở thành địa chỉ tâm hồn, tâm linh, địa chỉ hành hương của hàng chục triệu người Việt Nam : Sao anh không về chơi Thôn Vỹ ? / Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên …Cứ thế Thơ sinh sôi với Huế, Huế đẹp thêm với Thơ với người, trở thành Bài -Thơ- Đô -Thị tuyệt tác của nhân loại.

 

                            “TÔI NHỚ VỢ TÔI LẮM”...

 

             Phải có xúc cảm mạnh  tạo ra khoảng trống lớn và sự đột biến về tình cảm mới có thơ hay.  Thơ về bất cứ đề tài gì cũng vậy. Nhiều nhà thơ làm thơ tình hay vì họ dám “chết vì yêu”. Thơ tặng vợ cũng là thơ tình, nhưng nó không chỉ là nụ hôn, nhớ nhung hờn giận, vì  giai đoạn “yêu đương” trai trẻ đó đã qua rồi, mà cao hơn, đó là tình nghĩa, trách nhiệm, bổn phận với tương lai gia đình. Mà cái đó thì người đàn ông nào cũng phải gánh vác. Vì thế  nhiều nhà thơ cả đời không làm nổi bài thơ tặng vợ, không phải vì không yêu vợ, mà vì cuộc sống diễn ra thường nhật không có những cảm xúc đột biến. Bởi thế mà tôi đọc tuyển tập “Thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XX” dày 983 trang của NXB Giáo dục (2004) với gần 600 bài thơ của gần 500 nhà thơ, mà chưa đến chục bài thơ trực tiếp viết tặng vợ được tuyển. Tuyển Thơ Việt Nam 1945- 2000 do Gia Dũng biên soạn ( NXB Lao động-  2001)  dày 1700 trang , chọn gần 780 tác giả thơ với hơn  800 bài thơ trữ tình, mà chỉ có  bốn năm bài tặng vợ . Hẳn nhiên là tất cả các bài đều “đáng đồng tiền bát gạo”.  Thế mới biết làm thơ tặng vợ là một thách thức đối với các nhà thơ. Tuy nhiên, tôi biết thơ tặng vợ của các nhà thơ Việt trong thế kỷ 20 còn nhiều hơn thế. Có người ở Hà Nội đã sưu tầm tuyển in thành tập “Thơ tình tặng vợ” dày với lời bình công phu để bán. Chỉ riêng nhà thơ Nguyễn Duy thôi đã có hẳn một tập thơ tặng vợ có tựa đề rất mùi là “ Vợ ơi.”

 

           Điều may mắn là thơ tặng vợ trong văn chương Việt Nam tuy ít hơn tặng “người yêu”, nhưng toàn là bài hay, thậm chí rất hay . Hình ảnh người vợ tảo tần, chịu khó chịu thương trong bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương đã khảm vào lòng người Việt suốt thế kỷ qua: Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng / Lặn lội  thân cò khi quãng vắng / Eo sèo mặt nước lúc đò đông.... Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chỉ xa vợ mươi ngày đã “Anh vào ra tha thủi một mình”, rồi  “Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi / Tuần đôi bận lau nhà thay vỏ gối / Thay việc em làm mà không thay nổi / Cái tảo tần rất mẹ ở trong em.. (Ngày xa em) . Nhà thơ Lâm Xuân Vy  ở Ninh Bình  có hàng chục bài thơ tặng vợ, bài nào cũng da diết, thâm trầm : Ước gì nồi nước lá xông / Có thương yêu giải chất chồng nắng mưa ( Em ốm) . Bài thơ Màu tím hoa sim lừng danh của nhà thơ Hữu Loan sáng tác trong Căn cứ Văn nghệ Liên Khu 4 ở thôn Quần Tín, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa kháng chiến chống Pháp là một bài thơ khóc người vợ trẻ của mình ở quê nhà. Bài thơ là những lời trần thuật thống thiết trước  bi kịch chiến tranh: Nhưng không chết / Người trai khói lửa /  Mà chết / Người em gái nhỏ hậu phương . Nên Chiều hành quân / Qua những đồi sim  / Những đồi sim dài  trong chiều không hết / Màu tím hoa sim / Tím chiều hoang biền biệt...Hình ảnh màu tím hoa sim từ đó trở thành biểu tượng đau đớn của tình yêu trong chiến tranh khắc vào trí nhớ bao thế hệ người đọc.  Nhà thơ Thanh Tùng ở Hải Phòng có bài thời Thời hoa đỏ nổi tiếng được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc cả nước ai cũng thuộc, cũng hát : Em hát một câu thơ cũ / Cái say mê của thời thiếu nữ / Mỗi mùa hoa đỏ về / Hoa như mưa rơi rơi / Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi / Như máu ứa của một thời trai trẻ ... Nhưng có lẽ  không ít bạn yêu thơ yêu bài hát biết rằng những câu thơ rỏ máu ấy chính là bài thơ nhà  thơ khóc chị Thanh Nhàn , người vợ  trẻ xinh đẹp và xấu số của mình , khi nghe tin chị bị bệnh tim mất ở Quảng Ninh. Thơ ấy là thơ vắt tim ra mà viết. Người Hà Nội thời bao cấp nghèo khó, vợ chồng sáng nào đi làm cũng có cái cặp lồng cơm treo ở ghi đông xe đạp. Thế mà cũng thành thơ : Tiễn em buổi sáng đi làm / Nón quên anh nhắc , chiếc làn anh đưa / Tần ngần một thoáng dây dưa / Trao em chiếc cặp lồng trưa quá nghèo...( “Tiễn em”- Nguyễn Hoàng Sơn). Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Cầm Vĩnh Ui  dân tộc Thái có bài thơ Nhớ vợ rất chân thật , theo kiểu người dân tộc, nhưng cách diễn đạt lại độc đáo hiện đại : Tôi nhớ vợ tôi lắm / Cho tôi về hai ngày... Ngày kia tôi sẽ đến / Lại cầm súng được ngay / Tôi càng bắn trúng Tây / Vì tay có hơi vợ ... Cái “Tay có hơi vợ” ấy làm cho bài thơ sống mãi trong lòng người đọc . Còn đoạn thơ kết ngộ nghĩnh, thú vị ” Nếu có được trên tặng / Cho một cái bằng khen / Tôi sẽ rọc đôi liền / Gửi cho vợ một nửa” lại nói được một điều thẳm thẳm hơn: Của chồng công vợ !

 

           Trong kháng chiến chống Mỹ,“Bài thơ hạnh phúc” của nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) tặng vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại mặt trận Quảng Nam là một bài thơ bi tráng, sống mãi với thời gian : Thôi em nằm lại / Với đất lành Duy Xuyên / Trên mộ em có mùa xuân ở mãi / Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...Không có tình cảm lớn, tình yêu lớn không thể viết được những câu thơ tình se thắt lòng người như thế.

 

         Bài thơ Tôi ra cửa biển của  Hải Kỳ ở Đồng Hới là  bài thơ tình rất hay viết tặng vợ được tuyển vào rất nhiều tuyển tập thơ tình. Vợ đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhà thơ “gà trống nuôi con” mấy năm liền.  Vừa đi dạy học, Hải Kỳ vừa thay vợ  nấu ăn, giặt giũ quần áo, chăm sóc hai  con trai nhỏ ăn uống, học hành. Công việc bận bịu vất vả hàng ngày không thể nào lấp được khoảng trống vắng mà vợ để lại trong lòng anh : Em đi góc biển chân trời / Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên / Mùa đông rụng lá ưu phiền / Sang xuân có bớt nỗi niềm nhớ mong

                                      Biết là nhớ cũng bằng không

                                      Tôi ra cửa biển  ngồi trông cánh buồm...

   Đây là đoạn thơ hay nhất  đã được chọn in trong tập “ Những câu thơ trong trí nhớ” do nhà thơ quá cố Tô Hà chọn. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn hai câu thơ Biết là nhớ cũng bằng không  / Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm  vào  tuyển sách “ Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”.

 

         Trong thơ tình tặng vợ cũng có những bài thơ nói rất sâu sắc về  mối quan hệ vợ chồng, sau giai đoạn “yêu đương” thời trai trẻ.  Nhà báo Thuận Hữu ( hiện là Tổng biên tập báo Nhân Dân) rất ít làm thơ, nhưng anh lại nói về “ Những phút xao lòng” của cả chồng lẫn vợ trước hình bóng người thứ ba một cách thuyết phục. Bài thơ đã nói hộ nhiều người cái khó nói nhất, làm cho vợ chồng hiểu nhau hơn, bao dung hơn trong cuộc sống. Tôi nghĩ hình như nhà thơ dành nhiều hơn sự lý giải thông minh, chân tình này cho những người chồng trên thế gian. Bởi lẽ so với đàn bà, đàn ông đa mang hơn : Ai cũng có một thời để yêu một thời để nhớ / Ai cũng có những phút giây ngoài vợ ngoài chồng / Đừng trách chi những phút xao lòng!  

 

         Trong những tháng ngày gian nan của đời mình, nhà thơ Phùng Quán đã viết tặng người vợ thuỷ chung son sắt của mình một bài thơ mà anh đặt tên là “Kinh cầu nguyện buổi sáng”. Sinh thời, cứ mỗi buổi sáng thức dậy trên “Chòi ngắm sóng”, anh uống chén rượu, rít hơi thuốc lào xong là ngồi nghiêm trang đọc thật to bài thơ cho chị Bội Trâm, vợ anh,  nghe như người sùng đạo đọc kinh buổi sáng: ...Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền / Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường / Tôi sẽ bị trời tru đất diệt!

Em là cây thập tự của đời tôi

Tôi phải mang vác cho đến ngày chung cuộc

Tôi sẽ đi với em

 Cho đến tận mút chót con đường

Cho đến lúc tôi nằm dài dưới đáy huyệt

 

          Để kết thúc bài viết, Ngô Minh xin mạo muội khoe với bạn đọc bài thơ “Hoa Hậu”, bài lục bát  nôm na tặng vợ mà Ngô Minh làm cách đây gần 20 năm, được rất nhiều người thuộc và được in vào nhiều tập thơ tuyển. Mỗi lần khách đến nhà uống rượu, bảo Ngô Minh đọc thơ, vợ lại bấm vào lưng giục: “Đọc Hoa hậu đi ! đọc Hoa hậu đi!” : Trưa  nay hoa hậu muộn về / Bố con thi sĩ cơm khê lửa cười / Vô tư là giống trên đời / Biết đâu rau đậu bời bời giá lên / Đồng tiền như ả vô duyên / Đầu hôm hăm mốt qua đêm còn mười/ Lội quanh chợ cá chiều rồi / Thứ ngon thì đắt thứ ôi thì buồn / Em cười cho bữa cơm ngon / Trung thu chiếc bánh cho con nhớ mùa / Chiều chồng chén rượu đĩa dưa / Con bầu  còn bạn đời chưa cạn tình / Em thi hoa hậu một mình / Âm thầm vương miện lặng im thơ đề !

 

          Vâng, vợ là hoa hậu không phải thi một lần mà thi suốt đời. Thi khắt khe trước chồng con, trước hàng xóm, bạn bè, trước bà con dòng họ ... Em thi hoa hậu một mình / Âm thầm vương miện lặng im thơ đề...

 

HUẾ ĐÃ NUÔI TÔI THÀNH THI SĨ

  Tuổi nhỏ ở  làng Thượng Luật heo hút ở góc biển nam Quảng Bình, tôi đã tập viết báo, làm thơ. Năm 1965, nghe chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam , nghe nghệ sĩ Kim Cúc ngâm bài thơ Sao chiến thắng của Chế Lan Viên viết về chiến công của  quân dân Quảng Bình bắn máy bay Mỹ, tôi đã xúc động làm bài thơ Nghe sao chiến thắng với đề từ "Kính tặng nhà thơ Chế Lan Viên" hẳn hoi. Làm suốt đêm, xong gấp lại nhét vào mái tranh nhà , rồi ngủ quên. Sáng anh trai tôi là Ngô Tấn Ninh, một ngư dân mọt sách đọc đông tây kim cổ, đi biển về ăn sáng, đi tìm tăm, phát hiện ra bài thơ. Anh đọc rồi bảo :"Chưa phải thơ đâu, nhưng  khá đấy". Đi đại học Thương Mại ở Hà Nội bốn năm tôi cũng làm nhiều thơ chép trong một tập vở học trò, nhưng gửi các báo chẳng ai đăng cả. Bốn năm bộ đội chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ tôi làm nhiều thơ nhưng chỉ đăng ở  bản tin của Sư đoàn 7, bản tin Trung đoàn  14, đơn vị của tôi, để  phục vụ  bộ đội chiến đấu. Tôi được đăng bài thơ đầu tiên trên báo Văn nghệ Giải phóng là bài thơ Ở rừng nhớ biển đầu năm 1975 với tên thật là Ngô Minh Khôi mà họ in sai thành Nguyễn Minh Khôi.

         Cuối năm 1976, tôi từ Sài Gòn về Huế, tự dưng làm được rất nhiều thơ. Ở Huế 34 năm, tôi đã xuất bản 13 tập thơ được bạn đọc mến mộ, trong đó có 3 tập thơ được tặng thưởng. Hai lần được giải thưởng  của Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng Bông Sen trắng (Bình Trị Thiên), 4 lần được Giải thưởng Cố Đô . Có thể nói, không về Huế thì tôi không thể thành nhà thơ. Vâng, Huế đã nuôi tôi thành thi sĩ !

         

                  Năm 1976, về với Huế , tôi được gặp các nhà thơ, nhà văn mà thời học sinh ở Lệ Thuỷ, tôi đã đọc, đã yêu  họ như Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Hoàng, Hải Bằng, Võ Quê, rồi nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, v.v...Tôi thuộc Mặt đường khát vọng của Ngưyễn Khoa Điềm, tôi mê Biển và bờ của Xuân Hoàng. Thuộc Mồ anh hoa nở của Thanh Hải, thuộc Cồn Cỏ của Hải Bằng,  tôi đọc Thuý của Hà Khánh Linh... Nên được gặp, được bắt tay, chạm cốc, rồi cười nói với các anh chị tôi xúc động lắm. Những lần gặp gỡ với các anh chị luôn kích thích tôi sáng tác. Thuở nhỏ, tôi quan niệm nhà thơ là những người ma thuật. Chỉ một dúm chữ mà họ làm ra những bài thơ lay động lòng người. Nên hồi học cấp 2 ở làng, tôi đã  bỏ học  hai ngày để chạy theo xem mặt đoàn nhà thơ  Anh Thơ, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh ...về thăm Ngư Thuỷ quê tôi đánh Mỹ giỏi. Riêng anh Thanh Hải tôi thuộc rất nhiều bài thơ của anh vì thơ anh được đưa vào sách giáo khoa ở miền Bắc. Anh có bài thơ ít người thuộc, nhưng tôi lại rất thích, vì đó là bài thơ viết tặng Quảng Bình rất ám ảnh :

Quảng Bình ơi chín năm xưa đánh giặc

Vui khổ cùng chung mảnh đất miền Trung

Xa cách mười năm mười năm thầm nhắc

Lòng hẹn lòng qua đôi bến Hiền Lương...

 

        Những câu thơ đó ra đời khi tôi đang còn học cấp 2, đọc được và chép vào sổ tay từ một trang báo hiếm hoi ở làng cát nghèo hẻo lánh quê tôi, do một người từ Đồng Hới mang về. Lớp nhà văn tiếng tăm lẫy lừng này đã châm ngòi nổ thơ trong tôi bùng lên mạnh mẽ hơn khi tôi về sinh hoạt với các anh trong Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, rồi sau này là Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế .

        Tôi đặc biệt thích thú khi về Huế gặp những người bạn cùng lứa, cùng học trường huyện năm xưa làm thơ như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Lê Đình Ty, Đỗ Hoàng, Lê Thị Mây, Mai Văn Hoan.v.v.. Mỹ Dạ , Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty học cùng tôi một lớp ở Trường Cấp ba Lệ Thuỷ. Các bạn đã có thơ in báo từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Ở chiến trường miền Đông Nam Bộ cuối năm 1973, tôi đã ứa nước mắt khi giữa đêm rừng Tây Ninh, nằm võng nghe Đài tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ Đêm làng đất làng nước của Hải Kỳ. Riêng Mỹ Dạ còn được giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ  năm 1973, khi tôi chưa có bài thơ nào được đăng báo. Hồi Bình Trị Thiên đó, mấy đứa đều ở Huế, ngày nào cũng  ríu rít bên nhau, nghèo nhưng lúc nào cũng rượu thơ ngất ngưỡng. Thân xác tôi công tác ở Sở Thương mại mà tâm hồn thì luôn ở  26-Lê Lợi Huế, trụ sở Hội Văn nghệ. Chỗ làm việc của tôi có cửa sổ mở ra đường Lương Thế Vinh, các bạn thơ Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật, Đỗ Văn Khoái, Nguyễn Quang Lập...đến chỉ cần  gõ nhẹ vào cửa kính là tôi vội vàng xếp sổ sách giấy tờ, tìm cách chuồn khỏi cơ quan ngay lập tức. Vì tôi làm việc rất  tốt nên cơ quan không tính thời giờ 8 tiếng.

        Có đêm mùa đông Huế chúng tôi lang thang bên sông Hương cùng các nàng thơ. Ở hiệu ảnh Phú Xuân của Công ty nhiếp ảnh trên đường Trần Hưng Đạo, đêm khuya, nhà thơ- thợ ảnh bậc 7 Lê Đình Ty  mở phòng chụp, chụp hàng trăm bức ảnh, rồi thức tráng phim, in ảnh tới một hai giờ sáng.  Có đêm mưa Huế, Mai Văn Hoan dẫn chúng tôi đi xuống tận ngôi nhà có cây vú sữa vườn Thuý trên đường Huỳnh Thúc Kháng nhìn vào ô cửa có mái tóc và ngọn đèn đang thức. Rồi xuống Bao Vinh lơ ngơ bên những ngôi nhà cổ, không biết để làm gì. Chúng mình lơ ngơ như thế suốt mùa đông, bên nhau trong mưa dầm, mang thơ đến những căn phòng bé nhỏ, nơi ánh đèn không đủ sáng để nhận ra nét gầy guộc bạn bè, chỉ những nụ cười thoáng hiện trên môi góp lửa cho thơ nóng bỏng... Đối với tôi , bạn bè là tất cả : ta như sóng ấy dễ tan đi / bạn là ghềnh đá dấu ta ghi / những gì sâu thẳm ngoài vô tận / đều có cho ta giữa bạn bè...Ai đó bảo rằng không nghê nga lãng tử, không ngất ngưỡng thì  không có thơ hay. Quả thực những năm đó, tôi lúc nào cũng  lên cơn "sốt thơ". Đêm nào tôi cũng thức đến hai ba giờ sáng với trang giấy và những chữ thơ. Ngày cơ quan việc nặng gọi tên / Về phòng  riêng thức cùng thơ canh sáng / Ôi tình yêu trẻ trung đôi cánh / Những ngày thương hoá biển giữa hồn ta...

             Những năm đầu về với Huế tôi thường lang thang với nhà thơ  Đỗ Văn Khoái miệt Nguyệt Biều sương khói.Vợ Khoái  lúc đó là công nhân Nhà máy xi măng Long Thọ, thường đi làm ca đêm,  nên Khoái phải chờ để đón vợ. Có bữa Khoái rủ tôi  lên cúng mộ bố của Khoái ở Ngự Bình. Hai anh em bày cỗ, thắp nhang vái lạy, chờ nhang tàn, rồi ngồi ngay bên mộ  uống rượu giữa đêm sương với bốn bề mộ chí. Có những đêm đi lang thang chốn âm phủ như thế tôi mới có câu thơ : Huế trăm năm lớp lớp oan hồn/ Chính tôi một oan hồn còn sông...

            Huế với tôi là những đêm chơi núi Ngự Bình, những ngày rong  ruỗi  làng Chuồn, say với cố hoạ sĩ, nhà điêu khắc Đỗ Toàn, một người Huế đa mang, đa cảm. Rồi uống rượu với nhà văn-võ sư Nguyễn Văn Dũng, nghe Bửu Chỉ hát, ăn những món ăn Hà Khánh Linh nấu, đi ăn giỗ vua Duy Tân, đi ăn chay trên chùa nhiều lần với bác sĩ Dương Đình Châu, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Bửu Ý..., nghe ca Huế xa-lon mấy lần ở phủ Công chúa Ngọc Sương (nhà anh Phan Thuận An), đi đò  thả thơ, đổ xăm hường trên Sông Hương.v.v.. Chỉ một cái làng Tiên Nộn (Phú Mậu) của bác sĩ Nguyễn Tích Ý thôi đã làm tôi say ngất ngưỡng : ước mãi về ngủ vùi trên cỏ / thở đất làng Tiên Nộn nồng hăng /ngắm cải ngắm hoa xuống đò sang phố / sông ôm làng mà cứ ngỡ mình ôm... 34 năm, từng chút một, Huế đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn tôi thành thơ văn lãng đãng.

          Nhưng có lẽ sâu đậm nhất trong tôi là những năm tháng "ham chơi" với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi và Nguyễn Trọng Tạo hay gọi vui "Tường là nhà hiền triết cũ còn sót lại". Anh có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, văn học,văn hoá, lịch sử, địa lý...Đó không phải là kiến thức "tầm chương" mà đã nhập tâm thành máu thịt. Nhờ đó, anh soi sáng dưới nhiều góc độ khác nhau những vấn đề mà mình quan tâm. Từ đó chiết ra được những ý nghĩa mới, giá trị hình tượng mới thấm đẫm tình yêu và trí tuệ, thành thứ văn chương "tri âm tri kỷ" làm nhiều  thế hệ độc giả mê say. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi là cậu học trò nhỏ, là người em, người bạn vong niên trong hơn ba chục năm qua. Gần gụi bên anh, nghe anh nói, nghe anh đọc, tôi ngày càng có thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm sáng tác trên con đường văn chương thăm thẳm. Trong cái góc nhỏ của Huế gọi là Bến Ngự , hồi anh Tường lúc còn chưa bị bạo bệnh, Nguyễn Trọng Tạo chưa ra Hà Nội, ba chúng tôi dường như chiều nào cũng ngồi cùng với nhau nơi quán cóc, nhâm nhi chén rượu , nghe anh Tường nói  muôn chuyện buồn vui nhân tình thế thái . Tường nói rất hay. Nếu có  máy ghi âm, ghi lại rồi in ra, thì đó là những bài  bút ký siêu hạng. Nghe mà say, mà thấm. Với tôi những buổi chiều như thế là những buổi ngoại khoá văn chương thực sự bổ ích.

           Tôi đã lớn lên trong văn chương với Huế từng ngày một như thế. Không gian Huế, sông Huế, núi Huế, vườn Huế, sương khói Huế, bạn bè Huế, những lăng tẩm cổ tích Huế... luôn tạo ra ‘từ trường' để ăng-ten nhà thơ luôn bắt được sóng thơ, tạo ra những bài thơ xúc động. Năm 1976, tôi ra quân, từ Sài Gòn chuyển về Trường Đại học Thương Mại, trường giữ tôi lại làm giảng viên, nhưng tôi đã nằng nặc bốn tháng trời để  xin cho được về Huế. Nếu ở Trường Đại học, tôi cũng kiếm được cái  giáo sư -tiến sĩ hay chức vụ gì đó, có thể sẽ giàu có, lại được ở Hà Nội. Nhưng tôi đã chọn Huế để trở thành nhà thơ. Và dù nghèo, phải viết  báo hàng ngày để vợ có thêm tiền đi chợ, nhưng tôi luôn tin lựa chọn đó của mình 37 năm trước là đúng. 36 năm qua là 36 năm tôi tìm tôi tìm Huế :

...tôi tìm tôi lạnh toát

đường Phan Bội Châu số nhà ba mốt

đỉnh dốc là Sào Nam tôi ở lưng chừng

nơi có mệ già ngồi bên đường chìa mê nón

                                                       xin đời bố thí

bốn mùa mệ không đổi dáng ngồi

như tượng đài thời gian rách nát

mệ cũng là người ngoài cuộc đời

tuổi trẻ ồn ào đi qua lướt qua không thèm để ý

dân xe cúp xe con rú máy vèo qua

                                           xả khói vào mê nón

rơi vào mê nón nắng mưa nhiều hơn đồng hào

chuông chùa rơi từng giọt lắng trầm

"Anh chị cho tui xin một đồng"!

tiếng cầu xin bám đuổi hồn tôi

ôi, khổ đau cũng  mong thêm được vài phút sống!...

 

        Quê tôi  ở miền cát biển Nam Quảng Bình gọi là làng Thượng Luật. Mẹ tôi đẻ rơi tôi trên cát một chiều thu tháng Bảy sóng nhảy qua bờ. Có lẽ vì thế mà tôi đọc, học, đi và viết một đời vẫn không ra khỏi cái sâu xa của hạt cát  và sự bao dung của biển. Biển, cát, mạ, cha và làng Thượng Luật đã cho tôi cuộc sống và thơ ca. Đối với tôi viết là để trả ơn hạt cát và vị muối biển và đi tìm chính mình trong đó. Thơ là sự chiêm nghiêm, chiêm cảm và giải bày. Thơ là thứ dùng để mong lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn vừa là thứ cuốc xẻng đào sâu thêm những khoảng trống ấy…

           Từ ngày có Huế, tôi thấy mình như có thêm một điểm tựa vũng chãi về văn hóa, tâm linh, tâm tình để dấn bước trên con đường thơ ca thăm thẳm. Từ đây thơ tôi là Mạ, cha, biển, cát, là non nước núi sông Huế, là góc chợ rau dưa hè phố hành hàng/ Bên dòng sông nắng đục mưa trong/ Câu ca như cầu bắc…

                Vâng, Huế đã nuôi tôi trở thành thi sĩ